Quy Tắc ứng Xử Văn Hoá Của Học Sinh - Trường THPT Tràm Chim

QUY TẮC

Ứng xử văn hóa của học sinh

 

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Đối tượng áp dụng: Học sinh Trường THPT Tràm Chim

2. Phạm vi áp dụng: Trường THPT Tràm Chim

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 2. Đối với thầy giáo, cô giáo, nhân viên nhà trường và khách đến trường

1. Ứng xử trong chào hỏi, xưng hô, giới thiệu với thầy cô giáo, nhân viên trong nhà trường khách đến thăm, làm việc với nhà trường.

- Đảm bảo kính trọng, lịch sự, ngắn gọn, rõ ràng và lễ phép.

- Biết gật đầu khi chào, hỏi.

- Không được có những hành động, cử chỉ, lời nói thiếu chuẩn mực đạo đức, vô phép với thầy, cô và người lớn tuổi .

2. Ứng xử khi hỏi và trả lời đảm bảo tôn ti trật tự trên dưới, câu hỏi và trả lời ngắn gọn, rõ ràng, có dạ thưa lịch sự, phù hợp đúng với môi trường sư phạm.

Ngôn ngữ hỏi, trả lời phải phải có chủ ngữ, thể hiện sự lễ phép: em chào cô, em chào thầy, thưa thầy, thưa cô…. ; thưa bác, thưa cô (đúng theo vai vế về phù hợp với lứa tuổi)…

3. Ứng xử khi làm phiền thầy giáo, cô giáo, nhân viên nhà trường đảm bảo thái độ văn minh, tế nhị, chân thành, biết xin lỗi khi làm sai đúng lúc.

- Khi làm phiền nên nói : Em thưa thầy, thưa cô cho em làm phiền một chút…;Thưa bác, thưa chú cho cháu làm phiền một chút…với thái độ cần thiết tới sự giúp đỡ của thầy, cô…

- Khi mắc lỗi thì lựa chọn thời điểm phù hợp để xin lỗi: tránh lúc đông người hay đang giờ làm việc, giờ lên lớp. Lời xin lỗi phải thể hiện sự chân thành, thực sự biết lỗi và muốn sửa lỗi ...: Em xin lỗi thầy, cô! Em biết mình đã sai…

4. Ứng xử khi chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của bản thân với thầy giáo, cô giáo, và ngược lại đảm bảo chân tình, giản dị, cởi mở, thân mật, không khách sáo cầu kỳ.

Điều 3. Đối với bạn bè

1. Ứng xử trong xưng hô đảm bảo thân mật, cởi mở, trong sáng, không cầu kì, kiểu cách.

- Không gọi nhau bằng những từ chỉ dành để gọi những người tôn kính như ông, bà, cha, mẹ…

- Không gọi nhau bằng những từ chỉ quan hệ vợ chồng như con vợ, thằng chồng, ông xã, bà xã…

- Không gọi tên gắn với tên cha me, ông, bà hay những khiếm khuyết về ngoại hình hoặc đặc điểm về tính nết của người khác.

- Không gọi nhau bằng những từ ngữ phim ảnh, giang hồ (đại ca, sư tỉ,…)

- Phải xưng hô với bạn bè trong trường là: bạn hay xưng tên mình …

2. Ứng xử trong khi chào hỏi, giới thiệu, bắt tay nhau đảm bảo thân mật, trong sáng, không thô thiển, cục cằn, không làm ầm ĩ ảnh hưởng đến người xung quanh.

3. Ứng xử trong khi thăm hỏi, giúp đỡ bạn bè .

- Đảm bảo chân thành tế nhị, không che giấu khuyết điểm của nhau, không xa lánh, coi thường người bị bệnh, tàn tật hoặc người có hoàn cảnh khó khăn.

- Khi chúc mừng bạn đảm bảo vui vẻ, thân tình, không cầu kì, không gây khó xử.

4. Ứng xử trong đối thoại, nói chuyện, trao đổi với bạn bè .

