Rốn Trẻ Sơ Sinh: Những Vấn đề Liên Quan

Nội dung bài viết

  • 1. Chảy máu rốn trẻ sơ sinh
  • 2. Thoát vị rốn
  • 3. U hạt rốn (Chồi rốn)
  • 4. Chăm sóc rốn trẻ sơ sinh như thế nào là đúng?
  • 5. Khi nào cần đưa trẻ khám Bác sĩ?

Rốn trẻ sơ sinh là phần còn lại của dây rốn sau khi sinh. Trong bào thai, dây rốn có chức năng vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy từ mẹ sang con. Dây rốn sẽ bị cắt đi sau khi trẻ sinh ra, sẽ còn một gốc dây nhỏ được gắn vào bụng của trẻ gọi là rốn. Có rất nhiều vấn đề liên quan đến rốn khiến cha mẹ lo lắng. Thực tế, đa số bệnh lí về rốn thường lành tính và tự khỏi nếu rốn được chăm sóc và vệ sinh hợp lí.

1. Chảy máu rốn trẻ sơ sinh

1.1 Tại sao con bạn bị chảy máu rốn?

Trẻ sơ sinh có thể bắt đầu rụng rốn trong khoảng từ 1 đến 2 tuần tuổi sau sinh. Hiện tượng phổ biến thường xảy ra là trẻ có thể chảy máu tại vị trí sau khi rốn rụng. Hoặc có thể do quá trình chà xát của tã với rốn quá mạnh. Lượng máu chảy thường chỉ vài giọt và tự ngưng lại sau vài phút. Đôi khi, một số trường hợp có thể dễ dàng cầm máu lại bằng cách đè áp lực trực tiếp bằng gạc vô trùng.

>>>Có thể bạn quan tâm:

Thoát vị rốn là một tình trạng thường gặp ở trẻ em, hầu hết sẽ tự đóng lại khi trẻ lớn dần, một số thì kéo dài hơn thế và gây ra nhiều biến chứng. Để ngăn ngừa biến chứng, thoát vị rốn nếu không khỏi khi trẻ lên 5 tuổi hay xuất hiện ở người trưởng thành thì cần được theo dõi và phẫu thuật kịp lúc. Những điều liên quan đến vấn đề này được thông tin trong bài viết: “Thoát vị rốn ở trẻ em: Điều trị kịp lúc để ngăn ngừa biến chứng

1.2 Khi nào nên đưa trẻ đến khám Bác sĩ?

Cho trẻ khám nếu có những dấu hiệu sau:

  • Rốn vẫn chảy máu sau 10 phút dù đã đè ép với gạc.
  • Lượng máu chảy nhiều.
  • Chảy máu vẫn còn xảy ra tiếp tục thêm 3 lần.
  • Bạn có bất kì lo lắng nào khác về sức khỏe của trẻ.

2. Thoát vị rốn

2.1 Thoát vị rốn là gì?

Khi có một lỗ hở trong thành bụng, đoạn ruột có thể chui ra ngoài thông qua lỗ hở. Đây là tình trạng thoát vị. Trong thoát vị rốn, vị trí xuất hiện lỗ hở là ở rốn. Khối thoát vị thường sẽ phình to khi trẻ có những hoạt động gắng sức như khóc hoặc rặn lúc đi tiêu.

Sau đó nó có thể biến mất hay xẹp đi khi trẻ nằm im hay lúc bạn dùng tay đè vào khối phồng. Thoát vị rốn rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Độ tuổi trung bình để khối thoát vị biến mất hoàn toàn là khoảng trước 3 tuổi. Khối thoát vị rốn không làm trẻ đau và là bệnh lí lành tính. 

2.2 Thoát vị rốn được điều trị như thế nào?

Hầu hết khối thoát vị tự biến mất khi trẻ lớn hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khối thoát vị cần phải được điều trị bằng cách phẫu thuật. Con bạn có thể sẽ cần phẫu thuật nếu:

  • Khối thoát vị có kích thước lớn hơn 2,5 cm.
  • Khối thoát vị vẫn còn khi trẻ đã hơn 3 tuổi.
  • Khối thoát vị bị kẹt, không thể ấn xẹp, rốn sưng đỏ. Ngoài ra, con bạn sẽ khó chịu vì đau, biểu hiện bằng cách quấy khóc liên tục, kèm với nôn.Tình trạng này dù rất hiếm xảy ra, nhưng nó lại gây nguy hiểm nặng nề cho trẻ. Bởi vì đoạn ruột nếu bị kẹt lâu quá sẽ không đủ máu đến nuôi và có thể bị hoại tử. Vậy nên, bạn cần NGAY LẬP TỨC đưa trẻ đến Bác sĩ càng sớm càng tốt.

