Quy Luật Thống Nhất Và đấu Tranh Giữa Các Mặt đối Lập

Mọi hiện tượng, sự vật muốn tồn tại đều cần sự thay đổi, vận động liên tục và phát triển không ngừng. Vậy bạn có biết đâu là nguồn gốc của sự phát triển? Nguồn gốc của sự phát triển xuất phát từ chính những mâu thuẫn nội tại giữa các thống nhất và đối lập trong bản thân sự vật, hiện tượng và việc giải quyết những mâu thuẫn này. Cùng tìm hiểu quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập của Mác – Lênin để hiểu rõ hơn về vấn đề này!

Quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập

Quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập

Nội dung quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập

Dưới đây là nội dung quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, và các cách phân loại mâu thuẫn phổ biến.

Quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập là gì?

Quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập còn được biết đến với một tên gọi khác là “quy luật mâu thuẫn”. Quy luật này chỉ ra rằng mâu thuẫn luôn tồn tại trong bản thân của sự vật, hiện tượng. Việc giải quyết mâu thuẫn nội tại này chính là nguồn gốc và động lực cho sự vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng. 

Quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập là quy luật quan trọng nhất trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật của triết học Mác – Lênin.

Nội dung quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập

Phân loại mâu thuẫn

Mâu thuẫn vô cùng đa dạng, phong phú. Nó tồn tại trong tất cả các sự vật, hiện tượng, và trong tất cả các giai đoạn phát triển của sự vật, hiện tượng. Chính đặc điểm của các mặt đối lập và điều kiện tác động qua lại giữa chúng, cũng như trình độ của sự vật, hiện tượng mà trong đó mâu thuẫn tồn tại sẽ quy định khách quan tính đa dạng, phong phú của mâu thuẫn. 

Dựa trên các căn cứ về mối quan hệ, ý nghĩa, vai trò và tính chất đối với sự vật, hiện tượng, người ta phân loại mâu thuẫn thành 4 loại.

Căn cứ vào mối quan hệ với sự vật

Dựa trên mối quan hệ với sự vật, mâu thuẫn được phân thành mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài. Trong đó:

  • Mâu thuẫn bên trong là sự tác động qua lại giữa các mặt đối lập trong cùng một sự vật. Mâu thuẫn bên trong quyết định trực tiếp trong quá trình vận động, phát triển của sự vật.
  • Mâu thuẫn bên ngoài của một sự vật là mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa sự vật đó với các sự vật khác. Mâu thuẫn bên ngoài ảnh hưởng đến quá trình vận động, phát triển của sự vật.

Việc phân loại mâu thuẫn dựa trên quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập như trên chỉ mang tính tương đối, bởi việc xác định một mâu thuẫn thuộc loại nào còn phụ thuộc vào phạm vi xem xét. Cùng một mâu thuẫn, khi ta xét trong phạm vi này thì là mâu thuẫn bên trong nhưng khi xét trong phạm vi khác thì nó lại có thể là mâu thuẫn bên ngoài.

Mâu thuẫn bên trong và bên ngoài tác động liên tục qua lại hai chiều. Do đó, khi giải quyết mâu thuẫn không thể tách rời việc giải quyết mâu thuẫn bên trong với mâu thuẫn bên ngoài. Điều kiện để giải quyết mâu thuẫn bên trong là mâu thuẫn bên ngoài phải được giải quyết.

Căn cứ vào ý nghĩa đối với sự tồn tại và phát triển của sự vật

Dựa trên ý nghĩa của mâu thuẫn đối với sự tồn tại và phát triển của sự vật, người ta chia mâu thuẫn thành mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản. Trong đó:

  • Mâu thuẫn cơ bản (mâu thuẫn chính): tồn tại xuyên suốt quá trình tồn tại và phát triển của sự vật, do đó quy định bản chất của sự vật cũng như quy định sự phát triển của sự vật ở tất cả các giai đoạn. Việc nảy sinh hoặc giải quyết mâu thuẫn cơ bản này sẽ khiến sự vật thay đổi về chất.
  • Mâu thuẫn không cơ bản (mâu thuẫn phụ): không quy định bản chất của sự vật, nhưng thể hiện một phương diện nào đó của sự vật. Khi mâu thuẫn phụ nảy sinh, hoặc mâu thuẫn phụ được giải quyết thì cũng không dẫn tới sự thay đổi về chất của sự vật.

