Sau Chữ Nổi Braille: Xem Xét 3 Hệ Thống Chữ Mới Cho Người Khiếm Thị
Có thể bạn quan tâm
Chưa đến 10% người mù biết đọc chữ nổi braille. Phải chăng đã đến lúc xuất hiện một bảng chữ mới có thể “đọc” bằng tay?
Các nhà thiết kế kiểu chữ theo đuổi sự toàn diện đích thực trong công việc đang dần chấp nhận một thách thức mới, đó là sáng tạo ra một kiểu chữ mới có thể “đọc bằng tay” cho người khiếm thị. Trước đây, những kiểu chữ như thế chỉ có chữ nổi braille và một vài hệ thống đọc không rõ ràng khác như Moon Type, Boston Line Type và New York Point, tất cả dường như đều xuất hiện vào đầu thế kỷ 19. Mặc dù khó mà tin rằng một số ít nghiên cứu về hệ thống kiểu chữ dành cho người khiếm thị đã được xem xét từ 200 năm trước, nhưng người ta vẫn còn tranh cãi xem liệu có thật sự cần đến những hệ thống chữ mới hay không – hay là chúng ta nên khuyến khích người mù học đọc chữ nổi braille, vốn là kiểu chữ chuẩn?
Chữ nổi braille sử dụng một mạng lưới đơn giản, hợp logic gồm sáu chấm nổi để định hình mỗi ký tự. Đồng thời, bảng chữ này có ưu điểm là tương đối gọn trên trang giấy, điều này giúp làm tăng tốc độ đọc. Tuy nhiên, chữ nổi braille tiêu chuẩn chỉ có một kích cỡ duy nhất (mỗi ký tự rộng khoảng 0,3cm và cao 0,6cm), những người bị suy yếu khả năng vận động hoặc độ nhạy cảm của xúc giác sẽ gặp khó khăn khi đọc. Các con chữ cũng không thể phóng to thu nhỏ, điều mà ta cho là hiển nhiên ở các kiểu chữ (hãy tưởng tượng bạn chỉ có thể sử dụng cỡ chữ 12 trong suốt sự nghiệp thiết kế của mình).
Quan trọng là, chỉ có khoảng 1% người mù là bị khiếm thị bẩm sinh; phần lớn (ước chừng khoảng 8,4 triệu người Mỹ) về sau mới mất thị lực do bệnh tật hoặc tai nạn trong cuộc sống, sau khi họ đã biết đọc và viết. Với những người này, học chữ nổi braille dường như là một thách thức khó khăn, bởi họ phải làm quen và thành thạo một hệ thống đọc hoàn toàn mới, không hề dựa trên hình dạng quen thuộc của các con chữ Latin.
Liên bang quốc gia của người khiếm thị (NFB – National Federation of the Blind) ước tính có chưa đến 10% người mù biết đọc chữ nổi braille, và số người chọn học kiểu chữ này đang giảm dần khi các ứng dụng chuyển từ văn bản sang lời nói và sách nói đóng vai trò lớn hơn trong việc cung cấp nội dung cho người mù. Cả trong cộng đồng người khiếm thị lẫn ngành thiết kế, sự thật này làm dấy lên một câu hỏi: Chúng ta có nên kết hợp một vài yếu tố trong mạng lưới sáu chấm của chữ nổi braille với các con chữ Latin để tạo ra một kiểu chữ tốt hơn cho những độc giả này không? Điều này sẽ khiến cả người khiếm thị lẫn người mắt sáng có thể sử dụng bảng chữ cái, và giúp người khiếm thị dễ dàng học được hệ thống chữ cái quen thuộc ngay từ đầu.
Mặt khác, thiết kế một “kiểu chữ braille mới” kết hợp các yếu tố của chữ nổi braille và chữ Latin khiến ta có cảm giác như đang cố gắng nhét một khúc gỗ vuông vào cái lỗ tròn, một nỗ lực chắp vá dị hợm. Có lẽ một hệ thống hoàn toàn mới cho người mù sẽ thích hợp hơn. Chúng tôi không biết những nhà thiết kế nào đang xử lý vấn đề này? Và họ thiên về giải pháp nào?
Núria López, nhà thiết kế sống và làm việc tại Barcelona, đã thực hiện một nghiên cứu về kiểu chữ với tên gọi Blind Words (Chữ Cho Người Mù) vào năm 2016 cho đề án năm cuối tại Trường Mỹ thuật Jerez. Trong nghiên cứu này, cô sáng tạo ra một kiểu chữ module (gồm nhiều bộ phận có thể tháo rời và thay thế cho nhau) kết hợp những nét chữ với các chấm nổi của braille. Cô đặt câu hỏi liệu những con chữ sinh ra từ phần giao của hai chữ cái vốn không bao giờ chồng lên nhau có thể duy trì chất lượng đồ họa truyền thống ban đầu, trong khi vẫn thực hiện chức năng thành tố cho những thiết kế xã hội toàn diện.