- Chân thành, thẳng thắn, cởi mở, ôn tồn, không cãi vã , chê bai, dè bỉu, xúc phạm, huơ chân, múa tay, nói tục, chửi bậy, chửi thề, khạc nhổ …

- Biết lắng nghe tích cực và phản đối mang tính xây dựng khi thảo luận, tranh luận

5. Ứng xử trong quan hệ với bạn khác giới đảm bảo tôn trọng, nhã nhặn, trong sáng, không sấn sổ, săn đón, điệu bộ quá trớn, không có những hành động hay lời nói xúc phạm, khiếm nhã, trêu chọc, khiêu khích…

6. Ứng xử trong học tập đảm bảo nghiêm túc, trung thực không vi phạm qui chế kiểm tra, thi cử.

Điều 4. Đối với gia đình

1. Ứng xử trong xưng hô, mời, gọi đảm bảo sự kính trọng, lễ phép, thương yêu, quan tâm đến mọi người trong gia đình.

2. Ứng xử trong khi đi, về; lúc ăn uống đảm bảo lễ phép, có chào mời thưa gửi, xin phép.

- Đi đâu phải có sự đồng ý của cha, mẹ mới được đi, nếu tham gia công việc của trường, lớp cha mẹ không đồng ý phải giải thích với thái độ đúng mực, không cáu gắt tỏ thái độ coi thường…

- Khi được hỏi phải trả lời lễ phép, nhẹ nhàng, rõ ràng.

- Không khích bác, công kích, lên án ông bà, cha mẹ và người lớn tuổi.

3. Ứng xử khi có khách đến nhà đảm bảo chào hỏi lễ phép, tiếp khách chân tình, cởi mở lắng nghe.

- Không nói chen vào hay đứng cạnh khi bố, mẹ nói chuyện với khách khi không được phép; Hoặc nói lớn tiếng, chửi mắng, nói xấu ở ngoài khi cha, mẹ đang tiếp khách…

4. Ứng xử trong công việc gia đình đảm bảo làm việc được giao, chăm chỉ, vừa sức, không đôi co, cãi cọ, cau có khi bị nhắc nhở.

Điều 5. Đối với nhân dân, láng giềng nơi cư trú

1. Ứng xử trong giao tiếp đảm bảo lễ phép; ân cần giúp đỡ, hỏi thăm, chia sẻ chân tình, không cãi cọ, xích mích, trả thù.

2. Ứng xử trong sinh hoạt đảm bảo tôn trọng sự yên tĩnh chung, không gây mất trật tự an ninh, không gây ồn ào, mất vệ sinh chung.

Điều 6. Ở nơi công cộng

1. Ứng xử ở nhà trường khi tham gia sinh hoạt chung đảm bảo :

- Đi học, tham gia các buổi tập trung, họp đoàn, ngoại khóa phải đúng giờ, tác phong nhanh nhẹn, không hò hét, hô gọi nhau ầm ĩ, đồng phục đúng theo quy định của trường, của giáo viên.

- Ở nơi công cộng đảm bảo nếp sống văn minh, không xô đẩy, chen lấn, không khạc nhổ, vứt rác bừa bãi.

- Không đi, đứng, leo trèo, ngồi lên lan can, bàn học, không bẻ cành, hái lá…Có ý thức giữ gìn cở sở vật chất, cây xanh của nhà trường…

- Đến trường trang phục phải đúng qui đinh: không mặc áo không cổ, quần áo ở nhà hay quá ngắn, có hình thù kì quái, câu chữ phản cảm, mất thẩm mĩ của học đường…, không nhuộm tóc khác màu đen, không trang điểm loè lẹt, tóc phải gọn gàng, học sinh nam không được để tóc dài, đầu tóc phản cảm như cạo trọc, hớt tóc để bườm, đeo khuyên tai…

2. Ứng xử khi có mặt trong khu vực công cộng như đường phố, công viên, bến xe,…

- Cử chỉ, hành động lịch thiệp.

- Biết nói xin lỗi khi làm phiền và cảm ơn khi được giúp đỡ.

- Không làm ồn ào, ngó nghiêng, chỉ trỏ, bình phẩm xấu người khác.

- Khi muốn hỏi đường phải dừng và xuống xe, gỡ khăn che mặt, cởi kính râm…

3. Ứng xử khi đến các cơ quan, công sở để giao dịch, liên hệ công việc đảm bảo:

- Thái độ lễ phép, lịch sự, thẳng thắn, mạch lạc.

- Không luồn cúi, gây mất trật tự, đi lại phải nhẹ nhàng, không hút thuốc…

- Nhã nhặn khi hỏi và cảm ơn khi được phục vụ.