>>>Xem thêm: “Tiểu máu ở trẻ em: Nguy hiểm chớ xem thường!“

3. U hạt rốn (Chồi rốn)

3.1 Nguyên nhân của u hạt rốn là gì?

U hạt rốn là tình trạng có khối sưng màu đỏ nằm trên rốn của con bạn sau khi dây rốn rụng đi. Nếu không điều trị, rốn sẽ chảy dịch kéo dài và làm sưng đỏ rốn do kích thích trong vài tháng.

3.2 U hạt rốn được điều trị như thế nào?

Có nhiều cách khác nhau để loại bỏ u hạt rốn. Tùy theo sự đánh giá của Bác sĩ mà trẻ có thể được điều trị bằng những cách sau:

  • Đốt u hạt rốn bằng hóa chất như bạc nitrat hay đốt điện.
  • Buộc chặt gốc của u hạt rốn bằng phẫu thuật. Điều này sẽ làm cho phần mô dư thừa bị chết và cuối cùng rụng đi.
  • Sử dụng một công cụ sắc bén để cắt bỏ u hạt rốn.

U hạt rốn không có dây thần kinh ở trong đó. Vậy nên, những phương pháp điều trị ở trên không làm trẻ đau.

4. Chăm sóc rốn trẻ sơ sinh như thế nào là đúng?

4.1 Làm sạch rốn

Làm sạch các chất bẩn tiết ra từ phía trong rốn ít nhất hai lần một ngày. Bạn có thể sử dụng tăm bông ướt hoặc gạc ẩm để vệ sinh. Sau đó lau khô cẩn thận. Lưu ý nhỏ là bạn không nên sử dụng dung dịch cồn để vệ sinh rốn cho trẻ trừ trường có chỉ định của Bác sĩ. 

4.2 Thuốc mỡ kháng sinh

Nếu có một ít mủ vùng quanh rốn, bạn có thể thoa một lượng nhỏ thuốc mỡ kháng sinh 2 lần mỗi ngày sau khi đã vệ sinh rốn. Chỉ nên dùng thuốc khoảng 2 ngày. Để đảm bảo an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến Bác sĩ trước khi dùng thuốc cho trẻ.

4.3 Giữ rốn luôn khô ráo

Tiếp xúc với không khí và và môi trường khô ráo sẽ giúp chữa lành vết thương ở rốn. Vì vậy, một lời khuyên là bạn nên giữ mép tã gấp xuống phía dưới rốn của trẻ. Hơn nữa, việc này cũng giúp rốn mau rụng đi và ngăn ngừa tình trạng chảy máu rốn do chà xát. Không đắp bất cứ chất gì lên vùng rốn của trẻ như các loại lá, thuốc dạng bột… Điều này có thể làm nặng thêm mức độ nhiễm trùng của trẻ.

Chăm sóc rốn trẻ sơ sinh như thế nào là đúng?
Chăm sóc rốn trẻ sơ sinh như thế nào là đúng?

5. Khi nào cần đưa trẻ khám Bác sĩ?

Ngoài chăm sóc đúng cách, bạn cũng nên theo dõi những dấu hiệu bất thường sau để đưa trẻ khám ngay:

  • Các vệt đỏ xuất hiện trên vùng da bình thường xung quanh rốn.
  • Rốn chảy dịch vàng, có mùi hôi, sưng to.
  • Trẻ có những triệu chứng kèm theo như sốt co giật, bỏ bú, đừ…

Là cha mẹ, bạn nên hiểu về tầm quan trọng của việc chăm sóc rốn trẻ sơ sinh. Điều này nhằm ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng rốn. Vì nó có thể gây nhiễm trùng máu và những cơ quan khác của trẻ. Hãy để rốn rụng một cách tự nhiên và tránh những xử trí sai lầm. Nếu có những thắc mắc về rốn của trẻ, bạn hãy đưa trẻ đến khám Bác sĩ để được tư vấn đầy đủ nhé.

Bác sĩ : Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm

Từ khóa » đau Rốn ở Trẻ Sơ Sinh