Sáng Tác Và Phê Bình Kiểu "vẽ Rắn Thêm Chân" - Công An Nhân Dân

Vài người trong số đó vốn là nhà lý luận nhưng lúc họ sờ vào thơ thì tôi ái ngại.

Như tiến sĩ X khẳng định Cát đợi của NVC là bài thơ "sau 1945, có lẽ là bài thơ duy nhất ngang hàng với ba bài thơ tiền chiến (Đây thôn Vĩ Dạ, Tống biệt hành, Nguyệt cầm - TG)… tuyệt vời, hiếm thấy trong thơ Việt… tứ thơ này chưa từng có trong thơ ca thế giới". Tiến sĩ Y thì bảo hai câu thơ Chỉ có thuyền mới hiểu - Biển mênh mông nhường nào (Xuân Quỳnh) là phi lý vì con chim, con cá cũng hiểu biển rộng, đâu chỉ có con thuyền!

Tôn trọng hai ông nên tôi không nêu quý danh, song qua đây muốn nhắn đến họ rằng, không phải nhà lý luận nào cũng có khả năng lĩnh hội bài thơ ra món ra miếng, nên hãy thận trọng. Đến các tuyên ngôn, thì càng đọc tôi càng thấy như là chỉ dành cho người có thần kinh thép.

Nhà thơ lớn tuổi nói: "Bản chất của thơ ca là đi từ vô thức, rượu đánh thức mọi tiềm năng bị kìm nén của con người, thơ ca là sự bùng nổ từ vô thức, anh càng hướng tới tâm linh".

Nhà thơ nửa già nửa trẻ bảo: "Những tay súng thơ với những khoảng ngắm lạ bắn vào đường biên hình thức, những giá trị hạn hẹp mà thơ mới vô hình đặt ra, nghiễm nhiên ngự trị gần thế kỷ".

Nhà thơ trẻ khẳng định: "Nếu những người trẻ tuổi làm thơ hôm nay có thất bại, vẫn còn đáng trân trọng rất nhiều, so với cái việc tiếp nối một dòng thơ của thế hệ đàn anh, cho dù là thành công".

Nhà thơ trẻ khác quả quyết: "Thông tin văn học qua mạng Internet, sách báo ngoại ngữ, kỹ thuật tin học như những cơn bão lớn thổi vào nền thi ca tiểu nông. Nơi ẩn nấp cuối cùng của những thi sĩ không đổi thay chính mình để lên đường, vẫn cam tâm mơ tưởng một "chỗ ngồi" yên ổn trên chiếu văn (dù nó đã cũ mèm, mục ruỗng), đặt mông rung đùi vênh váo kênh kiệu kiểu ông hương ông xã. "Ta về ta tắm ao ta" là một thiện chí nhưng chậm trễ thông tin, giả mù, "ngủ quên" trước các trào lưu mới của văn học, thi ca thế giới (tiêu biểu như Văn học trên mạng, Hậu hiện đại, Văn học Hypertext, Hypertiction…). Cam tâm bơi lội trong cái "ao nhà" "dù trong dù đục" là phản trí thức, phản sáng tạo"…

Một cây bút nhân danh thế hệ quả quyết: "Chúng tôi ít dùng cấp so sánh ngang, ví von, vần vè hoa hòe hoa sói. Chẳng hạn, bông hoa đẹp thì trực tiếp tả cái đẹp của bông hoa, không cần ví nó giống cái gì khác, như cái nọ như cái kia… Chúng tôi ít dùng số hóa: chẳng hạn, hàng cây là hàng cây, những hàng cây thì lại quá nhiều, quá dài rộng không quan sát được… Chúng tôi ít dùng biện pháp nhân cách hóa bởi vì, chúng tôi muốn đặt sự vật và con người bình đẳng, không cần phải biến cái cây, con bọ thành người…

Chúng tôi ít dùng các thể thơ có sẵn như: lục bát, song thất lục bát, thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, xonnê… không phải các thể thơ đó không hay, không có giá trị, nhưng đôi khi nó làm cho người viết bị cảm giác tù túng, mất tự do theo đuổi những ý nghĩ, cảm xúc và trí tưởng tưởng, thi ảnh của mình bằng những nhạc điệu buồn tẻ". Nghe những gì họ tuyên ngôn thì cũng thấy "ghê răng", nhưng đọc những Chất trụ, Nằm nghiêng thì lại thấy… chán!

