Rung Thất: Rối Loạn Nhịp Tim Nguy Hiểm Nhất - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Rung thất là gì?
  • 2. Nguyên nhân của rung thất
  • 3. Các yếu tố nguy cơ bị rung thất
  • 4. Biến chứng của rung thất
  • 5. Triệu chứng của rung thất
  • 6. Chẩn đoán rung thất như thế nào?
  • 7. Điều trị rung thất
  • 8. Thay đổi lối sống để dự phòng rung thất

Hiện nay bệnh mạch vành và rối loạn nhịp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh lý tim mạch. Có nhiều loại rối loạn nhịp khác nhau. Bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu về một loại rối loạn nhịp nguy hiểm: rung thất. Nếu không được can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể dẫn tới tử vong trong vòng vài phút.

1. Rung thất là gì?

Rung thất là một rối loạn nhịp khi tim đập với các xung điện nhanh, thất thường. Điều này làm cho tâm thất rung lên một cách vô ích, thay vì bơm máu. Đó là hoạt động điện vô tổ chức, không theo chỉ huy của hệ thống dẫn truyền tim bình thường.

Trong quá trình rung thất, huyết áp giảm đột ngột, cắt đứt nguồn cung cấp máu đến cơ quan quan trọng. Điều này làm thiếu máu tim làm tim ngưng đập, thiếu máu não làm mất tri giác…

Rung thất là một trường hợp khẩn cấp cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Bệnh có thể khiến người bệnh tử vong trong vài giây. Đây là nguyên nhân thường xuyên nhất của đột tử do tim và chiếm tới 10% nguyên nhân ngưng tim.

Rung thất là gì?
Rung thất là gì?

2. Nguyên nhân của rung thất

Trong hoạt động điện bình thường, nút xoang phát nhịp chỉ huy các thành phần khác. Tín hiệu từ nút xoang tới nút nhĩ thất, theo bó His xuống tâm thất. Xung động được lan ra 2 tâm thất bằng hệ thống Purkinje. Nếu có bất thường trong toàn bộ quá trình này sẽ dẫn tới rối loạn nhịp.

Rung thất là tình trạng xung động điện hỗn loạn trong tâm thất. Kích thích này làm tâm thất rung lên, cơ tim không co bóp được. Khi thất không có bóp, máu không được tống ra ngoài làm huyết áp tụt. Huyết áp tụt làm suy đa cơ quan nhanh chóng, tim ngưng đập dẫn tới tử vong.

Hoạt động điện trong rung thất

Các nguyên nhân gây rung thất thường gặp như:

2.1. Sau bệnh lý động mạch vành

Rung thất thường xảy ra trên nền bệnh tim có sẵn. Phổ biến nhất là hậu quả sau bệnh lý mạch vành, đặc biệt là nhồi máu cơ tim cấp. Sẹo do nhồi máu cơ tim cũ cũng làm tổn thương đường dẫn truyền trong tim.

>> Xem thêm: Bệnh mạch vành: Bệnh lý tim mạch nguy hiểm hàng đầu

2.2. Do các nguyên nhân khác

Rung thất cũng gặp ở những người bị bệnh cơ tim, viêm cơ tim và bệnh lý tim khác. Ngoài ra, nó còn gặp trong sự mất cân bằng điện giải quá liều thuốc gây độc cho tim. Bệnh có thể xảy ra sau những trường hợp suýt chết đuối hoặc chấn thương nặng.

2.3. Rung thất vô căn

Cũng cần lưu ý rằng rung thất xảy ra khi không có nguyên nhân rõ ràng khác. Khi đó được gọi là rung thất vô căn. Rung thất vô căn xảy ra với tỷ lệ khoảng:

  • 1% tổng số các trường hợp ngoài bệnh viện
  • 3-9% các trường hợp rung thất không liên quan đến nhồi máu cơ tim.
  • 14% tất cả các trường hợp hồi sức rung thất trong bệnh nhân dưới 40 tuổi

Tuy chưa được khẳng định hoàn toàn nhưng tỉ lệ cao rung thất vô căn do các hội chứng mang tính chất di truyền. Các hội chứng phổ biến nhất như Hội chứng Brugada và Hội chứng QT kéo dài. Những hội chứng này có bất thường trên kênh Ion ở tế bào cơ tim, thường là kênh Natri. Bất thường này gây rối loạn điện thế động trên tế bào cơ tim dẫn tới rối loạn nhịp.

