Quy Hoạch Chung & Quy Hoạch Chi Tiết đô Thị: Bản Chất Và Sự Khác Biệt
Có thể bạn quan tâm
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Trong quá trình quản lý phát triển đô thị, nhiều địa phương đã lấy phương thức phát triển các dự án “khu đô thị mới” làm “chiến lược” trọng tâm, hào phóng cứ đâu có đất trống, ít phải giải phóng mặt bằng là ban phát các dự án cho các chủ đầu tư mà không cần đếm xỉa đến qui hoạch chung, đến lợi ích lâu dài của đô thị, của cộng đồng… Bởi thế, đã hình thành nhiều dự án ảo, còn các dự án được triển khai thiếu sự đồng bộ thường là đi “chệch” khỏi mục tiêu, nội dung ban đầu của quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đã xác lập hoặc dự án đã được phê duyệt. Sự biến tướng của các dự án đầu tư phát triển khu đô thị mới như tăng mật độ xây dựng, chiều cao công trình, diện tích sàn xây dựng hoặc chuyển chức năng sử dụng đất từ dịch vụ công cộng sang công trình hỗn hợp có chức năng nhà ở… so với quy hoạch ban đầu cũng đã góp phần không nhỏ làm “chệch hướng” ý tưởng không gian kiến trúc trong tổng thể chung đô thị.
Bản chất và sự khác biệt Theo Điều 3, Luật Quy hoạch đô thị (số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009), Đô thị được hiểu là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn. Quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị. Quy hoạch chung là việc tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở cho một đô thị phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của đô thị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững. Quy hoạch phân khu là việc phân chia và xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị của các khu đất, mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội trong một khu vực đô thị nhằm cụ thể hóa nội dung quy hoạch chung. Quy hoạch chi tiết là việc phân chia và xác định chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, yêu cầu quản lý kiến trúc, cảnh quan của từng lô đất; bố trí công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội nhằm cụ thể hóa nội dung của quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung. Quy hoạch đô thị là một khái niệm hay được dùng để chỉ các hoạt động tổ chức hay quản lý, kiểm soát môi trường sống đô thị (quản lý, kiểm soát phát triển đô thị). Các hoạt động này có thể bao gồm: Ban hành luật, nghị định, thông tư, đề ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình lập và phê duyệt quy hoạch; Nghiên cứu đô thị; Quy định kiểm soát phát triển; Thực hiện các chương trình đầu tư phát triển đô thị; Xây dựng và vận hành các bộ máy quản lý đô thị; Đào tạo bộ máy nhân lực; Trao đổi tranh luận về các vấn đề đô thị hướng tới phát triển bền vững… Quy hoạch đô thị là bộ môn khoa học kỹ thuật, xã hội, nhân văn, là nghệ thuật về tổ chức không gian sống cho con người trong các đô thị và các khu vực đô thị, là nghệ thuật sắp xếp tổ chức các không gian chức năng, thiết lập hình thái kiến trúc trong đô thị trên cơ sở các điều tra, phân tích, đánh giá, dự báo, tính toán sự phát triển, đặc điểm, vai trò, vị thế trong mối quan hệ vùng, nhu cầu và nguồn lực phát triển đô thị, nhằm cụ thể hóa chiến lược, chính sách phát triển, giảm thiểu các tác động có hại phát sinh trong quá trình đô thị hóa, tận dụng tối đa mọi nguồn lực và hướng tới sự phát triển bền vững. Các không gian chức năng đô thị, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội đô thị cần được quy hoạch phù hợp với chiến lược phát triển tổng thể kinh tế – xã hội, môi trường, ứng phó với BĐKH, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo an ninh – quốc phòng. Bản chất và sự khác biệt giữa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị nằm ở mức độ yêu cầu của nội dung nghiên cứu, cách thức thể hiện (Tỉ lệ bản đồ), thời gian quy hoạch, cấp phê duyệt của từng loại đồ án và tính quan hệ, phụ thuộc giữa chúng (Quy hoạch chung/quy hoạch cấp trên; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết / quy hoạch cấp dưới). Hiện nay, quy hoạch chung đô thị ở Việt Nam chỉ mang tính định hướng (Khung chiến lược). Quy hoạch chung được lập cho thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn và đô thị mới (Điều 25,26,27, Luật Quy hoạch Đô thị). Cụ thể: (1) Nội dung đồ án quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương bao gồm việc xác định mục tiêu, động lực phát triển, quy mô dân số, đất đai, chỉ tiêu cơ bản về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của đô thị; Mô hình phát triển, cấu trúc phát triển không gian nội thị và khu vực ngoại thị, kể cả không gian ngầm; Định hướng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật khung; Đánh giá môi trường chiến lược; Chương trình ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện. Thời