SÂM ĐẠI HÀNH, TỎI ĐỎ, TỎI LÀO, HÀNH ĐỎ - Ebook Y Học - Y Khoa

                  SÂM ĐẠI HÀNH, TỎI ĐỎ, TỎI LÀO, HÀNH ĐỎ

HÌNH ẢNH, TÁC DỤNG, VỊ THUỐC NAM, ĐÔNG Y, BÀI THUỐC DÂN GIAN CHỮA BỆNH, THUỐC BẮC

      Tên khoa học: Eleutherine subaphylla Gagnep. Họ: Lay ơn(Iridaceae).

      Tên khác: Tỏi đỏ, Tỏi lào, Sâm cau, Hành đỏ, Phong nhan, Hom búa lượt.

           Cách trồng: Trồng bằng thân hành. Đào lên, tách từng nhánh, cắt bỏ lá, rễ, chỉ lấy củ đem trồng ngay. Thời vụ trồng thích hợp là tháng 11-12. Đất trồng cần màu mỡ, tơi, xốp, thoát nước. Bón lót 15kg phân chuồng, 0,1kg lân, 0,05 kali cho mỗi 10m2 . Lên luống cao 20-25cm, rộng 1m, đánh rãnh rộng 25-30cm, rải phân lót cho đều, phủ đất rồi trồng. Khi cây con được 2-3 lá, trồng dặm những chổ không mọc. Thời kỳ đầu luôn đảm bảo đủ ẩm, nếu có mưa thì tháo nước kịp thời. Quá trình cây phát triển, cần bón thúc bằng phân sulfat amoni pha loãng hoặc nước phân chuồng hoai, nước tiểu pha loãng. Sau khi trồng 1 năm, đến mùa đông, cây rụi lá thì thu hoạch.

 Bộ phận dùng và cách bào chế: Dùng củ. Khi cây già, thấy lá đã lụi tàn, đào lấy củ, rửa sạch, bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài, xắt nhỏ dùng tươi hoặc phơi, sấy khô dùng dần.

 Tác dụng và liều dùng: Tác dụng bổ máu, tiêu độc, chống viêm nhiễm.

Liều dùng: Mỗi ngày uống 4- 12g khô hoặc 15- 30g tươi dưới dạng thuốc sắc hoặc tán bột, ngâm rượu.

 Đơn thuốc ứng dụng:

Bài 1: Chữa mụn nhọt sưng đau:

 Sâm đại hành tươi 20g, Kim ngân hoa 12g, Ké đầu ngựa 10g, Thăng ma 5g sắc uống hàng ngày.

Bài 2: Chữa mệt mỏi, bổ máu tiêu độc:

 Sâm đại hành 100g ngâm với 1 lít rượu trong 10 ngày trở lên, ngày uống 10ml- 15ml trước bữa ăn. Nếu không uống được rượu thì chế thành viên như sau: Lấy sâm đại hành ngâm trong rượu 400, sau đó chiết lấy dịch cô cho đến khi khô, chế thành viên mỗi viên 0,25g. Người lớn uống 10- 12 viên ngày, chia thành hai lần, trẻ con từ 1- 5 tuổi uống 2- 6 viên mỗi ngày, trẻ từ 6- 12 tuổi uống 6- 8 viên mỗi ngày.

Bài 3: Chữa bị chàm bội nhiễm chảy nước vàng:

 Sâm đại hành 20g, Sài đất 50g , Vỏ núc nác 10g.Tất cả cho vào nước nấu 2-3 lần, rồi cô lại thành cao đặc, bôi vào vùng da bị bệnh hàng ngày.

Bài 4:Thuốc an thần, chữa mất ngủ, lo âu, buồn phiền:

Sâm đại hành 4-12g sắc với 200ml nước còn 50ml uống trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ.

     Bài 5: Chống viêm, giảm ho, chữa viêm họng, sưng amidan:

     Sâm đại hành 3g, Vỏ rễ dâu 12g, Bách bộ 12g, Mạch môn 12g, Sài đất 12g, Cỏ nhọ nồi 12g. Sắc uồng ngày 1 thang.

     Bài 6: Chữa ho, viêm họng ở trẻ em:

     Sâm đại hành 100g, Xạ can 50g. Sắc nước, cô đặc, pha thành 300ml xiro. Ngày uống 10-30ml chia thành 3 lần tùy theo độ tuổi.

     Bài 7: Làm bột cầm máu:

     Sâm đại hành rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, tán thành bột mịn rắc lên vết thương để cầm máu.

Từ khóa » Tác Dụng Của Cây Tỏi Lào