[Review Sách] “Mọi Điều Bạn Biết Về Kinh Doanh Đều Sai” - YBOX

Toàn cầu hóa mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với nhiều mảng thị trường và các chuỗi cung ứng khác nhau. Cùng một lúc, bạn có thể tìm thấy rất nhiều ý tưởng kinh doanh được cho là mới lạ, độc đáo trên các trang web, phương tiện truyền thông phổ biến. Nhưng ý tưởng đó có thực sự mới không hay chỉ là những suy nghĩ cũ rích, lỗi thời đã được rất nhiều doanh nghiệp sử dụng? Để chiến thắng trong kinh doanh, hơn ai hết, bạn phải hiểu rõ tâm lý đối thủ và cả những suy nghĩ đang hiện rõ trong đầu mình. Và nếu như bạn đang gặp vướng mắc về điều đó thì cuốn sách Mọi điều bạn nghĩ về kinh doanh đều sai của tác giả Alastair Dryburgh sẽ chỉ ra cho bạn những phương án hữu ích giúp bạn có thể dẫn đầu cuộc chơi.

Chương 1: Tại sao chúng ta bế tắc và làm thế nào để phá vỡ bế tắc?

Xu hướng chung của con người là rất ngại thử những điều mới mẻ. Trong một môi trường mới, điều khác biệt hầu như không được nghĩ tới bởi sự thật khiến chúng ta thấy rằng, quen thuộc sẽ không đem đến rủi ro, quen thuộc sẽ mang lại sự an toàn. Sự thay đổi sẽ đánh mất điều đó. Trong môi trường làm việc nhóm, bạn có một quan điểm khác với tất cả mọi người, và quan điểm của bạn đúng. Nhưng tất cả mọi người đều đi theo quan điểm kia thì vô hình trung, bạn sẽ hùa theo họ và mặc nhiên loại bỏ quan điểm đúng đắn của mình.

Chính chúng ta đang mắc phải những suy nghĩ hết sức cố hữu, những suy nghĩ tồn tại ở một người thượng cổ già nua và lạc hậu. Chúng ta rơi vào cạm bẫy suy nghĩ của chính mình. Chúng ta mua những cuốn sách kinh doanh, những cuốn sách dạy làm giàu và đặt niềm tin rất lớn vào nó. Có vẻ bạn đã quá quen thuộc với những câu kiểu như: Nếu muốn, hãy mường tượng ra nó; Nếu khó, hãy nỗ lực nhiều hơn,… Sách kinh doanh nhiều thế, sao vẫn có những người đọc rồi mà chẳng thể thành công? Khi bạn sai, luôn có sẵn một câu trả lời để trấn an tâm lý bạn: chưa bám sát công thức, chưa có đủ niềm tin, chưa cố gắng hết sức,… Lối suy nghĩ huyễn tưởng ấy chiếm dần tâm trí bạn, nó càng chiếm thế thượng phong khi bạn không hiểu rõ nguyên nhân và kết quả. Và thế là bạn ảo tưởng về hiện trạng đang có. Khi có một nhân tố mới tác động vào, bạn tự tin rằng mình có thể chiến đấu đơn phương độc mã, nhưng liệu bạn có thể không? Bạn không thích chịu sự rủi ro, nhưng bạn có biết rằng đôi khi rủi ro cũng là một triển vọng, nó có bản chất kép và bạn phải bắt lấy nó. Khi người khác làm việc bạn không thích, chúng ta có xu hướng giải thích hành động của họ bằng các thuật ngữ như: “Họ vốn thế mà!” thay vì “Nếu bạn ở trong tình thế đó, bạn cũng sẽ làm vậy thôi!”. Nếu bạn đang mắc phải tất cả những vấn đề đó thì đừng hỏi tại sao doanh nhiệp của mình lại thất bại, nhân viên không có hứng thú với công việc mình đang làm, công ty lúc nào cũng ở trong trạng thái sẵn sàng tâm lý cho sự… phá sản. Công việc bạn cần làm là ngay lập tức tránh xa những cạm bẫy này.

