[Review Sách] “Tốt Hơn Mỗi Ngày”: Bạn Đã Thử 04 Thói Quen Tuyệt ...

Cuộc sống đôi khi có quá nhiều phiền muộn, những khó khăn và những điều bất như ý. Tâm trí của chúng ta lúc nào cũng quay cuồng và hối hả với nhịp điệu của cuộc sống, không lúc nào chúng ta cảm thấy được bình yên. Tuy nhiên, bạn không cần phải như thế. Chỉ cần bạn chủ động dừng lại, tự vấn bản thân về con đường mình đang đi có thật sự mang đến cho bạn hạnh phúc đích thực không. Chỉ với một sự thay đổi nhỏ cũng có thể thay đổi quỹ đạo cuộc đời bạn. Với Tốt Hơn Mỗi Ngày của Rebekah Lyons, hy vọng nó sẽ mang đến cho bạn một làn gió mới, trang bị cho bạn những thói quen tốt để có thể sống một cuộc đời rực rỡ hơn.

Về tác giả:

Rebekah Lyons là một diễn giả, người dẫn chương trình podcast và là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy.

Sách được chia làm bốn phần, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu từng phần nhé.

Phần 1: THÓI QUEN NGHỈ NGƠI

Trong cuộc sống quá bận rộn và hối hả như ngày nay, việc dành thời gian dừng lại đủ lâu để nghỉ ngơi và thư giãn cho bản thân được xem là một điều gì đó “xa xỉ”. Chúng ta còn thậm chí không có thời gian cho bản thân như thế thì lấy đâu thời gian để chăm sóc và vun vén cho những người thân bên cạnh.

Đã đến lúc chúng ta cần có một sự thay đổi trong lối sống của chính mình. Thế giới đang ngày càng quay cuồng với hàng tá thứ công việc, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là ta chìm đắm vào chúng mãi mãi. Chúng ta luôn có quyền lựa chọn. Hãy để bản thân được dừng lại, nghỉ ngơi sau những chuỗi ngày dài làm việc vất vả và cực nhọc, đồng thời đặt những áp lực, gánh nặng và phiền não xuống để tận hưởng. Sau đây là một vài phương pháp bạn có thể áp dụng:

1/ Tất cả chúng ta đều cần sự tĩnh lặng

Có một câu nói mà mình rất thích của Marie Forleo:

“If you are constantly listening to the noise of the world, it is impossible to hear the whisper of your soul.” (Nếu bạn cứ liên tục lắng nghe những ồn ào, hối hả ngoài kia, thì sẽ không thể nào để lắng nghe lời thì thầm từ tận sâu tâm hồn của chính bạn.)

Sự im lặng là một liều thuốc tinh thần vô cùng hữu hiệu trong việc giúp tinh thần bạn khỏe mạnh, đồng thời chúng cho bạn có cơ hội nhìn lại bản thân mình. Trong công việc và cuộc sống, chúng ta chỉ biết làm và làm, thậm chí cố gắng hoàn thành mọi việc càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, đó lại là nơi nút thắt cần được tháo gỡ.

Khi chúng ta hình thành không gian riêng cho sự tĩnh lặng, ta có cơ hội trú mình trong không gian ấy, để cầu nguyện, ghi chép, đọc và nghỉ ngơi và để thoát khỏi những ồn ào của cuộc sống.

Mình chợt nhận ra, khi bạn ngồi yên tĩnh một mình, bạn có thể nhìn nhận lại những hành động cùng với suy nghĩ của mình, từ đó rút ra được nhiều bài học và kinh nghiệm. Riêng bản thân mình, mình nhìn nhận lại mình sai ở đâu, đã nói những lời làm tổn thương ai, đã có những lúc mình vô lý như thế nào. Bạn sẽ không thể nhìn ra những sai phạm của bản thân nếu như lúc nào cũng trong trạng thái hối hả và cuống cuồng. Khi bạn dừng chân lại đủ lâu, đắm mình trong sự lặng im, bạn mới có thể hoàn thiện được chính mình.