“Để một kiểu chữ như thế mang lại hiệu quả, điều quan trọng là phải kết hợp những thước đo tiêu chuẩn của các chữ cái braille vào các khuôn chữ thị giác,” López cho biết. Một trong những mục tiêu của cô là giúp người sáng mắt hiểu được bảng chữ nổi braille trông như thế nào và mang lại cảm giác ra sao.
Những con chữ ngăn cách ngay lằn ranh thị giác giữa Art Deco và “chữ ngoài hành tinh”
Các con chữ trong Blind Words có hình dạng khá gượng gạo; bị ép phải rút ngắn lại những nét cong và nét thẳng trong mạng lưới cao hẹp của chữ nổi braille (và điều này cũng đúng cho bất kỳ kiểu chữ nào cố gắng áp đặt chính xác tỷ lệ này vào các ký tự Latin), chúng đứng sừng sững ngay biên giới thị giác ngăn cách giữa Art Deco và “chữ ngoài hành tinh”.
Ta không thể dễ dàng xếp chúng vào một bảng chữ cái đáp ứng hiệu quả thông thường và chuẩn mực thẩm mỹ cho một kiểu chữ khi nói về sự nhất quán trong hình dạng – chữ O phải rộng và vuông vức, còn chữ X lại mang cảm giác hẹp hơn khi so sánh – hay sự rõ ràng. Hơn nữa, mặc dù Blind Words giúp cho người sáng mắt hiểu được chữ nổi braille – bằng cách sắp xếp các chấm của chữ nổi braille trên con chữ Latin – nó lại không thể làm điều ngược lại.
Người mù chỉ có thể cảm nhận được kiểu chữ, chứ không thể thấy được các nét của ký tự. Về mặt lý thuyết, thuận lợi của Blind Words là người sáng mắt có thể học chữ nổi braille bằng cách liên hệ các chấm chữ nổi với những con chữ họ đã học từ lớp năm, nhưng vẫn chưa có nghiên cứu người học nào để kiểm chứng xem giả thuyết này có đúng hay không.
Chữ Braille Neue, do nhà thiết kế người Nhật Kosuke Takahashi giới thiệu vào năm 2018, áp dụng một chiến lược tương tự như Blind Words. Đó là đặt các đường nét của chữ Latin lên những chấm nổi của chữ braille.
Anh hy vọng người ta sẽ sử dụng kiểu chữ này trên các bảng chỉ dẫn ở nơi công cộng, và trong tương lai là Thế vận hội Olympic và Olympic dành cho người khuyết tật tại Tokyo năm 2020. Trong tuyên bố về sứ mệnh của người thiết kế, anh viết, “Kiểu chữ này giúp truyền đạt cho người sáng mắt lẫn người khiếm thị trong cùng một không gian, và rất dễ dàng để đưa vào sử dụng trong các cơ sở hạ tầng hiện tại. Chúng tôi hướng đến một xã hội toàn diện, nơi người ta sử dụng chữ braille như một kiểu chữ thông thường.”
Chữ T có chân chữ rộng một cách kỳ cục, chữ I lại có chân chữ móc lên, và những đường cong của chữ Sthì không tương xứng.
Takahashi lấy ý tưởng cho những con chữ này từ kiểu Helvetica Neue, nhưng không nhiều nhà thiết kế nhận ra kiểu chữ này trong Braille Neue; nó đã bị pha tạp, dẫn đến những con chữ kiểu Latin kỳ quặc. Chữ T có chân chữ rộng một cách kỳ cục, chữ I lại có chân chữ móc lên, và những đường cong của chữ S thì không tương xứng, một lần nữa đây chính là kết quả của nỗ lực lồng ghép các ký tự vào mạng lưới chấm nổi. (Cũng cần chỉ ra rằng ngay từ đầu kiểu Helvetica Neue không có chân chữ (serif)).
Thành tựu ý nghĩa nhất của Braille Neue chính là bản phác thảo của kiểu chữ này đã kết hợp thành công các chấm chữ nổi braille với bảng chữ cái Latin lẫn các ký tự tiếng Nhật. Về cơ bản, đây là lần đầu tiên người ta tạo ra một cây cầu nối liên kết người đọc của các ngôn ngữ trên, bao gồm của người khiếm thị.
