Sán Dây Lợn Gây Bệnh ở Người Như Thế Nào?

Đặc điểm của sán dây

Sán dây (Cestoda) có thân dài được hợp thành bởi những đốt sán tương tự như nhau và nối với nhau tạo thành một dải dài.Tất cả các giai đoạn vòng đời của chúng đều sống ký sinh.Giai đoạn trưởng thành sán thường sống ký sinh ở ống tiêu hóa của người hoặc động vật có xương sống khác.Giai đoạn ấu trùng sán thường sống trong mô tế bào của động vật có xương sống, đôi khi trong mô tế bào của người.

Về hình thể bên ngoài, sán trưởng thành có 3 phần gồm đầu, cổ và các đốt sán. Đầu được xem là đốt đầu tiên dùng để bám do có giác bám, vòng móc, rãnh bám và thường có hai loại đầu: đầu có góc cạnh có 4 giác bám ở 4 góc, có thể có các vòng móc; đầu dài, nhỏ, hình bầu dục, có hai rãnh bám hai bên và nếu cắt ngang đầu thấy đó là hai vệt lõm sâu ở hai bên. Cổ được xem là đốt thứ hai, nhỏ, dẹp, nối tiếp với đầu, không có bộ phận gì bên trong nhưng rất quan trọng vì từ đó sinh ra các đốt sán và có vai trò trong việc phát triển thân sán.

Có thể nói đầu và cổ là hai bộ phận quan trọng để sán sống dai dẳng và phát triển lâu trong cơ thể, trong khi đó những đốt sán sẽ rụng dần và bị tống ra ngoài cơ thể vật chủ.

Sán dây lợn gây bệnh ở người như thế nào?

Các đốt sán ở gần cổ non nhất và chưa có cấu tạo gì bên trong rõ rệt, chúng chỉ chứa mầm phôi thai của cơ quan sinh dục; các đốt sán càng xa cổ càng già, chứa cơ quan sinh dục đã trưởng thành và có thể phân ra làm 3 loại đốt: đốt non có bộ phận sinh dục đực chiếm ưu thế, bộ phận sinh dục cái xuất hiện sau; đốt trưởng thành có cả bộ phận sinh dục đực và cái phát triển hoàn thiện, cân đối; đốt già có bộ phận sinh dục cái chiếm ưu thế, toàn đốt sán chỉ gồm có tử cung phân nhánh chứa đầy trứng, bộ phận sinh dục đực chỉ còn lại dấu vết của đường dẫn tinh và các bộ phận khác thoái hóa hết. Đặc điểm là mỗi đốt sán có một cơ cấu riêng biệt, khi bị tách rời ra đốt sán vẫn có thể sống và di chuyển...

Sán dây phát triển qua nhiều vật chủ, có loại chỉ có một vật chủ phụ là loại sán đầu có giác, loại có hai vật chủ phụ thường là loại sán đầu có rãnh bám. Đối với loại sán có một vật chủ phụ, trứng ra ngoại cảnh xâm nhập vào vật chủ phụ và phát triển thành ấu trùng ký sinh ở các mô tế bào của vật chủ phụ dưới dạng nang, mỗi nang có thể có một ấu trùng dưới dạng một đầu sán có giác, có móc, tuy nhiên cũng có thể có nhiều đầu sán trong một nang; khi nang ấu trùng vào cơ thể vật chủ chính qua đường tiêu hóa, ấu trùng phát triển thành sán trưởng thành.

Đối với loại sán có nhiều vật chủ phụ, trứng sán ra ngoại cảnh phát triển thành ấu trùng, sau đó vào ký sinh ở vật chủ phụ thứ nhất là các động vật thuộc lớp giáp xác (Crustacea), rồi tiếp tục ký sinh ở vật chủ phụ thứ hai là cá và các loài lưỡng thê; vật chủ chính ăn phải vật chủ phụ thứ hai có nang ấu trùng, ấu trùng sẽ phát triển thành sán trưởng thành.

Sán dây ký sinh ở người cả dưới dạng sán trưởng thành và cả dưới dạng ấu trùng, nói một cách khác người vừa là vật chủ chính vừa là vật chủ phụ của sán dây.

Ở người, sán dây trưởng thành ký sinh tại ruột non và bám vào thành ruột; ấu trùng sán dây cư trú ở nhiều bộ phận khác nhau như tổ chức dưới da, cơ, gan, phổi, não, mắt... Trên thực tế, bệnh sán dây có thể phân bố ở nhiều nơi khác nhau và phụ thuộc vào tình hình, tập quán vệ sinh ăn uống.

Có hai loại là sán dây bò Taenia saginata chiếm tỷ lệ khoảng 78% thường gặp ở vùng đồng bằng và sán dây lợn Taenia solium chiếm tỷ lệ khoảng 22% thường gặp ở miền núi.

