Quy định Của Pháp Luật Về Tội Giả Mạo Trong Công Tác

quy-dinh-cua-phap-luat-ve-toi-gia-mao-trong-cong-tac“Tội giả mạo trong công tác” được quy định tại Điều 284 Bộ luật hình sự như sau:

Điều 284. Tội giả mạo trong công tác

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

b) Làm, cấp giấy tờ giả;

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.”

A. Dấu hiệu pháp lý cấu thành tội phạm:

1. Chủ thể của tội phạm:

-Điều kiện về độ tuổi: người từ đủ 16 tuổi trở lên

– Chủ thể của tội này là người có chức vụ, quyền hạn. Điều 277 Bộ luật hình sự nêu ra khái niệm về người có chức vụ như sau: “Người có chức vụ nói trên đây là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”

Những người không có chức vụ, quyền hạn cũng có thể là chủ thể của tội phạm nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi dục, người giúp sức còn người thực hành nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

2. Khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội giả mạo trong công tác là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, tính xác thực của các loại giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Đối tượng tác động của tội giả mạo trong công tác là giấy tờ, tài liệu, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Người phạm tội đã tác động vào làm cho các tài liệu, giấy tờ, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn bị sai lệch, không đúng với thực tế.

3.Mặt khách quan của tội phạm:

a, Hành vi khách quan

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc giả mạo trong công tác; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện một trong các hành vi sau:

– Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu.

Nội dung của hành vi này gồm hai hành vi: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ và sửa chữa, làm sai lêch nội dung tài liệu.

+Sửa chữa, làm sai nội dung giấy tờ là hành vi tẩy xoá, viết thêm, bỏ bớt hoặc bằng thủ đoạn khác làm cho nội dung giấy tờ đó không còn đúng với nội dung vốn có của nó. Sửa chữa, theo hướng tích cực thì sửa sai thành đúng, nhưng hành vi sửa chữa ở đây được hiểu là sửa đúng thành sai với động cơ xấu. hậu quả của việc sửa chữa là làm sai lệch nội dung giấy tờ đó, làm cho nội dung của giấy tờ đó không đúng với thực tế kách quan.

+ Sửa chữa, làm sai lệch nội dung tài liệu là hành vi thêm, bớt hoặc bằng thủ đoạn khác làm cho nội dung của tài liệu đó không đúng với nội dung vốn có của nó, sửa đúng thành sai như đối với việc sửa chữa giấy tờ.

-Làm, cấp giấy tờ giả:

+ Làm giấy tờ giả là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm ra một trong các giấy tờ mang tiêu đề nhất định và có giá trị nhất định, nhưng nội dung không đúng với thực tế khách quan. Giấy tờ giả là giấy tờ không có thật, tức là cơ quan Nhà nước không ban hành loại giấy tờ đó hoặc có ban hành nhưng nội dung không đúng với giấy tờ mà người phạm tội làm. Điều luật chỉ quy định làm giấy tờ giả, mà không quy định làm tài liệu giả, nên trong trường hợp người phạm tội có hành vi làm tài liệu giả thì cần phải xác định tài liệu đó có tồn tại ở dạng giấy tờ không, nếu không tồn tại ở dạng giấy tờ thì không phải là đối tượng tác động của tội phạm này.

+ Cấp giấy tờ giả: là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để cấp giấy tờ cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân mà người phạm tội biết chắc đó là giấy tờ giả. Hành vi cấp giấy tờ giả cho người khác, có thể cũng là hành vi làm giấy tờ giả rồi cấp giấy đó cho người mà mình quan tâm, nhưng cũng có thể người phạm tội chỉ thực hiện việc cấp giấy tờ giả đó, còn việc làm ra nó lại do một người khác thực hiện. Thông thường, người làm ra giấy tờ giả cũng là người cấp giấy tờ giả đó. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người làm và người cấp khác nhau.

-Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn : Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn là hành vi ký giả hoặc bằng những thủ đoạn khác như: in, photocopy… chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

b,Hậu quả:

–Hậu quả của tội giả mạo trong công tác là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội.

