Rách Sụn Chêm đầu Gối: Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Cách điều Trị

Nội dung bài viết

  • Sụn chêm là gì?
  • Hình thái tổn thương ở sụn chêm
  • Biểu hiện khi sụn chêm bị tổn thương
  • Nguyên nhân và cơ chế rách sụn chêm
  • Chẩn đoán rách sụn chêm
  • Tiêu chí xác định rách sụn chêm trên MRI
  • Điều trị và phục hồi sau khi phẫu thuật của rách sụn chêm

Khớp gối là một khớp phức hợp, là khớp lớn và chịu toàn bộ tải trọng của cơ thể. Vì được cấu tạo phức tạp, bởi nhiều thành phần, có tầm hoạt động lớn, nên khớp gối rất dễ bị tổn thương. Mỗi khi bị chấn thương, thường gây tổn thương nhiều thành phần của khớp.

Sụn chêm là một trong những thành phần quan trọng của khớp và dễ bị tổn thương nhất. Rách sụn chêm thuờng gặp trong tai nạn giao thông, chấn thương thể thao… Vậy sụn chêm là gì và tổn thương sụn chêm như thế nào? Bài viết sau của Bác sĩ Nguyễn Quang Hiếu sẽ giải thích rõ hơn về vấn đề này.

Sụn chêm là gì?

Sụn chêm có nguồn gốc là từ nguyên bào sợi, giúp ngăn cách đầu dưới xương đùi và đầu trên của xương chày.

Giải phẫu học – cấu tạo sụn chêm

  • Khớp gối được tạo nên bởi 3 xương: đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chầy và xương bánh chè,
  • Mỗi đầu gối có hai sụn chêm giữa đầu xương đùi và xương chày. Chúng được gọi là sụn chêm trong và sụn chêm ngoài.

Vị trí

  • Nằm lót giữa đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chầy là hai tấm sụn có đặc tính bền, dai, và đàn hồi gọi là sụn chêm. Có hai sụn chêm nằm ở phía trong và phía ngoài khớp gọi là sụn chêm trong và sụn chêm ngoài. Mỗi sụn chêm có ba phần: sừng trước, sừng sau và thân giữa; có hai bờ: bờ bao khớp bám vào bao khớp (bờ ngoại vi), bờ tự do (bờ trung tâm). Sụn chêm trong có hình chữ C, sụn chêm ngoài hình chữ O.

Sụn chêm

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Ghi chú: A. sừng sau, B. thân, C. sừng trước; I. vùng giàu mạch, II. vùng nghèo mạch, III. vùng vô mạch

Dựa vào tính chất cấp máu, sụn chêm chia ra 3 vùng:

  • Vùng giàu mạch máu nuôi: Chiếm 1/3 ngoài (bờ bao khớp). Vùng này có đầy đủ mạch máu nuôi. Nếu rách vùng này dễ phục hồi nếu phát hiện sớm và điều trị đúng.
  • Vùng trung gian: Ở 1/3 giữa, mạch máu bắt đầu giảm dần. Tổn thương có thể lành khi điều trị đúng nhưng kết quả thấp hơn vùng 1/3 ngoài.
  • Vùng vô mạch: 1/3 trong (bờ tự do), không có mạch nuôi. Nếu rách ở đây không có khả năng phục hồi, thường phải cắt bỏ phần rách.
Phân bố vùng máu nuôi ở sụn chêm
Phân bố vùng máu nuôi ở sụn chêm

Cơ sinh học của sụn chêm

Khớp gối chịu 5-6 lần trọng lượng cơ thể trong khi bước. Lực tác động lên sụn chêm thay đổi theo tư thế. 50% trọng lực truyền qua sụn chêm ở tư thế gối duỗi thẳng, 85% ở tư thế gối gập. Khớp gối còn sụn chêm có khả năng hấp thụ lực và giảm xóc cao hơn 20% so với khớp gối đã bị cắt sụn chêm.

Vai trò của sụn chêm

Sụn chêm là một sụn xơ dạng chữ C ở đầu gối, có chức năng như một “miếng đệm”. Nó có tác dụng tiếp nhận những áp lực cho va đập vào đầu gối. Nó đóng vai trò một lớp mềm ngăn cách giữa xương của khớp gối, hỗ trợ sự ổn định của khớp gối khi cử động.