Thùng rỗng kêu to, đó là ấn tượng của tôi khi tiếp xúc với phát biểu của một số người làm thơ trẻ. Ai làm thơ lại không mong đứa con tinh thần của mình được mến mộ, song khi đứa con chưa hoàn chỉnh thì dù ông bà thân sinh và bạn hữu có quảng bá rầm rộ đến đâu thì vẫn chẳng thể giúp nó trở thành… thiên thần! Đối với nhà thơ, điều quan trọng nhất là làm thơ chứ không phải tuyên ngôn.

Lịch sử thơ ca có nhiều ví dụ giúp cảnh tỉnh bất cứ thi sĩ hay người nào muốn thành thi sĩ rằng, các tuyên bố đại ngôn, các trò chơi ngôn ngữ, các thách thức bất cần dư luận… chỉ có thể sinh ra "quái tứ, kì ngôn dị ngữ" thường được nhắc đến như những giai thoại bi hài. Và là nhà thơ trứ danh, thì người ta vẫn không thể đứng ngoài vai trò là con người, là công dân, là chồng vợ, là cha mẹ,… Người đọc còn đánh giá họ qua việc thực hiện các vai trò, và thử hỏi ai đó có dám mang thứ "thơ dơ" mà họ viết cho con cái họ đọc hay không? Nếu không dám, tức là họ cũng đánh lừa người đọc.

Minh họa: Lê Phương.

Một thế hệ tác giả có khả năng làm nên bước tiến cho thơ, thiết nghĩ phải là kết quả của một quá trình tự ý thức, tự đào tạo rất công phu của các nhà thơ - với ý nghĩa là nhà thơ chân chính, thật sự tài năng và thiện chí với thơ, chứ không phải là người lấy thơ làm bàn đạp cho sự nổi tiếng, như xưa kia Viên Mai viết: "Người đời nay muốn mượn điều làm thơ để tỏ học rộng và đua đòi thanh danh là nhầm vậy". (Té ra thời Viên Mai, các nhà thơ như thế đã xuất hiện rồi!). Tuy còn trẻ, nhưng đa số nhà thơ làm nên Thơ mới đã được trang bị nền tảng văn hóa rất cơ bản, giúp họ tích tụ nội lực tư tưởng, cảm xúc để sáng tạo.

Với Nguyễn Đình Thi, cứ cho rằng vào năm 1942 ông xuất bản các tác phẩm chỉ là ghi chép triết học; vậy thử hỏi trong các nhà thơ đương đại cỡ tuổi ông ngày đó, có ai đã ghi chép được Triết học nhập môn, Siêu hình học, Triết học Căng, Triết học Nitsơ, Triết học Anhxtanh tương tự như Nguyễn Đình Thi?

Tất nhiên để làm thơ, chưa hẳn trực tiếp cần tới kiến thức triết học, mỹ học,… nhưng ở thời hiện đại, thiếu sự hỗ trợ của các kiến thức này, người làm thơ sẽ khó vượt qua giới hạn hạn hẹp của tầm nhìn cá nhân. Nếu xưa kia, các thi nhân Không Lộ, Mãn Giác, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát… đều là bậc thầy về Phật học, Nho học, thì gần hơn, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử… cũng không là người làm thơ "tự nhiên như nhiên".

Bàn điều này, vì tôi muốn nhấn mạnh rằng dăm ba chữ nghĩa ở trường đại học, vài ba cuốn sách Tây - Tầu đọc không có hệ thống… chưa phải là tất cả, đó chỉ là vài "hạt cát" trong "bể học" của loài người. Thế nhưng, hình như để lảng tránh sự nghèo nàn tri thức, lý giải sáng tác qua các bài phỏng vấn hay qua tuyên ngôn, tôi thấy người ta đi tìm lối thoát ở bản năng, hoặc mang kiến thức ra múa và họ càng múa càng cho thấy trí tuệ cũng mỏng mảnh.

Tình trạng trên không những thể hiện qua một số cây bút thơ trẻ, đôi khi một số nhà thơ cao niên cũng làm thơ như vung bút vẫy vùng trong ảo ảnh. Họ tự tin, họ hoang tưởng không kém mấy người con cháu. Có vị tự sắm con mắt xanh, đặng phát hiện cái mới trong thơ của một vài người trẻ tuổi. Họ ca ngợi, cổ xúy cho cách tân, trong khi họ vẫn làm thơ theo kiểu lối véo von cũ mèm.