Điều 7. Ở trong lớp học

1. Ứng xử trong thời gian vào và ngồi trong lớp học đảm bảo nghiêm túc tôn trọng thầy cô giáo và bạn bè cùng lớp:

- Thực hiện tốt nội quy lớp học đã được tập thể lớp xây dựng.

- Khi thầy, cô bước vào lớp, cả lớp đứng dậy nghiêm trang chào thầy, cô.

- Không làm các cử chỉ như: vò đầu, gãi tai, ngoáy mũi, quay ngang, ngửa, phát ngôn tùy tiện, nói leo, nhoài người, gục đầu, nghịch bút, bắn giấy, viết vẽ lên bàn, tường..

- Không sử dụng phương tiện liên lạc cá nhân như: máy nghe nhạc, điện thoại…

- Không mang đồ ăn, thức uống vào lớp học làm mất vệ sinh và ảnh hưởng người khác.

2. Ứng xử khi cần mượn, trả đồ dùng học tập đảm bảo thái độ nghiêm túc, lời nói nhẹ nhàng và bảo quản tốt, không làm ảnh hưởng tới giờ học.

3. Ứng xử khi trao đổi, thảo luận nội dung bài giảng đảm bảo thái độ cầu thị, tôn trọng ý kiến người khác, không gay gắt chê bai, mỉa mai ý kiến khác với ý kiến bản thân.

4. Ứng xử trước khi kết thúc giờ học đảm bảo tôn trọng thầy, cô giáo:

- Không nôn nóng gấp sách vở, rời chỗ ngồi, không tắt đèn, quạt điện, đóng cửa để ra chơi, ra về.

- Cả lớp phải đứng dậy chào thầy, cô khi hết giờ thầy cô cho nghỉ.

- Đảm bảo trật tự không xô đẩy, leo trèo lên bàn ghế , giữ vệ sinh chung.

5. Ứng xử khi bản thân bị ốm đau đột xuất đảm bảo kín đáo, tế nhị, hạn chế làm ảnh hưởng đến mọi người; đảm bảo giữ vệ sinh cá nhân và tránh lây lan bệnh cho người khác.

Điều 8. Đối với thực hiện an toàn giao thông

- Ứng xử “Văn hoá giao thông” cần đạt các tiêu chí cơ bản sau:

+ Hiểu biết đầy đủ, đúng các quy định của pháp luật, tự giác và chấp hành nghiêm chỉnh các qui định của pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ.

+ Khi tham gia giao thông phải có trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng; tôn trọng nhường nhịn, giúp đỡ người khác.

+ Có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông; chấp hành qui định xử phạt khi vi phạm hành chính về giao thông.

- Khi tham gia giao thông cần thể hiện được sự văn hoá của mình:

+ Khi tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng phần đường, làn đường; tuân thủ qui định về tốc độ, không phóng nhanh, vượt ẩu; dừng đỗ đúng qui định; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

+ Chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ, tuân thủ hiệu lệnh, chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

+ Tự giác chấp hành quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông cả khi không có lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát trên đường.

+ Thực hiện các qui định, nội qui tại bến xe, bến tàu, bến phà và trên các phương tiện giao thông công cộng.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1- Hiệu trưởng chỉ đạo cho GVCN, Đoàn thanh niên chịu trách nhiệm phổ biến, quán triệt đến toàn thể học sinh thực hiện nghiêm túc Quy tắc này;

2- Toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên biết và phối hợp với GVCN, Đoàn trường nhắc nhở học sinh thực hiện.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Quy tắc này được được ban hành thay cho các quy định trước đây về quy tắc ứng xử văn hoá của học sinh và có hiệu lực từ ngày ký quyết định ban hành.

Trong trường hợp có sự thay đổi, điều chỉnh qui định thì sẽ được rà soát bổ sung hàng năm vào đầu năm học cho phù hợp với văn hóa dân tộc và yêu cầu đạo đức xã hội theo hướng tích cực và phát triển. Mọi sự thay đổi được ban lãnh đạo của trường thông qua và Hiệu trưởng chịu trách nhiệm quyết định thực hiện./.

 

 

HIỆU TRƯỞNG

 

 

 

 

Trần Ngọc Thanh

Từ khóa » Cách Nói Chuyện Khi đi Tiền Thầy Cô