Sạt Lở Bờ Biển đe Dọa Cuộc Sống Của Người Dân - Báo Đồng Khởi

Người dân xã Bảo Thuận (Ba Tri) đầu tư kè tạm chống sạt lở bờ biển.

Người dân xã Bảo Thuận (Ba Tri) đầu tư kè tạm chống sạt lở bờ biển.

Gia đình bà Hồ Thị Dung, ngụ ấp Thạnh Thới B (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú) có căn nhà và 3 ngàn m2 đất trồng rau màu ở ven biển. Năm 2017, gần 2 ngàn m2 đất cùng căn nhà bị lở xuống biển. Bà được chính quyền địa phương hỗ trợ 20 triệu đồng để cất căn nhà mới lùi vô phía trong đất liền khoảng 100 mét. Chỉ sau một năm, sạt lở tiếp tục lấn vô tới sát nhà. Bây giờ, gần như toàn bộ diện tích đất đã trôi xuống biển. Gia đình không còn đất canh tác buộc phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống.

Nhiều hộ dân ven biển khác cũng mất nhà, mất đất sản xuất do sạt lở gây ra. Tại xã biển Thạnh Hải (Thạnh Phú), việc sạt lở đã làm mất đất sản xuất, hư hỏng nhà cửa của nhiều hộ dân; nghiêm trọng nhất tại khu vực Cồn Bửng, Cồn Lợi. Theo thống kê, từ năm 2013 đến nay, sạt lở bờ biển đã xóa sổ hơn 110ha đất sản xuất của người dân. Trong đó, khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp khoảng 9,5km, với gần 100 hộ dân đang sinh sống.

Hiện tại, tỉnh đã triển khai hai dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở tại khu vực Cồn Bửng, chiều dài 860m và khu vực Cồn Lợi, dài 1,7km. Tổng kinh phí hơn 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều khu vực tại Cồn Bửng, Vàm Rỗng với chiều dài khoảng 8km vẫn đang bị sạt lở khi gió lớn, sóng to. Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương cho biết: “Sạt lở khu vực bờ biển mấy năm nay trên địa bàn khá nghiêm trọng, nhất là khu vực Cồn Bửng kéo dài đến Cồn Lợi khoảng 18km. Địa phương đang được đầu tư một số dự án kè nhưng ngăn chặn chỗ này thì sạt lở chỗ kia”.

Tại xã biển Bảo Thuận (Ba Tri), sạt lở cũng làm người dân mất đất, mất nhà cửa. Một số hộ buộc phải tự dùng cừ tràm, bao nylon để che chắn tạm, nhằm tránh mất đất sản xuất. Ông Bùi Văn Đông (ngụ ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận) canh tác gần 2,5 công đất giồng cát trồng rau màu ven biển cho biết: “Gia đình tôi mới vừa đầu tư hơn 20 triệu động để thuê kobe đắp bờ cát, cừ bằng thân cây dừa và bao nylon để làm bờ đê bảo vệ đất. Vậy mà, năm nào cũng bị lấn vô phía trong nên bị mất đất dần dần”. Theo ông Đông, mùa gió thổi mạnh nhất là từ gần Tết Nguyên đán đến tháng 3, tháng 4 năm sau nên gây sạt lở rất lớn.

Tương tự gia đình ông Võ Văn Tuyển ở kế bên cũng đầu tư gần 100 triệu đồng để bảo vệ diện tích trồng hoa màu của gia đình mình. Ông Tuyển cho biết: “Trước đây, gia đình tôi có hơn 3 công đất giồng cát ở Cồn Ngoài đã bị lở trôi ra biển hết. Bây giờ, những hộ dân phía trong nhà nào cũng phải tự làm đê bao chống sạt lở tới đâu hay tới đó”.

Phó chủ tịch UBND xã Bảo Thuận Lê Văn Tuấn cho biết: “Toàn xã có 6,4km bờ biển thì có đến 4,6km bị sạt lở. Trong đó, sạt lở nặng nhất khoảng 2,5km, gây thiệt hại nhà cửa, mất đất sản xuất của người dân. Hiện tại, địa phương đang được đầu tư xây dựng khoảng 720m kè. Các địa điểm còn lại người dân phải tự làm kè tạm để bảo vệ nhà cửa, đất sản xuất. Tuy nhiên, sạt lở ngày càng nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của người dân”.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn, tình hình sạt lở ven biển có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Sạt lở từ bờ biển lấn sâu vào đất liền, trung bình hàng năm khoảng 10 - 15m. Thống kê đến đầu năm 2020, trên toàn tỉnh có khoảng 92 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 118km, gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân. Có hơn 1.990 công trình bị ảnh hưởng (trong đó 460 công trình nằm trong vùng rủi ro sạt lở ở mức độ nguy hiểm).

Trong thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm ứng phó như: trồng mới và bảo vệ 6,75ha qua dự án Gây bồi, tạo bãi và trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri (thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh); trồng mới 18,03ha bần chua tại xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri; bảo vệ 3.727,7ha rừng phòng hộ và đặc dụng qua dự án Bảo vệ và phát triển rừng ven biển tỉnh giai đoạn 2015 - 2020. Đồng thời, các công trình ứng phó nước biển dâng, bảo vệ vùng bờ ven biển đã được triển khai như dự án đê biển Thạnh Phú; củng cố, nâng cấp đê biển huyện Bình Đại; triển khai các dự án ứng phó sạt lở khẩn cấp như: Kè chống xói lở Cồn Ngoài, Cồn Nhàn, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri; Kè chống xói lở Cồn Bửng, huyện Thạnh Phú; Xây dựng đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú...

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Văn Điền cho biết: “Tỉnh đã kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở và kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ vốn thực hiện 5 dự án, gồm: Hệ thống kè chống xói lở hai bên bờ sông Giao Hòa (Bình Đại và Ba Tri); Kè chống xói lở sông Mỏ Cày (Mỏ Cày Nam); Dự án gia cố sạt lở sông Vĩnh Bình (Chợ Lách); Dự án kè chống xói lở khu vực ấp Thừa Thạnh, xã Thừa Đức (Bình Đại); Dự án gia cố đê bao chống sạt lở xã Tam Hiệp (Bình Đại). Tổng nguồn vốn khoảng 400 tỷ đồng để xây dựng 20,8km đê kết hợp với kè nhằm ổn định đời sống, sản xuất cho các hộ dân trong vùng bị sạt lở”.

Bài, ảnh: Hoàng Mai

Từ khóa » Hậu Quả Xói Lở Bờ Biển