Quyền Lợi Của Người Lao động Khi đơn Phương Chấm Dứt Hợp đồng ...

Bộ luật Lao động được ban hành ngày 20/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 có nhiều quy định mới liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người lao động (sau đây gọi là Bộ luật Lao động năm 2019). Một trong những quyền đó là người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động được hưởng các quyền lợi cơ bản nêu sau:

Được hưởng trợ cấp thôi việc khi khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật

Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 quy định: Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) thì người lao động (NLĐ) được hưởng trợ cấp thôi việc nếu NLĐ đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên.

- Mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu và trừ trường hợp NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.

- Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo HĐLĐ trước khi người lao động thôi việc.

- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc bằng tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo bảo hiểm thất nghiệp theo quy định và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật

Điều 49 Luật Việc làm năm 2013 quy định: NLĐ đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

(1) Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên và trong thời hạn 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn và không xác đinh thời hạn hoặc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ theo mùa vụ hoặc công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

(2) Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ.

(3) Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ trường hợp:

+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

+ Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

+ Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

+ Chết.

- Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

- Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau: Đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp; sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Được xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội và nhận lại giấy tờ khác

Theo quy định tại Điều 48 BLLĐ năm 2019: NSDLĐ phải hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu đã giữ.

Ngoài ra, NLĐ có thể yêu cầu NSDLĐ cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc. Chi phí sao, gửi tài liệu do NSDLĐ trả.

Được thanh toán khoản tiền liên quan đến quyền lợi (nếu có)

Khoản 1 Điều 48 BLLĐ năm 2019 quy định: trong thời hạn 14 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi mỗi bên. Điều đó có nghĩa là, nếu NSDLĐ vẫn còn nợ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của NLĐ thì phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ.

Phạm Liên

Từ khóa » Theo điều 46 Bllđ Năm 2019