Sáu Bước Thanh Toán Những Món Nợ Khó Trả - VietNamNet
Có thể bạn quan tâm
Các khoản nợ là lý do lớn khiến bạn khó đạt được các mục tiêu tài chính. Nó còn khiến nhiều người ngập trong cảm giác mệt mỏi, căng thẳng và hối tiếc vì đã lỡ “vung tay quá trán" khoản tiền không phải của mình.
Bạn nên có kế hoạch trả nợ để việc này trở nên nhẹ nhàng và bớt áp lực hơn. Dưới đây là 6 bước thanh toán nợ nần, theo gợi ý của trang The Balance.
1. Hiểu rõ loại nợ nần bạn vướng phải
Thoát khỏi nợ nần và tránh xa nó đòi hỏi bạn phải thay đổi thói quen hoặc hoàn cảnh đã khiến bạn mắc nợ ngay từ đầu. Hiểu được loại nợ bạn mắc phải và cách thức nó xảy ra có thể giúp bạn lập kế hoạch trả nợ và ít có khả năng rơi vào cảnh nợ nần hơn trong tương lai.
Nợ do các khoản cho vay
Việc vay tiền diễn ra tự nhiên ở một số giai đoạn nhất định của cuộc đời. Bạn có thể vay tiền để mở một cơ sở kinh doanh nhỏ, mua nhà bằng thế chấp, mua ô tô mới...
Những khoản nợ này vốn dĩ không xấu và thường đi kèm với lãi suất có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, chúng có thể tạo ra căng thẳng về tài chính khi bạn không thể thực hiện các khoản thanh toán cần thiết. Chúng có thể ngốn quá nhiều thu nhập, khiến bạn không thể trang trải chi phí sinh hoạt hoặc tiết kiệm tiền.
Nợ nần khiến nhiều người căng thẳng. Ảnh minh hoạ: Unsplash |
Nợ do hoàn cảnh
Đôi khi nợ nần chồng chất do những hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Nhiều người mắc nợ y tế do ốm đau hoặc chấn thương bất ngờ. Bạn có thể đột nhiên thất nghiệp và phải trả nợ thẻ tín dụng.
Những khoản nợ này thường đi kèm với lãi suất cao. Thông thường, bạn buộc phải sử dụng chúng khi hoàn cảnh tài chính đã căng thẳng. Khi bạn cố gắng trả nợ, khoản chi tiêu cố định sẽ bị thâm hụt và bạn lại cần vay thêm. Điều này tạo ra một vòng xoáy nợ khiến nhiều người cảm thấy rất bế tắc.
Nợ do chi tiêu
Chi tiêu thiếu suy nghĩ hoặc liều lĩnh có thể tạo ra nợ. Món nợ này thường là dưới dạng nợ thẻ tín dụng lãi suất cao.
Một khi tích lũy nợ do bội chi, bạn sẽ phải trả tiền lãi và tiền phạt cao hơn nhiều so với giá trị thực của những gì bạn đã mua. Điều này có thể làm giảm thu nhập và đòi hỏi bạn phải gánh thêm nhiều khoản nợ. Cuộc sống vượt quá khả năng thậm chí có thể khiến bạn vỡ nợ hoặc phá sản.
2. Kiểm soát chi tiêu
Bạn sẽ dễ dàng bắt đầu trả nợ hơn nếu bạn kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu và tài chính của mình.
Hãy dành thời gian để so sánh thu nhập hàng tháng với phần cần chi. Chia chi tiêu thành các chi phí bắt buộc, chi phí cho nhu cầu giải trí, xã giao và các khoản phí cho các tình huống phát sinh ngoài ý muốn.
Để bắt đầu trả hết nợ, chi phí hàng tháng sẽ cần phải thấp hơn đáng kể so với thu nhập. Bạn có thể đạt được điều này chỉ bằng cách giảm chi tiêu vào các khoản như giải trí, xã giao…Tuy nhiên, nếu điều đó vẫn chưa đủ, bạn có thể cần phải kiểm soát hơn nữa chi tiêu của mình bằng cách giảm các chi phí bắt buộc như tiền thuê nhà, tiền ăn uống…
Giảm chi tiêu càng nhiều càng tốt và kiểm soát tài chính với ngân sách rõ ràng sẽ cho phép bạn dành hầu hết số tiền dư để trả nợ.
