Sạ Giống Lúa Mùa Nổi Bằng Thiết Bị Bay Không Người Lái

Hồi sinh lúa mùa nổi là giải pháp nông nghiệp bền vững, thân thiện môi trường.

''

Thăm ruộng lúa mùa nổi tại Long An.

Từ đầu tháng 8/2021 này, đội bay Công ty Quản Nông Xanh thuộc Tập đoàn Lộc Trời đã tiến hành sử dụng drone sạ giống lúa mùa nổi tại 100 ha thuộc xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.

Đây là hoạt động nằm trong chương trình liên kết sản xuất giống lúa mùa nổi đặc sắc của vùng ĐBSCL được Tập đoàn Lộc Trời và UBND huyện Tân Hưng ký kết tháng 4 vừa qua.

Bảo tồn giống lúa đặc sắc vùng ĐBSCL

Nội dung chủ đạo của chương trình liên kết này là Tập đoàn Lộc Trời, UBND huyện Tân Hưng và bà con nông dân sẽ chung tay canh tác, sản xuất thông qua mô hình hợp tác xã (HTX), từ đó giúp phục tráng, bảo tồn giống lúa mùa nổi độc đáo của miền Tây.

Lúa mùa nổi được trồng phổ biến ở ĐBSCL trước năm 1985, với diện tích lên đến 500.000 ha, trước khi các giống lúa cao sản ngắn ngày thay thế. Đặc tính của lúa mùa nổi là được trồng “thuận thiên” theo mùa nước lũ, với khả năng vươn cao từ 3 – 5m, vượt trên mặt lũ để sinh trưởng, đơm bông.

Thời gian sinh trưởng của lúa mùa nổi khoảng tầm 6 tháng. Tuy năng suất thấp hơn lúa cao sản, nhưng bù lại lúa mùa nổi được bán với giá cao hơn do đặc tính độc đáo, với hàm lượng vitamin E cao gấp 5 lần so với các loại gạo khác.

''

Lúa mùa nổi có thể vươn cao theo nước lũ.

Đặc biệt, lúa mùa nổi còn tạo sinh cơ thuận lợi cho các loại thủy sản ẩn trú, sinh sôi và phát triển trong mùa nước nổi, giúp người dân tăng thêm thu nhập. Với những giá trị về dinh dưỡng, sinh trưởng “thuận thiên” ít ảnh hưởng đến môi trường, và đặc biệt là mang trong mình những nét văn hóa nông nghiệp của bà con nông dân vùng ĐBSCL, lúa mùa nổi là một sản phẩm đặc biệt.

Nâng cao giá trị lúa mùa nổi

Trước đây, theo phương pháp canh tác truyền thống của bà con, cây lúa mùa nổi tự ngậm sương mà nảy mầm, ngậm nước phù sa từ thượng nguồn mà lớn, hứng nắng trời mà đơm bông, hoàn toàn phó mặc cho tự nhiên.

Tuy nhiên, trong kế hoạch liên kết sản xuất giữa Tập đoàn Lộc Trời và huyện Tân Hưng, việc canh tác lúa mùa nổi của bà con nông dân sẽ có sự hỗ trợ của đội ngũ kỹ sư nông nghiệp “3 cùng”, cung cấp các giải pháp, quy trình kỹ thuật canh tác, ứng dụng khoa học công nghệ và quản lý đồng ruộng trong suốt quá trình liên kết.

Tập đoàn Lộc Trời đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản lượng sau thu hoạch. Bên cạnh đó, Lộc Trời cũng sẽ hỗ trợ HTX đăng ký nhãn hiệu tập thể, mã số vùng trồng, mã vạch truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng lúa và nâng cao thương hiệu của lúa mùa nổi trên thị trường.

Tại huyện Tân Hưng, trên diện tích 100 ha của bà con nông dân ở ấp Láng Sen và Vĩnh Ân, xã Vĩnh Đại, Tập đoàn Lộc Trời đã tổ chức sạ giống lúa mùa nổi Nàng Tây Đùm với lượng khoảng 80kg/ha bằng thiết bị bay không người lái, thay vì sạ bằng tay như thói quen trước đây của bà con.

''

Chuẩn bị giống vào drone.

Dự kiến từ đây đến khi thu hoạch vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, các kỹ sư nông nghiệp “3 cùng” sẽ sát cánh cùng bà con để chăm sóc, quản lý suốt mùa vụ, và tiếp tục ứng dụng các thiết bị công nghệ cao vào canh tác.

Trong bối cảnh khí hậu biến đổi thất thường, với 2 mùa phân hóa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô ở ĐBSCL, việc hồi sinh hệ sinh thái nông nghiệp lúa mùa nổi được xem là giải pháp nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, đồng thời tạo sinh kế ổn định cho người dân mỗi mùa nước nổi.

Trên thực tế, vào năm 2020, bà con nông dân Long An cũng từng trồng lại giống lúa mùa nổi Nàng Tây Đùm trên diện tích 30 ha tại ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, tuy nhiên kết quả chưa được như kỳ vọng.

''

Drone sạ giống lúa mùa nổi.

Mùa nước nổi năm nay, với sự tham gia của Tập đoàn Lộc Trời, hệ sinh thái lúa mùa nổi được kỳ vọng sẽ hồi sinh mạnh mẽ, hình ảnh cây lúa vươn lên trên nước lũ vốn quen thuộc với cư dân đồng bằng sẽ trở lại và còn đẹp hơn xưa, khi trị giá sản phẩm được cộng thêm với quy trình canh tác lúa bền vững (SRP) từ Lộc Trời.

 

Từ khóa » đặc điểm Lúa Mùa Nổi