Sản Xuất Lúa Năm 2021 Vượt Qua Thách Thức - Báo Nhân Dân

Qua thống kê, năm 2021 các địa phương trong cả nước xuống giống hơn 7,2 triệu ha lúa, trong đó khu vực Nam Bộ là 4,165 triệu ha, phía bắc khoảng 2,3 triệu ha, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 772 nghìn ha, sản lượng khoảng hơn 43,8 triệu tấn.

Vụ đông xuân 2020-2021, cả nước xuống giống hơn ba triệu ha lúa với sản lượng gần 20,6 triệu tấn. Ðiều đáng nói là trong vụ sản xuất này, năng suất lúa ở cả ba vùng bắc, trung, nam đều tăng so với vụ đông xuân năm 2019-2020. Trong đó, riêng khu vực Nam Bộ, vụ này đánh dấu cột mốc mới khi diện tích gieo xuống giống giảm nhưng năng suất tăng cao kỷ lục. Theo đó, toàn vùng xuống giống gần 1,6 triệu ha, năng suất đạt 71,7 tạ/ha, tăng 3,8 tạ/ha, sản lượng 11.450 nghìn tấn, tăng 418 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước. Theo Cục Trồng trọt, nguyên nhân sản xuất vụ đông xuân khu vực Nam Bộ đạt thắng lợi cao là do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đã chủ động xây dựng lịch thời vụ xuống giống sớm nhằm né hạn, mặn. Ðồng thời chủ động đưa những loại giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; khuyến khích nông dân đẩy mạnh việc sản xuất lúa theo hướng có liên kết nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Ðối với các địa phương phía bắc, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, vụ đông xuân năm 2020-2021 cũng là vụ sản xuất đạt được thắng lợi về năng suất, giá trị và lợi nhuận do diện tích gieo cấy giống lúa chất lượng được mở rộng; chi phí đầu vào sản xuất giảm hơn so với năm trước; các hộ nông dân cũng tăng cường áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Theo thống kê, vụ đông xuân này khu vực phía bắc năng suất lúa đạt 64,2 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha; vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năng suất đạt 66,87 tạ/ha, tăng 1,22 tạ/ha.

Theo nhận định của Tổng cục Thủy lợi, vụ đông xuân năm 2021-2022 khả năng thiếu hụt nguồn nước ở các địa phương trung du miền núi phía bắc, hạn hán cục bộ một số nơi thuộc duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ngoài ra, ở khu vực Nam Bộ cũng có nguy cơ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn với khoảng 6% diện tích lúa. Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết: "Vụ đông xuân năm 2021-2022, các địa phương trên địa bàn cả nước dự kiến xuống giống hơn 2,9 triệu ha lúa, phấn đấu sản lượng đạt hơn 20,6 triệu tấn. Trong đó, vùng Nam Bộ gieo sạ khoảng 1,6 triệu ha, năng suất 71,8 tạ/ha, sản lượng hơn 11,5 triệu tấn; khu vực phía bắc gieo cấy hơn một triệu ha, năng suất 64,4 tạ/ha, sản lượng gần bảy triệu tấn".

Nhằm bảo đảm sản xuất vụ đông xuân thắng lợi, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương khu vực Nam Bộ cần chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn nhằm bảo đảm đủ nước cho sản xuất và hạn chế thấp nhất thiệt hại; ưu tiên sử dụng các giống lúa chịu mặn, ngắn ngày và các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất. Ðồng thời nông dân cũng cần đẩy mạnh sử dụng các giống lúa có khả năng thích ứng rộng, diện tích ổn định để phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Mặt khác cần nạo vét các trục kênh chính, củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt, sửa chữa các cống, bọng, điều tiết nước... để tăng khả năng trữ nước ngọt và giữ kín nước, giảm tổn thất rò rỉ; chủ động trữ nước trên hệ thống kênh rạch nội đồng phục vụ sản xuất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðồng Tháp đưa ra chỉ tiêu trong vụ đông xuân năm 2021-2022 xuống giống 190.000 ha lúa, phấn đấu năng suất bình quân 72 tạ/ha, sản lượng 1,36 triệu tấn. Trong đó, lúa chất lượng cao chiếm 70% diện tích, tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận 80% diện tích và thu hoạch bằng máy chiếm 100% diện tích. Ðể sản xuất có hiệu quả, các địa phương cần khuyến cáo người dân bảo đảm cơ cấu mùa vụ phù hợp với điều kiện đất đai, sinh thái, nguồn nước, thời tiết; nhân rộng mô hình "ba giảm ba tăng; một phải năm giảm" để giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho người dân.

Ðối với các địa phương phía bắc cần khuyến cáo người nông dân gieo mạ trong lịch thời vụ và chủ động đề phòng mạ già và chống rét cho mạ; tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa; áp dụng biện pháp phòng dịch hại tổng hợp IPM, ICM…; chủ động chuyển đổi những diện tích trồng lúa ở khu vực cao, khó khăn về nước tưới sang cây trồng cạn khác có hiệu quả kinh tế hơn. Riêng vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, vụ đông xuân năm 2021-2022 dự kiến xuống giống 321,5 nghìn ha lúa, phấn đấu năng suất 67,4 tạ/ha, sản lượng hơn 2,1 triệu tấn. Tuy nhiên, theo dự báo một số vùng sản xuất trong khu vực các công trình thủy lợi nhỏ và ngoài công trình thủy lợi phụ trách tưới có nguy cơ xảy ra hạn cục bộ. Vì vậy, để bảo đảm nguồn nước các địa phương cần kiểm kê nguồn nước thường xuyên, trước và trong vụ để cân đối, bố trí kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng phù hợp. Ðối với những khu vực nguồn nước không bảo đảm cần dừng sản xuất hoặc khu vực thiếu hụt nguồn nước cần có kế hoạch chuyển đổi sang loại cây trồng khác.

Từ khóa » Diện Tích Trồng Lúa Của Việt Nam Năm 2020