hạn quy hoạch từ 20 đến 25 năm, tầm nhìn đến 50 năm; Bản vẽ của đồ án quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương được thể hiện theo tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/50.000. Đồ án quy hoạch phải thể hiện rõ khu vực nội thị và các khu vực dự kiến phát triển. Đồ án quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương đã được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị và quy hoạch phân khu trong đô thị. (2) Nội dung đồ án quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã bao gồm việc xác định mục tiêu, động lực phát triển, quy mô dân số, đất đai, chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; Mô hình phát triển, định hướng phát triển không gian nội thị và khu vực ngoại thị, trung tâm chính trị – hành chính, dịch vụ, thương mại, văn hoá, giáo dục, đào tạo, y tế, công viên cây xanh, thể dục, thể thao cấp đô thị; Quy hoạch hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật khung trên mặt đất, trên cao và ngầm dưới đất; đánh giá môi trường chiến lược; Kế hoạch ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện.Thời hạn quy hoạch từ 20 đến 25 năm; Bản vẽ của đồ án quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã được thể hiện theo tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/25.000. Đồ án quy hoạch phải thể hiện rõ khu vực nội thị và các khu vực dự kiến phát triển. Đồ án quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã đã được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực và lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung trong đô thị. (3) Nội dung đồ án quy hoạch chung thị trấn bao gồm việc xác định mục tiêu, động lực phát triển, quy mô dân số, đất đai, chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của đô thị; Tổ chức không gian đô thị, quy hoạch công trình hạ tầng xã hội, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, đánh giá môi trường chiến lược; Kế hoạch ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện. Thời hạn quy hoạch từ 10 đến 15 năm. Bản vẽ của đồ án quy hoạch chung thị trấn được thể hiện theo tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/10.000. Đồ án quy hoạch chung thị trấn đã được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch chi tiết các khu vực và lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong đô thị. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương, quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn… (Điều 44, Luật Quy hoạch Đô thị). Theo Luật Quy hoạch Đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết là loại quy hoạch “cấp dưới” của quy hoạch chung đô thị. Nó có nhiệm vụ cụ thể hóa các định hướng (có tính chiến lược) của quy hoạch chung đô thị. Quy hoạch phân khu được lập cho các khu vực trong thành phố, thị xã và đô thị mới; Quy hoạch chi tiết được lập cho khu vực theo yêu cầu phát triển, quản lý đô thị hoặc nhu cầu đầu tư xây dựng. (Điều 29, 30, Luật Quy hoạch Đô thị). Cụ thể: (1) Nội dung đồ án quy hoạch phân khu (QHPK) bao gồm việc xác định chức năng sử dụng cho từng khu đất; Nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan cho toàn khu vực lập quy hoạch; Chỉ tiêu về dân số, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật đối với từng ô phố; Bố trí công trình hạ tầng xã hội phù hợp với nhu cầu sử dụng; Bố trí mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật đến các trục đường phố phù hợp với các giai đoạn phát triển của toàn đô thị; Đánh giá môi trường chiến lược. Bản vẽ của đồ án quy hoạch phân khu được thể hiện theo tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/2.000. Thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch phân khu được xác định trên cơ sở thời hạn quy hoạch chung và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị. Đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt là cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị và lập quy hoạch chi tiết. (2) Nội dung đồ án quy hoạch chi tiết bao gồm việc xác định chỉ tiêu về dân số, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và yêu cầu tổ chức không gian, kiến trúc cho toàn khu vực quy hoạch; Bố trí công trình hạ tầng xã hội phù hợp với nhu cầu sử dụng; Chỉ tiêu sử dụng đất và yêu cầu về kiến trúc công trình đối với từng lô đất; Bố trí mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật đến ranh giới lô đất; đánh giá môi trường chiến lược. Bản vẽ của đồ án quy hoạch chi tiết được thể hiện theo tỷ lệ 1/500. Thời hạn quy hoạch đối với các quy hoạch chi tiết được xác định trên cơ sở thời hạn quy hoạch phân khu và theo yêu cầu quản lý, nhu cầu đầu tư. Đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng và lập dự án đầu tư xây dựng.