Thật ra, khi dành thời gian cho sự tĩnh lặng, đối với hầu hết chúng ta đó là cơn ác mộng. Khi phải đối mặt với sự trống rỗng, không gian yên bình, con người ta sẽ cảm thấy sợ hãi vì phải đối mặt với chính mình. Sẽ có những vấn đề đang khiến bạn phiền muộn, những ký ức bạn muốn quên đi, những người bạn không muốn phải nhớ đến. Tuy nhiên, tất cả sẽ được “triệu hồi” khi bạn đang ở một mình và cô đơn. Song, nếu bạn sẵn sàng đối mặt với nội tâm của chính bản thân thì bạn đã là một người dũng cảm rồi.

Một điều thú vị của sự lặng im nữa đó là khi bạn im lặng, bạn sẽ lắng nghe nhiều hơn, đặc biệt là những người xung quanh bạn. Điều này đặc biệt hữu ích trong các cuộc đối thoại hay giao tiếp thông thường. Bạn sẽ không quá bộp chộp, mà thay vào đó kiên nhẫn lắng nghe. Nhìn thấu câu chuyện và thông điệp được truyền tải, sau đó phản hồi một cách có chủ đích và hiệu quả hơn. Bạn cũng sẽ không vội đưa ra kết luận hay đánh giá một ai đó một cách thiển cận. Kết quả là, mối quan hệ của bạn ngày càng lành mạnh và bền chặt hơn.

2/ Detox công nghệ

Bạn có bao giờ thử ngắt tất cả các kết nối dù chỉ một ngày để thật sự sống và làm những gì mình yêu thích chưa? Nếu chưa, hãy thử một lần trong đời. Thoạt đầu, nghe có vẻ dễ dàng nói hơn là làm, tuy nhiên bạn sẽ thấy tác dụng kỳ diệu của việc ngắt kết nối với thế giới công nghệ đấy.

Trong thế kỷ XXI ngày này, việc liên tục online sẽ dễ dàng khiến chúng ta rơi vào vòng xoáy lo âu và căng thẳng mức độ cao. Hằng hà sa số những tin tức, những mục công việc, email và deadline phải trả lời và xử lý. Dần dần, chúng khiến bạn mất đi chính mình và thay vào đó, công việc đang ăn dần cuộc sống của bạn. Sau rất nhiều năm sau đó, bạn mới nhận ra thật ra mình có đang thật sự sống hay không, hay chỉ đang là tồn tại.

Thế giới trên mạng xã hội đầy rẫy những người thích khoe khoang, phô trương hoặc chứng tỏ bản thân cho thế giới biết, bất cứ điều gì họ cũng có thể chia sẻ cho mọi người đều xem. Tuy nhiên, bạn không cần phải như thế. Bạn xứng đáng có những thứ tốt đẹp trong đời, nhưng cũng không cần thiết để chia sẻ chúng. Chỉ riêng mình bạn cảm nhận và trân quý thì đã là quá đủ rồi.

Việc khao khát được người khác công nhận là một bản năng hết sức tự nhiên của con người. Đừng bị chúng cám dỗ một cách mù quáng. Có lẽ bạn sẽ cần nhiều thời gian để thấu hiểu rằng việc người khác có công nhận hay khen ngợi bạn không, tất cả đều không quan trọng. Quan trọng nhất là bạn có xem trọng mình không, bạn có đủ yêu bản thân mình không và bạn có đủ dũng khí để không bị những thứ hào nhoáng ngoài kia cám dỗ hay không.

Chúng ta liên tục để những thiết bị điện tử “thao túng” những lựa chọn của bản thân. Câu hỏi đưa ra là liệu những lựa chọn ấy có thực sự dẫn lối tới cuộc sống chúng ta hằng mong đợi hay không.

Riêng bản thân mình, một thời gian dài dùng mạng xã hội mình cùng với việc theo dõi thời lượng những ứng dụng mình hay sử dụng, mình chợt nhận ra mình đã tốn quá nhiều thời gian cho những việc không mang lại giá trị cho mình. Thay vì dành hai giờ đồng hồ xem Youtube, mình có thể đọc hết một quyển sách, hoặc đơn giản là tập thể dục, nấu ăn, đi dạo cùng chú cún hay đơn giản là thêu thùa. Cuộc sống không mạng xã hội cũng không quá khó khăn với mình. Hầu hết chúng ta đều mắc phải hội chứng FOMO (Fear of Missing Out), chúng ta sợ bỏ lỡ một điều gì đó khi chúng ta offline, tuy nhiên thực tế thì không có điều gì quá to tát có thể ảnh hưởng đến bạn khi bạn offline đâu.

