Sản Xuất Gạch Block Từ SIT

Dự án nghiên cứu và sản xuất gạch block tự chèn từ chất thải SIT của ba sinh viên Trần Đại Nghĩa, Trần Đức Nam và Nguyễn Huy Bình (Đại học Kiến trúc Hà Nội) đã góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường bởi chất thải SIT và tạo ra các giá trị thụ hưởng cho cộng đồng.

Bắt đầu nghiên cứu và dự kiến triển khai tại khu vực mỏ than Phấn Mễ (xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), dự án của nhóm ba sinh viên này đã gặp không ít thách thức. Để khai thác được than, phải bóc tách lớp đất đá tự nhiên bao phủ các mỏ than lộ thiên và cả đá kẹp lẫn trong than, lượng đất đá bóc tách thu được chính là chất thải SIT. Tương ứng với lượng than đáng kể khai thác mỗi năm tại Việt Nam là lượng chất thải SIT khổng lồ thải ra môi trường mà phương pháp xử lý duy nhất là... chất thành đống. Theo thống kê, hiện trong số khoảng hơn 5 tỷ tấn chất thải SIT tại Việt Nam thì riêng Thái Nguyên đã chiếm hơn 1/5.

SIT không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn giống như những trái bom nổ chậm khiến người dân sống xung quanh khu vực mỏ than thấp thỏm. Trời nắng thì tung khói bụi, mưa xuống vừa bẩn vừa lo sạt lở.

Tháng 12/2012, bãi thải SIT khổng lồ ở Phấn Mễ bất thình lình sạt lở khiến 10 ngôi nhà bị chôn vùi, 7 người dân thiệt mạng. "Nhóm chúng tôi xem truyền hình thấy đưa tin tai nạn thảm khốc này mà bức xúc vô cùng", trưởng nhóm Trần Đại Nghĩa cho biết.

Bởi nhóm nhận thấy chất thải SIT hoàn toàn có thể tận dụng, phân tích các thành phần khoáng hóa để tái chế bằng cách sản xuất gạch block tự chèn dùng trong xây dựng.

Huy Bình cho biết: "Khi khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy tình trạng còn xấu hơn những gì được biết qua truyền thông. Người dân ở đây phải đi xin nước để dùng vì nước ngầm nhiễm dầu. Lúc thời tiết xấu, không ai dám ở nhà vì sợ "núi SIT" sạt lở".

Thành phần đá SIT kích cỡ phù hợp để làm cốt liệu sản xuất bê tông hoặc gạch block tự chèn. Cốt liệu sau khi được trộn với xi măng sẽ được đưa vào sản xuất theo công nghệ rung ép bê tông cứng. Theo Nghĩa: "Gạch block tự chèn có cường độ chịu lực đến 600kG/cm2.

Ưu điểm là hình dáng, màu sắc đa dạng. Khi thi công không cần đến vôi vữa để kết dính, rất dễ tháo dỡ, cải tạo công trình ngầm... Đặc biệt là sử dụng tại các khu vực chịu tải trọng cao: sân bay, cầu cảng, nhà kho hay vỉa hè, khu vui chơi giải trí, thể thao... Giá thành gạch block sản xuất từ SIT cũng rẻ hơn so với gạch block thông thường sản xuất bằng đá dăm, do nguồn nguyên liệu SIT phong phú, có nhiều ưu đãi trong việc xử lý bãi thải".

Kiểm tra sản phẩm tại Viện Công nghệ Vật liệu cho các thông số vượt trội so với loại gạch sản xuất bằng đá dăm về độ mịn trên bề mặt, độ cứng đạt chuẩn... Công ty Xây dựng Nam Sông Hồng (Hà Nội) đã nhận sản xuất ban đầu 2.000m2.

Tại Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc do Trung ương Đoàn tổ chức tại Quảng Ninh vừa qua, dự án của nhóm cũng là công trình nghiên cứu duy nhất do sinh viên thực hiện được trao giải.

"Khi đưa vào sản xuất, dự án không chỉ giúp đưa ra phương án giải quyết chất thải SIT, bảo vệ môi trường, đem lại nguồn lợi kinh tế cho cộng đồng mà còn tạo được công ăn việc làm cho người dân. Chúng tôi xác định đây cũng là dự án khởi nghiệp sau khi ra trường, hiện nay, vướng mắc duy nhất của nhóm là nguồn vốn để triển khai. Nếu giải quyết được, chúng tôi tin sẽ thành công", Nghĩa cho biết./.

Lạc Lâm

TweetTin mới hơn:
  • Vì sao thị trường gạch không nung ảm đạm?
  • Gạch - vật liệu không thể thiếu trong cuộc sống
  • Những vật liệu mới thân thiện với môi trường
  • Panel cách nhiệt và giá trị gia tăng cho phế phẩm
  • Vòng lẩn quẩn của vật liệu "xanh"
Tin cũ hơn:
  • Tình hình sử dụng, sản xuất gạch không nung ở Quảng Trị
  • Gạch bền vững - Nhà an khang
  • Gạch không nung sống nhờ xuất khẩu
  • Nhiều vật liệu xanh nhưng ít người dùng
  • Sản phẩm “xanh” tại Vietbuild 2013
>

Từ khóa » Block Sản Xuất