Quy định Của Pháp Luật Về Xử Lý Các Hành Vi Vi Phạm Liên Quan đến ...

Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát và khó kiểm soát trên địa bàn tỉnh, ngày 23/7/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Công văn số 6822/UBND-KGVX về việc áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTG ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Cư Kuin kể từ 0 giờ 00 ngày 24/7/2021 đến hết ngày 07/8/2021; đồng thời, tại văn bản này Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 để đảm bảo kịp thời, khống chế, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và đề nghị Nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Theo quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020 của Bộ Y tế, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của nCoV là bệnh truyền nhiễm nhóm A, tức là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao. Việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân. Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương và có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống, kiểm soát tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, tuy nhiên, thời gian qua vẫn xuất hiện một số hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19. Nhiều hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự; gây hoang mang, lo lắng, bất bình trong xã hội. Những hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 không chỉ đi ngược lại với mục đích bảo vệ tính mạng, sức khoẻ và sự an toàn của Nhân dân, mà còn thể hiện thái độ coi thường phát luật, chính vì vậy, cần phải trừng trị nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm để răn đe, cảnh tỉnh chung những ai đang, đã và sẽ có ý định thực hiện hành vi vi phạm phải dừng lại.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu các chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, bao gồm chế tài hành chính và chế tài hình sự, nhằm giúp bạn đọc tìm hiểu và chấp hành tốt các quy định của pháp luật, góp phần cùng cộng đồng làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

1. Về xử phạt vi phạm hành chính

Các chế tài hành chính được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định của Chính phủ, bao gồm: Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/20203 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế; Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ); Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số tuyến điện; Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Mức xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 được quy định như sau:

(1) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có thể bị phạt tiền tối đa đến 10.000.000 đồng (điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

(2) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế (ví dụ: không đeo khẩu trang nơi công cộng), có thể bị phạt tiền tối đa đến 3.000.000 đồng (điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

(3) Che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch; không thực hiện hoặc từ chối thực hiện biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch, có thể bị phạt tiền tối đa đến 10.000.000 đồng(điểm a và điểm b khoản 2 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

(4) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộngcó thể bị phạt tiền tối đa đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, đến40.000.000 đồng đối với tổ chức(điểm a vàđiểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

(5) Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A, có thể bị phạt tiền tối đa đến 30.000.000 đồng(điểm a khoản 4 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

(6) Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch; không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, có thể bị phạt tiền tối đa đến 40.000.000 đồng đối với cá nhân, đến 80.000.000 đồng đối với tổ chức (điểm a, điểm b và điểm c khoản 5 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

(7) Hành vi vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, có thể phạt tiền tối đa đến 1.000.000 đồng; nếu vứt trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt, có thể bị phạt tiền tối đa đến 2.000.000 đồng (điểm c vàđiểm d khoản 1 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 18 Điều 1 Nghị định số 55/2021/NĐ-CP).

(8) Hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng mạng xã hội như đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể bị phạt tiền lên đến 20.000.000 đồng (điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP).

(9) Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có thể bị phạt tiền tối đa đến 5.000.000 đồng (Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).

(10) Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính (đầu cơ) có thể bị phạt tiền tối đa đến 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức (Điều 46 Nghị định 185/2013/NĐ-CP).

2. Về xử lý hình sự

Các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự, người phạm tội sẽ bị phạt tù và còn có thể bị phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Việc xử lý hình sự được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn tại Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020về việc hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cụ thể như sau:

(1) Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người: (a) Trốn khỏi nơi cách ly; (b) không tuân thủ quy định về cách ly; (c) từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; (d) không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối(điểm 1.1 khoản 1 Công văn số 45/TANDTC-PC).

(2) Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự: (a) Trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; (b) không tuân thủ quy định cách ly; (c) từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; (d) không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối(điểm 1.2 khoản 1 Công văn số 45/TANDTC-PC).

(3) Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán ba, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự(điểm 1.3 khoản 1 Công văn số 45/TANDTC-PC).

(4) Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự(điểm 1.4 khoản 1 Công văn số 45/TANDTC-PC).

(5) Người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự (điểm 1.5 khoản 1 Công văn số 45/TANDTC-PC).

(6) Người có hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự(điểm 1.6 khoản 1 Công văn số 45/TANDTC-PC).

(7) Người có hành vi đã, đang hoặc nhằm đưa trái phép thuốc, vật tư y tế dùng vào việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ra khỏi biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự(điểm 1.7 khoản 1 Công văn số 45/TANDTC-PC).

(8) Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự (điểm 1.8 khoản 1 Công văn số 45/TANDTC-PC).

(9) Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự (điểm 1.9 khoản 1 Công văn số 45/TANDTC-PC).

(10) Người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự (điểm 1.10 khoản 1 Công văn số 45/TANDTC-PC).

Nguyễn Tuấn Quang

Từ khóa » Tính Xã Hội Của Pháp Luật Y Tế được Thể Hiện Trong Việc Pháp Luật Y Tế