Chương 2: Định giá

Là doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm, bạn định giá chúng như thế nào? Dựa trên chi phí sản xuất hay cộng lãi vào chi phí sản xuất? Theo Alastair, đó chưa phải là cách mà bạn nên thực hiện trong việc định giá. Trước hết, việc định giá cần phải nhất quán. Khách hàng khác nhau cùng phải trả một khoản tiền như nhau sẽ chỉ thấy hợp lý khi giá trị sản phẩm họ nhận được là như nhau. Giá rẻ cũng là một chiến lược hiệu quả nhưng chỉ khi bạn là một hãng lớn mạnh và tìm ra được thị trường đủ lớn gồm những người chỉ quan tâm đến giá cả. Họ sẵn sàng hi sinh nhiều thứ để có một mức giá thấp và còn hơn thế nữa. Trong cuốn sách, Alastair chỉ ra cho bạn chìa khóa của việc định giá kinh doanh hiệu quả. Trước hết, hãy nghĩ xem bạn có thể kiếm thêm thu nhập ở trên hay ở dưới mức giá hiện tại; với những mặt hàng có giá trị, hãy tính thêm tiền cho chúng. Kế đến, hãy nghĩ xem giá trị sản phẩm của bạn được tạo ra khi bạn cung ứng nó ra thị trường hay ngay từ khi bạn đã tạo ra nó trước đó. Sau đó quyết định xem khách hàng của bạn có phải là khách hàng riêng biệt không, nếu không, hãy xem xét và đặt họ vào những nhóm phù hợp.

Chương 3: Cắt giảm chi phí

Khi lợi nhuận thấp, việc cắt giảm chi phí là phương án phổ biến. Đối với nhiều người thì đây có lẽ là phương án duy nhất. Nhưng liệu rằng đây có phải là phương án đúng đắn? Theo nguyên tắc ROI của Mike, mọi khoản tiền bạn bỏ ra đều là quyết định đầu tư và lý do duy nhất để bạn chi tiền là bởi vì nó mang đến lợi nhuận đầu tư, tức là cái mà bạn thu được nhiều hơn mức bạn đã bỏ ra. Vận dụng được nguyên tắc này, bạn sẽ nằm trong nhóm 10%. Đôi khi, nguyên tắc đó sẽ đề nghị bạn cắt giảm chi phí quyết liệt hơn bạn vốn nghĩ. Lúc khác, nó lại khuyên bạn chi tiêu nhiều hơn, vì như thế sẽ giúp bạn có nhiều lợi nhuận hơn.

Chương 4: Đo lường

Có vẻ như đo lường là một mớ rắc rối khủng khiếp của nhiều công ty. Chúng ta không biết mình đang làm thế nào trước những biến số chính, chúng ta không biết làm thế nào để cải thiện mọi việc và thông thường, phương pháp đo lường mà chúng ta vận dụng chỉ khiến mọi việc thêm tồi tệ hơn. Vì sao ư? Vì rất nhiều phương pháp đo lường xuất phát từ phòng tài chính, chẳng phải sẽ tốt hơn nếu ta hỏi xem viên giám đốc tài chính đang làm gì ư? Trên thực tế, họ có tới hai công việc quan trọng cần phải làm. Thứ nhất: họ là người kiểm soát và tuân thủ tức là đảm bảo việc thực hiện sổ sách kế toán cần thiết. Thứ hai, họ đồng thời cũng là đối tác kinh doanh, một CFO bắt đầu ngày mới với suy nghĩ: “Mình có thể làm gì để giúp công ty kiếm thêm được nhiều tiền?”. Nhiều vấn đề cần giải quyết như vậy thì có cách nào để đo lường tốt hay không? Câu trả lời chính là: hãy thiết lập một phương pháp đo lường hữu ích khi mà lợi nhuận gắn liền với nhiều yếu tố khác. Sự đo lường ấy phải dựa trên chi phí của toàn bộ sản phẩm thay vì chi phí của một số giai đoạn trong quá trình, chi phí phục vụ cho khách hàng, chi phí để có một khách hàng mới,… Thông tin đo lường cần dựa trên bản phân tích vô cùng hữu ích, bao gồm lời dẫn giải, tức nhiều từ và ít số. Một phương pháp đo lường tốt có thể tạo sự khác biệt lớn trong việc thấu hiểu nguyên nhân đích thực của mọi việc, chỉ ra cho bạn phương pháp để cải thiện. Thay đổi thứ bạn đo lường có thể đem lại tác động tích cực đối với phương cách bạn làm mọi việc.