“Góc khuất” của đồ án QHC đô thị Trong đồ án quy hoạch chung đô thị, động lực để phát triển đô thị (Cơ cấu, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa, dân số, lao động, đất đai…) thông thường chỉ mang tính dự báo (Cơ sở tính toán chưa chắc chắn, đôi khi mới chỉ là mong muốn/Nghị quyết, chưa có thật hoặc khả năng sẽ trở thành hiện thực). Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng: (1) Không có cách nào để xác định tương lai là gì một cách chắc chắn (tính không chính xác của dự báo). Dù phương pháp chúng ta sử dụng là gì thì luôn tồn tại yếu tố không chắc chắn cho đến khi thực tế diễn ra; (2) Luôn có điểm mù trong các dự báo. Chúng ta không thể dự báo một cách chính xác hoàn toàn điều gì sẽ xảy ra trong tương tương lai. Hay nói cách khác, không phải cái gì cũng có thể dự báo được nếu chúng ta thiếu hiểu biết về vấn đề cần dự báo; (3) Dự báo cung cấp kết quả đầu vào cho các nhà hoạch định chính sách trong việc đề xuất các chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Chính sách mới sẽ ảnh hưởng đến tương lai, vì thế cũng sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của dự báo. Ví dụ, một số dự báo phát triển đô thị trước đây có thể đã không phù hợp với chiến lược “Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013 – 2020” của Chính phủ Việt Nam tại thời điểm hiện nay. Nội dung văn bản Luật về quy hoạch đô thị cũng cần thiết phải được xem xét thêm cho phù hợp với thực tiễn. Chẳng hạn, Thủ đô Hà Nội, thành phố trực thuộc Trung ương với diện tích tự nhiên rộng 3.344,6km2 (gồm 2 tỉnh, thành phố cộng lại) là đô thị để lập QHC theo Luật Quy hoạch Đô thị là chưa thỏa đáng và không phù hợp với thực tiễn phát triển của Hà Nội. Theo Hiến pháp Việt Nam, về mặt hành chính thành phố trực thuộc Trung ương tương đương với một tỉnh… Do vậy, lẽ ra phải lập QHXD vùng thành phố Hà Nội theo Luật Xây dựng để xây dựng định hướng phát triển hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn và định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kĩ thuật khung trên địa bàn thành phố… Sau đó mới lập QHC cho các đô thị theo Luật Qui hoạch Đô thị… Có như vậy mới đảm bảo tính khoa học và thực tiễn của “một vùng đô thị” lớn, tập trung như thành phố Hà Nội… Chính vì thế, theo Luật Quy hoạch đô thị, sau QĐ 1259, Hà Nội chỉ cần lập các QHPK, QHCT đối với các đô thị là đủ… Tuy nhiên, vì đi theo hướng lập QHC theo Luật Quy hoạch đô thị nên Hà Nội lại phải vất vả kiếm tìm cơ sở pháp lí để tiến hành lập quy hoạch chung cho các đô thị (trong đó có các đô thị vệ tinh)…, thậm chí tổ chức lập QHCXD cho cả các vùng huyện… Đây là một thực tế phù hợp với Hà Nội rộng lớn, nhưng lại khó lí giải về mặt qui trình theo luật định. Một thực tế khác cho thấy, khi đồ án Quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, lẽ đương nhiên đất đai (phần mở rộng) phát triển đô thị theo quy hoạch là đất dành để phát triển đô thị. