Tìm Hiểu Về Chữ Nổi Braille - Vô Vàn Kiến Thức

Hầu hết mọi người đều biết người mù học bằng chữ nổi nhưng cách hiểu của mỗi người lại rất khác nhau. Có người nói rằng chữ nổi là chữ cái người sáng sử dụng được dập nổi. Có người lại nghĩ rằng chữ nổi là ngôn ngữ đặc biệt để người mù giao tiếp với nhau. Hầu như mọi ý kiến đều chỉ gọi đúng cái vỏ bên ngoài nên mình viết bài này để chia sẻ một chút sự thật cho mọi người cùng biết.

Trong thực tế, chữ nổi có tên gọi là chữ Braille, được tạo ra vào năm 1819 bởi một cậu bé mù người Phap tên Louis Braille. Chữ nổi không phải là một hệ thống chữ cái phổ thông được dập nổi, mà là một hệ thống chữ cái độc lập. Chữ nổi Braille là hệ thống chữ cái được biểu thị bằng các chấm trong một ô sáu chấm.

Ô sáu chấm giống như mặt 6 của một quân xúc xắc. Nhìn vào ô sáu chấm sẽ thấy hai cột, mỗi cột có ba chấm được gọi là chấm một, chấm hai, chấm ba tương ứng với cột bên phải. Ba châm ở cột bên trái được gọi là chấm bốn, chấm năm, chấm sáu. Các chấm được ghép với nhau theo một quy luật tạo ra các chữ cái, kí hiệu, các dấu và số…

Chẳng hạn, chấm một là chữ A, chấm một và chấm hai là chữ B, chấm một và chấm bốn là chữ C… Khi viết, người mù đặt giấy vào một bảng có các ô sáu chấm được khoét xuống lòng bảng có nhiều hàng và cột rồi úp cái khung giúp định hình và ngăn cách các ô sáu chấm với nhau. Sau đó, dùng dùi đâm mạnh vào từng ô sáu chấm theo nguyên tắc sẽ tạo ra được chữ cái, từ, câu và đoạn văn.

Tương tự là các kí hiệu toán học, kí hiệu âm nhạc và hầu hết những thứ mà chúng ta học. Do khi viết người mù cần đâm xuống để chữ nổi lên nên nguyên tắc viết của chữ nổi Braille là từ phải sang trái và khi lật ngược lại sẽ đọc từ trái sang phải như bình thường. Đấy là vài nguyên tắc cơ bản của chữ nổi Braille.

Nói chung, chữ nổi Braille là một kiểu viết để người mù có thể sử dụng hiệu quả trong việc ghi chép và đọc. Chữ nổi Braille không phải là một loại ngôn ngữ mà nó đơn thuần là một công cụ giúp người mù tiếp cận với ngôn ngữ. Nhiều người khi nghe tới chữ nổi Braille thường nghĩ là nó rất khó nhưng thực tế nó lại rất dễ để học.

Chữ nổi Braille chỉ có một khác biệt duy nhất với chữ cái người sáng mắt đang sử dụng là cách viết và cách đọc, còn các nguyên tắc về ngữ pháp giống hoàn toàn với ngôn ngữ chúng ta sử dụng. Chẳng hạn, mình viết dòng chữ “tôi yêu em” trên máy tính này thì khi viết vào bảng chữ nổi cũng là “tôi yêu em” bằng hệ thống các chấm.

Trong thực tế, nhờ đã học đến lớp 7 mới bị mù hoàn toàn nên mình đã học hết các quy tắc viết chữ nổi braille cơ bản trong chỉ hai ngày. Tôi nói vậy không phải khen mình giỏi mà hầu hết những người đã học chữ đều làm được và nhiều khi chỉ vài tiếng là xong. Tuy nhiên, để đọc và viết thành thạo thì cần một khoảng thời gian rèn luyện liên tục, có người mất vài tháng, có người cần vài năm và có người cả đời cũng đọc viết như một con rùa giống như mình vì lười. Cho nên, nếu một gia đình có con bị mù thì cha hoặc mẹ có thể tự học chữ nổi Braille để dậy lại cho con mình.

Nguồn: Nguyễn Minh Hải

Từ khóa » Bảng Chữ Cái Nổi Cho Người Mù