Chương 5: Dự thảo ngân sách và lập kế hoạch

Sẽ rất có ích nếu chúng ta biết trước về lợi nhuận năm tới của công ty bởi vì lợi nhuận chính là thu nhập cá nhân của chúng ta và chúng ta có cam kết ràng buộc với đời sống riêng của mình. Vì vậy chúng ta cần ngân sách và chúng ta mặc nhiên giới hạn rằng không nên chi tiêu quá khoản ngân sách đó. Chính sự logic này đã kìm hãm doanh nghiệp của bạn. Chúng ta cực kì mong đợi sẽ đạt được ngân sách và các nhân viên sẽ buộc phải giải trình nếu không đạt được mục tiêu. Vậy thì cũng chẳng có gì khó hiểu nếu người ta muốn dự thảo ngân sách càng thấp càng tốt. Điều này tưởng chừng như vô hại nhưng nó lại dẫn đến hậu quả khôn lường. Nói giết chết mọi cơ hội thảo luận hữu ích, thẳng thắn về tiềm năng kinh doanh. Nó tích cực khuyến khích mọi người dành năng lượng trí óc để hình thành những lời tranh cãi về vai trò của họ trong môi trường kinh doanh có ít tiềm năng hơn thực tế. Nó gây ra một sự lãng phí năng lượng một cách vô đạo đức. Cuối cùng, nó tạo ra sự đối lập giữa sự quản lý và những thứ được quản lý. Dự thảo ngân sách ngăn cản bạn suy nghĩ về tương lai.

Tuy nhiên, rất nhiều tổ chức lại muốn kết hợp cả việc dự thảo ngân sách và lập kế hoạch nhưng Alastair cho rằng đây không phải là một ý kiến hay. Dự thảo ngân sách là hoạt động cần nhiều chi tiết trong khi việc lập kế hoạch cho tương lai lại bao gồm nhiều vấn đề. Khi lập dự thảo ngân sách, bạn lo lắng về việc liệu bạn có tuyển được nhân viên quản lý kinh doanh đúng lúc mình cần hay không. Còn khi nghĩ về tương lai, bạn lo lắng liệu thị trường cụ thể đó có tồn tại hay không. Đây là hai lối suy nghĩ hoàn toàn khác biệt. Trong quá trình dự thảo ngân sách, những người suy nghĩ về chi tiết sẽ là nhóm đi đầu. Nhưng khi nghĩ về tương lai, họ phải là những người đi theo sau. Cho nên, hãy tách biệt dự thảo ngân sách và lập kế hoạch ra hai phần riêng biệt và hoàn thành tốt từng phần. Hãy nhận thấy sự không chắc chắn khi nhìn vào sự cần thiết, sự kỳ vọng và khả năng, bạn sẽ thấy quá trình dự thảo ngân sách đang bắt đầu mang lại hiệu quả cho mình rồi đấy.

Chương 6: Những câu châm ngôn hữu ích

Trong kinh doanh, chúng ta không thể tránh khỏi việc mắc sai lầm và thất bại. Khi gặp hoàn cảnh như thế, không khó gì để bạn nghe được câu nói: “Thất bại chỉ là một sự lựa chọn”, “Chỉ cần hành động!” hay “Luôn luôn cố gắng 110%”,… Những câu châm ngôn này nghe thì có vẻ hữu ích đấy, nhưng lối suy nghĩ này không những không giúp được bạn nhiều như bạn nghĩ mà nếu không cẩn thận, nó còn làm thất bại của bạn trở nên trầm trọng hơn. Trong cuốn sách, tác giả chia sẻ một số việc cần làm để hạn chế tối đa sự thất bại:

- Hãy thận trọng trước các dấu hiệu cảnh báo sớm

- Hãy thành thật nói về các rủi ro

- Lập kế hoạch cho các phương án thay thế

- Cắt giảm thua lỗ sớm hơn nếu mọi việc trở nên tồi tệ

- Nhận thấy các hình thức thay thế của sự thành công.

Bạn được khuyên rằng chỉ cần hành động là sẽ thành công? Có thực sự là vậy không? Chạy bộ chẳng hạn, cứ chạy là sẽ thắng? Các vận động viên phải thực hiện những kế hoạch được vạch ra rất chi tiết đấy chứ. Trong kinh doanh cũng vậy, Để thành công, bạn phải hành động. Nhưng trước khi hành động, hãy có một kế hoạch cụ thể, kiến thức và sự giúp đỡ nếu cần thiết.