3. Trả nợ có kế hoạch
Hãy lập kế hoạch để quyết định xem bạn sẽ trả nợ theo thứ tự nào (nếu bạn có nhiều hơn một khoản nợ). Bạn có thể quyết định ưu tiên dựa trên lãi suất, số dư hoặc một số tiêu chí khác. Bạn cũng có thể sử dụng các chiến lược quản lý nợ bổ sung để giảm các khoản thanh toán hàng tháng hoặc hợp nhất nợ của mình.
Dù bạn chọn chiến lược trả nợ nào, hãy tuân theo kế hoạch và gửi thanh toán đúng hạn hàng tháng để tránh phải trả thêm phí và lãi suất. Việc xóa hoàn toàn khoản nợ có thể mất vài tháng hoặc vài năm tùy thuộc vào số nợ bạn có và các khoản thanh toán bạn thực hiện.
Bạn cần lập kế hoạch cho việc trả nợ. Ảnh minh hoạ: Unsplash |
Các khoản nợ có thể gây thiệt hại lớn đến tín dụng và các cuộc gọi liên tục từ các bên thu nợ có thể làm tổn hại đến cảm xúc và sức khoẻ của bạn. Bạn nên ưu tiên thanh toán những khoản nợ này.
Một số phương pháp trả nợ:
Phương pháp Snowball
Phương pháp Snowball là một thuật ngữ được đặt ra bởi Dave Ramsey. Cái tên đề cập đến chiến lược bắt đầu với một thứ nhỏ và xây dựng nó thành một thứ lớn hơn, như cách một quả cầu tuyết được tạo ra.
Sử dụng phương pháp quả cầu tuyết, bạn sẽ trả hết các khoản nợ của mình từ nhỏ nhất đến lớn nhất.
Thanh toán tối thiểu cho mọi khoản nợ, sau đó dồn thêm bất kỳ khoản tiền nào bạn có vào khoản nợ có số dư nhỏ nhất. Đây sẽ là khoản bạn có thể trả nhanh nhất, cho phép bạn thấy tiến độ trả nợ ngay lập tức.
Khi khoản nợ này được trả hết, hãy chuyển sang khoản nợ nhỏ nhất tiếp theo trong danh sách của bạn, trong khi tiếp tục thanh toán tối thiểu cho mọi thứ khác. Bạn sẽ có nhiều tiền hơn để trả khoản nợ này bởi vì bạn hiện có ít khoản thanh toán tối thiểu hơn phải thực hiện hàng tháng. Hãy tiếp tục như vậy cho đến khi bạn trả hết nợ.
Phương pháp tuyết lở
Chiến lược này tập trung vào việc ưu tiên các khoản nợ theo lãi suất. Lãi suất càng cao, bạn càng phải trả thêm nợ theo thời gian. Loại bỏ khoản nợ với lãi suất cao nhất sẽ cho phép bạn tiết kiệm được nhiều tiền nhất trong thời gian dài.
Phương pháp này được gọi là phương pháp tuyết lở, ngược lại với phương pháp quả cầu tuyết.
Thanh toán tối thiểu cho mọi khoản nợ, sau đó dồn thêm bất kỳ khoản tiền nào bạn có cho khoản nợ với lãi suất cao nhất. Khi khoản nợ này được trả hết, hãy chuyển sang mức lãi suất cao nhất tiếp theo trong khi tiếp tục thanh toán tối thiểu cho mọi thứ khác. Như với phương pháp này, bạn sẽ có thể dùng nhiều tiền hơn để trả từng khoản nợ tiếp theo vì bạn có ít hơn một khoản thanh toán tối thiểu phải chi trả mỗi tháng.
4. Xây dựng quỹ khẩn cấp
Khi cố gắng trả hết nợ, bạn cũng nên bắt đầu bỏ tiền vào quỹ khẩn cấp. Việc xây dựng một quỹ khẩn cấp giúp bạn linh hoạt hơn trong việc xử lý các khoản chi bất ngờ, điều này giúp bạn ít có khả năng mắc nợ một lần nữa trong tương lai.