Rồi để chứng tỏ cũng là người đọc rộng, thỉnh thoảng lại thấy họ hé lộ từng đọc Uytman, Aragông với Tago. Quanh đi quẩn lại từng ấy thi hào, xem ra thơ thế giới đối với họ cũng không được phong phú cho lắm!

Hôm mới rồi, đọc bài phỏng vấn GS TS Nguyễn Ngọc Thạch - chuyên gia về tim mạch, có tiêu đề Không có ý tưởng mới, thì mãi theo sau người khác và tôi nghĩ ngợi. Bởi điều ông nói là hiển nhiên, không dành riêng cho y khoa, mà là mẫu số chung cho mọi hoạt động sáng tạo của con người và lạ thay, không phải bất cứ người nào ở nước Nam này cũng ý thức đầy đủ. Ý tưởng mới không phải là xa xỉ phẩm mà "thượng đế" ban phát vô tư.

Nếu tài năng là yếu tố quan trọng trong hoạt động sáng tạo thì nỗ lực của bản thân mỗi người cũng giữ vai trò quan trọng không kém. Trong nghiên cứu khoa học, "đứng trên vai người khác" là việc bình thường, điều quan thiết là kế thừa để phát triển, chứ không phải kế thừa theo lối… ăn theo.

Mấy năm trước, tôi thất vọng khi đọc cuốn "Nguyễn Bính thi sĩ của đồng quê" một vị giáo sư. Không có ý tưởng mới mẻ, cuốn sách là một điển hình của thể văn chứng minh một định đề có sẵn vẫn được truyền dạy trong trường phổ thông. Hơn nửa thế kỷ trước, hai chữ chân quê được Hoài Thanh sử dụng để định tính sáng tác của Nguyễn Bính.

Hơn nửa thế kỷ sau, vị giáo sư nọ tiếp tục công việc và phát triển chân quê thành đồng quê, ngoài ra thì… nói lại theo cách của mình! Nếu đó được coi là nghiên cứu, sáng tạo thì đã đến lúc các tác giả soạn Từ điển tiếng Việt nên xem lại nội dung hai động từ này.

Không chỉ công trình nghiên cứu của vị giáo sư khả kính trên đây, tôi còn đọc nhiều công trình mà gọi là "vô thưởng vô phạt" thì dễ bị coi là quá lời.

Năm 2007, tôi nghe một ông thầy là phó giáo sư tiến sĩ giảng bài. Thấy thầy thao thao bất tuyệt về đóng góp của môn khoa học do thầy phụ trách, tôi rất ngạc nhiên, vì biết chuyên ngành đó ở Việt Nam còn khá mới mẻ, thành tựu hầu như chưa có gì.

Thầy bảo: "Chúng tôi không đi theo con đường của khoa học này ở Anh, Pháp, Nga… chúng tôi đi con đường của chúng tôi và đã đạt nhiều thành tựu". Thầy đề nghị sau khi học xong, học viên photocopy 20 bài viết của thầy làm tài liệu tham khảo, sẽ rất bổ ích. Nghe vậy, tôi bỏ luôn chiếc điện thoại di động (vốn là công cụ nhắn tin tán gẫu với bạn bè mỗi khi chán nghe giảng bài) vào túi và chăm chú lắng nghe.

Tới khi thầy trình bày một khái niệm chuyên ngành thì cực chẳng đành, tôi phải xin phát biểu. Chắc là bị tôi làm mất hứng nên thầy nhìn tôi rất ngạc nhiên, rồi hỏi có ý kiến gì.

Tôi trả lời: "Thưa thầy, khái niệm thầy viết lên bảng có ba nội dung, trong đó có một nội dung tôi tạm chấp nhận, hai nội dung còn lại thì sai hoàn toàn!". Thầy liền yêu cầu chứng minh, tôi chứng minh luôn. Cuối cùng thầy bảo với cả lớp: "Các anh chị ghi theo anh gì".

Tôi không biết thầy đã truyền bá khái niệm sai sót ấy với bao nhiêu khóa học viên và sau khi tôi chứng minh nó sai thì thầy còn tiếp tục truyền bá nữa hay không? Đọc và học các ông thầy như thế quả là một trở ngại mà tôi phải cố gắng lắm mới vượt qua được

Từ khóa » Thành Ngữ Vẽ Rắn Thêm Chân Là Gì