Trong Cánh Rừng Săn Ong Tử Thần - CAND

  • Gặp thợ săn ong ở bìa rừng xứ Mường

Săn “ong tử thần”

Ong bắp cày được khoa học mệnh danh là loài ong tử thần. Đây là loài ong hung dữ và nọc độc có thể gây chết người. Nhiều thợ săn ong rừng có “số má” ở A Lưới (Thừa Thiên-Huế) liên tục lắc đầu lè lưỡi khi nhắc đến loài ong kinh khủng này: “Bình thường, một con trâu mộng chỉ bị khoảng 10 vết đốt của ong bắp cày là lăn ra chết, còn người khỏe mạnh chỉ vài ba phát là chết lâm sàng, nếu không biết cách chữa kịp thời thì bỏ mạng. Dân săn ong rừng kỳ cựu như chúng tôi mà cũng không dám bén mảng đến tổ ong bắp cày nữa là người thường. Đi rừng mà vô phúc gặp hay đạp trúng tổ ong này thì tốt nhất là bỏ chạy thật nhanh chứ nếu không là bỏ mạng”.

Trong cánh rừng săn ong tử thần -0
Một tổ ong bắp cày.

Chúng to gấp 3 ong mật, ngoài chiếc vòi cực độc, thậm chí được ví với nọc độc rắn hổ mang, ong bắp cày còn có 2 chiếc răng to dùng để cắn xé khi đánh nhau và rất thiện chiến. Chúng là sát thủ đối với các loại côn trùng trong rừng; ngay cả con trâu có bộ da dày là thế nhưng đạp phải tổ ong bắp cày cũng phải bỏ chạy thục mạng. Dân săn ong rừng sợ ong tử thần như thế nhưng anh Nguyễn Văn Đoàn (Xã A Đớt, A Lưới) lại là một tay săn ong bắp cày cừ khôi ở đất này. Anh cho biết, do đặc điểm sinh sống, ong bắp cày thường làm tổ dưới đất, muốn tìm được ong thì phải đến các vùng có hoa, nhiều côn trùng, sau đó theo dõi tìm về nơi làm tổ của ong bắp cày. Theo anh Đoàn bật mí thì việc phát hiện ra tổ ong ở giữa rừng mênh mông là chuyện khó như “mò kim đáy bể”. Với những người mới vào nghề thì có khi đi cả năm trời cũng chẳng phát hiện được một tổ ong bắp cày nào nhưng với những người săn có kinh nghiệm như anh thì chỉ cần đi săn là thể nào cũng đào được ong đem về bán.

Ngón nghề để anh Đoàn tìm ra ong cũng rất đơn giản nhưng chẳng phải ai cũng học được. Dựa vào đặc tính của loài ong này là thường đi lẻ bầy đến các vùng có hoa để tìm bắt ong nhỏ và côn trùng, người ta tìm cách bẫy chúng. Người câu ong dùng một cành cây vót nhọn, buộc con côn trùng có thắt sợi chỉ mỏng, đầu còn lại buộc với một sợi lông chim nhỏ rất nhẹ màu trắng để nhận biết. Khi chú ong sà đến ôm con mồi rồi lao đi giữa không trung thì việc còn lại chỉ là đi theo ong về tổ. Tuy nhiên, việc bắt ong bắp cày cũng rất kỳ công, phải chuẩn bị mọi thứ, đặc biệt là đồ bảo hộ mới tiến hành bắt được. Còn nếu không có đồ bảo hộ, phải chờ trời tối mới có thể bắt, nếu không sẽ cực kỳ nguy hiểm.

Để bắt được loài ong cực độc này, dụng cụ phải có là đồ bảo hộ thật kín và dày, cuốc xẻng, vỏ trấu và vốn “mẹo vặt sinh tử” được đúc kết từ hàng chục năm đi bắt ong rừng. Anh Toàn chia sẻ bí mật: “Ong bắp cày đốt có thể chết người nhưng không phải con nào cũng biết làm việc ấy, mà chỉ có ong cái thôi. Mùa xuân và mùa hè, lũ ong cái bay ra khỏi tổ và người đi săn ong rất dễ trở thành mục tiêu của chúng.