5. Đừng tạo ra thêm những khoản nợ
Vay thêm nợ trong khi bạn đang cố gắng trả nợ sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và tạo thêm lãi suất mà bạn không thể trả hết. Trong khi bạn đang cố gắng trả khoản nợ hiện tại, hãy tránh sử dụng thẻ tín dụng, mở tài khoản tín dụng mới hoặc vay mới.
Nếu vẫn muốn giữ thẻ tín dụng dành cho những trường hợp khẩn cấp, hãy “đóng băng" nó theo nghĩa đen. Đặt thẻ tín dụng vào bát hoặc túi nhựa chứa đầy nước, sau đó cho vào ngăn đá. Bạn sẽ phải tốn thời gian để chờ nó rã đông khi muốn sử dụng thẻ. Điều này sẽ giúp bạn có thời gian suy nghĩ lại về việc sử dụng tín dụng trước khi hết nợ.
6. Giữ động lực cho việc trả nợ
Hành trình trả nợ không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Một vài tình huống khẩn cấp về tài chính có thể yêu cầu bạn cắt giảm khoản tiền dành cho việc trả nợ trong một vài tháng. Đôi khi bạn cần sử dụng thẻ tín dụng hoặc vay một khoản cá nhân để xử lý một tình huống bất ngờ.
Khi điều đó xảy ra, hãy tính toán lại ngân sách và cố gắng quay trở lại với mục tiêu trả nợ sớm nhất có thể. Hãy vượt qua sự chán nản và giữ cho việc trả nợ đi đúng hướng.
Tạo ra các cột mốc nợ có thể giúp bạn tập trung và được khuyến khích trong khi trả nợ. Bạn có thể ăn mừng những thành công nhỏ, chẳng hạn như trả hết khoản vay đầu tiên hoặc xóa 10% tổng số nợ. Nhờ đó, bạn có thể dễ dàng duy trì động lực để loại bỏ hoàn toàn khoản nợ của mình hơn.
(Theo Zing)
Không vay tiền vẫn bị công ty tài chính "khủng bố" điện thoại đòi nợ thì phải làm gì?Cho vay tiêu dùng hiện là hình thức phổ biến hiện nay nhưng nếu người đi vay chậm trả tiền hay không trả các công ty tài chính có thể sẽ gọi điện đòi nợ, doạ nạt cả những người thân xung quanh.Từ khóa » Cách Trả Nợ 2 Tỷ
-
Kinh Nghiệm Trả Khoản Nợ Gần 2 Tỷ đồng - VnExpress
-
5 Cách Trả Nợ 1 TỶ đơn Giản, Hiệu Quả Nhưng ít Ai Ngờ đến!
-
Xử Lý Các Khoản Nợ Một Cách Khoa Học Cùng Phương Pháp Quả Cầu ...
-
Người Phụ Nữ Trả Hết Khoản Nợ Gần 2 Tỷ đồng Trong 16 Tháng Chỉ Với ...
-
CÓ TIỀN LÀM GÌ #3: Tôi đã Kiếm được 1 Tỷ, Vỡ Nợ Hơn 3 Tỷ Và Trả ...
-
9X đầu Tư Thất Bại, Nợ 2 Tỷ đồng Nhưng Vẫn Lạc Quan Nhắn Gửi Tới ...
-
Vỡ Nợ 1 Tỷ, 2,3 Tỷ Phải Làm Sao Để Trả Và Vực Dậy - Infofinance
-
4 Mẹo Tài Chính Giúp Tôi Trả Hết Nợ 1 Tỷ đồng, Sắp Nghỉ Hưu Với Tài ...
-
12 điều Thay đổi Giúp Bạn Thanh Toán Món Nợ 1 Tỷ đồng - AFamily
-
Bí Quyết Trả Hết Gần 7 Tỷ Tiền Nợ Trong 3 Năm Của Cặp Vợ Chồng Trẻ
-
Cách Trả Nợ 2 Tỷ Trong Vòng Gần 6 Tháng Của Vợ Chồng Chuyên Gia ...
-
Chuyên Gia Tài Chính Chỉ Cách Thoát Nợ Và Bỏ Túi Trăm Triệu Trước Tuổi 30
-
Tài Sản Bảo đảm Nhưng Chưa Chắc đã Là “đảm Bảo” - Agribank
-
Công Cụ Tính Toán - Agribank