Săn Lùng Cây "chữa Bách Bệnh” - Báo KonTum Online

Khoảng từ đầu tháng 7 đến nay, khi công việc nương rẫy cũng đã tạm ổn, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, nhiều người dân ở thôn Kon Jơ Dri (xã Đăk Rơ Wa), trong đó có cả trẻ em kéo nhau men theo các con đường, bờ sông, bụi rậm để đào bới kiếm tìm cây “chữa bách bệnh”. Chẳng biết công dụng của loại cây này đến đâu nhưng được các thương lái đồn thổi là “thần dược chữa bách bệnh”. Vì vậy, săn lùng loại cây này đã trở chủ đề chính trong các cuộc trò chuyện của người dân nơi đây mỗi khi gặp gỡ.

Trẻ em cũng tham gia đi tìm cây "chữa bách bệnh”. Ảnh: B.C

Một người dân ở thôn Kon Jơ Dri cho biết, người dân ở đây không ai biết cây đó là cây gì, lúc đầu chỉ biết là các thương lái vào tận trong thôn đưa xem mẫu rồi bảo mọi người đi tìm nhổ về phơi bán. Số lượng không hạn chế, có bao nhiêu cũng được các thương lái gom hết. Họ còn bảo phải tranh thủ đi tìm nhổ nhiều vì thường thì phía Trung Quốc chỉ thu mua trong một thời gian ngắn.

Mới ban đầu thương lái mua 10 ngàn đồng/1kg cây đã chặt nhỏ, phơi khô. Sau đó có lẽ do thấy nhiều người trong thôn đổ xô đi tìm nhổ loại cây này về bán nên các thương lái ép giá giảm xuống còn 9 ngàn đồng/kg, rồi sau đó lại giảm tiếp còn 8 ngàn đồng/kg và hiện giờ thì chỉ còn có 7 ngàn đồng/kg cây khô.

Cây "chữa bách bệnh" có tên là cây cỏ xước. Ảnh: BC

Mặc dù bị ép giá như vậy, nhưng rất nhiều hộ gia đình trong thôn đã huy động tất cả các thành viên trong gia đình đi tìm nhổ loại cây này để đem về bán. Vì thế, chỉ trong một vài tuần loại cây được gọi là cây “chữa bách bệnh” giờ đã gần như cạn kiệt. Trước đây, loại cây này mọc nhiều, chỉ cần bước chân ra khỏi nhà là có thể bắt gặp chúng mọc ở khắp nơi; bây giờ thì người dân phải đi xa hơn mới có thể tìm hái được.

Bình quân mỗi ngày, một người có thể đi tìm được khoảng 50 - 70kg cây tươi; phơi khô còn lại được khoảng từ 5 - 7kg, bán được 35 - 50 ngàn đồng. Số tiền bán được tuy không nhiều, nhưng được cái tận dụng thời gian nông nhàn, hơn nữa mỗi ngày có thể đi tìm khoảng từ 2 - 3 tiếng đồng hồ vào các buổi chiều mang về để dành, khi nào số lượng nhiều mới đem bán nên nhiều người trong thôn, kể cả trẻ em cũng tham gia tìm hái loại cây này…

Cũng như nhiều người dân trong thôn Kon Jơ Dri, sau khi đi thăm rẫy về, anh A Dũng tranh thủ thời gian men theo sườn đồi để tìm cây “chữa bách bệnh”. Con gái A Dũng tên Y Mai năm nay vào lớp 5 cũng cùng anh đi tìm loại cây này.

A Dũng cho biết, thời gian gần đây, ở thôn Kon Jơ Dri, chiều nào trẻ con cũng đi tìm chặt loại cây này kéo về, nhiều trẻ chỉ mới 8 - 9 tuổi đã tự đi tìm loại cây này; những em này không đi sâu trong núi mà chỉ đi kiếm dọc hai bên đường hoặc ở các bờ ruộng, bờ sông…; khi nhiều kiếm được khoảng 20 - 30 ngàn, còn ít thì cũng được 5 - 10 ngàn.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi ngắt một lá cây “chữa bách bệnh” còn tươi vừa mới nhổ bên đường đưa vào miệng nếm thử thì thấy có vị đắng. Đây là một loại cây cỏ sống lâu năm, cao khoảng gần 1m, thân có lông mềm. Lá hình trứng, mọc đối, mép lá lượn sóng. Hoa nở nhiều ở ngọn, chiều dài cả chùm hoa dài khoảng 20 - 30cm. Quả có hình trứng nhỏ và dài, có thành rất mỏng, có lá nhọn giống gai, dễ bám vào quần áo nếu ta đụng phải…