Bạn cũng có thể suy nghĩ đến chi phí cơ hội (Opportunity Cost) khi dùng mạng xã hội. Hãy nghĩ đến khi bạn ngồi lướt Facebook thì người ta đã chạy trước bạn đã rất xa rồi. Trong khi bạn xem phim trong vòng một giờ, người khác đã dùng khoảng thời gian đó để học thêm một ngoại ngữ mới rồi. Hãy luôn ý thức điều đó và detox công nghệ khi có thể.

3/ Chăm chút cho giấc ngủ của mình

Ai cũng biết rằng, ngủ sớm là một điều tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng làm được. Thế giới ngoài kia, có quá nhiều thứ để thu hút sự chú ý của bạn.

Giám đốc điều hành của Netflix, Reed Hastings, tin rằng giấc ngủ - không phải HBO, không phải Amazon, không phải bất kỳ dịch vụ chiếu phim trực tuyến nào khác - mới là đối thủ cạnh tranh đáng gờm của công ty. Bạn biết đấy, hãy nghĩ mà xem, khi bạn xem và nghiện chương trình trên Netflix, bạn sẵn sàng thức khuya. Chúng tôi đang cạnh tranh từng chút một với giấc ngủ. Do đó, nó là khoảng thời gian rất lớn đáng để tận dụng.

Khi chúng ta mất ngủ, hàng loạt những hậu quả sẽ hiển hiện lên con người bạn.

Theo Matthew Walker, tác giả của quyển sách “Tại sao chúng ta ngủ?” thì: Những suy giảm về thể chất và tâm lý gây ra bởi một đêm mất ngủ lớn hơn nhiều so với khi chúng ta không ăn hoặc không tập thể dục.

Bạn cần ngủ đủ và duy trì thói quen của mình mỗi ngày. Một giấc ngủ ngon sẽ mang đến cho bạn nhiều năng lượng hơn để làm những công việc bạn yêu thích. Khi bạn mất ngủ, tâm trạng của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Không chỉ cho chính bạn mà còn những người xung quanh vì cảm xúc có tính lan truyền. Hãy đi ngủ sớm hơn, không sử dụng điện thoại trước khi ngủ, thư giãn và tạo cho không gian trong nhà thoải mái khi ngủ nhé.

4/ Suy ngẫm và ghi chép

Tương tự như ý đầu tiên về sự tĩnh lặng, nhưng đây là một bước cao hơn. Bạn có thể ghi chép trong quyển sổ tay của mình những gì xảy ra trong ngày của mình để có thể phản tư chính mình. Việc viết ra giấy được nghiên cứu là rất hiệu quả trong việc giải phóng suy nghĩ tiêu cực và đưa bạn hành động thiết thực hơn.

Vậy bạn cần ghi chép điều gì? Bạn có thể tham khảo những ý sau:

| Hôm nay tôi đã trải qua những việc gì?

| Cách tôi phản ứng ra sao với những sự kiện này?

| Tôi có thể học hỏi điều gì từ chúng?

| Tôi sẽ rút kinh nghiệm và làm gì để trở nên tốt hơn cho những lần sau?

| Quan trọng hơn hết, hôm nay tôi biết ơn điều gì?

Tất cả những gì xảy đến với bạn đều mang đến cho bạn một bài học. Đừng phủ nhận chúng. Hãy trân trọng và đối mặt với chúng. Khi bạn dừng lại để ghi chép, bạn sẽ nhận ra bạn đang có rất nhiều thứ. Hạnh phúc bạn đang nắm giữ, nó chẳng ở đâu xa vời mà nó luôn hiện diện bên trong bạn. Chỉ cần tinh tế một chút, bạn sẽ nhìn ra thôi.

Phần 2: THÓI QUEN PHỤC HỒI

Giai đoạn này là giai đoạn bạn phải “trẻ hóa” lại chính mình. Sau khi đã nghỉ ngơi và thư giãn, bạn sẽ dần hồi phục lại sức sống của mình thông qua những phương pháp sau:

1/ Ăn uống có chọn lọc

Cơ thể của bạn sẽ không khỏe mạnh nếu cứ liên tục ăn những thực phẩm không lành mạnh. Việc bổ sung nhiều chất dinh dưỡng từ những thực phẩm hữu cơ, rau củ, các loại hạt sẽ là một thực đơn ăn uống lành mạnh.

