Quyền Rút Tố Cáo Theo Quy định Của Luật Tố Cáo 2018

Tố cáo là việc cá nhân theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định, báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Để đảm bảo thực hiện quyền tố cáo của cá nhân, Hiến pháp, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật này, quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tố cáo và các điều kiện bảo đảm thực hiện việc giải quyết tố cáo. Một trong những chế định quan trọng của Luật Tố cáo là quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo. Luật Tố cáo 2018 vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, cơ bản kế thừa những quy định còn phù hợp về quyền của người tố cáo từ Luật Tố cáo 2011, tuy nhiên bổ sung thêm quy định về quyền rút tố cáo của người tố cáo.

Trong thực tiễn có nhiều trường hợp sau khi tố cáo, người tố cáo tự nhận thức được nội dung tố cáo của mình là sai sự thật, nếu tiếp tục tố cáo và làm việc với cơ quan có thẩm quyền thì chính đó là dấu hiệu của hành vi cố ý tố cáo sai sự thật, nên đã “rút tố cáo”. Trước đây, Luật Tố cáo 2011 chưa có quy định nào để điều chỉnh nội dung này. Trong khi đó, tại Thông tư số 06/2013/TT-TTCP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định Quy trình giải quyết tố cáo lại hướng dẫn việc xử lý tố cáo trong trường hợp người tố cáo rút tố cáo (Điều 6); cụ thể:

“Trong trường hợp người tố cáo xin rút nội dung tố cáo và xét thấy việc rút tố cáo là có căn cứ thì người giải quyết tố cáo không xem xét, giải quyết nội dung tố cáo đó. Trong trường hợp xét thấy hành vi vi phạm pháp luật vẫn chưa được phát hiện và xử lý thì người giải quyết tố cáo vẫn xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp có căn cứ cho rằng việc rút tố cáo do người tố cáo bị đe dọa, ép buộc thì người giải quyết tố cáo phải áp dụng các biện pháp để bảo vệ người tố cáo, xử lý nghiêm đối với người đe dọa, ép buộc người tố cáo, đồng thời phải xem xét, giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp người tố cáo xin rút nội dung tố cáo nhằm che giấu hành vi vi phạm pháp luật, trốn tránh trách nhiệm hoặc vì vụ lợi thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người tố cáo sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”.

Quy định rút tố cáo ở văn bản dưới Luật là chưa thống nhất và bất hợp lý. Do vậy, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền vì quy định này nên khi người tố cáo xin “rút tố cáo” đã gặp khó khăn trong việc xác định trường hợp “rút tố cáo” đó thuộc trường hợp nào trong Điều 6 Thông tư số 06/2013/TT-TTCP và nếu áp dụng liệu có đúng hay không. Để khắc phục bất cập này, Luật Tố cáo 2018 đã bổ sung quy định về “Quyền rút tố cáo” của người tố cáo đã được quy định tại Điều 33 Luật Tố cáo 2018 cụ thể như sau:

“Người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.

Trường hợp người tố cáo rút một phần nội dung tố cáo thì phần còn lại được tiếp tục giải quyết theo quy định của Luật này; trường hợp người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 34 của Luật Tố cáo 2011. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo mà có một hoặc một số người tố cáo rút tố cáo thì tố cáo vẫn tiếp tục được giải quyết theo quy định. Người đã rút tố cáo không được hưởng quyền và không phải thực hiện nghĩa vụ quy định tại Điều 9, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 9 Luật Tố cáo 2011.

Trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết.

Người tố cáo rút tố cáo nhưng có căn cứ xác định người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, quyền rút tố cáo là một điểm mới của Luật Tố cáo 2018. Tuy nhiên, khi phân tích quy định này, ta sẽ thấy đây là một quy định mang tính chất tùy nghi là quyền của người tố cáo nhưng lại phụ thuộc vào người có thẩm quyền giải quyết. Luật Khiếu nại 2011 quy định người khiếu nại có thể rút khiếu nại ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại, và việc rút khiếu nại hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chính người khiếu nại. Khác với quy định này, Luật Tố cáo mới 2018 quy định việc rút tố cáo phải được thực hiện trước khi người có thẩm quyền giải quyết ra kết luận về nội dung tố cáo. Đồng thời, nếu rơi vào ba trường hợp ở trên, thì người tố cáo có thực hiện việc rút đơn, người có thẩm quyền vẫn có trách nhiệm tiếp tục xem xét giải quyết. Trường hợp phát hiện ra người tố cáo cố ý tố cáo sai sự thật, xúc phạm, bôi nhọ, gây thiệt hại cho người bị tố cáo còn bị xử lý về tội cố ý tố cáo sai sự thật. Quy định này cho thấy, đây thực chất là quy định mang tính chất tùy nghi tuy là quyền của người tố cáo nhưng lại hoàn toàn phụ thuộc vào người có thẩm quyền giải quyết.

Tóm lại, việc sửa đổi, bổ sung quy định về quyền rút tố cáo sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để khuyến khích công dân thực hiện trách nhiệm của mình trong việc phát hiện và ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới./.

Đào Thảo Ly – Giảng viên Khoa QLNN&PCTN

Từ khóa » Xin Rút đơn Tố Cáo