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, chúng vẫn là vùng đất nông nghiệp, đất ngoại thị, chính quyền có thể vẫn còn là cấp xã… Và khi nghe tin đã có quy hoạch đô thị được duyệt thế là thị trường bất động sản bùng phát sôi động (công khai hoặc ngấm ngầm). Việc chuyển nhượng, mua đi, bán lại, đầu cơ đất đai không theo quy hoạch là chuyện thường tình mà chưa có chế tài nào điều tiết. Và cho đến khi thực hiện quy hoạch chi tiết thì mọi việc về đất đai, xây dựng dường như đã an bài theo qui luật thị trường tự phát… Ví dụ như Đất đai trong dự án QH sân Bay Long Thành (Đồng Nai) khi được Quốc hội đồng ý triển khai…đã, đang biến động rất mạnh. Hoặc bất động sản trong khu vực hành lang xanh, vành đai xanh, dọc các tuyến đường dự kiến mở rộng của Hà Nội cũng đã, đang âm thầm diễn ra rất sôi động. Hay như tình trạng của dự án nhà 8B Lê Trực và khu dịch vụ tại Trung tâm Triển lãm Giảng võ cao 50 tầng sắp hiện diện. Chính vì lẽ đó, vì do chất lượng, năng lực quản lí kém, công cụ để quản lý kiểm soát (đồ án quy hoạch, quy định quản lý…) dường như bị xem nhẹ sau khi đã có qui hoạch được duyệt, mặc nhiên một cách chủ quan trong công tác quản lý đã tạo nên nhiều kẽ hở gây biến động, lãng phí đất đai, mất đi nhiều cơ hội để có những không gian đô thị đẹp, có chất lượng. Điều này còn là minh chứng cho tính pháp lý của đồ án quy hoạch được duyệt chưa cao…
Phát triển đô thị không phải phép cộng “vô hồn” Ví dụ điển hình trong quá trình quản lí phát triển đô thị, nhiều địa phương đã lấy phương thức phát triển các dự án “khu đô thị mới” làm “chiến lược” trọng tâm. Phương thức này cũng có những ưu điểm và về cơ bản đã và đang góp phần làm tăng quỹ nhà ở (với các căn hộ có chất lượng tốt hơn các căn hộ được xây dựng trước năm 1975), góp phần thay đổi diện mạo kiến trúc, có xu hướng hướng tới các đô thị hiện đại…. Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thức rõ hiện nay việc phát triển các dự án “khu đô thị mới”/nhỏ lẻ (chưa hẳn đã phải là các dự án mang tính chiến lược của một đô thị) còn đang thiếu một mô hình, một khuôn mẫu (thực tế, về bản chất, các dự án này hiện đang thiên về mô hình kinh doanh bất động sản hơn là một tầm nhìn cho phát triển bền vững đô thị. Vậy nên, nhiều địa phương còn rất hào phóng cứ đâu có đất trống, ít phải giải phóng mặt bằng là ban phát các dự án cho các chủ đầu tư mà không cần đếm xỉa đến quy hoạch chung, đến lợi ích lâu dài của đô thị, của cộng đồng…). Bởi thế, đã hình thành nhiều dự án ảo (chiếm dụng đất để kinh doanh là chính), còn các dự án được triển khai thì dường như luôn thiếu sự kết thúc, hoàn công; thiếu sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng dịch vụ xã hội và hạ tầng kĩ thuật, thiếu sự gắn kết với tổng thể đô thị (thường là đi “chệch” khỏi mục tiêu, nội dung ban đầu của quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đã xác lập hoặc dự án đã được phê duyệt). Đó là còn chưa kể sự biến tướng của các dự án đầu tư phát triển khu đô thị mới như tăng mật độ xây dựng, chiều cao công trình, diện tích sàn xây dựng hoặc chuyển chức năng sử dụng đất từ dịch vụ công