Trong cánh rừng săn ong tử thần -0
Thợ săn trang bị đồ bảo hộ để bắt tổ ong.

Vào dịp gần cuối năm, trời lạnh dần, con cái ở tổ chuẩn bị chống rét cho mùa đông và nhường quyền hoạt động cho các con đực. Khi đốt người, ong sử dụng một chiếc ngòi nhọn ở phần dưới bụng của chúng. Phần gốc ngòi gắn liền với tuyến nọc độc. Hễ chiếc ngòi nhọn đó cắm vào đâu là có nọc độc tràn vào. Bởi vậy, khi bị ong đốt rất đau buốt. Ngòi ong cũng chính là vòi đẻ trứng của chúng biến thành. Do đó, chỉ có ong cái mới có cơ quan này, còn ong đực thì không. Cũng vào thời điểm này, ong đực bay đi tìm ong cái để giao phối duy trì nòi giống. Nên nếu có gặp chúng cũng sẽ chẳng hề hấn gì cả. Như vậy, nói ong bắp cày không đốt người vào mùa thu chẳng qua là chỉ những con ong đực không có khả năng đốt người. Cách đơn giản để phân biệt hai giống là nhìn màu sắc phần đầu của chúng: ong cái có màu vàng, ong đực là màu trắng. Nắm được điều đó thì việc săn ong trở nên dễ dàng hơn”.

Buồn vui nghề rừng

Theo chân nhóm thợ rừng đi đào ong, những thợ rừng dù rất lành nghề nhưng việc bắt ong phải thật cẩn thận. Khi đi bắt ong đất, người ta phải chuẩn bị rất nhiều thiết bị bảo vệ. Mỗi người thường phải có mũ bảo hiểm, lưới trùm mặt, găng tay, ủng cao su, quần áo nilon, cuốc thuổng và bao lưới. Khi “ăn” ong, không thể thiếu đuốc, rơm khô, lá khô. Người thợ săn ong kinh nghiệm sẽ dễ dàng phát hiện cửa vào và cửa ra của ong. Chiếc ống nứa được đút sẵn một đầu vào bao, một đầu đút vào cửa ra của tổ ong. Ở cửa còn lại, người ta sẽ đốt lá hay rơm khô rồi quạt khói vào trong tổ. Đàn ong phát hiện bị tấn công sẽ đổ xô bay về phía cửa ra, theo ống nứa lần lượt chui vào bao lưới. Những con ong vừa đi kiếm mồi về thấy có kẻ lạ chắc chắn sẽ lao xuống tấn công đám thợ. Khi ấy, người thợ săn phải dùng cành cây tươi xua đuổi lũ ong và nhanh chóng thoát khỏi hiện trường.

Thông thường, việc “ăn” ong phải diễn ra thật nhanh gọn để tránh sự tấn công của những con ong còn chưa về tổ. “Cái giống này đốt vào đâu là vùng da đó thối đen, khi khô có thể rút ra một cục thịt to như đầu ngón út, sâu khoảng 1 đốt tay. Nếu ong đốt ở mu bàn tay thì cả cánh tay ấy sưng mọng nước như mắc bệnh phù nề, vừa ngứa, vừa nhức buốt rất khó chịu”. Thợ săn ong tên A Lăng Bích người Cơ Tu nói, rồi chìa cánh tay chỉ vào những vết thủng để lại sẹo sau những lần bị ong chích. Đó là 4 lần anh bị loài ong này tấn công, lần nhiều nhất là 2 vết đốt và “nhờ dùng lá thuốc ở rừng nên chỉ để lại sẹo, ngất lịm giữa rừng vài chục phút là tỉnh lại, bò về nhà”.

Trong cánh rừng săn ong tử thần -0
Chế biến nhộng ong trong ống nứa để thưởng thức ngay giữa rừng.

Anh Đoàn kể, có lần anh đi săn ong lúc sáng sớm, tìm được tổ của loài ong này lúc gần 8 giờ sáng nhưng phải nằm gần đó phục chờ đến tối mới bắt. Lúc bắt ong xong thì đã gần nửa đêm mới ra khỏi rừng. Người nhà tưởng anh bị lạc rừng nên túa nhau đi tìm, đến lúc tìm được, thấy anh về với lủng lẳng một bao ong ở phía sau thì họ mới thở phào nhẹ nhõm.

