Rau Mọi (lộc Mại) Chữa Táo Bón - Tiền Phong

+ Đáp:

“Rau mọi” sách thuốc nước ta gọi là “Lộc mại”; còn có một số tên khác như “lục mại”, “mọ trắng”, “bọ nẹt”, ... Tên khoa học là Claoxylon indicum (?Reinw.ex Bl.)Hassk. [Erythrochilus indicus Reinw.ex Bl.;?Claoxylon polot(?Burm.f.)Merr.]

Rau mọi (lộc mại) chữa táo bón ảnh 1

Cây lộc mại thường mọc hoang ở khắp các vùng rừng núi, trung du và đồng bằng, ở độ cao dưới 700m, suốt từ Lào Cai tới Kiên Giang. Cây ưa ánh sáng và có thể sống được trên nhiều loại đất. Thườn thấy mọc rải rác hay thành đám khá liên tục ở dưới chân đồi, ven nương rãy, ven đường đi hoặc trên các nương rãy cũ do đất cằn bỏ hoang lâu ngày.

Lộc mại là loại cây nhỏ, cao 2-3m hoặc cây nhỡ cao 5-6m, phân nhiều cành cành nhỏ, dòn. Thân và cành lúc đầu hơi có cạnh sau hình trụ nhẵn, có nhiều bì khổng hình chấm trắng. Lá đơn, đa dạng, mọc so le, hình bầu dục hoặc hình mác thuôn dài, gốc tròn đầu nhọn, hai mặt nhẵn, mép có răng cưa , dài 10-20cm, rộng 5-10cm, có cuống 2,5-4,5cm, có hai hạch nhỏ ở chỗ tiếp giáp với phiến lá; lá kèm nhỏ, có lông; Lá non màu hồng đỏ. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành bông đơn tính khác gốc. Cụm hoa đực mọc thành bông dài 10-20cm, thõng xuống, hoa có cuống, đài 3 răng, nhị 50 hoặc hơn. Hoa cái nhỏ li ti mọc đơn độc hay thành từng đôi, hầu như không cuống, đài 3 răng, bầu hình cầu, rất nhẵn. Quả ba mảnh vỏ, trên mặt có những gai nhỏ, ngắn. Mùa hoa quả: tháng 5-8. Cây mọc chồi và ra nhiều lá non từ cuối mùa xuân cho đến hết mùa .hè

Để làm thuốc dân gian thường dùng lá. Lá hái hầu như quanh năm. Dùng tươi hay phơi khô. Một số địa phương còn dùng lá non nấu canh ăn.

Theo Đông y, lộc mại có vị ngọt nhạt, tính bình, có tác dụng nhuận tràng (liều nhỏ), tẩy (liều lớn), tiêu độc, sát trùng. Dùng chữa táo bón, đau bụng, kiết lỵ, vàng da,. Thường dùng với liều 10-20g lá khô hoặc 20-40g lá tươi, sắc uống. Dùng ngoài: lá nấu nước đặc ngâm rửa chữa lở ngứa.

Một vài cách sử dụng cụ thể:

- Thông mật, nhuận tẩy (chống táo bón): Hái lá tươi, rửa sạch, hong khô; ép hoặc giã nát vắt lấy 30ml dịch lá, mật ong 30g, trộn đều, đun sôi. Lọc, chia ra uống trong ngày. Dùng trong trường hợp bị táo bón và tiêu hóa kém do giảm tiết mật.

- Đau lưng: Lộc mại 15g, ngũ gia bì gai 30g, mò mâm xôi 30g, sắc nước uống.

- Đau dây thần kinh tọa: Lộc mại 30g, từ trường khanh (Cynanchum paniculatum) 18g, dây đau xương 30g, cơm cháy 30g, sắc nước uống.

Lương y Hư Đan

Theo Đăng lại

Từ khóa » Hình ảnh Lá Lộc Mại