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đến tâm trạng của bạn. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng:

Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh điều chỉnh giấc ngủ, khẩu vị, điều hòa tâm trạng và ức chế cơn đau. Vì khoảng 95% chất serotonin của não bộ được sản sinh trong đường tiêu hóa… cùng hàng trăm triệu tế bào thần kinh hay nơron, điều đó cho thấy hệ thống tiêu hóa không chỉ giúp bạn tiêu hóa thức ăn mà còn đồng thời dẫn dắt cảm xúc của bạn.

Một khi đã có một chế độ ăn uống lành mạnh, bạn sẽ tập trung, nhạy bén và dồi dào năng lượng hơn. Hơn nữa, tinh thần và cơ thể đều tốt hơn, quan điểm và thái độ sống của bạn sẽ tích cực hơn.

2/ Hãy vận động hết sức có thể!

Khi cơ thể bạn vận động, cơ thể của bạn sẽ được nạp năng lượng. Khoa học đã từ lâu chỉ ra rằng luyện tập thể dục thể thao hỗ trợ cho sức khỏe tinh thần: giảm lo âu và trầm cảm, cải thiện sự tự tin và chức năng nhận thức.

Bạn có thể sẽ nghĩ rằng mình không phải kiểu người thích tập thể dục hay chạy bộ. Bạn không nhất thiết phải chạy hay đi tập gym. Chìa khóa là bạn cần gắn kết vào một hình thức luyện tập khiến mình cảm thấy được thách thức. Thứ gì đó khiến nhịp tim đập nhanh hơn, máu chảy dồn dập hơn, đổ nhiều mồ hôi hơn và tràn đầy cảm xúc tích cực.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ năm phút hoạt động ngoài trời như đi bộ, chạy bộ hay thậm chí tập yoga ngoài trời cũng có thể giúp thay đổi tâm trạng và sự tự tôn.

Vì vậy, mỗi ngày trôi qua bạn nên khiến cho cơ thể vận động. Dù có dùng hình thức nào đi nữa, hãy hành động.

3/ Nhãn dán không định hình con người bạn

Chúng ta thường hay có xu hướng nhìn nhận sự việc và con người một cách rất phiến diện và chủ quan. Đôi khi, chỉ vì một vài sự hiểu lầm, chúng ta đã có định kiến về một ai đó. Một khi đã có định kiến, sẽ rất dễ dàng để đánh giá và tôn trọng một ai.

Không chỉ dán nhãn cho những người xung quanh, chúng ta còn thậm chí dán nhãn cho chính bản thân mình. Các câu đại loại như: “Tôi không phải là người làm việc tập trung”, “Tôi không phải là một người bạn tốt”, “Tôi không giỏi trong việc tính toán chi li”, vv. Nếu nhìn trên khía cạnh thực tế, tất cả những dán nhãn mà bạn đang có, bát kể nó đến từ những người xung quanh bạn hay từ chính bản thân cũng đều là “những sự thật bất biến và không thể thay đổi”. Nhưng, sự thật là chúng hoàn toàn không đúng.

Tất cả những khía cạnh con người bạn hiện tại sẽ có những lúc sai sót và ai cũng sẽ phải trải qua. Đó chỉ những vấn đề nhỏ cần bạn nhìn nhận nghiêm túc và cố gắng hoàn thiện chính mình. Đừng vì câu nói “Bạn là một người ích kỷ” mà ngay lập tức tỏ ra buồn rầu và cho phép điều đó định nghĩa con người bạn. Thay vì chìm đắm vào những tự kỷ ám thị tiêu cực như thế, hãy thay đổi bản thân và khắc phục những khuyết điểm bên trong bản thân mình.

Để hiểu thật sự bạn hoặc người khác là ai, tất cả đều cần thời gian. Đừng vì một chi tiết nhỏ trong toàn bộ cuộc đời một con người để đánh giá tổng thể con người họ. Bạn cần thời gian để tìm hiểu, hỗ trợ và thông cảm cho những gì họ đã trải qua để có thể thấu hiểu thực sự họ là ai.