Đi bắt ong bắp cày đôi khi cũng do may rủi, có lúc mất mấy ngày liền lang thang trên rừng khắp các vùng A Tin, A Đớt, Lâm Đớt, hay A Sam của huyện A Lưới mà vẫn công cốc. Nhưng, cũng có khi chỉ cần một buổi sáng lần hồi là đã tìm được tổ ong và rinh về chiến lợi phẩm. Tưởng làm nghề này “hái ra tiền”, vậy mà anh A Lăng Bích nét mặt buồn buồn cho biết: “Lần nào may mắn thì kiếm được vài trăm, còn đi về tay trắng là chuyện bình thường. Hại hơn là nhiều người phải trả giá quá đắt, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Vì muốn kiếm mấy đồng trang trải cuộc sống, chúng tôi mới phải bất chấp nguy hiểm thôi, chứ sung sướng gì đâu!”.

Bắt ong bắp cày là công việc “nhất cử lưỡng tiện”, vừa để ngâm rượu, vừa để tiêu diệt loài ong dữ chuyên phá tổ ong nhà. Dù đây là công việc nguy hiểm nhưng vì tiền kiếm được cao nên vẫn có người đi bắt. “Khi đó các tổ ong đều nhung nhúc ong già, ong non. Mỗi lần lấy tổ thì thợ rừng chân chính chủ yếu bắt nhộng. Còn ong mẹ hay ong cái sau khi “chết lâm sàng”, khoảng 10 phút sau là tỉnh lại, khỏe mạnh và sinh sản bình thường!”, anh Bảo - một thành viên của nhóm thợ rừng của anh Toàn - cho biết. Một điều đặc biệt mà anh Bảo kể lại, việc nhiều nhóm săn ong bắp cày thường làm là dùng hóa chất độc hại để bắt ong. Thợ ong vì non kinh nghiệm, lại muốn hốt cả tổ nên thường dùng bình xịt muỗi, thuốc trừ sâu để bắt. Khi xịt xong, ong say lả tả, thợ săn chỉ việc bốc cả tổ bỏ vào túi lưới. Khi ong tỉnh lại, chúng bò lổm ngổm quanh tổ, rất bắt mắt người mua. Cái họa của phương pháp săn ong này là người dùng phải lĩnh hậu quả, vì thuốc xịt côn trùng, thuốc sâu ngấm vào con ong, ngấm ra rượu, gây ngộ độc.

Trong cánh rừng săn ong tử thần -0
Nhộng ong bắp cày.

Nhiều thợ rừng ở A Lưới chuyên săn ong đất hay ong bắp cày cho biết, người ta đồn rằng rượu ong đất “Thập toàn đại bổ”, chữa đủ thứ bệnh như sát trùng, đau lưng, mỏi gối, chân yếu, mắt mờ, đặc biệt trị phong tê thấp, nhức xương cốt, giải độc... và cả chứng yếu sinh lý. Loài ong bắp cày được lấy nhộng rồi bán cho người làm thuốc. Điều đó khiến giá ong đất rất cao. Một tổ ong đất to bằng nửa cái thúng, được bán với giá 700.000 đến 900.000 đồng, thậm chí lên đến cả triệu vì là “đặc sản rừng núi”. Mỗi tổ ong đất loại nhỏ cũng khoảng 1-2 kg, tổ to có khi lên tới 5-7kg. Thế nên, nhiều người dù biết hiểm nguy nhưng vẫn cố công đi săn loài ong này để kiếm thu nhập.

Trong cánh rừng săn ong tử thần -0
Chiến lợi phẩm từ tổ ong bắp cày.

Không chỉ mang bán, một số thợ rừng khi săn được ong bắp cày, vì số lượng quá ít không muốn bán nên họ thường chế biến thành nhiều món như cháo nhộng ong, nhộng ong nấu măng rừng... và tất cả đều được nấu trong ống nứa giữa rừng để thưởng thức, như cách tự thưởng cho mình sau những giờ phút vất vả giữa rừng già.

  • Đời thiên di theo mùa ong lấy mật

Từ khóa » Hình Con Ong đất