Sẹo Giác Mạc Là Gì Và Có Chữa Hết được Không? • Hello Bacsi
Có thể bạn quan tâm
Giác mạc là một bộ phận rất quan trọng trong mắt, có vai trò giúp bạn nhìn rõ các hình ảnh xung quanh. Chấn thương hoặc nhiễm trùng sẽ tác động đến các lớp sâu hơn của giác mạc, gây ra những tổn thương không thể hồi phục. Các vết sẹo giác mạc có thể được hình thành, làm sai lệch đường khúc xạ của ánh sáng vào thủy tinh thể và gây ảnh hưởng đáng kể đến thị giác.
Vậy sẹo giác mạc là gì, ảnh hưởng thế nào đến thị lực của bạn và có chữa được không? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Tìm hiểu chung
Sẹo giác mạc là gì?
Giác mạc là lớp ngoài cùng của mắt. Lớp mô trong suốt hình vòm này đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ mắt và tầm nhìn, giúp ngăn cản các dị vật bên ngoài và kiểm soát đường truyền của ánh sáng. Giác mạc có khả năng đàn hồi và có thể tự hồi phục khi gặp các vết trầy xước nhỏ. Tuy nhiên, các tổn thương nghiêm trọng có thể dẫn đến sẹo giác mạc.
Các sẹo này gây ra nhiều vấn đề thị lực, từ kích thích nhỏ đến nguy cơ gây mù lòa. Trên thực tế, các vấn đề về giác mạc là một trong bốn nguyên nhân hàng đầu gây mù (sau bệnh glôcôm, đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi).
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng sẹo giác mạc là gì?
Bạn có thể bị sẹo giác mạc trong mắt nếu có các dấu hiệu sau:
- Mất hoặc giảm thị lực
- Đau hoặc cảm giác cộm trong mắt bạn
- Mắt đỏ, chảy nước mắt quá nhiều hoặc nhạy cảm với ánh sáng
- Giác mạc mờ, không trong suốt
- Sưng mí mắt
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây sẹo giác mạc là gì?
Các nguyên nhân gây sẹo trong mắt như:
Chấn thương giác mạc
Chấn thương giác mạc có thể xảy ra khi có dị vật lọt vào mắt, gây ra vết cắt hoặc vết trầy cho giác mạc. Nguyên nhân phổ biến của chấn thương giác mạc bao gồm:
- Kích ứng hóa chất
- Dị vật trong mắt, như cát hoặc bụi
- Chấn thương phóng xạ từ mặt trời, đèn mặt trời, tia lửa hàn
- Biến chứng của việc đeo kính áp tròng
Tình trạng trầy xước giác mạc nhẹ sẽ lành nhanh chóng, thường trong vòng hai ngày. Các vết thương nghiêm trọng hơn mất nhiều thời gian để chữa lành và có thể gây kích ứng, đau, rách và đỏ. Nếu giác mạc bị sẹo sâu, nó có thể gây ra các vấn đề về thị lực.
Viêm giác mạc
Nhiễm trùng giác mạc, còn được gọi là viêm giác mạc, là tình trạng tương đối hiếm và thường ở thể nhẹ. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, tình trạng này có thể lan tới lớp đệm nằm sâu trong giác mạc và dẫn đến sẹo. Một số tình trạng có thể gây nhiễm trùng giác mạc, bao gồm:
- Viêm kết mạc (đau mắt đỏ). Vi khuẩn, virus hoặc dị ứng có thể gây viêm kết mạc. Tình trạng này thường chỉ gây kích ứng mắt nhẹ. Tuy nhiên, nếu nó trở nên nghiêm trọng hoặc vẫn chưa được điều trị, bạn có thể bị nhiễm trùng giác mạc.
- Herpes zoster (bệnh zona). Nhiễm trùng này là do cùng một loại virus gây bệnh thủy đậu gây ra. Ở một số người, họ có thể bị tái phát nhiễm trùng, gây ra phát ban đau đớn, phồng rộp (bệnh zona). Nếu bệnh phát triển ở mặt, đầu hoặc cổ, giác mạc có thể bị ảnh hưởng.
- Herpes mắt. Herpes mắt là xảy ra do virus herpes simplex, cùng loại virus gây ra herpes miệng và bộ phận sinh dục. Herpes mắt phát triển trên mí hoặc bề mặt của mắt và có thể dẫn đến viêm giác mạc. Bệnh nhiễm trùng mắt do virus này là nguyên nhân phổ biến nhất gây mù ở Hoa Kỳ.
Loạn dưỡng giác mạc
Loạn dưỡng giác mạc là một nhóm các tình trạng hiếm gặp gây thay đổi giác mạc và có thể dẫn đến sẹo. Bệnh loạn dưỡng giác mạc có hơn 20 loại, thường do di truyền gây ra. Nếu ai đó trong gia đình mắc một trong những tình trạng về mắt này, bạn có nguy cơ cao bị sẹo giác mạc.
Chứng loạn dưỡng giác mạc thường ảnh hưởng đến cả hai mắt, có thể gây giảm thị lực và mù lòa. Đôi khi chúng không có triệu chứng và chỉ được phát hiện khi khám mắt.