3. Các yếu tố nguy cơ bị rung thất

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ rung thất, bao gồm:

  • Có tiền căn rung thất hay ngưng tuần hoàn trước đây. Dù có hay không có nguyên nhân rõ ràng, tiền căn bị rung thất hay ngưn tim cũng là yếu tố nguy cơ cao. Cần tìm rõ nguyên nhân rung thất nếu bệnh nhân được cứu sống để điều trị triệt để.
  • Có người nhà đươc chẩn đoán hội chứng Brugada hoặc đột tử không rõ nguyên nhân. Các hội chứng di truyền có thể gây rung thất trên những bệnh nhân trước đó không có triệu chứng gì. Do đó nên tầm soát kĩ khi đã có tiền căn gia đình.
  • Có tiền căn nhồi máu cơ tim hay đau thắt ngực. Nhồi máu cơ tim là nguyên nhân phổ biến nhất gây rung thất. Nhồi máu diện rộng không được can thiệp kịp thời có khả năng tử vong cao. Do đó cần chú ý triệu chứng đau ngực khi xuất hiện.
  • Có tiền căn bệnh cơ tim, chấn thương tim. Các bênh lý này đều làm tổn thương tim. Điều này làm rối loạn hệ thống dẫn truyền tim.
  • Các bất thường đáng kể về điện giải, chẳng hạn như với kali hoặc magie
  • Sử dụng quá liều ma túy.
Đau thắt ngực là triệu chứng nguy hiểm
Đau thắt ngực là triệu chứng nguy hiểm

4. Biến chứng của rung thất

Rung thất là nguyên nhân thường xuyên nhất của đột tử do tim. Tim ngừng bơm máu đột ngột cho cơ thể. Thiếu máu càng lâu thì nguy cơ tổn thương não và các cơ quan khác càng lớn. Tử vong có thể xảy ra trong vòng vài phút.

Tình trạng này phải được điều trị ngay lập tức bằng phương pháp khử rung tim. Tỷ lệ biến chứng lâu dài và tử vong có liên quan trực tiếp đến thời gian được khử rung.

5. Triệu chứng của rung thất

Tình trạng xảy ra nhanh, cần nhận biết kịp thời để cấp cứu. Các triệu chứng có thể là:

  • Đau ngực
  • Ngất, mất ý thức
  • Ngưng thở
  • Tím tái môi và tay chân

>> Xem thêm: Đau thắt ngực nguy cơ bệnh tim tiềm ẩn

6. Chẩn đoán rung thất như thế nào?

Rung thất luôn được chẩn đoán trong tình huống khẩn cấp. Cần nhanh chóng xác định tình trạng ngưng hô hấp tuần hoàn để cấp cứu. Các bác sĩ sẽ biết liệu bạn có bị rung thất hay không dựa trên kết quả từ:

  • Kiểm tra mạch: trong rung thất, sẽ không có mạch đập.
  • Theo dõi tim: máy theo dõi tim sẽ đọc các xung điện làm cho tim bạn đập. Nó cho biết tim bạn có đập thất thường hay không.
Monitor theo dõi điện tâm đồ
Monitor theo dõi điện tâm đồ

Để tìm hiểu nguyên nhân gây rung thất, bạn sẽ có các xét nghiệm bổ sung, có thể bao gồm:

  • Điện tâm đồ (ECG): ghi lại hoạt động điện của tim thông qua các điện cực gắn trên da. Cơ tim bị thương không dẫn truyền xung điện bình thường. Nên điện tâm đồ có thể cho cái nhìn ban đầu về tình trạng của tim. Thể hiện cả tưới máu động mạch vành và tình trạng cơ tim.
  • Xét nghiệm máu: xác nhận nhồi máu và ảnh hưởng của ngưng tuần hoàn trên lên các thông số máu. Các đặc điểm này quyết định bước điều trị tiếp theo.
  • Chụp X-quang phổi.
  • Siêu âm tim: khảo sát các bất thường trong cấu trúc tim. Nó thể hiện rõ các biến chứng của nhồi máu cơ tim.
  • Chụp mạch vành cản quang: giúp khảo sát tình trạng mạch vành và điều trị tái thông sau nhồi máu cơ tim.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim: trong vài trường hợp không tìm được nguyên nhân, có thể sẽ cần chụp MRI tim để khảo sát kĩ hơn. Đồng thời góp phần chẩn đoán các bệnh lý cơ tim và động mạch vành.
ECG rung thất
ECG rung thất

7. Điều trị rung thất

Các phương pháp điều trị cấp cứu cho rung thất tập trung vào việc khôi phục lưu lượng máu qua cơ thể càng nhanh càng tốt để ngăn ngừa tổn thương não và các cơ quan khác. Sau đó sẽ có các lựa chọn điều trị để giúp ngăn ngừa các đợt rung thất trong tương lai.

7.1. Điều trị cấp cứu

Hồi sinh tim phổi (CPR): phương pháp điều trị này có thể giúp duy trì lưu lượng máu trong cơ thể bằng cách bắt chước chuyển động bơm máu của tim. CPR có thể được thực hiện bởi bất kỳ ai, kể cả các thành viên trong gia đình. Trong trường hợp cấp cứu y tế, trước tiên hãy gọi trợ giúp y tế khẩn cấp. Sau đó bắt đầu hồi sức tim phổi bằng cách ấn mạnh và nhanh vào ngực của người đó – khoảng 100 đến 120 lần ấn mỗi phút. Để lồng ngực nhô lên hoàn toàn giữa các lần ép. Trừ khi người được đào tạo về hô hấp nhân tạo, đừng thực hiện hít thở vào miệng bệnh nhân. Tiếp tục ép ngực cho đến khi có máy khử rung tim di động hoặc nhân viên cấp cứu đến.

