Quyền Bất Khả Xâm Phạm Về Chỗ ở được Hiểu Như Thế Nào?

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở được hiểu như thế nào? - Ảnh 1.

Công an đưa hai người đàn ông chiếm giữ trái phép chỗ ở hợp pháp của bà Thảo ra khỏi căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM - Ảnh: CTV

Mấy hôm nay, dư luận xôn xao khi ông Nguyễn Hải Nam - thẩm phán TAND quận 4 và ông Lâm Hoàng Tùng - giảng viên Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM - bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác.

Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về chỗ ở hợp pháp của công dân và trường hợp nào bị xem là hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác? Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) có bài phân tích quy định pháp luật về vấn đề này, Tuổi Trẻ Online trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

"Chỗ ở hợp pháp" được hiểu như thế nào?

Hiến pháp năm 2013 tại điều 22 đã hiến định: "Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp".

Nơi ở hợp pháp của công dân gắn liền với quyền tự do cư trú. Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Theo Luật cư trú năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013), công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của pháp luật. Công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú.

Điều 12 luật này quy định về nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Chỗ ở hợp pháp được hiểu là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở được hiểu như thế nào? - Ảnh 2.

Khi chưa có quyết định của tòa án buộc giao nhà cho bà Chi thì căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn là chỗ ở hợp pháp, bất khả xâm phạm của bà Thảo - Ảnh: CTV

Trở lại vụ việc tại nhà số 29 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM, bà Huỳnh Thị Thu Thảo (36 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cư trú tại đây thông qua việc chuyển nhượng với bà Hoàng Trọng Anh Chi (37 tuổi, thường trú quận 1) vào năm 2017 nên căn nhà này được xem là chỗ ở hợp pháp của bà Thảo và các thành viên trong gia đình.

Việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng giữa bà Thảo và bà Chi sẽ do TAND có thẩm quyền giải quyết. Chỗ ở hợp pháp của bà Thảo chỉ chấm dứt khi có phán quyết của tòa về việc chuyển nhượng này là trái pháp luật, buộc bà Thảo phải trả lại nhà cho bà Chi và cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết.

Do vậy, khi chưa có phán quyết của tòa thì chỗ ở của bà Thảo tại căn nhà nói trên vẫn được pháp luật bảo vệ và không ai có quyền xâm phạm chỗ ở hợp pháp của bà và các thành viên trong gia đình.

Xâm phạm chỗ ở người khác là hành vi vi phạm pháp luật!

Khoản 2 và 3 điều 22 Hiến pháp 2013 quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định".

Điều 12 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) quy định nguyên tắc "bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của cá nhân": Không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở… của cá nhân.

Khoản 1 điều 192 BLTTHS quy định: Việc khám xét chỗ ở của công dân chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định chỗ ở có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.

Với các quy định này, cần được hiểu quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở là quyền hiến định của mỗi công dân, không ai được tùy tiện vào nơi ở của họ. Việc xâm phạm chỗ ở của công dân khi không được sự đồng ý của họ là hành vi trái pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ mà hành vi đó có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Theo điều 158 BLHS 2015, hành vi "xâm phạm chỗ ở của người khác" được mô tả bởi 4 nhóm hành vi: khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ; dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ; tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.

Hậu quả của các nhóm hành vi này làm cho nạn nhân bị mất chỗ ở, bị ảnh hưởng đến cuộc sống, đến sinh hoạt bình thường của họ và các thành viên trong gia đình, gây thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho nạn nhân, xâm phạm trực tiếp đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân được pháp luật bảo hộ.

Hình phạt đối với tội danh này là cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Hành vi của ông Tùng, ông Nam dù biện hộ với bất cứ lý lẽ nào cũng là hành vi trái pháp luật, đã trực tiếp xâm phạm đến nơi ở hợp pháp của bà Thảo và các thành viên trong gia đình.

Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng là thẩm quyền của tòa án, không ai được cho mình cái quyền tự ý vào nhà người khác.

Bắt tạm giam thẩm phán, giảng viên xâm phạm gia cư ở TP.HCM Bắt tạm giam thẩm phán, giảng viên xâm phạm gia cư ở TP.HCM

TTO - Chiều 1-10, cơ quan Công an Q.1, TP.HCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Hải Nam, thẩm phán Tòa án Q.4 và Lâm Hoàng Tùng, giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát để điều tra hành vi 'xâm phạm chỗ ở của người khác'.

Từ khóa » Những Hành Vi Xâm Phạm Chỗ ở Của Người Khác