Như vậy, khi giải quyết mâu thuẫn dựa trên quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập, ta cần xác định cái gốc của mâu thuẫn, tức là xác định, nghiên cứu và phân tách rõ mâu thuẫn cơ bản (mâu thuẫn chính) và mâu thuẫn không cơ bản (mâu thuẫn phụ), từ đó tìm ra phương hướng giải quyết mâu thuẫn.

Phân loại mâu thuẫn

Căn cứ vào vai trò đối với sự tồn tại và phát triển trong giai đoạn nhất định của sự vật

Dựa trên vai trò của mâu thuẫn đối với các giai đoạn nhất định trong sự tồn tại, phát triển của sự vật, ta chia mâu thuẫn thành mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu. 

Tức là, mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu được xác định trong từng giai đoạn phát triển nhất định của sự vật, không phải toàn bộ quá trình phát triển. Mỗi giai đoạn phát triển khác nhau thì nội tại sự vật sẽ tồn tại những mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu khác nhau. Trong đó:

  • Mâu thuẫn chủ yếu trong một giai đoạn phát triển của sự vật sẽ là mâu thuẫn hàng đầu, nổi lên chi phối các mâu thuẫn khác (mâu thuẫn thứ yếu) trong giai đoạn đó. 
  • Mâu thuẫn thứ yếu trong một giai đoạn phát triển của sự vật sẽ chịu sự chi phối của mâu thuẫn chủ yếu trong giai đoạn đó. Do đó, việc giải quyết mâu thuẫn chủ yếu được dựa trên việc giải quyết từng bước đối với các mâu thuẫn thứ yếu.

Theo quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập, khi mâu thuẫn chủ yếu trong một giai đoạn được giải quyết thì chính là điều kiện để sự vật vận động phát triển sang giai đoạn mới. Mâu thuẫn chủ yếu có quan hệ chặt chẽ với mâu thuẫn cơ bản. Mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn cơ bản nổi bật trong một giai đoạn. Giải quyết mâu thuẫn chủ yếu là nền tảng để giải quyết mâu thuẫn cơ bản.

Căn cứ vào tính chất của quan hệ lợi ích

Khi xét tới các mâu thuẫn trong xã hội, dựa trên tính chất của các quan hệ lợi ích, người ta chia mâu thuẫn thành hai loại là mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng. Trong đó:

  • Mâu thuẫn đối kháng là mâu thuẫn xảy ra khi các lực lượng xã hội (các giai cấp, tầng lớp, tập đoàn người trong xã hội) có các lợi ích cơ bản đối lập nhau (ví dụ: giai cấp nông dân và địa chủ, giai cấp vô sản và tư sản có lợi ích cơ bản đối lập nhau do đó giữa họ tồn tại mâu thuẫn đối kháng).
  • Mâu thuẫn không đối kháng là mâu thuẫn xảy ra khi lợi ích cơ bản của các lực lượng xã hội thống nhất nhau, tuy nhiên những lợi ích không cơ bản (lợi ích tạm thời, cục bộ) lại đối lập nhau.

Mâu thuẫn đối kháng chỉ có thể được giải quyết bằng phương pháp đối kháng. Để xác định được phương pháp giải quyết mâu thuẫn đúng đắn, cần phân biệt rõ giữa mâu thuẫn đối kháng với mâu thuẫn không đối kháng.

Sự phát triển và mối liên hệ với quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập

Sự phát triển và vận động của sự vật, hiện tượng gắn liền với sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập. Chỉ khi có đấu tranh thì mới có sự vận động và phát triển. 