cộng sang công trình hỗn hợp có chức năng nhà ở… so với quy hoạch ban đầu cũng đã góp phần không nhỏ làm “chệch hướng” ý tưởng không gian kiến trúc trong tổng thể chung đô thị. Vẫn biết rằng, đô thị không phải là một “phép cộng”, cộng gộp các khu đô thị mới nhỏ, lẻ, rời rạc với đủ các loại nhãn mác, đa dạng về phong cách, chủng loại và chất lượng của nhiều loại doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng với mục đích kinh doanh bất động sản nhiều hơn là nâng cao chất lượng không gian đô thị… Một “phép cộng” vô hồn để cầu mong tạo nên một đô thị có hồn và diện mạo kiến trúc, cảnh quan đô thị đẹp, có chất lượng (! ?)…
Quản lý xây dựng đi chậm hơn so với thực tiễn Để khách quan hơn, không thể chỉ phiến diện đổ lỗi mãi cho quy hoạch về tình trạng xây dựng lộn xộn tại các đô thị bởi thiếu quy hoạch, hoặc “quy hoạch treo”. Hãy thử hỏi ngay tại nhiều đô thị của Việt Nam khi quy hoạch chung đô thị và phần lớn các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép, xây dựng không theo quy hoạch đã được hạn chế hoặc giảm thiểu tới mức nào? Câu trả lời là: không đáng kể! Mà ngược lại nó còn bức xúc, gay gắt hơn nhiều. Hoặc tại Hà Nội, TPHCM đất đai trong các quận quy hoạch phát triển mới đã có những biến động lớn như thế nào khi mà nhiều phương tiện thông tin đại chúng phải lên tiếng và chính quyền thành phố phải ra tay, cưỡng chế thu hồi. Vậy đâu là nguyên nhân? Phải chăng tư duy trong quản lí xây dựng cũng đã chậm hơn so với thực tiễn hoặc chưa đáp ứng được một cách tích cực những nhu cầu và đòi hỏi của thực tiễn trong lĩnh vực quản lý quy hoạch và xây dựng? Một thực tế đáng buồn là không ai đủ dũng cảm để nhận mình yếu kém. Đó là tâm lí chung. Bên cạnh căn bệnh “nhiệm kì”, triết lí “quyền xin là của các nhà đầu tư, quyền cho là quyền năng của các nhà quản lý”… là sự buông lỏng, hay yếu kém trong năng lực của một bộ phận quản lý phát triển đô thị được giao quyền. Tại sao những vi phạm về chiếm dụng đất đai, xây dựng trái phép, cơi nới… diễn ra hàng ngày, hàng giờ ngay trên địa bàn phường, xã thuộc địa bàn mình quản lý lại khó kiểm soát, khó phát hiện, khó ngăn chặn đến vậy? Ai đó có thể cho rằng tất cả sự nhốn nháo về diện mạo kiến trúc đô thị lỗi là do “ông quy hoạch, ông kiến trúc sư”… Vậy, hãy cứ thử quản lý tốt để thực hiện theo ý tưởng của họ cũng đủ để đô thị ngăn nắp, khang trang như phối cảnh 3D họ vẽ rồi. Trong nhiều đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội trước đây đều dành quỹ đất để duy trì, bảo vệ không gian xanh, mặt nước ven các con sông, hồ của thành phố… Vậy mà, theo số liệu của JICA đánh giá thì Hà Nội hiện nay chỉ còn 19 hồ (đã có 21 hồ mất tích trên tổng số 40 hồ), tương đương với 850ha bị thu hẹp xuống còn 547ha… Tiếp nữa, tòa nhà 8b Lê Trực, khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, dự án phát triển khu Triển lãm Giảng Võ như đã trao đổi ở trên… Tất cả, phải chăng chúng ta đang thiếu một công cụ quản lý hữu hiệu, một đội ngũ quản lý phát triển đô thị, có tâm, có tầm ?
