Săn Loài Ong Kịch độc: Ăn Lộc Rừng Vẫn Phải Cầm Chừng - Tiền Phong

Đốt đâu “chết” đấy

Sau một đêm cuốc bộ xuyên rừng cùng đoàn đi săn ong đất, đôi chân tôi rã rời. Khu Hạ Sơn (phường Minh Khai, thành phố Hà Giang) đang chìm trong những dòng sông mây bạc trắng khi chúng tôi trở về. Trên đường, Lù Văn Hưng hứng chí đọc mấy câu về nghề săn ong: “Ong vàng đốt vàng con mắt/Ong vò vẽ đốt chẽ chân trâu/Ong bồ nâu đốt đâu chết đấy”. Hưng nói, ong bồ nâu trong mấy câu đó là để chỉ ong đất, cho thấy loài ong này độc cỡ nào.

Săn loài ong kịch độc: Ăn lộc rừng vẫn phải cầm chừng ảnh 1 Nhộng ong đất xào măng chua - một món ăn đặc sản Loại ong này có kích thước bằng ngón tay út, màu nâu đen, lớn hơn các loại ong khác và trang bị chiếc nọc có độc tố rất mạnh, có thể đốt nhiều lần (khác với ong mật, đốt xong, nọc độc cắm vào vật bị đốt, kéo theo ruột rồi đứt ruột mà chết). Hưng kể, ngày còn nhỏ, khi đi rừng cùng cha, anh từng chứng kiến cả một con trâu mộng to khỏe, chẳng may sa chân vào tổ ong đất, bị chúng tấn công rồi chết từ từ.

Cũng bởi sự nguy hiểm của loài ong đất nên không mấy người chuyên nghề săn loại ong này. Ngay bản thân anh Hưng, dù là một tay săn ong rừng lão luyện, nhưng luôn ám ảnh nỗi sợ bị ong tấn công. Anh giơ bàn tay của mình lên cho tôi xem với nhiều vết sẹo hằn sâu, rồi bảo: “Những vết sẹo to này là “di sản” nhớ đời mỗi lần bị ong đất đốt. Chúng đốt đến đâu, thịt chết đến đó. Cảm giác đau buốt đến tận xương tủy”.

Lù A Kiều, một thành viên cùng đi trong đoàn cũng không giấu nổi tâm trạng lo sợ mỗi khi đối diện với đàn ong đất. Kiều chia sẻ, cảm giác bị loại ong này đốt rất kinh khủng. Chỉ cần một vết châm nhỏ, cơ thể đau nhức, xung quanh chỗ đốt sưng to, không chữa trị kịp, cả một cục thịt to bằng ngón tay út bị chết đen xì. Thợ đi săn ong sợ nhất là bị ong tấn công vào vùng mắt hoặc môi. Nếu vào mắt, nọc độc làm sưng tấy, che hết tầm nhìn; vào miệng, đau gần như không thể mở ra để ăn. “Có người sức chịu đựng kém, ong đốt ngất ngay tại chỗ”- Kiều nói.

Dù những người đi săn vẫn mang theo thuốc bôi, nhưng chỉ cần vài ba con ong tấn công nếu không nhanh chóng cứu chữa, sẽ bỏ mạng như chơi. Anh Kiều cho biết thêm, hơn chục năm trước, có lần vào rừng săn ong đất, anh gặp người đi bắt loại ong này bị ong tấn công, qua đời sau đó. Không chỉ nọc độc của loài ong đất, những thợ săn ong còn bị đe dọa của những loại thú rừng. “Lúc đi săn ong vào ban đêm, có khi tôi gặp rắn hổ mang bò sát ngay chân mình hay những loại rắn độc khác nằm trên cành cây, nếu không để ý có thể bị rắn cắn ngay lập tức”- Kiều vừa nói vừa rùng mình. Lộc rừng không bất tận hưởng

Cầm trên tay những tổ ong đất, Vàng A Dinh (người dân tộc Mông ở huyện Đồng Văn) - một thành viên trong đoàn đi săn khẽ tách một con nhộng ra khỏi tổ, rồi từ từ đưa vào miệng thưởng thức. Anh Dinh cho biết, từ nhộng ong, người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon hoặc làm thuốc từ con ong thợ. Bởi vậy, trên thị trường có nhu cầu lớn về loại ong này. “Nhộng ong béo ngậy, thơm. Tuyệt nhất là xào với măng chua. Nhộng ong giờ là đặc sản nên nghề săn ong đất dù nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn theo vì có thu nhập cao”, anh Dinh nói.

