Quy định Về Bồi Thường Tài Sản Trên đất? Tiền đền Bù Về Tài Sản Cố ...

Đất đai là tài sản quý giá nhất của người dân và tài sản gắn liền với đất là những tài sản được người dân quan tâm. Tuy nhiên, khi nhà nước có nhu cầu thu hồi đất để phục vụ cho nhu cầu chung của cộng đồng như xây dựng bệnh viên, trường học, các khu vui chơi,…thì người dân cần phải giao đất lại cho nhà nước. Lúc này, nhà nước sẽ thực hiện việc đền bù tài sản của người dân trên thửa đất bị thu hồi đó. Vậy, quy định về bồi thường tài sản trên đất? Tiền đền bù về tài sản cố định trên đất?

Căn cứ pháp lý:

  • Luật đất đai 2013;
  • Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;

Mục lục bài viết

  • 1 1. Quy định về bồi thường tài sản trên đất:
  • 2 2. Bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất:
  • 3 3. Bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi:
  • 4 4. Bồi thường chi phí di chuyển khi Nhà nước thu hồi đất:
  • 5 5. Tiền đền bù về tài sản cố định trên đất:

1. Quy định về bồi thường tài sản trên đất:

Tài sản là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm, bởi đây chính là những thành quả lao động của con người sau quá trình làm việc làm dài mới có được. Tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự thì sẽ bao gồm những vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Ngoài ra sẽ có bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Và những bất động sản sẽ bao gồm đất đai, nhà, công  trình, xây dựng gắn liền với đất, tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà công trình xây dựng và tài sản khác theo quy định.

Như vậy, bồi thường tài sản trên đất chính là những loại tài sản thuộc bất động sản trên ngoại trừ đất đai.

  • Nhà, công trình xây dụng gắn liền với đất đai chính là những công trình, nhà nằm trên mặt đất được xây dựng bằng một kết cấu chặt chẽ, có hình thù chứ không đơn thuần là một  mái lều hay một trang trai được đặt tạm bợ, và phải được xây dựng trước khi có quyết định thu hồi của nhà nước.
  • Tài sản khác theo quy định có thể được hiểu là những cây cối, hoa màu được trồng trên đất và chưa được khai thác, chặt cây, hay hái lượm hoặc vật nuôi.

Việc thu hồi đất để thực hiện những lợi ích quốc gia là điều cần thiết, chính vì vậy, đối với trường hợp thu hồi đất nhưng ảnh hưởng đến lợi ích của người dân thì sẽ được Nhà nước chi trả tiền bồi thường. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất

– Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường.

– Khi Nhà nước thu hồi đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải ngừng sản xuất, kinh doanh mà có thiệt hại thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với mức tài sản vị thiệt hại do việc thu hồi đất.

2. Bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất:

– Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi Nhà nước thu hồi đất phải tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu nhà ở, công trình đó được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.

Trường hợp phần còn lại của nhà ở, công trình vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì bồi thường theo thiệt hại thực tế.

– Đối với nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất không thuộc trường hợp quy định trên, khi Nhà nước thu hồi đất mà bị tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được bồi thường thiệt hại theo quy định của Chính phủ.

– Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn liền với đất đang sử dụng không thuộc trường hợp quy định trên thì mức bồi thường tính bằng giá trị xây dựng mới của công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

3. Bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi:

– Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với cây trồng thì việc bồi thường thực hiện theo quy định sau đây:

+ Đối với cây hàng năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất;

+ Đối với cây lâu năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất. Các cây lâu năm thường có giá trị rất cao vì thời gian sinh trưởng và thu hoạch kéo dài mấy chục năm, chính vì vậy mà giá trị đền bù với những loại cây trồng này thường có giá trị rất lớn.

+ Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại.

+ Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

– Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản thì việc bồi thường thực hiện theo quy định sau đây:

+ Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất đã đến thời kỳ thu hoạch thì không phải bồi thường. Tức là thời điểm thu hồi đất rơi trúng thời điểm thủy sản đã có thể thu hoạch và mang lại giá trị cao nhất, do đó trường hợp này nhà nước không cần phải đền bù.

+ Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm; trường hợp có thể di chuyển được thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển gây ra; mức bồi thường cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định dựa theo tình hình thực tế của giá thị trường tại thời điểm đó.

4. Bồi thường chi phí di chuyển khi Nhà nước thu hồi đất:

– Khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển tài sản thì được Nhà nước bồi thường chi phí để tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt; trường hợp phải di chuyển hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất còn được bồi thường đối với thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt.

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức bồi thường đối với trường hợp nêu trên dựa trên giá thị trường hoặc chi phí tháo dỡ, di chuyển thực tế của người dân.

5. Tiền đền bù về tài sản cố định trên đất:

 Việc bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất được quy định tại Điều 89 của Luật đất đai. Đối với việc bồi thường đối với nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại Khoản 2 Điều 89 của Luật Đất đai được thực hiện theo quy định sau đây:

  • Mức bồi thường nhà, công trình bằng tổng giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại và khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình đó.

Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại được xác định bằng (=) tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của nhà, công trình đó nhân (x) với giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Bộ quản lý chuyên ngành ban hành.

Khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định, nhưng mức bồi thường không quá 100% giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với nhà, công trình bị thiệt hại.

  • Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại được xác định theo công thức sau: Tgt=G1-(G1/T)xT1

Trong đó:

Tgt: Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại;

G1: Giá trị xây mới nhà, công trình bị thiệt hại có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Bộ quản lý chuyên ngành ban hành;

T: Thời gian khấu hao áp dụng đối với nhà, công trình bị thiệt hại;

T1: Thời gian mà nhà, công trình bị thiệt hại đã qua sử dụng.

– Đối với nhà, công trình xây dựng khác bị phá dỡ một phần mà phần còn lại không còn sử dụng được thì bồi thường cho toàn bộ nhà, công trình; trường hợp nhà, công trình xây dựng khác bị phá dỡ một phần, những vẫn tồn tại và sử dụng được phần còn lại thì bồi thường phần giá trị công trình bị phá dỡ và chi phí để sửa chữa, hoàn thiện phần còn lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của nhà, công trình trước khi bị phá dỡ.

– Đối với nhà, công trình xây dựng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành ban hành thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức bồi thường cụ thể cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn liền với đất đang sử dụng không thuộc trường hợp quy định trên thì mức bồi thường thiệt hại được tính bằng giá trị xây dựng mới của công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Như vậy, việc bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khi bị thu hồi đất sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế và giá trị của từng loại tài sản để làm căn cứ tính giá trị bồi thường thiệt hại về tài sản trên đất của người dân, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân đối với tài sản của mình.

Từ khóa » Tiền đền Bù Là Gì