Chương 7: Sự khuyến khích

Chúng ta không thể sống thiếu các chiến lược khuyến khích, chúng ta khuyến khích nhân công làm việc nhiều hơn bằng việc lương thưởng, chúng ta khuyến khích các ý tưởng sáng tạo bằng cơ hội thăng chức, có vị trí cao hơn trong công ty,… Chúng ta cần chiến lược này bởi vì chúng ta cần tuyển dụng người tài và bởi vì chúng ta cần duy trì ý thức về sự công bằng khi nói đến các phần thưởng tài chính. Nhưng mặt khác, chúng có thể sản sinh ra rất nhiều kết quả không như mong đợi. Vậy bạn phải làm gì? Có một số gợi ý giúp bạn giải quyết vấn đề này:

- Tránh xa sự phức tạp và giữ cho mọi việc thật đơn giản

- Dựa vào chiến lược khuyến khích phi tài chính, tìm kiếm những người có vẻ sẽ được thúc đẩy bởi các yếu tố đó

- Thưởng công cho thành công của nhóm bằng sự khuyến khích dành cho cả nhóm

- Đừng mong đợi việc trả tiền thưởng sẽ thúc đẩy hiệu suất công việc. Hãy cố gắng duy trì sự công bằng

- Hãy giáo dục mọi người, thôi bó hẹp họ với vô số lời hướng dẫn về việc tập trung vào nhiệm vụ bản thân, hãy giúp họ hiểu rằng họ quan trọng như thế nào trong việc đóng góp vào bức tranh toàn cảnh của công ty.

Chương 8: Đến lúc bắt đầu ngẫm nghĩ về suy nghĩ

Khi suy nghĩ, chúng ta tin rằng chúng ta đang đưa ra quyết định nhưng thực ra chúng ta đang hợp lý hóa điều mà mình đã quyết định rồi. Có những lúc bạn cảm thấy phản xạ có điều kiện sẽ rất nhanh và chúng ta ngay lập tức làm theo nó, nhưng trên thực tế, giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng các thuật toán sẽ tốt hơn nhiều đấy. Hãy tính toán một cách cẩn thận các số liệu, chi phí và thông tin cần thiết. Tốt hơn hết, bạn nên nắm rõ các kiến thức cơ bản về tài chính, bạn sẽ ứng phó và giải quyết tốt những quyết định xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày. Nếu vấn đề chưa đủ rõ ràng, hãy đặt ra các câu hỏi lớn như: “Chúng ta có nên tiếp tục làm ra các sản phẩm hay không?”, “Kinh doanh sẽ như thế nào trong 5 năm tới?”,… Hãy phát triển và duy trì lối suy nghĩ sáng tạo – đó sẽ là phương pháp cần thiết cho những quyết định quan trọng trong tương lai.

Chương 9: Làm gì tiếp theo

Khi bạn đã có tất cả ý tưởng rõ ràng về sự thay đổi bạn muốn tạo ra, cuộc chiến cũng chỉ mới thắng được một nửa. Một nửa thành công còn lại quyết định ở việc bạn có dám giải phóng bản thân mình, thoát khỏi những lối suy nghĩ xáo mòn, cũ rích kia không? Chương cuối cùng sẽ là những chỉ dẫn cho những việc mà bạn cần phải làm tiếp theo. Cuối cùng, dù trong trường hợp nào, hãy viết ra ba điều này ở đâu đó mà bạn có thể nhìn thấy hàng ngày:

- Ngẫm nghĩ về cách suy nghĩ

- Cho phép bạn là một con người (và mở rộng sự lịch thiệp đó cho người khác)

- Tìm đến sự giúp đỡ mới mẻ (bắt đầu dành thời gian với những người không cùng chuyên môn với bạn).

Lời kết:

Lời tác giả: “Chúng ta không cần phải trở nên thông thái, hay học vô số các kỹ năng mới, hay làm việc cật lực hơn, hay nhồi nhét vốn kiến thức khổng lồ. Mà đơn giản để thành công, chúng ta chỉ cần cải thiện suy nghĩ của chúng ta về cách thức chúng ta vận dụng những gì mình đang có...”. Mong rằng, với cuốn sách này, bạn có thể dễ dàng tránh các sai lầm ấy và sẽ có thêm nhiều cơ hội thuận lợi để dễ dàng chiến thắng trên bất kì mặt trận kinh doanh nào.

Review chi tiết bởi Kim Chi - Bookademy

Hình ảnh: Kim Chi

______________

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “Tên tác giả - Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Từ khóa » Những Gì Bạn Biết Về Mình đều Sai Review