Theo nhẩm tính của anh Dinh, trên thị trường hiện nay, mỗi kg nhộng ong đất có giá khoảng 350 nghìn đồng. Mỗi tổ ong trung bình có thể thu về khoảng 1 kg nhộng. Có lúc gặp may, thợ săn bắt được nhiều tổ ong to, mang về 20 - 30 kg nhộng mỗi chuyến. Tính ra, một tốp thợ săn ong đất cũng có thể kiếm được gần chục triệu đồng sau một chuyến đi rừng. Nếu mang lên huyện Xín Mần bán cho lái buôn người Trung Quốc giá còn cao hơn

. “Mỗi tuần, một thợ săn có thể bắt được vài ba tổ ong, đem về vài triệu đồng. Nhiều thợ săn quanh năm vào rừng để tìm ong đất mang bán. Có người nuôi cả gia đình từ nghề này” - anh Dinh chia sẻ. Có một điều cần nói thêm, qua đợt săn ong này, chúng tôi mới vỡ lẽ, những quảng cáo bán “mật ong đất” là thất thiệt, bởi loài ong này chỉ săn mồi, ăn thịt, không hút nhụy hoa và luyện mật.

Săn loài ong kịch độc: Ăn lộc rừng vẫn phải cầm chừng ảnh 2 Vàng A Dinh cầm trên tay tổ ong đất vừa bắt được Hiểu được lợi ích từ loài ong đất mang lại, nhiều người đi săn chuyên nghiệp không tận diệt đàn ong mà họ chú trọng tìm cách duy trì đàn ong đất lâu dài. Để làm điều đó, trong lúc bắt, họ cố gắng chỉ lấy nhộng ong, bắt ong thợ. Họ cố gắng chỉ để ong chúa ngạt khói, ngất tạm thời, sau đó tỉnh lại, tiếp tục sinh sản và xây tổ mới.

Anh Dinh cho biết thêm, trước nguồn lợi từ loài ong đất mạng lại khá lớn, ở huyện Hoàng Su Phì, những tay thợ săn ong lâu năm còn tìm cách nuôi ong đất tại nhà. Họ đem ong chúa và cả tổ về, tạo một cái hang giống tự nhiên để đàn ong sinh sống. Mấy năm gần đây, một số thợ săn chuyên nuôi loại ong này với quy mô lớn, có tổ ong nuôi được to như cái thúng. “Bây giờ, ở huyện Hoàng Su Phì, không ít gia đình đã phất lên nhanh chóng từ nghề nuôi ong đất. Có gia đình thu về hàng trăm triệu đồng/năm. Nghề này vốn đầu tư ít, lãi nhiều, nhiều người thoát nghèo từ đó”- anh Dinh nói.

Theo Lương y Hư Đan, sách “Bản thảo thập di” nêu, ong đất (thổ phong) có tác dụng giống như ong mật (mật phong tử): Trừ phong, giải độc, sát trùng; dùng chữa đầu phong, phong tê thấp, ma phong, đơn độc, phong chẩn ... Việc sử dụng ong đất ngâm rượu để chữa phong thấp, đau nhức là một kinh nghiệm có từ lâu đời và đã được ghi lại trong sách Đông y. Cũng theo sách “Bản thảo thập di”, ấu trùng ong đất có vị ngọt, tính bình, có độc, có tác dụng chữa ung nhọt, đơn độc, phong chẩn, nhiệt tích trong bụng, đại tiểu tiện khó khăn, phụ nữ khí hư, bạch đới ... Lương y Hư Đan cho biết, việc sử dụng ong đất ngâm rượu làm thuốc bổ, chưa tìm thấy tài liệu đề cập.

N.T

Từ khóa » Hình Con Ong đất