Sẽ Báo Cáo Quốc Hội Xin Dùng Ngân Sách Mua Lại Dự án BOT Có Bất ...

TIN MỚI

Báo cáo với Quốc hội về thực trạng và giải pháp xử lý dự án BOT giao thông còn vướng mắc, Bộ GTVT cho hay, tới nay bộ đã huy động 63 dự án đầu tư theo hình thức BOT. Các dự án này hoàn thành đưa vào khai thác đã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án BOT còn một số tồn tại, hạn chế, Quốc hội đã giao Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương rà soát, xử lý dứt điểm, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước và nhà đầu tư.

Trong số 63 dự án BOT giao thông đã hoàn thành, có 21 trạm thu phí còn bất cập, vướng mắc, gồm các nhóm: Trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án (có 4 trạm); cải tạo, nâng cấp đường hiện hữu và làm đường mới thu phí trên cả 2 tuyến (7 trạm); thu phí trên cả tuyến quốc lộ và cao tốc song hành (6 trạm); các trạm đặc thù khác (5 trạm).

Tới nay, đã giải quyết được vướng mắc 16/21 trạm thu phí BOT có bất cập, vướng mắc. Riêng trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) chuẩn bị thu phí trở lại.

Hiện vẫn còn 4 trạm thu phí vượt thẩm quyền Bộ GTVT nên chưa triển khai thu phí, gồm: Trạm thu phí Bỉm Sơn (thu phí tuyến tránh TP.Thanh Hóa); trạm Bờ Đậu (QL3, Thái Nguyên); trạm La Sơn - Túy Loan (trên cao tốc Bắc – Nam qua Huế); trạm T2 trên QL91 (Cần Thơ).

Với 4 trạm chưa thu phí trên, Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ báo cáo cấp thẩm quyền xem xét sử dụng vốn nhà nước thanh toán chi phí đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn (nhà nước mua lại trạm thu phí ). Trong thời gian chờ đợi, cho phép các tổ chức tín dụng khoanh nợ với khoản vay đầu tư các dự án này.

Bộ GTVT cũng đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước để mua lại 3 dự án BOT bị phá vỡ phương án tài chính (thu thấp), gồm: BOT cầu Thái Hà, BOT đường nâng cấp và mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk ; dự án BOT cầu đường sắt Bình Lợi.

Sẽ báo cáo Quốc hội xin dùng ngân sách mua lại dự án BOT có bất cập - Ảnh 1.

Trạm thu phí Bỉm Sơn dừng hoạt động nhiều năm nay nhưng chưa được phá dỡ do có phương án sử dụng trạm này để thu phí cho dự án BOT tuyến tránh phía Tây TP.Thanh Hóa.

Bộ GTVT cho biết, tới nay các bộ ngành, địa phương đã cơ bản thống nhất với đề xuất trên, nhưng hiện chưa có quy định pháp luật cho xử lý như vậy, cũng chưa xác định được nguồn vốn. Do đó, Bộ GTVT dự kiến sẽ hoàn thiện phương án để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định, dự kiến sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới.

Ngoài ra, trong số 54 dự án BOT đường bộ đang thu phí hoàn vốn, có 41 dự án thu phí thấp hơn dự kiến (trong đó 19 dự án thu dưới 70% kế hoạch, đặc biệt có 3 dự án thu dưới 30%). Nguyên nhân do các trạm phải giảm phí để tạo đồng thuận từ người dân; không được tăng phí theo hợp đồng...

Bộ GTVT đang rà soát, đánh giá từng dự án để đề xuất lộ trình tăng phí phù hợp, vừa gỡ khó cho nhà đầu tư, vừa giảm tối đa tác động tới chi phí xã hội để sớm áp dụng.

Theo tính toán năm 2021 của Bộ GTVT, để mua lại quyền thu phí tại 7 dự án chưa thể thu phí, hoặc thu phí quá thấp cần nguồn vốn ngân sách hơn 9.400 tỷ đồng để trả cho các nhà đầu tư và bỏ thu phí.

Trong đó, mua lại quyền thu phí BOT QL 3 khoảng 3.097 tỷ đồng; mua lại quyền thu phí tuyến La Sơn - Túy Loan khoảng 2.280 tỷ đồng; mua lại quyền thu phí cầu Thái Hà khoảng 1.466 tỷ đồng; mua lại quyền thu phí tuyến tránh TP Thanh Hóa khoảng 741 tỷ đồng; mua lại quyền thu phí dự án mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk khoảng 706 tỷ đồng; mua lại quyền thu phí BOT QL91 qua Cần Thơ khoảng 587 tỷ đồng; mua lại quyền thu phí dự án BOT QL26 khoảng 550 tỷ đồng.

Bộ GTVT “xin” hơn 11.700 tỷ đồng để xử lý bất cập 8 dự án BOT giao thông

Từ khóa » Bộ Gtvt đề Xuất Nhà Nước Chi 9.400 Tỷ đồng Mua Lại 7 Dự án Bot