Thay cho lời kết Mặc dù Việt Nam đã có Luật Quy hoạch đô thị, các nghị định, thông tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn… hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý thực hiện qui hoạch và các văn bản quy phạm, pháp luật khác có liên quan… Tuy nhiên, do đặc thù của từng loại đồ án quy hoạch đô thị đã ít nhiều có ảnh hưởng tới quá trình quản lí thực hiện. Đồ án quy hoạch chung đô thị chủ yếu mang tính định hướng, công tác dự báo còn hạn chế, tầm nhìn hẹp, thường bị điều chỉnh nhiều lần do cả yếu tố khách quan và chủ quan. Đặc biệt phương pháp lập quy hoạch chậm đổi mới, tính pháp lí của đồ án quy hoạch chung được cấp có thẩm quyền phê duyệt chưa cao, công tác quản lí bị buông lỏng, đôi khi tùy tiện, lợi ích nhóm vẫn còn lấn át lợi ích chung, vai trò của cộng đồng còn mờ nhạt… Các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị theo đó cũng bị tác động, ảnh hưởng. Hoặc ngược lại, do các đồ án qui hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị chạy theo lợi ích kinh tế (Lợi nhuận từ bất động sản), lợi ích của các chủ đầu tư… đã không khước từ việc làm thay đổi bản chất của quy hoạch chung như chuyển đổi chức năng, mục đích sử dụng đất (Trường học, vườn hoa thành dịch vụ, nhà ở…), mật độ xây dựng, tầng cao… đã được khống chế trong đồ án quý hoạch chung đô thị… Dẫn đến cấu trúc tổng thể không gian đô thị theo ý tưởng được phê duyệt bị thay đổi hoặc bị phá vỡ hoàn toàn./.
TS. KTS Trương Văn Quảng Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam (VUPDA)
Từ khóa » đồ án Quy Hoạch Chi Tiết Xây Dựng Là Gì
-
Nội Dung đồ án Của Quy Hoạch Phân Khu Và Quy Hoạch Chi Tiết Xây ...
-
Đồ án Quy Hoạch đô Thị Là Gì? Ý Nghĩa Các Loại Bản đồ Qui Hoạch
-
Đồ án Quy Hoạch Chi Tiết Xây Dựng Khu Chức Năng đặc Thù
-
Công Tác Lập đồ án Quy Hoạch Chi Tiết Và Dự án đầu Tư Xây Dựng
-
Thế Nào Là đồ án Quy Hoạch đô Thị, Thế Nào Là Quy Hoạch Phân Khu…?
-
Quy Hoạch Chi Tiết Là Gì? - Hỏi đáp Pháp Luật
-
Đồ án Quy Hoạch Chi Tiết Là Gì? - Luật Hoàng Anh
-
Các Quy định Về đồ án Quy Hoạch Chi Tiết Xây Dựng Khu Chức Năng Là ...
-
Đồ án Quy Hoạch Chi Tiết 1/500 Là Gì? Chi Phí Lập Quy Hoạch Tổng Mặt ...
-
Quy Hoạch Xây Dựng Là Gì? - Luật Hoàng Phi
-
?Quy Hoạch Là Gì? Những Thông Tin Liên Quan đến Quy Hoạch
-
[DOC] Đối Với đồ án Quy Hoạch Chi Tiết Xây Dựng đô Thị Tỷ Lệ 1/500
-
Góp ý Nội Dung đồ án Quy Hoạch Chi Tiết Tỷ Lệ 1/500 điểm Du Lịch ...
-
Quy Hoạch 1/500 Là Gì? Cơ Quan Nào Có Thẩm Quyền Phê Duyệt?