“Sắc Sắc, Không Không” - Binh Phuoc, Tin Tuc Binh ... - Báo Bình Phước

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, từ sau chiến thắng với Chiêm Thành, nước Đại Việt bấy giờ là một đất nước thanh bình, thịnh vượng với nền nông nghiệp phát triển, những công trình, cung điện, chùa chiền tráng lệ. Các nghề thủ công như đúc đồng, điêu khắc, làm gốm, làm mộc... đều phát triển rực rỡ. Thuyền buôn Đại Việt giương buồm đi khắp nơi trên vùng biển Đông Nam Á, đến các nước Tống, Chiêm Thành, Chân Lạp, Java... để buôn bán các sản phẩm như gia vị, hương liệu, tơ lụa, đồ gốm, thổ sản...

Nước Đại Việt còn có nguồn lợi từ mỏ vàng, mỏ đồng ở phía Bắc. Người Việt ở các vùng có mỏ vàng trở nên giàu có, hay mua người Tống về để làm nô tì. Hải cảng Vân Đồn tấp nập ghe thuyền ngoại quốc đến buôn bán. Dưới triều Lý Thánh Tông, nước Chân Lạp cũng thường gửi sứ sang dâng cống phẩm. Nước Tống khi đó dù khá hùng mạnh nhưng cũng không dám vọng động nhòm ngó xuống phương Nam.

Năm 1072, vua Lý Thánh Tông mất, hưởng dương 50 tuổi. Thái tử Lý Càn Đức mới 7 tuổi lên nối ngôi vua, sử gọi là vua Lý Nhân Tông. Vua còn nhỏ tuổi chưa hiểu chuyện để trị nước, triều đình và nội cung rơi vào cuộc đấu đá cạnh tranh quyền lực giữa phe của hoàng thái phi Ỷ Lan được Thái úy Lý Thường Kiệt ủng hộ và phe của Thượng Dương hoàng thái hậu được Thái sư Lý Đạo Thành phò tá.

Bấy giờ, Ỷ Lan hoàng thái phi là mẹ đẻ của vua, lại là người có tài trị quốc, từng có kinh nghiệm nhiếp chính lúc tiên đế Lý Thánh Tông thân chinh nên được nhiều triều thần ủng hộ. Nhưng Thái sư Lý Đạo Thành là người trọng lễ giáo, ông đã cùng những người ủng hộ suy tôn Thượng Dương hoàng thái hậu - người vợ chính thức của tiên đế Lý Thánh Tông lên làm nhiếp chính. Thượng Dương hoàng thái hậu tuy có được danh chính ngôn thuận nhưng là người không thông hiểu chính trị và thiếu uy tín.

Ỷ Lan vốn tự phụ mình là người có công sinh ra vua lại giỏi giang hơn, có nhiều công lao hơn mà không được dự quyền chính nên sinh lòng ghen ghét, bất phục. Cô gái hái dâu vùng Kinh Bắc ngày nào giờ đã trở thành người phụ nữ đầy tham vọng và mưu mô. Bà đã cố gắng thuyết phục Thái úy Lý Thường Kiệt về phe của mình trong cuộc chiến tranh giành quyền lực để làm áp lực lên vua nhỏ Lý Nhân Tông và triều thần. Mặt khác, với thân phận là mẹ đẻ của vua, Ỷ Lan hoàng thái phi đã nói riêng với vua: Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?

Vua Lý Nhân Tông đã vì chữ hiếu với mẹ đẻ mà ra tay, Thượng Dương hoàng thái hậu bị giam lỏng trong cung Thượng Dương cùng với 72 tì nữ của bà. Năm 1073, vua Lý Nhân Tông cùng một số triều thần lại thể theo tục lệ tùy táng vốn thịnh hành trong giới quý tộc thời trung đại, bắt Thượng Dương hoàng thái hậu và 72 tì nữ phải chết theo tiên đế Lý Thánh Tông. Sau khi Thượng Dương hoàng thái hậu chết, Ỷ Lan hoàng thái phi được vua phong làm Linh Nhân hoàng thái hậu, giữ vai trò nhiếp chính, cùng với Thái úy Lý Thường Kiệt làm phụ chính.

Vua phong cho Lý Thường Kiệt chức Đôn Quốc thái úy, Đại tướng quân, Đại tư đồ, gia hiệu Thượng phụ công, đứng đầu cả 2 ban văn, võ. Thái sư Lý Đạo Thành và toàn bộ những người ủng hộ Thượng Dương hoàng thái hậu đã hoàn toàn thất thế. Thái sư Lý Đạo Thành lãnh chức Tả gián nghị đại phu, được điều ra coi châu Nghệ An. Đối với một vị Thái sư thì chức vụ này chẳng khác gì bị đi đày. Vốn đây là một bước đi loại trừ địch thủ chính trị tại Trung ương của Ỷ Lan Linh Nhân hoàng thái hậu.

Những sự tranh giành về quyền chính, đấu đá nội bộ này của Đại Việt đã không lọt khỏi tai mắt của thám tử nước Tống. Đây là một trong những tiền đề quan trọng khơi dậy dã tâm xâm lược Đại Việt của vua tôi nước Tống. Tuy quốc lực Đại Việt đầu thời vua Lý Nhân Tông vẫn rất vững mạnh, nhân tài, vật lực dồi dào nhưng với nội bộ thiếu đoàn kết, nước ta đã trở thành miếng mồi nước Tống nhắm tới.

Lời bàn:

Theo sử liệu còn lưu truyền đến ngày nay, hoàng thái hậu Ỷ Lan là một nhân vật lịch sử, một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, một nhà Phật học nổi tiếng, một trong những nữ danh nhân tuyệt vời của lịch sử Việt Nam. Tên tuổi cũng như cuộc đời bà gắn chặt với sự nghiệp kháng chiến chống quân Tống xâm lược của dân tộc. Năm 1076, triều Tống phát đại binh sang xâm chiếm nước Đại Việt. Thái hậu Ỷ Lan đã cùng Lý Thường Kiệt và một số quần thần bày mưu chống địch, kết quả quân đại Tống hùng hổ toan “làm cỏ” nước Đại Việt đã phải cam chịu thất bại rút quân về nước. Trong chiến thắng này, công lao của hoàng thái hậu Ỷ Lan là vô cùng lớn. Như vậy, từ cô gái hái dâu làng Thổ Lỗi, sau 13 năm, bà không chỉ trở thành một nguyên phi mà còn trở thành một trong những người phụ nữ quyền lực nhất trong lịch sử Việt Nam.

Tuy xuất thân là một nữ nông dân nghèo, được hưởng phú quý vinh hoa nhưng ngọc ngà, vàng son không làm vẩn đục tâm hồn bà. Trong bài “Kệ” còn truyền đến ngày nay, bà đã viết: Sắc là không, không tức sắc/Không là sắc, sắc tức không/Sắc? Không? thôi mặc cả/Mới thấu được chân tông. Với tư tưởng trong bài “Kệ” này, hoàng thái hậu Ỷ Lan đã được thế giới ghi nhận là một tác gia Phật học thời Lý - Trần và là nữ Phật học đầu tiên của nước nhà.

Từ khóa » Cuộc đời Sắc Sắc Không Không Là Gì