Rau Má - Thuốc Quý Ngày Oi Nóng

Theo Đông y, rau má vị đắng tính hàn. Vào 3 kinh can, tỳ và thận. Công dụng: thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu thũng, giải độc, lợi sữa. Dùng chữa rất hiệu quả các bệnh về mùa hè, tiết tả, lỵ, vàng da do thấp nhiệt, tiểu khó, tiểu ra máu, đại tiện ra máu, ho ra máu, nôn ra máu, viêm họng, mắt đỏ, dị ứng mẩn ngứa, nhọt độc, lở loét, bỏng... Sau đây là một số kinh nghiệm dùng rau má làm thuốc:

Cảm nắng do ở ngoài nắng lâu, bị nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn: Lấy 1 nắm rau má tươi rửa sạch, giã nhuyễn lấy nước cốt pha loãng, thêm hạt muối uống. Hoặc nước cốt rau má hoà nước bột sắn, đường phèn để uống. Bã đắp lên trán và thái dương lấy khăn buộc lại.

Rau má

Giải nhiệt chữa rôm sẩy, mẩn ngứa, mụn nhọt...: Rau má tươi 30-100g giã (hoặc xay) lấy nước uống hàng ngày (nếu cẩn thận chần qua nước sôi). Có thể phối hợp rau sam, kinh giới.

Bệnh sởi: Rau má 30 - 60g sắc uống. Có thể phối hợp rau rệu...

Tiêu chảy mùa hè (do trúng thử): Rau má 30g sắc với nước gạo uống.

Sốt xuất huyết: Rau má tươi 30 - 100g sắc uống có thể thêm cỏ mực.

Tiểu ra máu: Rau má và ích mẫu thảo mỗi thứ 1 nắm giã nát lấy nước uống.

Táo bón: Rau má 30g giã nát đắp uống nước, bã đắp lên rốn.

Vàng da do thấp nhiệt: Rau má 30 - 40g, đường phèn 30g. Sắc uống. Có thể thêm ít nhân trần...

Áp-xe vú (giai đoạn đầu): Rau má và vỏ quả cau sắc uống. Nếu uống được rượu pha thêm một chút hiệu quả càng cao.

Hành kinh đau bụng đau lưng: Rau má khô tán bột ngày uống 2 thìa con (thìa cà phê 15g).

Trẻ biếng ăn, còi cọc, đi ngoài phân sống: Rễ rau má 1 nắm to rửa sạch để cho thật ráo nước, sao khô, tán bột cho vào cháo hoặc nấu chung với bột gạo thành cháo. Có thể phối hợp bột củ mài.

Giải độc: (thuốc, thức ăn...). Để phòng biến cố chỉ nên sơ cứu rồi đưa đi bệnh viện sớm. Rau má giã lấy nước uống. Có thể cho thêm đường phèn.

Lưu ý: tránh lạm dụng rau má khi cơ thể ở trạng thái hư hàn, đang bị đau bụng đi ngoài do hàn.

Từ khóa » He Rau Má