Hồi sức tim phổi
Hồi sức tim phổi

Khử rung tim: việc truyền một cú sốc điện qua thành ngực đến tim trong giây lát khiến tim ngừng đập và nhịp điệu hỗn loạn. Điều này thường cho phép nhịp tim bình thường trở lại. Nếu có sẵn máy khử rung tim tự động bên ngoài (AED) được sử dụng công cộng, thì bất kỳ ai cũng có thể sử dụng nó. AED sử dụng công cộng được lập trình để nhận biết rung thất và chỉ sốc khi cần thiết.

Sốc điện phá rung
Sốc điện phá rung

7.2. Phương pháp điều trị nhằm ngăn ngừa đợt tái phát trong tương lai

Chủ yếu điều trị các bệnh lý nền, có thể sử dụng thuốc hoặc thực hiện một thủ thuật y tế để giảm nguy cơ rung thất và ngừng tim trong tương lai. Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm:

  • Thuốc men. Có nhiều thuốc chống loạn nhịp tim khác nhau để điều trị khẩn cấp hoặc lâu dài chứng rung thất.
  • Máy khử rung tim cấy ghép (ICD). Sau khi tình trạng ổn định, nếu có chỉ định thì phải cấy ICD. ICD là một thiết bị chạy bằng pin được cấy gần xương đòn trái trên lồng ngực. Một hoặc nhiều dây dẫn từ ICD chạy qua các tĩnh mạch đến tim. ICD liên tục theo dõi nhịp tim. Nếu nó phát hiện rung thất, nó sẽ phát ra những cú sốc điện để thiết lập lại nhịp tim về nhịp điệu bình thường. ICD hiệu quả hơn các loại thuốc để ngăn ngừa ngừng tim do rối loạn nhịp tim.
  • Nong mạch vành và đặt stent. Thủ tục này là để điều trị bệnh động mạch vành nặng. Nó mở các động mạch vành bị tắc nghẽn, cho phép máu lưu thông tự do hơn đến tim. Nếu rung thất do nguyên nhân nhồi máu cơ tim thì đây là chỉ định bắt buộc phải làm.
  • Phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Một phẫu thuật khác để cải thiện lưu lượng máu là phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Phẫu thuật bắc cầu bao gồm khâu các tĩnh mạch hoặc động mạch tại vị trí bên ngoài động mạch vành bị tắc hoặc hẹp (bắc qua phần bị thu hẹp), khôi phục lưu lượng máu đến tim. Điều này có thể cải thiện việc cung cấp máu cho tim của bạn và giảm nguy cơ rung thất. Phẫu thuật bắc cầu mạch vành thường được chỉ định khi không can thiệp mạch vành và đặt stent được.
Cấy máy ICD
Cấy máy ICD

8. Thay đổi lối sống để dự phòng rung thất

Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh. Thực phẩm tốt cho tim mạch bao gồm trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, cũng như các nguồn protein nạc như đậu nành, đậu, các loại hạt, cá, thịt gia cầm. Tránh thêm muối (natri), thêm đường và chất béo rắn.

Tập luyện thể dục đều đặn. Đặt mục tiêu hoạt động vừa phải, không chơi các môn thể thao quá sức.

Bỏ thuốc lá. Giữ huyết áp và mức cholesterol trong phạm vi cho phép. Dùng thuốc theo quy định để điều chỉnh huyết áp cao (tăng huyết áp) hoặc cholesterol cao. Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.

Hạn chế uống rượu. Hãy uống có chừng mực. Đối với người lớn khỏe mạnh, điều đó có nghĩa là tối đa một ly mỗi ngày đối với phụ nữ ở mọi lứa tuổi và nam giới trên 65 tuổi, và tối đa hai ly mỗi ngày đối với nam giới từ 65 tuổi trở xuống.

Duy trì chăm sóc theo dõi. Uống thuốc theo quy định và tái khám định kỳ với bác sĩ. Hãy cho bác sĩ biết nếu các triệu chứng xấu đi.

Rung thất là tình trạng cấp cứu tim mạch nghiêm trọng đe dọa tính mạng nhanh chóng. Điều trị cấp cứu cần shock điện kịp thời nếu không nguy cơ tử vong là cao. Tình trạng này thường xảy ra trên nền bệnh tim sẵn có. Do đó, điều trị bệnh nền ổn định, thay đổi lối sống lành mạnh, tuân thủ điều trị của bác sĩ là cách để ngăn ngừa rung thất.

Bác sĩ Lương Sỹ Bắc

Từ khóa » Sốc điện Rung Thất