Mối liên hệ giữa sự phát triển với quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập

Nguồn gốc của sự phát triển của sự vật, hiện tượng là sự hình thành, phát triển và giải quyết mâu thuẫn giữa các mặt đối lập. Mâu thuẫn biện chứng chứa đựng cả sự thống nhất và sự đấu tranh của các mặt đối lập. Đây là hai xu hướng khác nhau tác động tới các mặt đối lập và dẫn tới mâu thuẫn. Hai xu hướng thống nhất và đấu tranh có mối quan hệ không tách rời trong mâu thuẫn biện chứng, gắn bó mật thiết trong quá trình phát triển của sự vật, hiện tượng. 

Sự phát triển của sự vật là sự thống nhất giữa tính ổn định và tính thay đổi. Trong đó, tính ổn định và tính thay đổi lại được quy định bởi sự thống nhất và sự đấu tranh giữa các mặt đối lập. Nếu các mặt đối lập không có sự thống nhất thì cũng không thể có sự đấu tranh giữa chúng và dẫn tới không có sự chuyển hóa và phát triển của sự vật.  

Các giai đoạn vận động theo quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập

Sự vận động, chuyển hóa của các mặt đối lập dẫn tới sự phát triển. Đây là kết quả tất yếu của sự đấu tranh giữa các mặt đối lập. Sự đấu tranh giữa các mặt đối lập mang tính tuyệt đối, sự thống nhất giữa các mặt đối lập mang tính tương đối.

Các giai đoạn vận động giữa các mặt đối lập là một quá trình đấu tranh phức tạp, bao gồm: giai đoạn hình thành mâu thuẫn, giai đoạn mâu thuẫn phát triển và giai đoạn giải quyết mâu thuẫn. 

Giai đoạn hình thành mâu thuẫn

Ở giai đoạn hình thành mâu thuẫn, sự vật tuy đồng nhất nhưng bắt đầu xuất hiện những sự khác nhau căn bản (và những sự khác nhau này có khuynh hướng trái ngược nhau), bao gồm: khác nhau bề ngoài, hoặc khác nhau bản chất. Sự khác nhau này dẫn tới sự hình thành của các mặt đối lập (chính là mâu thuẫn). 

Các giai đoạn vận động theo quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập

Giai đoạn phát triển của mâu thuẫn

Sự khác nhau căn bản ở giai đoạn đầu ngày càng trở nên đối lập nhau. Giai đoạn này, các mặt đối lập tác động qua lại, đấu tranh lẫn nhau, xung đột gay gắt với nhau. Sự đấu tranh này dẫn tới sự thay đổi tất yếu của các mặt đối lập, do đó dẫn tới sự phát triển của mâu thuẫn.

Giai đoạn giải quyết mâu thuẫn

Giai đoạn giải quyết mâu thuẫn là giai đoạn mà sự xung đột, đấu tranh của các mặt đối lập đạt tới một trình độ nhất định, đủ điều kiện để sự chuyển hóa lẫn nhau. Sự chuyển hóa này có nhiều hình thức đa dạng, bao gồm: hai mặt đối lập chuyển hóa lẫn nhau thành một thể thống nhất, hoặc hai mặt đối lập chuyển hóa thành các chất mới. Khi đó, thể thống nhất mới (sự vật mới) ra đời thay thế cho thể thống nhất cũ (sự vật cũ) nhờ đó mâu thuẫn lúc này được giải quyết.

Tuy nhiên, khi mâu thuẫn được giải quyết, sự vật mới ra đời thì chính nó lại mang trong mình một mâu thuẫn mới. Sự hình thành mâu thuẫn mới, phát triển và giải quyết mâu thuẫn tiếp tục diễn ra, tạo ra sự vận động và phát triển liên tục của sự vật. Nếu không giải quyết được mâu thuẫn thì không có sự ra đời của sự vật mới, tức là không có sự phát triển.

Tóm lại, quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập có vai trò quan trọng đối với sự vận động, phát triển của các sự vật, hiện tượng trong xã hội. Quy luật này được áp dụng phổ biến trong mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là trong quy luật vận động của nền kinh tế. Trên đây, bài viết được chia sẻ bởi công ty chưng khoán Yuanta Việt Nam.

Từ khóa » Ví Dụ đối Lập Mâu Thuẫn