Sập Cầu Ghềnh ở Thành Phố Biên Hòa (Đồng Nai)

Sau cú đâm của sà lan, cầu Ghềnh bị sập hai nhịp (Ảnh: K.V)Theo đó, một sà lan chở vật liệu xây dựng đã húc vào chân cầu Ghềnh, cú đâm mạnh đã làm sập 2 nhịp cầu (nhịp 2 và 3), đồng thời khiến một đoạn đường ray xe lửa nằm phía phường Bửu Hòa bị kéo đứt vài mét, một số trụ điện bị nghiêng. Chiếc sà lan sau khi húc vào chân cầu đã bị lật úp, người điều khiển sà lan đã bỏ trốn khỏi hiện trường.

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các lực lượng liên quan bao gồm: lực lượng Cảnh sát đường bộ, Cảnh sát đường thủy và đường sắt - Công an tỉnh Đồng Nai phong tỏa hiện trường và ngăn chặn các phương tiện giao thông lưu thông qua khu vực này.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và thành phố Biên Hòa đã kịp thời có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo xử lý sự cố. Tỉnh Đồng Nai thành lập ngay ban chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn, bao gồm các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Đồng Nai tổ chức cho thợ lặn lặn xuống khu vực xà lan bị lật để xác định có hay không người bị chìm và có tình trạng tràn dầu hay không.

Theo ông Nguyễn Bôn, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, lực lượng chức năng đã kịp thời xử lý các sự cố liên quan về điện, nước của các hộ dân hai bên cầu. Qua xác minh ban đầu, khi sự cố xảy ra, có 3 chiếc xe máy bị rơi xuống sông đã được vớt lên và có 3 người thoát ra khỏi hiện trường.

Cầu Ghềnh nằm trên tuyến đường sắt Bắc - Nam nối giữa ga Biên Hòa và ga Sài Gòn. Sau khi cầu bị sập, tuyến đường sắt đã bị ngưng trệ. Ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Biên Hòa cho biết, trước mắt Thành phố sẽ phối hợp với ngành đường sắt mở 2 trạm trung chuyển tại ga Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) để kịp thời giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân.

Được biết, cầu Ghềnh thuộc thành phố Biên Hòa bắc qua sông Đồng Nai do Pháp xây dựng đã hơn 100 năm, dành đi chung cho cả đường bộ và đường sắt với 2 hành lang hai bên cầu dành cho xe 2 bánh, ở giữa dành cho xe lửa và xe ôtô. Vào ngày 6/2/2011, đoàn tàu khách SE2 chạy hướng Nam – Bắc khi đến cầu Ghềnh đã đâm phải 6 ô tô làm 2 người chết, hàng chục người bị thương. Sau tai nạn, Thủ tướng yêu cầu khẩn cấp xây cầu đường bộ Bửu Hòa phía hạ lưu cầu Ghềnh để tách cầu đi chung giữa đường bộ và đường sắt. Tháng 4/2013, khi cầu đường bộ Bửu Hòa đi vào hoạt động, Bộ Giao thông vận tải đã cấm tất cả ôtô hai chiều và xe 2 bánh theo chiều phường Bửu Hòa qua trung tâm thành phố Biên Hòa./.

Từ khóa » Cầu Ghềnh Biên Hòa Sập