Quy Trình Bổ Nhiệm Cán Bộ Mới Nhất - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Bổ nhiệm cán bộ là gì?
  • Điều kiện bổ nhiệm cán bộ?
  • Hồ sơ bổ nhiệm cán bộ gồm những gì?
  • Quy trình bổ nhiệm cán bộ mới nhất

Nhận thấy có nhiều yêu cầu từ phía khách hàng yêu cầu hỗ trợ về các thủ tục đối với cán bộ. Vì thế trong bài viết này, Luật Hoàng Phi sẽ giới thiệu tới Quý vị các kiến thức pháp lí về quy trình bổ nhiệm cán bộ. Từ đó phần nào hỗ trợ giải đáp những thắc mắc nhất định của mình trong thủ tục này.

Bổ nhiệm cán bộ là gì?

Bổ nhiệm cán bộ là hoạt động được diễn ra theo định kỳ khá thường xuyên của cơ quan nhà nước hoặc tổ chức, việc bổ nhiệm này được thực hiện bởi Ban lãnh đạo cấp cao nhất đề cử, quyết định bổ nhiệm một cá nhân đảm nhiệm chức vụ mới.

Theo quy định của pháp luật, cán bộ là công dân Việt Nam được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở cấp tỉnh và cấp huyện, trong biên chế và được hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Thời hạn bổ nhiệm cán bộ là 05 năm, tuy nhiên các cơ quan nhà nước, tổ chức có thể điều chỉnh thời gian bổ nhiệm sao cho phù hợp với chức vụ, điều kiện làm việc và tính chất công việc.

Điều kiện bổ nhiệm cán bộ?

Cá nhân đáp ứng một số điều kiện để có thể được bổ nhiệm cán bộ, cụ thể như sau:

Cá nhân được bổ nhiệm đáp ứng tiêu chuẩn chung của cán bộ và tiêu chuẩn riêng của từng chức danh theo quy định của Đảng và cơ quan Nhà nước đề ra;

Cá nhân được bổ nhiệm có đầy đủ giấy tờ, tài liệu của hồ sơ cá nhân, kê khai tài sản nhà, đất theo quy định và được cơ quan có thẩm quyền xác minh rõ ràng, minh bạch;

Cụ thể điều kiện bổ nhiệm ông chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là:

– Bảo đảm tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh và tiêu chuẩn cụ thể của chức vụ bổ nhiệm.

– Phải được quy hoạch chức vụ bổ nhiệm nếu là nguồn nhân sự tại chỗ hoặc được quy hoạch chức vụ tương đương nếu là nguồn nhân sự từ nơi khác.

– Có hồ sơ, lý lịch cá nhân được xác minh, có bản kê khai tài sản, thu nhập.

– Đáp ứng điều kiện về độ tuổi được bổ nhiệm:

+ Được đề nghị bổ nhiệm lần đầu hoặc đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn thì tuổi bổ nhiệm: Phải còn đủ 05 năm công tác tính từ khi thực hiện quy trình bổ nhiệm; trường hợp đặc biệt báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

+ Được bổ nhiệm vào chức vụ mà thời hạn mỗi lần bổ nhiệm của chức vụ đó là dưới 05 năm: Tuổi bổ nhiệm phải đủ một nhiệm kỳ;

+ Công chức được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ: Không tính tuổi bổ nhiệm theo quy định trên.

– Có đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao.

– Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ của Đảng và của pháp luật; không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật.

Hồ sơ bổ nhiệm cán bộ gồm những gì?

Quy trình bổ nhiệm cán bộ yêu cầu bộ hồ sơ gồm các giấy tờ, tài liệu theo quy định của pháp luật. Đối với các ngành, tổ chức khác nhau sẽ yêu cầu các giấy tờ quy định cụ thể theo quy định của ngành đó. Tuy nhiên, hồ sơ bổ nhiệm cán bộ đầy đủ bao gồm những giấy tờ cơ bản sau:

– Sơ yếu lí lịch theo mẫu quy định, có xác nhận của cơ quan quản lý cán bộ (không quá 06 tháng tính đến ngày trình);

– Giấy khai sinh (bản sao);

– Giấy chứng nhận sức khỏe để đảm bảo đủ điều kiện về sức khỏe có thể đảm nhận và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao (do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp và có giá trị trong 06 tháng);

– Bản kê khai tài sản, thu nhập theo mẫu quy định;

– Các văn bằng, chứng chỉ về trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, lí luận chính trị,…do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận;

– Các nhận xét, đánh giá theo quy định bao gồm những nội dung cơ bản như:

+ Tự nhận xét, đánh giá của cán bộ có xác nhận của chủ thể có thẩm quyền;

+ Nhận xét, đánh giá của chi bộ nơi cá nhân được bổ nhiệm công tác;

+ Nhận xét, đánh giá của phòng, ban phụ trách cán sự đảng;

+ Nhận xét, đánh giá của đại diện cấp ủy nơi cán bộ cư trú về trách nhiệm của công dân của bản thân và gia đình cá nhân được bổ nhiệm.