Khi chúng ta đi bộ, chạy và nhảy, đầu gối sẽ phải hấp thụ những lực cực lớn. Lúc này, lớp sụn cũng đóng vai trò như một lớp đệm, hấp thụ lực sang chấn mạnh, giảm thiểu tối đa lực dư thừa làm tổn thương bề mặt xương không bị hư hại. Hơn nữa, nhờ có sụn chêm, các nguồn lực từ nhiều hướng sẽ được phân tán rộng trên toàn bộ đầu gối thay vì cô lập chúng.

Vậy tóm lại, vai trò của sụn chêm:

  • Phân phối lực đều lên khớp gối;
  • Tạo sự vững chắc cho khớp;
  • Phân bố đều hoạt dịch bôi trơn và dinh dưỡng sụn khớp;
  • Tránh cho bao khớp và màng hoạt dịch không bị kẹt vào khe khớp.

Hình thái tổn thương ở sụn chêm

Kiểu tổn thương ở sụn chêm

Sụn chêm rách theo nhiều kiểu khác nhau. Mô tả dựa vào hình thái rách, và vị trí rách.

  • Theo hình thái: rách dọc, rách ngang, rách hình nan hoa, hình vạt, hình mỏ, hình quai vali và rách phức tạp.
  • Theo vị trí: rách sừng trước, sừng sau, thân; rách vùng vô mạch, vùng có mạch nuôi.
Các dạng thương tổn của sụn chêm
Các dạng thương tổn của sụn chêm

Biểu hiện khi sụn chêm bị tổn thương

Các biểu hiện rách sụn chêm

Khi bị chấn thương bất ngờ, hoạt động mạnh vùng khớp gối, bạn có thể có những biểu hiện sau:

  • Có thể nghe tiếng “nổ” khi sụn chêm rách.
  • Hầu hết bệnh nhân vẫn bước đi bình thường, cầu thủ bóng đá vẫn chơi hết trận ngay sau rách sụn chêm.
  • Tuy nhiên, khoảng 2-3 ngày sau gối dần dần sưng lên và cảm giác mất linh hoạt gối.
  • Có thể gặp sau tai nạn, bệnh nhân với tụ dịch vùng khớp gối, không thể đứng thẳng hoặc hoạt động bình thường được.

Các triệu chứng thường gặp của rách sụn chêm

  • Đau gối.
  • Sưng, tụ dịch và hạn chế vận động gối.
  • Khớp gối bị kẹt, hoặc có tiếng lục cục trong khớp khi vận động.
  • Gối không thể gấp duỗi hết tầm

Nguyên nhân và cơ chế rách sụn chêm

Ở người trẻ:

  • Rách sụn chêm thường xẩy ra đột ngột sau một chấn thương trong trạng thái gối gấp (ngồi xổm) đồng thời chân bị vặn xoắn.
  • Thường gặp trong chấn thương thể thao, tai nạn giao thông. Các bệnh cảnh tổn thương sụn chêm thường liên quan đến thể thao, như bóng đá, quần vợt hoặc bóng rổ. Thậm chí, động tác quỳ xuống, ngồi xổm sâu hoặc nâng vật nặng lên đôi khi có thể dẫn đến rách sụn chêm.
  • Các sụn này có thể bị rách theo bất kỳ hướng nào, tùy vào hướng lực tác động.

Ở người có tuổi:

  • Rách sụn chêm thường do thoái hóa tự nhiên. Song song đó, sự thoái hóa trên bề mặt xương đùi, trở nên thô ráp hơn. Sự thô ráp đó sẽ xé rách lớp sụn chêm khi vốn dĩ chúng đã trở nên mềm hơn do thoái hóa.
  • Bệnh nhân ngồi ghế và đứng lên đột ngột trong tư thế bất lợi, chân hơi vặn, cũng có thể gây rách sụn chêm. Rách sụn chêm ở người già thường kèm theo bong và mòn sụn khớp.
  • Trong những trường hợp này, phẫu thuật thường có chỉ định.
  • Phẫu thuật nhầmh sửa chữa sụn chêm mà còn giúp sửa chữa bề mặt khớp đã bị hư hỏng.

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho mọi người, đặc biệt là đối với nhóm bệnh nhân có bệnh lý cơ xương khớp. Tuy nhiên, do đau, mệt mỏi hay sưng khớp mà nhiều người trong chúng ta lại không tập thể dục, dần dần sẽ làm yếu cơ, cứng khớp, hạn chế vận động và dính khớp. Tập thể dục đúng cách có thể giúp giảm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống. Cùng với YouMed tìm hiểu thêm về vấn đề này qua bài viết: Tập thể dục với bệnh nhân cơ xương khớp

Chẩn đoán rách sụn chêm

Rách sụn chêm thường là một chẩn đoán được nghĩ đến đầu tiên khi bệnh nhân nhập viện với chấn thương tự phát tại đầu gối.