Sán dây lợn Taenia solium

Trong phạm vi của bài viết này, chỉ đề cập đến sán dây lợn do tính thời sự đã xảy ra trong thời gian qua tại Bắc Ninh, còn sán dây bò sẽ được nói thêm ở một bài viết khác. Sán dây lợn được ghi nhận khá phổ biến ở nhiều nơi tại nước ta do người dân có tập tục ăn thịt lợn sống chưa nấu chín kỹ, việc quản lý và xử lý phân thải không tốt và chưa có chế độ kiểm tra thực phẩm chặt chẽ...

Trước đây, quan niệm cũ cho rằng người bị bệnh sán dây lợn chỉ nhiễm đơn độc một sán trưởng thành nhưng hiện nay thực tế cho thấy người bệnh có thể bị nhiễm từ 2 đến 5 sán trưởng thành, thậm chí cá biệt có trường hợp người bị nhiễm đến 17 sán trưởng thành; ước tính có khoảng 10% bệnh nhân sán dây lợn bị nhiễm từ 2 sán trưởng thành trở lên.

Về sinh học, người là vật chủ chính, người cũng là vật chủ phụ và người vừa là vật chủ chính vừa là vật chủ phụ của sán dây lợn.

Người là vật chủ chính của sán dây lợn: Sán dây lợn trưởng thành sống ký sinh ở ruột non của người, đầu bám vào màng nhầy của ruột nhờ 4 giác và những hàng móc. Đốt già thường rụng từng đoạn gồn 5 đến 6 đốt theo phân thải ra ngoại cảnh. Vật chủ phụ là lợn ăn phải đốt sán hoặc trứng sán từ đốt sán vỡ ra, trứng sán qua dạ dày đến ruột non, ấu trùng thoát ra chui qua thành ruột vào hệ thống tuần hoàn đi khắp cơ thể; sau 24 đến 72 giờ kể từ khi lợn ăn phải, ấu trùng vào cư trú ở mô liên kết giữa các cơ và ở đây sau 2 tháng, ấu trùng tạo thành một nang có vỏ bọc ngoài với kích thước dài từ 17 đến 20 mm và rộng từ 7 đến 10 mm, chúng thường được gọi là “gạo lợn” hay “lợn gạo” (cysticercus cellulosae); trong nang có dịch màu trắng, có một đầu sán với 4 giác 2 vòng móc.

Ngoài lợn nhà ra, các loài lợn rừng, chó, mèo hoặc ngay cả người đều có thể là vật chủ phụ của sán dây lợn. Người ăn phải thịt lợn chứa nang ấu trùng “lợn gạo” còn sống chưa được nấu chín kỹ, dưới tác dụng của dịch tá tràng, đầu sán thoát ra khỏi nang sán bám vào niêm mạc ruột, phát triển lớn lên thành sán trưởng thành và khoảng 67 đến 72 ngày sau đó sán đã có những đốt già. Sán trưởng thành có thể sống tới 25 năm, trong trường hợp này người là vật chủ chính của sán dây lợn.

Người là vật chủ phụ của sán dây lợn: Thực tế người còn có thể là vật chủ phụ của sán dây lợn trong những trường hợp người ăn phải trứng sán dây lợn từ ngoại cảnh xâm nhập theo thực phẩm, rau quả sống, nước uống... vào đường tiêu hóa; dưới tác dụng của dịch tiêu hóa ấu trùng thoát khỏi nang, xuyên qua thành ruột, vào vòng tuần hoàn tiếp tục chu du đi khắp cơ thể rồi cuối cùng đến cư trú tại các tổ chức liên kết. Ở đây ấu trùng không thể tiếp tục phát triển thành sán dây lợn trưởng thành được mà sẽ tạo thành nang ấu trùng sán (cysticercus cellulosae) và người có nang ấu trùng sán được gọi là “người gạo”.

Người vừa là vật chủ chính vừa là vật chủ phụ của sán dây lợn: Đây là trường hợp cũng thường gặp nhưng với mức độ nặng và nguy hiểm hơn do người ăn phải trứng sán dây lợn từ ngoại cảnh. Những người mắc sán trưởng thành ký sinh ở ruột non được xem người là vật chủ chính.

Do bất kỳ một lý do nào đó như bị say tàu, say xe, say sóng, phụ nữ có thai, sốt cao... bị nôn ọe, những đốt sán già rụng ra ở ruột non theo nhu động ngược chiều lên dạ dày; ở đây dưới tác dụng của dịch tiêu hóa, trứng từ các đốt sán già được giải phóng ra; khi xuống đến tá tràng, ấu trùng trong trứng thoát ra, chui qua thành ruột vào hệ tuần hoàn và theo các mạch máu đi khắp cơ thể rồi lại vào các cơ, các mô tế bào khác để phát triển thành nang ấu trùng sán (cysticercus cellulosae) như đã nêu ở trên và người được xem là vật chủ phụ.

