Sản Phụ Lở Loét Da Sau Khi Bôi Thuốc Trôi Nổi Chứa Corticoid

Chị Đỗ Thanh Hằng (30 tuổi, TP HCM) cho biết, khi mang thai chị từng bị dị ứng thai kỳ với biểu hiện ngứa ngáy phát ban. Sau sinh, tình trạng ngứa nặng nề hơn, ngón chân, bàn tay bị khô da, sẩn đỏ lan rộng. Chị xuất hiện tình trạng khó ngủ do ngứa ngáy, ảnh hưởng đến tinh thần, stress nặng dẫn đến mất sữa ở tháng thứ 6 sau sinh.

Nghe người quen giới thiệu loại sản phẩm kem bôi thảo dược chứa thành phần thiên nhiên, phù hợp với cả phụ nữ cho con bú nên chị đến tiệm thuốc hỏi mua. Công dụng của thuốc in trên bao bì là chuyên dùng cho bệnh ngoài da như lang ben, hắc lào, ghẻ, nước ăn chân tay, chốc lở, mẩn ngứa, nấm da, côn trùng đốt, viêm lỗ chân lông, á sừng, viêm da cơ địa...

Bôi thuốc vài ngày đầu, chị Hằng thấy bớt ngứa, vùng da mẩn đỏ cải thiện dần. "Tôi nghĩ thuốc thảo dược thường có tác dụng chậm hơn so với thuốc tây nhưng vừa sinh con, không thu xếp được thời gian đi khám nên vẫn tiếp tục bôi. Đến nay, con gần một tuổi nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm, các vết lở loét lan rộng", chị Hằng chia sẻ.

Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích khám và tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích khám và tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Chị Hằng mang theo hộp thuốc bôi thảo dược đến gặp bác sĩ da liễu BVĐK Tâm Anh TP HCM trong tình trạng tay chân lở loét nặng, chảy dịch, bong vảy, trên phần da bong tróc có màu đen.

Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu, BVĐK Tâm Anh TP HCM, người trực tiếp thăm khám cho chị Hằng, chia sẻ tình trạng viêm da dị ứng nặng của sản phụ do dùng thuốc chứa corticoid, gây ảnh hưởng đến tinh thần, tác động trực tiếp đến chất lượng, sản lượng sữa. Chất lượng sữa suy giảm, kém ngon sẽ khiến em bé giảm bú. Đây có thể là nguyên nhân khiến chị Hằng mất sữa sớm.

Trước đây, chị nghe lời giới thiệu từ người quen đến thầy lang mua cao về đắp, tình trạng viêm da trở nặng hơn. Chị Hằng nhớ lại: "5 ngày sau khi dừng bôi kem thảo dược, tôi thấy da nổi sẩn đỏ lan từ bàn chân lan lên cổ chân, bắp chân, kèm chảy dịch nặng".

Xem xét tình trạng người bệnh, bác sĩ Bích kê toa thuốc uống, bôi để khắc phục tình trạng nhiễm khuẩn, tổn thương da. Thuốc trị liệu chủ yếu là kháng sinh, kháng dị ứng, thuốc bôi kháng sinh và thay đổi cách chăm sóc da (sử dụng sữa tắm dịu nhẹ, thuốc tím để vệ sinh da). Sau một tuần điều trị, chị Hằng tái khám, tình trạng viêm da giảm dần, không còn cảm giác ngứa ngáy, chấm dứt chảy dịch, da khô, đang bong mày. Khi da bớt viêm đỏ, người bệnh sử dụng sản phẩm phục hồi hàng rào bảo vệ da.

Chị Hằng đến khám khoa Da liễu trong biểu hiện lở loét xuất hiện nhiều ở bàn chân và tay. Ảnh: BVCC

Chị Hằng đến khám khoa Da liễu trong biểu hiện lở loét xuất hiện nhiều ở bàn chân và tay. Ảnh: BVCC

Bác sĩ Bích cho hay, khi sử dụng thuốc chứa corticoid, chị em cần được bác sĩ kê toa với liều lượng sử dụng kỹ lưỡng, nếu không dễ rơi vào tình trạng "nghiện thuốc" do sử dụng quá lâu, khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Ngược lại, khi ngưng dùng, lở loét da có thể xuất hiện nhanh sau đó.

Bác sĩ cho hay, tình trạng da bị ảnh hưởng do corticoid được chia thành 5 cấp độ. Cấp độ 1, người bệnh sử dụng trong thời gian ngắn, liều lượng thấp chỉ gặp những tổn thương nhẹ, biểu hiện ngứa râm ran, da hơi sần ở vị trí bôi thuốc.

Cấp độ 2, tình trạng viêm da cấp tính xảy ra với những biểu hiện nghiêm trọng hơn như xuất hiện mụn nước (khi vỡ sẽ gây đau và nhiễm trùng), vùng da xung quanh bị tổn thương, da sẩn đỏ kéo dài; vùng da bị sang thương có thể thâm sạm, khô hơn so với những vùng da khác.

Cấp độ 3, tổn thương có thể ảnh hưởng đến mao mạch dưới da. Người bệnh cảm thấy nóng ran, như bị kiến bò ở vùng da tổn thương, nhạy cảm với nhiệt độ cao.

Với cấp độ 4, tình trạng tăng tiết nhờn sẽ diễn ra, mụn nước xuất hiện nhiều, to hơn, người bệnh cảm thấy nóng rát phần da bị sang thương, kèm cảm giác khó chịu, bứt rứt.

Sau một tuần điều trị, tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng đã chuyển biến rõ rệt. Ảnh: BVCC

Sau một tuần điều trị, tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng đã chuyển biến rõ rệt. Ảnh: BVCC

Cấp độ 5 - mức độ cao nhất của tình trạng da nhiễm corticoid, vùng da sang thương chảy dịch vàng, nhiễm trùng, thậm chí bắt đầu hoại tử. Những biểu hiện khác bao gồm: da đỏ tấy, đau rát, da khô hơn, đón vảy, bong tróc thành từng mảng.

Vì vậy, ngay khi có biểu hiện tai biến do corticoid ở mức độ nhẹ, người bệnh nên ngưng ngay việc sử dụng thuốc, đi khám chuyên khoa da liễu để bác sĩ chỉ định hướng điều trị thích hợp. Nếu để lâu ngày, da mỏng, dễ tổn thương, trầy xước. Khi đó, vi trùng dễ xâm nhập, không chỉ gây ra những bệnh lý nhiễm trùng ngoài da, kéo theo nhiều bệnh lý ở các bộ phận khác. Ngoài ra, hệ lụy mỏng da, đỏ da do corticoid cũng khó hồi phục, có thể mất cả năm mới hồi phục lại.

Người bị bệnh ngoài da cần lưu ý việc chăm sóc da tại nhà, giữ gìn sạch sẽ, tránh chà xát vùng bị tổn thương, sử dụng sản phẩm kem dưỡng phù hợp... Với người có cơ địa dị ứng nên tìm hiểu kỹ thành phần trong kem dưỡng, tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng sản phẩm.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Hoàng Trang

Từ khóa » Bôi Corticoid Khi Mang Thai