Rau Má - Vị Thuốc Mát, Giải Nhiệt Ngày Nóng

1. Đặc điểm của cây rau má

Cây rau má còn gọi là tích huyết thảo. Tên khoa học Centenlia asiatica (L.) Urb., (Hydrocotyle asiatica L., Trisanthus cochinchinensis Lour.). Thuộc họ Hoa tán Apiaceae (Umbelliferae).

Rau má là một loại cỏ mọc bò, có rễ ở các mấu, thân gầy, nhẵn. Lá hình mắt chim, khía tai bèo...

Cây rau má mọc hoang tại khắp nơi ở Việt Nam và các nước vùng nhiệt đới như Lào, Campuchia, Indonesia, Ấn Độ…

Rau má - vị thuốc mát, giải nhiệt ngày nóng - Ảnh 2.

Cây rau má - vị thuốc làm mát ngày nóng.

Toàn cây khi tươi có vị đắng, hăng hơi khó chịu; khi khô thì chỉ còn mùi cỏ khô; thu hái quanh năm; dùng tươi hay sao vàng.

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, rau má được nhiều người nghiên cứu, nhưng kết quả chưa thống nhất:

  • Theo Basu và Lamsal (1947), trong rau má có một alkaloid gọi là hydrocotylin C22H33O9N1, có độ chảy 210-212 độ C. Alcaloid này cho các muối oxalate với độ chảy 295 độ C, muối picrat với độ chảy 110-112 độ C, muối cloroplatinat với độ chảy 134-136 độ C.
  • Theo Bửu Hội, Rakoto Ratsimamanga và Boiteau, trong cây rau má thu hái ở đảo Mangat (châu Phi) có chứa một glucozit gọi là asiaticozid với công thức C34H88O33. Thủy phân asiaticozit sẽ cho acid Asiatic và glucoza. Chất glucozit này có tinh thể, tan trong rượu, độ chảy 230-233 độ C, có thể cho một dẫn xuất tan trong nước, gọi là oxyasiaticozid có tác dụng điều trị được bệnh lao.
  • Một số tác giả khác (Lythgoe và Tripper) nghiên cứu rau má mọc ở Srilanca (1949) đã lấy ra được một glucozit khác đặt tên là xentelozit (centelloside) có tính chất gần như asiaticozit.
  • Một số tác giả cho rằng hoạt chất của rau má là những saponin (acid Asiatic, acid brahmic) có cấu trúc tri-tecpen, có tác dụng tới mô liên kết, giúp cho các mô tái tạo nhanh chóng, do đó làm cho vết thương mau lành và lên da non.
  • Rau má - Thuốc quý ngày oi nóng

    Rau má - Thuốc quý ngày oi nóngĐỌC NGAY

2. Công dụng và liều dùng

Nhân dân ta coi vị rau má là một vị thuốc mát, vị ngọt, hơi đắng, tính bình, không độc, có tính chất giải nhiệt, giải độc, thông tiểu, dùng chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, lợi sữa.

Ngày dùng 30 đến 40g tươi, vò nát vắt lấy nước uống hoặc sắc uống. Thuốc rau má không độc, phụ nữ có thai vẫn dùng được.

Tại một số nước, người ta chú ý nghiên cứu rau má để tìm tác dụng chữa bệnh phong và bệnh lao.

Theo tập san Societe des amis du parc botanique de Tananarive, 1941 và 1942 tại Mangat, người ta dùng rau má chữa phong có kết quả tốt hơn chế phẩm của đại phong tử. Năm 1949, Lythgoe và Tripper đã nghiên cứu tác dụng chữa phong của xentolozit.

Ngoài ra, chất chế từ asiaticozit có tác dụng chống vi trùng lao.

Ở một số nước, người ta chế rau má dưới dạng:

  • Viên nén chứa 0,01g rau má: Chữa các chứng giãn tĩnh mạch, chứng nặng chân do máu ở các tĩnh mạch chân chậm trở về tim. Ngày uống 3-6 viên vào bữa ăn.
  • Thuốc tiêm 1ml chứa 0,02g cao rau má: Chữa bỏng, vết thương do chấn thương hoặc vết phẫu thuật, các tổn thương ở da và niêm mạc (tai, mũi, họng) hoặc sản phụ. Cách 1 ngày tiêm bắp 1 ống phối hợp bôi thuốc mỡ (1% cao rau má) hoặc thuốc bột chứa 2% cao rau má.
Rau má – vị thuốc mát, giải nhiệt ngày nóng - Ảnh 4.