Sán dây lợn gây bệnh ở người như thế nào?Sán dây lợn ký sinh trong ruột non

Bệnh lý gây nên do nhiễm sán dây lợn

Khi bị nhiễm sán dây lợn, người có thể bị bệnh sán dây lợn trưởng thành và bệnh ấu trùng sán dây lợn với các đặc điểm khác nhau tùy theo từng trường hợp.

Bệnh sán dây lợn trưởng thành: Người mắc sán dây lợn trưởng thành thường không có biểu hiện triệu chứng gì đặc biệt. Tuy nhiên tùy theo phản ứng của cơ thể có thể thấy triệu chứng đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, đau vùng thường vị, đi đại tiện phân lỏng từng đợt; có thể chán ăn, ăn không ngon hoặc ngược lại có khi đói bụng cồn cào, ăn nhiều, sút cân...

Những triệu chứng này thường biểu hiện rõ khi sán ở giai đoạn đang trưởng thành. Lúc bắt đầu xuất hiện hiện tượng rụng các đốt sán già theo phân thải, biểu hiện lâm sàng giảm đi.

Bệnh ấu trùng sán dây lợn (cysticercosis): Nang ấu trùng sán dây lợn (cysticercus) có thể thấy ở bất cứ nơi nào trong cơ thể vật chủ. Tùy theo số lượng nang và vị trí của nang mà trên thực tế thấy những biểu hiện lâm sàng nặng hoặc nhẹ khác nhau hay thậm chí có thể gây tử vong. Các nang ấu trùng sán thường ký sinh ở mô dưới da, não, mắt, cơ bắp, tim, gan, phổi, các hốc trong ổ bụng... Nang ấu trùng sán ở dưới da tạo thành các nốt có thể sờ thấy được, di động, đôi khi có thể gây ngứa; chẩn đoán xác định bằng sinh thiết và xét nghiệm giải phẫu bệnh học.

Nang ấu trùng sán ở mô cơ ít khi được chẩn đoán nếu bị nhiễm nhiều nang, có thể có triệu chứng đau cơ; sau nhiều năm nang ấu trùng sán sẽ bị vôi hóa, lúc này có thể phát hiện bằng phim chụp X quang thấy có vết mờ dọc theo các sợi cơ.

Nang ấu trùng sán ở não thường gây nên nhiều triệu chứng lâm sàng đa dạng không đặc hiệu tùy theo vị trí, số lượng của nang ấu trùng sán ký sinh trong não với biểu hiện như một u nang trong não; những triệu chứng lâm sàng thường gặp là tăng áp lực trong sọ não, có những cơn động kinh, suy nhược khả năng trí tuệ, rối loạn tâm thần, có thể bị liệt tùy theo vị trí của nang ấu trùng sán chèn ép, có trường hợp bị đột tử, xét nghiệm thấy bạch cầu ái toan trong dịch não tủy gia tăng.

Nang ấu trùng sán ở trong mắt có thể nằm ở vị trí trong hốc mắt, mí mắt, kết mạc, thủy tinh thể, tiền phòng...; những rối loạn thị giác cũng rất đa dạng tùy theo vị trí ký sinh của nang ấu trùng sán ở trong mắt, có thể giảm thị lực và bị mù...

Nang ấu trùng sán ở cơ tim có thể làm tim đập nhanh, tiếng tim bị biến đổi, người bệnh bị khó thở, ngất xỉu...

Chẩn đoán xác định bệnh

Từ các biểu hiện triệu chứng lâm sàng được ghi nhận, việc chẩn đoán xác định bệnh phải căn cứ vào những xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết.

Bệnh sán dây lợn trưởng thành phải xét nghiệm để tìm đốt sán hoặc các đoạn gồm 5 đến 6 đốt sán ở trong phân thải, quan sát đốt sán trưởng thành thấy tử cung có từ 6 đến 12 nhánh ngang; rất hiếm khi thấy được trứng sán dây lợn ở trong phân, chỉ thấy được trứng khi các đốt sán bị vỡ ra vì một lý do nào đó.

Bệnh ấu trùng sán dây lợn ngoài các triệu chứng lâm sàng như dấu hiệu động kinh, giảm thị lực, mù mắt, có các nốt nang ấu trùng sán ở dưới da...; xét nghiệm có thể thấy bạch cầu ái toan tăng cao.

Cần thực hiện phương pháp sinh thiết (biposy), chụp phim X-quang, chụp hình não thất, soi đáy mắt, chụp cắt lớp vi tính CT-scanner (computed tomography), chụp cộng hưởng từ MRI (magnetic resonance imaging) để xác định.

Các phương pháp miễn dịch học cũng có giá trị trong chẩn đoán xác định nhưng thường cho kết quả phản ứng chéo với các loại sán dây khác nên cần thận trọng.

Từ khóa » đặc điểm Của Lớp Sán Dây