-Tuy nhiên Hậu quả của hành vi giả mạo trong công tác không phải là dấu hiệu bắt buộc, tức là, dù hậu quả chưa xảy ra nhưng hành vi vẫn cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu hậu quả do hành vi giả mạo trong công tác gây ra là hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị tổ chức trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật.

4.Mặt chủ quan của tội phạm

– Yếu tố lỗi: Tội giả mạo trong công tác được thực hiện với lỗi cố ý (cố ý trực tiếp); tức là: người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

– Động cơ phạm tội là cái bên trong thuộc mặt chủ quan của tội phạm và người phạm tội không bao giờ thừa nhận nếu không có căn cứ ; là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, nếu người phạm tội có các hành vi khách quan nêu ở trên nhưng không vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác thì hành vi giả mạo trong công tác chưa cấu thành tội phạm.

B. Các trường hợp cụ thể

1.Các tình tiết tăng nặng của khung hình phạt tại Khoản 2 Điều 284:

a,Có tổ chức.

Phạm tội có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức. Nhưng không phải vụ án giả mạo trong công tác có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên, mà tuỳ từng trường hợp, có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi dục hoặc người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành. Người phạm tội giả mạo trong công tác có tổ chức có những đặc điểm riêng như: Người thực hành trong vụ án giả mạo trong công tác có tổ chức phải là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để giả mạo trong công tác. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện các hành vi khách quan .

quy-dinh-cua-phap-luat-ve-toi-gia-mao-trong-cong-tac%281%29

>>> Lut sư tư vn pháp lut trc tuyến qua tng đài:1900.6568

b, Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu

-Người có trách nhiệm lập các giấy tờ, tài liệu là người được giao lập các giấy tờ, tài liệu nhưng đã lợi dụng nhiệm vụ được giao để làm sai lệch nôi dung thật của các giấy tờ tài liệu.

-Người có trách nhiệm cấp các giấy tờ, tài liệu là người được giao cấp các giấy tờ, tài liệu nhưng đã lợi dụng nhiệm vụ được giao để làm sai lệch nội dung thật của các giấy tờ tài liệu và cấp cho người khác

c, Phạm tội nhiều lần

Phạm tội giả mạo trong công tác nhiều lần là có từ hai lần giả mạo trong công tác trở lên và mỗi lần giả mạo trong công tác đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý (kỷ luật, phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội nhiều lần.

d,Gây hậu quả nghiêm trọng: căn cứ Thông tư 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP

– Làm chết một người;

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

– Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

– Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội… Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.

2. Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 284 Bộ luật hình sự: căn cứ Thông tư 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP

Hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi giả mạo trong công tác gây ra là những thiệt rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội, có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi giả mạo trong công tác gây ra:

– Làm chết hai người;

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến bảy người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

– Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;

– Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản thuộc hai đến ba trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Làm chết một người và còn làm bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; Làm chết một người và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. v.v…

– Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội… Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là rất nghiêm trọng.

3. Trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 284 Bộ luật hình sự

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi giả mạo trong công tác gây ra là những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi giả mạo trong công tác gây ra:

-Làm chết ba người trở lên;

-Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

-Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của tám người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

-Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 201% trở lên, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

-Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên;

-Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc bốn trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng;

-Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc hai trường hợp được coi là hậu quả rất nghiêm trọng;

-Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội… Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.

Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:

– Giả mạo chữ ký có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

– Luật sư tư vấn về hành vi làm giả con dấu, giấy tờ tài liệu

– Hành vi giả mạo công an để chiếm đoạt tài sản của người khác

Mọi thắc mắc pháp lý cần tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ, quý khách hàng vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.6568 hoặc gửi thư về địa chỉ email: [email protected].

——————————————————–

THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:

– Tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại

– Tư vấn luật miễn phí qua điện thoại

– Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại

Từ khóa » Vi Dụ Tội Giả Mạo Trong Công Tác