Nước ép rau má giải nhiệt ngày hè.

Các đơn thuốc có rau má:

- Chữa đau bụng, đi ngoài lỏng, đi lỵ

Rau má (cả dây, cả lá) rửa sạch, thêm ít muối, nhai sống. Ngày ăn chừng 30-40g (kinh nghiệm nhân dân nhiều nơi). Có thể luộc rau má mà ăn như ăn rau.

- Chữa phụ nữ kinh nguyệt đau bụng, đau lưng

Rau má hái lúc ra hoa, phơi khô, tán nhỏ. Ngày uống một lần, vào lúc buổi sáng, mỗi lần hai thìa cà phê gạt ngang.

- Chữa rôm sảy, mẩn ngứa

Hằng ngày ăn rau má trộn dầu dấm hoặc rau má hái về, giã nát, vắt lấy nước, thêm đường vào mà uống hằng ngày.

Ngoài vị rau má Centella asiatica nói trên, trong nhân dân ta còn dùng vị rau má mơ, rau má họ hay thiên hồ thái Hydrocotyle rotundifolia Roxb. Loại cỏ có thân mọc bò, nhỏ, mang rễ ở những đốt, lá hình hơi tròn, mép khía tai bèo, đường kính nhỏ hơn loại trên, chừng 10-15mm, cuống dài 1-4cm, hoa nhỏ màu xanh nhạt. Quả dẹt, rộng chừng 1,5mm. Cây này mọc hoang ở những nơi ẩm thấp khắp nước ta. Nhân dân dùng toàn cây chữa bệnh gan.

Rau má – vị thuốc mát, giải nhiệt ngày nóng - Ảnh 5.

Nước rau má hòa bột sắn, đường phèn chữa cảm nắng.

3. Kinh nghiệm dùng rau má làm thuốc

BS. Phó Thuần Hương bác sĩ đã viết nhiều bài báo đăng trên Báo Sức khỏe & Đời sống giới thiệu một số kinh nghiệm dùng rau má làm thuốc như sau:

- Cảm nắng do ở ngoài nắng lâu, bị nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn: Lấy 1 nắm rau má tươi rửa sạch, giã nhuyễn lấy nước cốt pha loãng, thêm hạt muối uống. Hoặc nước cốt rau má hoà nước bột sắn, đường phèn để uống. Bã đắp lên trán và thái dương lấy khăn buộc lại.

- Giải nhiệt chữa rôm sẩy, mẩn ngứa, mụn nhọt...: Rau má tươi 30-100g giã (hoặc xay) lấy nước uống hàng ngày (nếu cẩn thận chần qua nước sôi). Có thể phối hợp rau sam, kinh giới.

- Bệnh sởi: Rau má 30 - 60g sắc uống. Có thể phối hợp rau rệu...

- Tiêu chảy mùa hè (do trúng thử): Rau má 30g sắc với nước gạo uống.

- Sốt xuất huyết: Rau má tươi 30 - 100g sắc uống có thể thêm cỏ mực.

- Tiểu ra máu: Rau má và ích mẫu thảo mỗi thứ 1 nắm giã nát lấy nước uống.

- Táo bón: Rau má 30g giã nát đắp uống nước, bã đắp lên rốn.

- Vàng da do thấp nhiệt: Rau má 30 - 40g, đường phèn 30g. Sắc uống. Có thể thêm ít nhân trần...

- Áp-xe vú (giai đoạn đầu): Rau má và vỏ quả cau sắc uống. Nếu uống được rượu pha thêm một chút hiệu quả càng cao.

- Trẻ biếng ăn, còi cọc, đi ngoài phân sống: Rễ rau má 1 nắm to rửa sạch để cho thật ráo nước, sao khô, tán bột cho vào cháo hoặc nấu chung với bột gạo thành cháo. Có thể phối hợp bột củ mài.

- Giải độc (thuốc, thức ăn...): Để phòng biến cố chỉ nên sơ cứu rồi đưa đi bệnh viện sớm. Rau má giã lấy nước uống. Có thể cho thêm đường phèn.

Lưu ý: Tránh lạm dụng rau má khi cơ thể ở trạng thái hư hàn, đang bị đau bụng đi ngoài do hàn.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hộ chiếu vaccine: Không trục lợi, gây khó khăn cho người dân.

Từ khóa » He Rau Má