– Kết luận về tiêu chuẩn chính trị và kết quả thẩm định về tiêu chuẩn, hồ sơ cá nhân được bổ nhiệm;

– Một số các giấy tờ, tài liệu khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là các giấy tờ cần thiết để tiến hành xác minh thông tin của cá nhân được bổ nhiệm. Trong đó các tài liệu này nhằm mục đích cung cấp các thông tin nhằm đảm bảo cá nhân có đủ các điều kiện để trở thành cán bộ phụ trách chức danh theo yêu cầu như: học vấn, trình độ tay nghề, tiêu chuẩn chính trị, sức khỏe,…

Đồng thời, trên thực tế, tùy từng ngành khác nhau mà trong quy trình bổ nhiệm cán bộ, hồ sơ bổ nhiệm cũng cần có các giấy tờ khác như:

– Tờ trình về chủ trương, dự kiến phân công công tác đối với cán bộ được đề nghị bổ nhiệm;

– Văn bản thẩm định, báo cáo của của đơn vị tổ chức hành chính;

– Văn bản đề xuất nhân sự đề nghị bổ nhiệm của đơn vị;

– Bản nhận xét của chi bộ về tiêu chuẩn chính trị của cá nhân được bổ nhiệm;

– Và các giấy tờ khác tùy theo từng ngành, tổ chức.

Quy trình bổ nhiệm cán bộ mới nhất

Quy trình bổ nhiệm cán bộ được thực hiện theo trình tự các bước như sau:

– Bước 1: Xin chủ trương bổ nhiệm cán bộ

Đưa ra chủ trương về chức vụ cần bổ nhiệm cán bộ. Cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu bổ nhiệm sẽ thực hiện trình lên cơ quan có thẩm quyền xem xét và phê duyệt chủ trương về chức vụ cần bổ nhiệm.

Chậm nhất sau 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về chủ trương bổ nhiệm.

Chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi có văn bản đồng ý về chủ trương bổ nhiệm của cấp có thẩm quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức tiến hành quy trình lựa chọn nhân sự.

– Bước 2: Tiến hành sắp xếp nhân sự trước khi bổ nhiệm

Lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đưa ra các chủ trương bổ nhiệm chức vụ thực hiện một số công việc như sau:

+ Đối với nhân sự trong cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các công việc như: đề xuất các phương án nhân sự, thảo luận trao đổi để lựa chọn nhân sự, tiến hành biểu quyết đối với các cá nhân có đủ tiêu chuẩn.

+ Đối với nhân sự tiếp nhận từ đơn vị khác. Tập thể lãnh đạo thực hiện một số công việc như: trao đổi trực tiếp với cá nhân được bổ nhiệm, làm việc với lãnh đạo nơi nhân sự được chuyển đến, xác minh lý lịch, thủ trưởng cơ quan, đơn vị tiếp nhận nhân sự và ra quyết định bổ nhiệm.

+ Tổ chức lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt về nhân sự được tập thể lãnh đạo giới thiệu bằng phiếu kín theo trình tự:

(i) Trao đổi, thảo luận về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu và khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của nhân sự.

(ii) Thông báo danh sách nhân sự do tập thể lãnh đạo giới thiệu; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến phân công công tác.

(iv) Ghi phiếu lấy ý kiến tín nhiệm.

Bước 3: Ban hành quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.

Sau khi thống nhất xong chủ trương và sắp xếp nhân sự, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định bổ nhiệm cán bộ theo thẩm quyền quy định của Luật.

Hi vọng với những chia sẻ trên, Quý vị hiểu rõ hơn về quy trình bổ nhiệm cán bộ

theo quy định của pháp luật. Thực hiện thủ tục này còn tùy thuộc vào các văn bản chuyên ngành trong từng lĩnh vực. Việc hoàn thiện hồ sơ đáp ứng đúng yêu cầu cần được thực hiện bởi chủ thể có chuyên môn và kinh nghiệm pháp lí cao.

Công ty Hoàng Phi xin tiếp nhận các yêu cầu từ phía Quý khách hàng thông qua tổng đài 1900 6557.

Từ khóa » Công Tác đề Bạt Bổ Nhiệm Cán Bộ