Có người bảo rằng, chỉ cần yên tĩnh nhìn ngắm lại bản thân, những điểm mạnh hay điểm yếu của bản thân bạn sẽ biết thực sự bạn là ai. Tuy nhiên, không phải điều này lúc nào cũng đúng. Không phải bạn có thế mạnh ở lĩnh vực này thì mọi việc sẽ suôn sẻ như bạn nghĩ. Mình tin rằng, muốn biết một người thực sự là ai chỉ cần thông qua những khó khăn, những vấp ngã, những lúc thăng trầm của cuộc sống, họ đã trải qua và vượt qua như thế nào. Đó mới là lúc họ thật sự tỏa sáng và cho thế giới biết họ thật sự là ai trong thế giới bảy tỷ người này. Chỉ có trong những thời khắc cam go và tồi tệ nhất, chúng ta mới thật sự biết mình là ai.

Vì vậy, hãy nhẹ nhàng với bản thân một chút. Hãy không ngừng tiến bộ và cố gắng hoàn thiện mình. Lỗi lầm không nói lên con người bạn, chỉ có cách bạn phản ứng và học hỏi từ chính sai lầm đó mới quyết định bạn là ai.

4/ Bước ra khỏi vùng an toàn

Thông thường, những nhiệm vụ mới, những thử thách mới sẽ cho ta thêm nhiều trở ngại và những điều bất ngờ. Nhưng khi chúng ta vượt qua những trở ngại đó, sự tự tin trong ta sẽ ngày càng tăng.

Sự tin ấy nhắc nhở chúng ta rằng chỉ cần nhận thức, để tâm vào vấn đề, ta có thể giải quyết được tất cả mọi thứ dù cho đó không phải sở trường của mình. Ta có thể học những kỹ năng mới, tiếp nhận những sở thích mới, phát triển thêm những cơ hội mới và kết nối với những con người mới.

Để phục hồi bản thân, bạn cần bước ra khỏi vùng an toàn. Chẳng lẽ bạn không thấy mệt khi ngày nào cũng pha một loại cà phê, chuẩn bị một kiều đồ ăn trưa, mua sắm ở cùng một cửa tiệm tạp chí, vv. Việc lặp đi lặp lại sẽ mang đến cho bạn đôi chút buồn chán. Nhưng khi bạn phá vỡ vòng tuần hoàn đấy, thử những thứ mới mẻ, tạo cơ hội mới cho những cảm xúc mới xuất hiện, ta thấy mình lớn lên, thay đổi và năng động hơn.

Bắt tay vào thử nghiệm những trải nghiệm mới đôi lúc có thể khiến ta cảm thấy lúng túng hay bất tiện, nhưng việc này lại giúp mang lại một số lợi ích tâm lý giúp ta phát triển cảm giác tự hào, đạt được thành tựu và thúc đẩy sự sáng tạo.

Vì vậy, hãy thử thách chính mình bằng cách thử những hoạt động mới. Thử đi làm trên những con đường khác nhau, ăn những món ăn tại một nơi bạn chưa từng đặt chân đến, học một ngoại ngữ mới, kết bạn những người ngoài ngành, vv. Tuy mỗi lần thử thách bản thân, thất bại sẽ khó tránh khỏi. Nhưng khi bạn vượt qua được nó, bạn sẽ thấy tự tin hơn và vẫn ổn dù kết quả có như thế nào đi nữa.

Phần 3: THÓI QUEN KẾT NỐI

Sau thói quen NGHỈ NGƠI và PHỤC HỒI, đây là lúc bạn tự tin để kết nối và chia sẻ với mọi người xung quanh. Việc kết nối với những người bạn, những người bạn yêu thương sẽ giúp chữa lành những vết thương trong bạn, đồng thời học hỏi và trở nên thông cảm hơn cho nhau.

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ có những lúc yếu lòng, những lúc mệt mỏi và những khi chỉ biết một mình “gặm nhấm” nỗi đau mà không thể mở lòng cùng với ai được. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn, chúng ta không hề cô đơn trong hành trình này. Chỉ cần chúng ta mở lòng, sẽ có những vòng tay từ những người thật sự quan tâm tới chúng ta.