Thăm khám của bác sĩ

  • Việc xác chẩn sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bác sĩ yêu cầu bạn di chuyển đầu gối, cử động chân theo các vị trí khác nhau. Sau đó quan sát cách đi lại, nâng gối và cả ngồi xổm.
  • Khám: Ấn vào khe khớp bệnh nhân đau; nghiệm pháp Mac Murray và Appley dương tính.
  • Tổn thương sụn chêm thường đi kèm với tổn thương dây chằng khớp gối. Bác sĩ sẽ xem xét và cân nhắc khám các tổn thương liên quan.

Phương tiện chẩn đoán hình ảnh học

Tuy nhiên, chỉ khám bằng tay và hỏi bệnh sử là chưa đủ. Để xác định chính xác thương tổn, việc tham gia của các công cụ chẩn đoán hình ảnh là cần thiết.

Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh thường dùng để khảo sát tổn thương:

1. Chụp X-quang:

  • Nhằm đánh giá tình trạng xương vùng khớp gối.
  • Đây là phương tiện phổ biến, nhanh chóng và dễ dàng thực hiện. Tuy nhiên, giá trị của x-quang trong tổn thương sụn chêm lại khá hạn chế. Bởi vì cấu trục của sụn là không thể xuất hiện trên phim x-quang.
  • Dù vậy, chỉ định này có thể giúp loại trừ các vấn đề khác tại đầu gối cũng gây ra các triệu chứng tương tự. X-quang có thể giúp bác sĩ khảo sát tổn thương đầu xương kèm theo, nhất là ở người lớn tuổi.

2. Siêu âm khớp gối:

  • Đây là phương pháp sử dụng sóng siêu âm để chụp ảnh bên trong cơ thể. Điều này sẽ xác định xem bạn có bất kỳ sụn lỏng mà có thể bị mắc kẹt ở đầu gối.
  • Phương pháp này có thể giúp bác sĩ khảo sát tình trạng tụ dịch quanh gối.
  • Một phương pháp mới là siêu âm động khớp gối. Siêu âm này chi phí khá rẻ so với MRI. Nó cho thấy tổn thương dây chằng kèm theo.
  • Thường phương pháp này được dùng trong việc theo dõi việc phục hồi sụn chêm và dây chằng. Nhất là khoảng thời gian sau phẫu thuật.

3. Nội soi chẩn đoán:

  • Dùng khi tổn thương sụn chêm quá phức tạp.
  • Bác sĩ có thể sử dụng một dụng cụ gọi là máy nội soi khớp để kiểm tra các cấu trúc giải phẫu bên trong đầu gối của bạn.
  • Thiết bị này sẽ được đưa vào qua một vết mổ nhỏ gần đầu gối. Bộ thiết bị chứa nguồn sáng và một camera nhỏ, truyền hình ảnh phóng to từ bên trong đầu gối lên màn hình. Nếu cần thiết, dụng cụ phẫu thuật cũng có thể được đưa vào. Đồng thời qua máy soi khớp hoặc thông qua các vết mổ nhỏ khác ở đầu gối để sửa chữa vết rách.
  • Cho phép quan sát toàn bộ khớp gối. Đánh giá chính xác tình trạng, mức độ tổn thương của sụn, dây chằng, sụn chêm, màng hoạt dịch. Từ đó giúp quyết định phương pháp điều trị cụ thể với từng trường hợp cụ thể.

4. Hình ảnh các tổn thương sụn chêm trên MRI

  • Máy chụp MRI (cộng hưởng từ) có bản chất là sự kết hợp các khối nam châm lớn. Dùng tần số từ trường và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cơ quan và cấu trúc bên trong cơ thể.
  • Ưu điểm của phương tiện này được phát huy trong việc chẩn đoán các bệnh lý ở sụn khớp, dây chằng, gân, xương hoặc cơ xung quanh.
  • Có độ nhạy khoảng 95% và độ đặc hiệu 81% đối với sụn chêm trong, có độ nhạy khoảng 85% và độ đặc hiệu 93% đối với sụn chêm bên. MRI là phương thức được lựa chọn khi nghi ngờ rách sụn chêm và mô tả hầu hết các đặc điểm của tổn thương này.

