Quyết Giành Thắng Lợi Vụ Hè Thu để Bù Thiệt Hại Vụ Đông Xuân

Tăng năng suất vụ Hè Thu   - Ảnh 1.

Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh rà soát cơ cấu mùa vụ và bố trí thời vụ sản xuất lúa - Ảnh minh họa

Ngày 22/4, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2021-2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu và vụ Mùa năm 2022.

Mưa lớn gây thiệt hại vụ Đông Xuân

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), trước khi bước vào vụ Đông Xuân 2021-2022, đơn vị đã phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch và các giải pháp chỉ đạo sản xuất, bố trí thời vụ gieo sạ phù hợp và tập trung xuống giống nhanh, gọn; chủ động lịch xuống giống linh hoạt cho từng tiểu vùng tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương.

Dù đã chuẩn bị kỹ càng nhưng những đợt mưa lớn bất thường đã làm ngập những cánh đồng lúa chín tại nhiều tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ, gây mất năng suất lúa trầm trọng. Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năng suất đã giảm 4,44 tạ/ha, sản lượng giảm đến 144.000 tấn so với vụ Đông Xuân năm trước.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: "Vào đầu mùa vụ Đông Xuân 2021-2022 thời tiết thuận lợi nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Các địa phương cũng tập trung chỉ đạo kịp thời công tác phòng trừ các loại sâu bệnh hại. Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối vụ, lúc cây lúa đang giai đoạn trổ, chín thì gặp mưa lớn gây ngập úng, đổ ngã. Thời tiết lạnh, âm u cũng đã ảnh hưởng lớn đến các trà lúa đang trổ làm giảm trầm trọng năng suất và sản lượng lúa".

Trước tình hình này, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu vụ Hè Thu 2022 vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ gieo sạ hơn 181.000 ha lúa, năng suất bình quân ước đạt 61,82 tạ/ha, tăng 0,46 tạ/ha; sản lượng vụ này quyết tăng hơn 14.000 tấn so với vụ Hè Thu 2021.

Với vụ Mùa 2022, vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên phấn đấu sản xuất trên 267.000 ha lúa, ước tính năng suất bình quân 53,17 tạ/ha, tăng 0,49 tạ/ha so cùng kỳ.

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đề nghị các tỉnh rà soát cơ cấu mùa vụ và bố trí thời vụ sản xuất lúa. Mùa mưa năm nay ở Tây Nguyên được dự báo bắt đầu sớm hơn mọi năm, nên tùy từng khu vực, cần tranh thủ làm đất xuống giống tập trung, nhanh gọn khi đất đủ ẩm để né tránh khô hạn có thể xảy ra vào cuối mùa vụ.

Với vùng an toàn nguồn nước tưới, sản xuất tập trung canh tác đúng lịch thời vụ. Vùng có nguy cơ hạn hán, không đủ lượng nước cho cây trồng vào cuối vụ, cần tập trung bố trí chuyển từ cơ cấu sản xuất 3 vụ sang 2 vụ lúa/năm, hoặc bố trí lại thời vụ sản xuất phù hợp để né tránh hạn và áp dụng kỹ thuật canh tác để hạn chế khô hạn gây hại cây lúa.

Đặc biệt, các địa phương cần đẩy mạnh chuyển đổi những vùng có khả năng thiếu nước vào cuối vụ sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm nước tưới.

Nỗ lực hết mình để giành thắng lợi vụ Hè Thu

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhìn nhận, dù đã rất chủ động trong vụ Đông Xuân 2021-2022 nhưng mưa lớn bất thường vào cuối vụ đẫ gây mất năng suất trầm trọng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu "Trước khi bước vào sản xuất vụ Hè Thu năm nay, Cục Trồng trọt cần khẩn trương làm việc với các địa phương nắm bắt tình hình thiếu lúa giống để kịp thời khắc phục. Các địa phương cần nỗ lực hết mình để giành thắng lợi vụ Hè Thu nhằm bù lại thiệt hại vụ Đông Xuân vừa qua".

Lịch sản xuất cụ thể vụ Hè Thu: Đối với các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định, vùng sản xuất 3 vụ lúa/năm xuống giống từ ngày 25/3-5/4; vùng sản xuất 2 vụ lúa/năm xuống giống từ ngày 20/5-30/5. Các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa xuống giống từ ngày 10/5-10/6; các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận xuống giống từ ngày 25/4-20/5.

Đối với các tỉnh Tây Nguyên, vùng Đông Trường Sơn xuống giống từ 1/6-20/6; vùng Tây Trường Sơn xuống giống tập trung từ 15/5-10/6, có thể tranh thủ mùa mưa đến sớm gieo sạ trước 15/5 và chấm dứt trước 30/5 để né tránh hạn vào cuối mùa vụ.

Vụ Hè Thu ở Lâm Đồng xuống giống từ 5-15/4. Lúa mùa 1 vụ tranh thủ gieo sạ khi đủ nước tới và chấm dứt trước 10/7.

Đỗ Hương

  • Tham khảo thêm

    Các DN phân bón tăng tốc bảo đảm nguồn cung cho vụ Hè Thu

    Các DN phân bón tăng tốc bảo đảm nguồn cung cho vụ Hè Thu
  • Tham khảo thêm

    Đẩy mạnh ứng dụng GAP trong sản xuất trồng trọt

    Đẩy mạnh ứng dụng GAP trong sản xuất trồng trọt

Từ khóa » Cấy Lúa Vụ Hè Thu