Khi bạn gặp khó khăn, hãy mở lòng và chia sẻ những gì bạn đang gặp phải với những người mà bạn tin tưởng tuyệt đối. Tình bạn đích thực là khi bạn ở cùng họ, chia sẻ những thời khắc tồi tệ nhất, họ vẫn bên cạnh lắng nghe, đồng cảm và cho bạn một bờ vai để tựa vào. Họ không đánh giá bạn là ai, họ chỉ lắng nghe câu chuyện của bạn và an ủi khi bạn cần. Tương tự, họ cũng biết rằng, khi họ gặp tình huống tương tự, bạn cũng sẽ là người bên cạnh và đồng hành cùng họ.

Một số người sẽ gặp khó khăn trong các mối quan hệ bạn bè. Họ cho rằng, tình bạn thực sự không tồn tại. Thật ra, mình nghĩ trước khi mong muốn có được một người bạn đúng nghĩa, bạn nên trở thành người bạn mà bạn mong muốn có. Ví dụ, nếu như bạn muốn có một người bạn đáng tin cậy, trước hết bạn phải là một người đáng tin cậy. Hãy lấy bản thân làm trung tâm và người bạn đích thực sẽ tìm đến bạn.

Những người bạn thật sự sẽ bên cạnh và động viên bạn khi khó khăn. Bạn có quyền yếu đuối trước mặt họ. Họ không đánh giá bạn, ngược lại họ sẽ cho bạn thêm sức mạnh để thể hiện con người thật của mình.

Khi cô độc và yếu đuối, ta sẽ cảm thấy sợ hãi. Nhưng những lúc yếu đuối và được ở bên nhau, chúng ta sẽ trở nên dũng cảm hơn.

Vì vậy, khi bạn chênh vênh trong cuộc sống, hãy tìm những người thật sự hiểu bạn, đó có thể là những người bạn, bạn đời, anh chị em, hoặc cha mẹ để có thể cùng nhau lắng nghe và chữa lành cho nhau.

Chọn sai người, bạn sẽ nhận lại cảm giác bị phán xét và sự tự ti. Nhưng với đúng người, bạn sẽ có được niềm vui, củng cố tình yêu thương và nuôi dưỡng niềm hy vọng.

Một khía cạnh quan trọng nữa là hãy yêu người đồng hành cùng bạn và nói xin lỗi khi bạn phải lầm.

Những năm tháng đầu của giai đoạn hôn nhân luôn luôn phấn khởi và tràn ngập niềm vui. Tuy nhiên, càng về sau, ngày qua ngày chúng ta sống trong một chu trình lặp lại, đương đầu với những vấn đề quen thuộc và rồi đưa ra những lời xin lỗi quen thuộc. Từ đó, chúng ta ngày càng không còn điều gì mới mẻ để san sẻ cùng nhau, thậm chí không còn “thích” nhau như những ngày đầu tiên nữa.

Tuy nhiên, nếu bạn có cơ hội trải nghiệm, mối quan hệ sâu sắc nhất chính là mối quan hệ với bạn đời của mình. Bạn bè đương nhiên cũng quan trọng, cộng đồng là điều cực kỳ cần thiết nhưng người bạn đời hẳn nhiên vẫn đóng vai trò lớn lao nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sức khỏe tinh thần của bạn.

Khi một cặp vợ chồng đồng hành cùng nhau, yêu thương vị tha cho nhau, đồng tâm đồng lòng, cuộc sống hôn nhân sẽ diễn ra tốt đẹp, đời sống trở nên phong phú. Nhưng khi vợ chồng gây tổn thương và chia rẽ nhau, mọi thứ sẽ tàn lụi dần.

Chính vì vậy, hãy cùng vun vén cho hạnh phúc của chính mình. Hãy yêu thương nhau và cùng nhau lắng nghe và chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Khi cùng nhau tháo gỡ những nút thắt trong lòng nhau, tình cảm của cả hai sẽ bền chặt hơn.

Đừng cương quyết cho rằng mình đúng, đối phương sai. Tôn trọng nhau là nền tảng vững chắc để mối quan hệ tiếp tục phát triển. Khi bạn phạm sai lầm, hãy can đảm nói lời xin lỗi. Đừng quá bảo vệ cái tôi mà gây tổn thương tinh thần cho nhau.