ELIA Frames (Khung ELIA) thì lại dùng một tiếp cận khác để sáng tạo một hệ thống ngôn ngữ đọc bằng tay gắn liền với các con chữ Latin, kiểu chữ này không hề tham khảo hay kết hợp bảng chữ nổi braille. Frames, phát minh trí tuệ của Andrew Chepaitis, người sáng lập ELIA (Education, Literacy, and Independence for All – Giáo dục, học vấn và độc lập cho tất cả) Life Technology, là sản phẩm của 17 năm nghiên cứu và phát triển, bao gồm cả quá trình thử nghiệm người dùng với 17,500 người tham gia.
Kiểu chữ này dựa trên một hệ thống các khung chữ khiến người ta liên tưởng đến hình dạng của ký tự Latin mà chúng tượng trưng, thêm vào nhiều yếu tố đồ họa khác nhau (bao gồm các chấm không liên quan đến mạng lưới sáu chấm nổi của braille) được bố trí bên trong và xung quanh ký tự. Các con chữ nổi có ba hình dáng: một số hình tròn, số khác hình vuông, và số còn lại giống như mấy ngôi nhà trong trò Cờ tỷ phú, giúp người đọc nhanh chóng phân biệt các con chữ với nhau. Hình dạng chữ cái tuân theo trực giác; ví dụ chữ O là hình tròn và chữ Q thì là hình tròn với một nét gạch ngắn ở vị trí 4 giờ.
Hệ thống khiến người ta liên tưởng đến hình dạng của ký tự Latin mà chúng tượng trưng, thêm vào nhiều yếu tố đồ họa khác nhau ở bên trong và xung quanh ký tự.
Ta có thể tăng hoặc giảm tỷ lệ của kiểu Frames như bất kỳ kiểu chữ nào khác. Điều này giúp ta có thể sử dụng linh hoạt kiểu chữ này vào những mục đích khác nhau, đặt chúng sát cạnh nhau trên trang giấy để giúp người đọc nhanh hơn và trôi chảy hơn. Chepaitis cho biết trong khi người đọc phải mất đến 10 tháng mới nắm vững chữ nổi braille, họ có thể học kiểu chữ Frames cơ bản trong vòng ba tiếng đồng hồ. Từ quan điểm thiết kế, điểm đáng chú ý ở kiểu chữ này chính là cả bộ ký tự rất ăn khớp với nhau; các con chữ mang vừa đủ những đường nét của chữ cái Latin tương ứng, khiến chúng trông có vẻ tương tự, nhưng lại là một hệ thống các biểu tượng độc đáo đáp ứng nhu cầu về tính liên tục, tính nhất quán và thẩm mỹ đẹp mắt của nghệ thuật sắp chữ typography. Thay vì mang cảm giác nửa nạc nửa mỡ, bảng chữ cái “đọc” bằng tay này dường như mang thế giới riêng của mình.
Bên cạnh nỗ lực theo đuổi những thiết kế toàn diện cho người khiếm thị, ba nhà thiết kế kiểu chữ kể trên cùng thành phẩm của họ cũng cho thấy đây là một nhiệm vụ phức tạp và khó khăn đến nhường nào.
Tác giả: Angela RiechersNgười dịch: Lynnette DinhNguồn: eyeondesign
Từ khóa » Bảng Chữ Cái Nổi Cho Người Mù
-
Chữ Braille – Wikipedia Tiếng Việt
-
CHỮ BRAILLE: 6 CHẤM NHỎ KỲ DIỆU
-
Cách Viết Chữ Nổi Cho Người Mù
-
Nghe Về Chữ Nổi đã Nhiều, Mấy Ai Trong Chúng Ta Hiểu Rõ Cách Hoạt ...
-
Bảng Học Chữ Nổi 9 Dòng 30 ô / 4 Dòng 28 ô / 27 Dòng 30 ... - Shopee
-
Level 1 - Giới Thiệu - Vietnamese Braille - Memrise
-
Người Phát Minh Hệ Thống Chữ Nổi Braille Cho Người Khiếm Thị
-
Braille Alphabet. Bảng Chữ Cái Dành Cho Người Mù - YouTube
-
Bảng Chữ Nổi Cho Người Mù (bảng Chữ Cái Braille) Ra đời Khi Nào
-
Tìm Hiểu Về Chữ Nổi Braille - Vô Vàn Kiến Thức
-
Louis Braille - Cha đẻ Của Bảng Chữ Cái Nổi Dành Cho Người Mù
-
Bảng Chữ Braille
-
Bảng Chữ Cái Braille - DELACHIEVE.COM