Các tình trạng sức khỏe khác
Các vấn đề và rối loạn mắt khác cũng có thể dẫn đến mờ đục giác mạc, bao gồm:
- Hội chứng nội mô giác mạc-mống mắt, một tình trạng ảnh hưởng đến mống mắt và giác mạc, thường chỉ ở một mắt. Hội chứng cũng gây ra bệnh glôcôm, có thể được điều trị bằng thuốc.
- Hội chứng Stevens-Johnson.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị sẹo giác mạc?
Các yếu tố có thể làm tăng khả năng gây sẹo ở mắt như:
- Thiếu vitamin A
- Sởi, có thể dẫn đến sẹo/nhiễm trùng mắt
- Dị vật bay vào mắt
- Chấn thương mắt
- Virus herpes simplex
- Nhiễm trùng khác, bao gồm viêm kết mạc
- Đeo kính áp tròng trong một thời gian dài, đặc biệt là qua đêm, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt và cũng có khả năng phát triển mờ đục giác mạc
- Keratoconus (giác mạc hình chóp)
- Hội chứng Stevens-Johnson
- Bất thường giác mạc gây sẹo giác mạc bẩm sinh
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán sẹo giác mạc?
Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng gặp phải và tiến hành kiểm tra mắt. Nếu nghi ngờ tình trạng mờ đục giác mạc do sẹo, họ sẽ thực hiện thêm các kiểm tra sau:
- Kiểm tra thị lực: Giống như khám mắt thông thường. Bạn sẽ phải đọc các chữ cái trên bảng treo tường ở khoảng cách quy định.
- Soi đèn khe: Bác sĩ sẽ sử dụng đèn khe để kiểm tra giác mạc của người bệnh. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ nhỏ vào mắt của bạn một loại thuốc nhuộm huỳnh quang đặc biệt giúp phát hiện ra các vết trầy xước nhỏ nhất trên giác mạc.
Những phương pháp điều trị sẹo giác mạc
Sẹo giác mạc có chữa được không? Sẹo giác mạc có thể được điều trị bằng các phương pháp khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng, bao gồm:
- Đeo kính mắt hoặc dùng kính áp tròng
- Thuốc nhỏ mắt trị sẹo giác mạc có chứa kháng sinh, steroid
- Thuốc uống
- Phương pháp gọt giác mạc bằng laser
- Ghép giác mạc
Nhìn chung, nếu thắc mắc sẹo giác mạc có hết không thì câu trả lời vẫn là có thể. Tuy nhiên, bạn cần phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Điều trị càng chậm trễ thì ảnh hưởng càng lớn và nặng nề.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa sẹo giác mạc?
Mắt bị sẹo giác mạc phải làm sao? Mặc dù mờ đục giác mạc do sẹo có nhiều nguyên nhân, nhưng có một số biện pháp bạn có thể thực hiện để giúp ngăn ngừa tổn thương giác mạc, chẳng hạn như:
- Đeo kính bảo vệ. Bảo vệ mắt bằng kính bảo hộ hoặc kính an toàn khi tham gia các hoạt động có thể gây thương tích cho mắt, như sử dụng các công cụ điện, chặt gỗ hoặc xử lý hóa chất. Ngoài ra, bạn hãy chắc chắn bạn và con bạn đeo kính râm khi ra ngoài trời.
- Sử dụng kính áp tròng đúng cách. Kính áp tròng nếu không dùng đúng cách sẽ gây ra các vấn đề về mắt nghiêm trọng. Do đó, để phòng ngừa, bạn cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ nhãn khoa để xử lý, cất giữ, khử trùng, loại bỏ và thay thế kính áp tròng mềm đúng cách.
- Đi khám mắt thường xuyên. Nhiều tình trạng mắt có thể được phát hiện sớm, trước khi các triệu chứng phát triển nếu bạn thường xuyên làm kiểm tra mắt. Ngoài ra, hãy chắc chắn đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bạn làm tổn thương mắt, phát triển bất kỳ triệu chứng bất thường về mắt hoặc các vấn đề về thị lực.
Từ khóa » điều Trị Sẹo Giác Mạc
-
Điều Trị Sẹo Giác Mạc Như Thế Nào? - Vinmec
-
Sẹo Giác Mạc: Triệu Chứng, Chẩn đoán Và điều Trị
-
Sẹo Giác Mạc Có Nguy Hiểm Không? Cách điều Trị Thế Nào?
-
Tìm Lại ánh Sáng Cùng Chuyên Gia Giác Mạc Hàng đầu Từ SNEC
-
Điều Trị Sẹo Giác Mạc Bằng Laser - Báo Người Lao động
-
Có Thể điều Trị để Mất Vết Sẹo ở Giác Mạc Không?
-
Ghép Giác Mạc - Rối Loạn Mắt - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Trợt Giác Mạc Và Dị Vật Giác Mạc - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Phẫu Thuật Ghép Giác Mạc Và Những điều Cần Biết
-
Bệnh Học Giác Mạc - Bệnh Viện Quân Y 103
-
Điều Trị Sẹo Giác Mạc Như Thế Nào? - AloBacsi
-
Bị Sẹo Giác Mạc Có Ghép được Giác Mạc Nhân Tạo? - Báo Tuổi Trẻ
-
Viêm Loét Giác Mạc: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Phòng Bệnh
-
Ghép Giác Mạc Giúp Bảo Tồn Thị Lực