Tiêu chí xác định rách sụn chêm trên MRI

Đây chính là cách thức nghiên cứu hình ảnh tốt nhất để phát hiện rách sụn chêm. Nên mục này tôi sẽ viết riêng, nhằm làm rõ hơn vai trò quan trọng của phương pháp này.

Hai tiêu chí xác định rách sụn chêm trên MRI quan trọng nhất là khi quan sát thấy:

  1. Sụn chêm có hình dạng bất thường.
  2. Sụn chêm có cường độ tín hiệu cao nhưng lại tiếp xúc một cách không rõ ràng trên bề mặt của đầu xương.

Về vị trí và kiểu rách, hình ảnh sụn chêm trên MRI giúp phân loại thành các kiểu sau đây:

  • Rách sụn chêm ngang

Đây là kiểu rách phổ biến, chiếm 32% tại sụn chêm trong. Bệnh nhân rách sụn chêm kiểu ngang thường lại không nhớ rõ tình trạng chấn thương cụ thể. Chỉ đi khám vì cảm giác đau đầu gối mới xuất hiện hoặc tăng nhiều hơn khi đi lại, vận động.

Chính vì thế, nguyên nhân của các trường hợp này thường được cho rằng do thoái hóa, nhất là ở những bệnh nhân hơn 40 tuổi mà không có chấn thương gối ban đầu.

  • Rách sụn chêm dọc

Kiểu rách này có hình ảnh trên MRI là một đường rách kéo dài song song với chu vi của sụn. Đây là hệ quả hầu như luôn luôn liên quan đến chấn thương đầu gối ở mức độ đáng kể.

  • Rách sụn chêm xuyên tâm

Đây là trường hợp có đường rách hình vòng, phát sinh từ rìa tự do của một sụn và kéo dài vào trong lòng sụn.

Vị trí phổ biến nhất cho kiểu rách này là ở sụn chêm trong.

Nguyên nhân là do xương đùi giữ trọng tâm của cơ thể trượt ra ngoài rìa của xương chày.

  • Rách sụn chêm phức tạp

Kiểu rách này là khi sụn chêm bị rách không theo một đường gọn gàng mà rách một vạt, lan rộng trong một mặt phẳng tạo ra những vạt sụn riêng biệt.

Đôi khi vạt sụn bị rách có thể tự xê dịch hoặc có thể bị dịch chuyển bởi đầu dò trong quá trình nội soi khớp.

  • Rách sụn chêm thành nắp

Vết rách sụn chêm đã đi quá giới hạn chu vi sụn, tạo thành một mảnh sụn rời và bị dịch chuyển ra khỏi vị trí vết rách.

Vai trò của MRI đầu gối trong kiểu rách này rất quan trọng nhằm xác định vị trí mảnh nắp trước khi nội soi. Đôi khi có thể khó tìm thấy mảnh rách do nó bị dịch chuyển khi nội soi khớp.

Nếu không được loại bỏ, phần nắp rách sẽ gây đau đầu gối mạn tính và làm kẹt khớp gối.

Điều trị và phục hồi sau khi phẫu thuật của rách sụn chêm

  • Điều trị phức tạp, dựa vào khảo sát kĩ phần khớp gối tổn thương.
  • Nói chung, tùy vào mức độ thương tổn, sẽ có hai cách điều trị là bảo tồn (không phẫu thuật) và phẫu thuật.
  • Phục hồi sau phẫu thuật và không phẫu thuật đều đòi hỏi một quá trình cố gắng của cả bác sĩ và bệnh nhân.
  • Xin mọi người có thể tham khảo phần điều trị và phục hồi trong phần bài viết sau của chúng tôi:

Việc phục hồi, điều trị và liệu pháp về bệnh Rách Sụn Chêm mất bao lâu? Khi nào người bệnh hoạt động lại bình thường? Cùng tham khảo thêm trong bài viết: Điều trị và hồi phục bệnh Rách Sụn Chêm

Đầu gối được cấu tạo từ nhiều bộ phận khác nhau. Các chấn thương đầu gối do tai nạn lao động, giao thông hay thể thao đều có thể gây tổn thương sụn chêm, dây chằng, đầu xương…

Tổn thương rách sụn chêm đều có đặc điểm chung là gây đau, sưng, biến dạng khớp và hạn chế khả năng vận động. Do đó bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay khi bị chấn thương khớp gối để có thể chẩn đoán chính xác vị trí tổn thương. Từ đó đề ra phương án điều trị thích hợp.

Từ khóa » Hình ảnh Rách đầu Gối