Quy định Về Việc Cắt Mạch Khe Co, Khe Dãn Của Bê Tông đường, Sân ...

Để hạn chế tối đa tình trạng nứt nêu trên, kết cấu cần được giải tỏa ứng suất phát sinh do biến dạng nhiệt ẩm quá lớn, hoặc do biến dạng không thực hiện được dưới tác động của khí hậu bằng cách đặt khe co dãn. Các khe co dãn này gọi là khe co dãn nhiệt ẩm.

Phân loại khe co dãn nhiệt ẩm

Có 2 loại: khe co và khe dãn như hình dưới đây.

Khe dãn

Khe giãn

Tại khe dãn: Bê tông và cốt thép bị cắt đứt hoàn toàn. Khi cần thiết có thể dùng kết cấu có thanh truyền lực để truyền lực qua khe. Bề rộng khe không nhỏ hơn 20 mm.

Khe dãn cần phải thông thoáng, không chứa các vật lạ làm cản chuyển dịch đầu mút bê tông khi biến dạng, như gỗ, đá, bê tông vụn, gạch vỡ, đất cát…

Khe co

Khe co

Tại khe co: Tiết diện bê tông bị cắt xuống độ sâu (h). Thường độ sâu (h) không quá từ 10 mm đến 30 mm đối với kết cấu có chiều dày nhỏ (như mặt đường ô tô; sàn mái); hoặc có thể sâu hơn đối với kết cấu có chiều dày lớn (như tường chắn đất). Cốt thép có thể đi qua khe này. Bề rộng (b) của vết cắt khoảng 10 mm. Có thể xảm hoặc không xảm ma tít vào vết cắt tùy theo yêu cầu của khe.

Tùy theo yêu cầu kỹ thuật của khe và mỹ quan của kết cấu, vết cắt bê tông ở khe co có thể ở 1 mặt (như đối với sàn) hoặc 2 mặt (như đối với tường) của kết cấu.

Nguyên tắt đặt khe co dãn nhiệt ẩm

a. Khe dãn được đặt các vị trí nhằm tạo điều kiện để kết cấu bê tông dễ dàng chuyển dịch đầu mút tại khe khi biến dạng co nở theo thời tiết. Khe dãn thường được kết hợp tại các vị trí kết cấu có dầm hoặc cột chịu lực. Khe dãn thường được đặt tại các vị trí như sau:

- Các vị trí cắt ngắn kết cấu bê tông và bê tông cốt thép (mái nhà, tường nhà, đường ô tô, sân bãi…).

- Các nóc nhà mái dốc bằng bê tông cốt thép.

- Các vị trí tiếp giáp tường nhà cao với mái nhà thấp.

- Các vị trí tiếp giáp với kết cấu xuyên qua mái.

- Nơi tiếp giáp bê tông chống thấm mái với tường chắn mái.

- Nơi tiếp giáp mặt đường ô tô với vỉa hè phố và các vị trí bị chặn dãn nở khác.

b. Khe co được đặt tại các vị trí tạo cho kết cấu có thể phát sinh vết nứt chủ động để giải tỏa ứng suất do biến dạng co nở theo thời tiết. Khe co thường được đặt ở những vị trí như sau:

- Cắt ngắn chiều dài bê tông đường ô tô, sân bãi.

- Cắt ngắn các mái hắt (ô văng) quá dài.

- Cắt ngắn các máng nước (sê nô) quá dài.

- Góc các sê nô.

- Cắt ngắn tường bê tông quá dài.

- Cắt các mái dốc bê tông quá dài hoặc các kết cấu mái dạng siêu tĩnh.

- Giữa độ cao các vòm bê tông cốt thép.

Quy định về khoảng cách giữa các khe co dãn

Khoảng cách khe co dãn nhiệt ẩm (Lmax): Đối với kết cấu có mặt thoáng lớn, chịu tác động của khí hậu nên đặt khoảng cách tối đa như sau:

a. Đối với khe dãn

- Lmax bằng từ 6 m đến 9m: Kết cấu bê tông không cốt thép hoặc có cốt thép cấu tạo chịu tác động trực tiếp của khí hậu (Bê tông chống thấm mái, đường ô tô, sân bãi …).

- Lmax bằng 18 m: Kết cấu bê tông không cốt thép hoặc có thép cấu tạo, được che chắn bởi bức xạ mặt trời (Lớp bê tông chống thấm mái có chống nóng phía trên …).

- Lmax bằng 35 m: Kết cấu bê tông cốt thép chịu tác động trực tiếp bởi bức xạ mặt trời.

- Lmax bằng 50 m: Kết cấu bê tông cốt thép được che chắn bởi bức xạ mặt trời (như sàn, mái được chống nóng, tường trong nhà, tường hầm …).

b. Đối với khe co

- Lmax bằng từ 6 m đến 9 m: Cho mọi kết cấu bê tông cốt thép chịu tác động trực tiếp của khí hậu.

- Lmax bằng một phần hai chiều cao vòm: Kết cấu mái dạng vòm bê tông cốt thép. (Đối với các kết cấu vỏ có khẩu độ lớn vị trí đặt khe co cần được tính toán cụ thể để quyết định).

Toàn bộ quy định nêu trên được trích dẫn từ tiêu chuẩn TCVN 9345:2012 - Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép - Hướng dẫn kỹ thuật phòng chống nứt dưới tác động của khí hậu nóng ẩm

Từ khóa » Khoảng Cách Khe Co Giãn đường Bê Tông