Phần 3: THÓI QUEN KIẾN TẠO

Thói quen này ám chỉ bạn nên vận dụng những kỹ năng nghề nghiệp, những thế mạnh của mình để kiến tạo nên cuộc đời mà bạn mong muốn, sống có mục đích và ý nghĩa hơn.

Theo Viktor Frankl, tác giả của quyển Man’s Search for Meaning (Đi tìm lẽ sống), người đã sống sót qua bốn trại tập trung tử thần trong suốt ba năm của Đức Quốc xã cho rằng: Phần lớn những lo âu và stress đều được tạo ra khi ta đang sống một cuộc đời vô nghĩa. Một người hạnh phúc là khi họ tìm được lẽ sống của cuộc đời mình.

Bạn cần có ước mơ để thực hiện và mang đến giá trị cho cộng đồng. Khi bạn biết mình là ai và mình sẽ làm gì, cuộc sống của bạn sẽ tràn ngập hy vọng và ý nghĩa. Bạn cũng không còn nghi ngờ bản thân mình nữa, thay vào đó, bạn hành động hết mình vì những mục tiêu cao cả và cống hiến hết sức để lan tỏa những điều tốt đẹp và tích cực cho người khác.

Ta được sinh ra vì những điều hơn thế nữa: Để dám ước mơ và dám chịu trách nhiệm cho những mơ ước ấy.

Dù ở bất cứ độ tuổi nào, ước mơ của chúng ta cũng sẽ bị nghiền nát khi cuộc sống của ta hằng ngày tiêu tốn vào công nghệ và tiêu khiển. Như tác giả đề cập: Con người đang hâm mộ thế giới công nghệ đang làm suy giảm chính khả năng mơ mộng của họ.

Hãy thử ngồi yên lặng và bắt đầu giấc mơ đời mình. Tưởng tượng cuộc sống của năm hay mười năm nữa sẽ thế nào. Thiên hướng nghề nghiệp, cơ hội, khắc họa tương lai bạn muốn, hôn nhân rồi con cái và tự hỏi bản thân: Tôi sẽ trở thành ai? Tôi định sẽ làm gì?

Nếu bạn muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, hãy bắt đầu trở thành một người bạn đời tốt, luôn biết yêu thương và vị tha cho đối phương.

Nếu bạn muốn trở nên giàu có, hãy bắt đầu bằng cách tiết kiệm tiền và đa dạng hóa các danh mục đầu tư. Theo dõi khả năng chi tiêu của bản thân và luôn tối đa hóa công suất trong những khoảng thời gian bạn đang có.

Nếu bạn muốn trở thành một người viết, hãy bắt đầu viết lách ngay từ bây giờ.

Khi bạn định hướng được điều bạn cần, cuộc sống của bạn sẽ có những điều mới mẻ hơn.

Ngoài ra, hãy tham gia đăng ký một lớp học về một kỹ năng mà bạn quan tâm. Không ngừng nâng cao bản thân và mở rộng khối óc của mình.

Sáng tạo thứ gì đó thủ công (một chiếc áo len, một ổ bánh mì, một tác phẩm nghệ thuật). Tìm kiếm những ý tưởng mới trên Pinterest hay những cộng đồng mà bạn biết, hoặc đơn giản là xem trên Youtube để có thể tự làm những món đồ bạn yêu thích. Khi bạn hoàn thành một điều gì đó, bạn sẽ cảm thấy tự tin và tự hào về những thành tựu của mình hơn. Ngoài kia, lao động thủ công cũng là một phương pháp trị liệu tốt nhằm giảm bớt căng thẳng và lo âu một cách hiệu quả.

Lời kết

Để sống một cuộc đời hạnh phúc, bạn phải chủ động thay đổi cuộc sống của chính mình. Với 4 thói quen: Nghỉ ngơi, Phục hồi, Kết nối và Kiến tạo, bạn sẽ được trang bị những phương pháp và những mẹo nhỏ để khiến cho mỗi ngày của mình ngày càng tốt đẹp hơn. Chúc bạn ngày càng hạnh phúc và hoàn thiện chính mình hơn.

Review chi tiết bởi: Tuyết Sơn - Bookademy

Hình ảnh: Tuyết Sơn - Bookademy

-------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan toả văn hoá đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ Tên tác giả - Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Từ khóa » đọc Sách Tốt Hơn Mỗi Ngày