Do đây là loại cây cỏ, cao không quá 1m nên nếu phát hiện ra thì việc thu hoạch không có gì là khó khăn. Chỉ cần một cái cuốc hoặc một con dao, rựa là có thể đào được cả rễ cây. Cây “chữa bách bệnh” sau khi lấy về được người dân chặt nhỏ, phơi khô, chất thành từng đống. Nếu gia đình nào có số lượng lớn, các thương lái sẽ vào tận nhà mua, còn nhỏ lẻ thì người dân phải chở đến bán cho thương lái ở trung tâm thành phố Kon Tum.

Trưởng thôn Kon Jơ Dri - A Niu cho biết: Một vài năm trước, người dân trong thôn cũng ồ ạt đổ xô vào tận rừng sâu đào rễ cây mật nhân mang về bán. Lúc ấy, nhiều người cũng nói cây mật nhân chữa bách bệnh. Giờ thì đến lượt loại cây này. Thật lạ, bỗng dưng cây cỏ dại lại trở thành món hàng hóa khiến người dân kéo nhau ra bờ sông, bãi đất, cánh đồng nhổ tận gốc đem đi bán. Nhưng sau vài tuần nhổ, loại cây này cũng bắt đầu khan hiếm dần và có nguy cơ biến mất…

Cây “chữa bách bệnh” sau khi lấy về được người dân chặt nhỏ, phơi khô, chất thành từng đống. Ảnh: B.C

Một thương lái đang chuẩn bị thu mua loại cây này ở một hộ dân trong thôn Kon Jơ Dri cho biết: Thời gian gần đây, tôi thấy loại cây này được nhiều người săn lùng ráo riết, nên nảy sinh ý định thu mua của người dân trên địa bàn trong thôn rồi đem bán lại cho thương lái từ các tỉnh phía bắc để kiếm chút lời, chứ tôi cũng không biết rõ họ mua cây này về làm gì. Chỉ nghe nói là loại cây này có thể chữa được rất nhiều bệnh hiểm nghèo mà thuốc tây y không chữa được. Thời gian đầu, khi người dân mới bắt đầu đổ xô đi tìm loại cây này thì có ngày tôi thu mua được gần cả tạ, nhưng việc thu gom bây giờ cũng lâu hơn trước, vì loại cây này giờ đã trở nên khan hiếm. Chúng tôi cứ thu gom đến khi nào số lượng đủ một xe tải nhỏ thì có người đưa xe đến tận nhà chở đi…

Theo số điện thoại của người này cho, chúng tôi liên hệ với một đầu nậu tên Giang - quê ở thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam). Anh Giang cho biết: Người Trung Quốc đặt mua loại cỏ này mới được vài tháng trở lại đây. Tôi cũng không rõ họ mua về làm gì, chỉ đoán là làm thuốc chữa bệnh. Cứ vài tuần là chúng tôi gom được đầy xe và chuyển qua cho họ qua cửa khẩu Lạng Sơn. Việc các thương lái Trung Quốc thu mua các nông sản lạ như rễ tiêu, ốc bươu, cây máu chó, đỉa trước đây có thể làm ảnh hưởng đến giống cây, ảnh hưởng đến môi trường thủy sinh nên khi họ đặt vấn đề chúng tôi còn e ngại; nhưng giờ việc họ lại mua loại cây cỏ mọc hoang nên chúng tôi cũng không lăn tăn gì cả.

Người này cũng cho biết loại cây mà mình đang thu gom mà được nhiều người gọi cây “chữa bách bệnh” tên là cây cỏ xước…

Như vậy, hết loại cây dược liệu này rồi đến cây dược liệu khác đã và đang bị tận thu đến kiệt quệ mỗi khi bị thương lái Trung Quốc thu mua ráo riết. Trong khi đó, nhiều loại cây mà đa số người dân không hề biết tên gọi, giá trị, mục đích sử dụng của nó là gì nhưng chỉ biết nhổ bán với giá rẻ mạt. Không biết sau cây cu ly, máu chó, kim cương, cỏ xước… bị thương lái Trung Quốc thu mua ồ ạt đến cạn kiệt rồi sẽ đến lượt cây dược liệu nào đây?

Bảo Châu

Từ khóa » Cây Bấc Lùng