Siêu âm Trong Giãn Tĩnh Mạch Thừng Tinh

10:14 AM 21/01/2020

Định nghĩa

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là hiện tượng giãn bất thường của tĩnh mạch tinh và đám rối tĩnh mạch tinh (bình thường, tĩnh mạch tinh của đám rối tĩnh mạch tinh có đường kính khoảng từ 2mm trở xuống). Giãn tĩnh mạch tinh là một bệnh lý rất phổ biến và thường gặp ở nam giới. Lý do chủ yếu để người bệnh đi khám là đau tức vùng bẹnh bìu hoặc hiếm muộn con cái.

Bệnh hiếm khi xuất hiện trước tuổi dậy thì, ở lứa tuổi thiếu niên tỷ lệ gặp phải từ 8-19% nhưng kể từ lứa tuổi vị thành niên, theo thống kê chung của các tác giả ở khoảng 15% cộng đồng nam giới. Tuy nhiên, trong nhóm vô sinh nam giới, tỷ lệ này cao hơn nhiều. Giãn tĩnh mạch tinh là nguyên nhân gây ra 15-25% các trường hợp vô sinh nam nguyên phát và 75-81% vô sinh nam thứ phát

Tĩnh mạch tinh và vai trò của tĩnh mạch tinh

Hình 1: Giải phẫu tĩnh mạch thừng tinh

Tĩnh mạch tinh có nguyên ủy xuất phát từ tinh hoàn và nhận máu từ các nhánh mào tinh hoàn. Tĩnh mạch tinh trong do các tĩnh mạch hợp lại với nhau tạo nên một đám rối tĩnh mạch quấn xoắn quýt, chằng chịt đi trong thừng tinh, đi lên và tập hợp thành nhánh lớn, bên trái đổ vào tĩnh mạch thận và bên phải đổ vào tĩnh mạch chủ bụng. Tĩnh mạch có các van để tránh máu trào ngược dồn lại về tinh hoàn.

Do đặc điểm giải phẫu, có 90% các trường hợp giãn tĩnh mạch tinh chỉ gặp ở 1 bên, trong đó, có tới 90% gặp ở bên trái.

Nguyên nhân

Cơ chế gây giãn tĩnh mạch tinh là do không có van hoặc thiểu năng hệ thống van, vì vậy có trào ngược máu từ tĩnh mạch thận vào đám rối tĩnh mạch tinh làm tĩnh mạch dần dần giãn rộng.

Chẩn đoán

Triệu chứng cơ năng

Có cảm giác khó chịu, căng tức, đau tinh hoàn. Đôi khi, người bệnh có cảm giác nóng ở bìu hoặc một tình trạng khó chịu mơ hồ ở bìu.

Bệnh nhân tự nhìn thấy hay sờ thấy búi tĩnh mạch giãn to ngoằn ngoèo như búi giun nằm trong bìu khi đứng.

Bệnh nhân tự sờ thấy tinh hoàn một bên nhỏ hơn bên đối diện và lo lắng đi khám bệnh.

Vô sinh.

Triệu chứng thực thể

Khám bệnh nhân ở tư thế đứng, trong những trường hợp điển hình, có thể dễ dàng nhìn thấy búi giãn tĩnh mạch ở phía trên và sau tinh hoàn. Mức độ giãn có thể gia tăng hơn khi làm nghiệm pháp Valsava ( bệnh nhân được hướng dẫn tập thể dục hoặc chạy tại chỗ, sau đó đánh giá so sánh để phát hiện sự chênh lệch độ giãn của tĩnh mạch).

Cận lâm sàng

Siêu âm Doppler màu

Siêu âm là phương pháp được chỉ định đầu tiên để đánh giá tĩnh mạch thừng tinh khi lâm sàng có các dấu hiệu gợi ý. Là một công cụ có giá thành rẻ, dễ làm và có độ đặc hiệu cao, đặc biệt giúp chẩn đoán sớm những trường hợp mà lâm sàng khám không rõ ràng.

Siêu âm Dopper màu cuống tĩnh mạch tinh hoàn để đánh giá chính xác mức độ giãn tĩnh mạch tinh. Bình thường khẩu kính tĩnh mạch tinh dưới 2mm.

Gọi là giãn tĩnh mạch tinh khi có ít nhất một tĩnh mạch trong đám rối tĩnh mạch có đường kính lớn hơn 2mm, có hồi lưu khiến tĩnh mạch phình to hơn sau khi bệnh nhân đứng dậy hoặc làm nghiệm pháp Valsava.

Trên thăm khám siêu âm: đường kính tĩnh mạch tinh > 2,5mm thì được chẩn đoán là giãn, thường phối hợp nghiệm pháp Valsava để đánh giá những trường hợp kín đáo. Đa số các tác giả thống nhất phân loại của Sartechi, gồm 5 mức độ giãn trên siêu âm Doppler:

Hình 2: Giãn tĩnh mạch thừng tinh

Độ 1: Không giãn tĩnh mạch tinh trong bìu. Có dòng trào ngược của đám rối tĩnh mạch tinh trong thừng tinh đoạn ống bẹn khi làm nghiệm pháp Valsava

Độ 2: Không giãn ở tư thế nằm. Tư thế đứng có giãn và dòng trào ngược ( nghiệm pháp Valsava) khu trú ở cực trên tinh hoàn.

Độ 3: Không giãn ở tư thế năm. Tư thế đứng có giãn và dòng trào ngược ( nghiệm pháp Valsava) lan tỏa cả cực trên và cực dưới tinh hoàn

Độ 4: Giãn và có dòng trào ngược khi làm nghiệm pháp Valsava ở tư thế nằm.

Độ 5: Giãn, có dòng trào ngược ngay cả khi không làm nghiệm pháp Valsava

Siêu âm ổ bụng và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng

Là những xét nghiệm cần thiết khi có giãn tĩnh mạch tinh nhằm loại trừ các trường hợp giãn tĩnh mạch tinh thứ phát do các khối u sau phúc mách hay ở tiểu khung chèn ép.

Phân độ giãn tĩnh mạch tinh

Có nhiều các phân độ giãn tĩnh mạch tinh, ngoài cách dựa vào siêu âm như trên thì có hai cách thường được sử dụng:

Theo Dubin và Amelar tại Hội nghị Quốc tế năm 1970 tại Dublin:

Độ 1: Giãn tĩnh mạch tinh sờ thấy được chỉ khi làm nghiệm pháp Valsava.

Độ 2: Giãn tĩnh mạch tinh tổn thương sờ thấy mà không cần làm nghiệm pháp Valsava.

Độ 3: Giãn tĩnh mạch tinh nhìn thấy được mà không cần làm bất kỳ nghiệm pháp nào.

Phân độ giãn tĩnh mạch tinh trên lâm sàng

Độ 0: Giãn tĩnh mạch tinh chưa có biểu hiện lâm sàng. Không phát hiện được khi thăm khám, chỉ phát hiện được khi các thăm dò cận lâm sàng như siêu âm (gọi là giãn tĩnh mạch tinh khi có ít nhất một tĩnh mạch trong đám rối tĩnh mạch có đường kính > 3mm, có hồi lưu khiến phình to hơn sau khi bệnh nhân đứng dậy hoặc cho làm nghiệm pháp gắng sức).

Độ 1: Giãn tĩnh mạch tinh sờ thấy hoặc nhìn thấy khi làm nghiệm pháp gắng sức.

Độ 2: Giãn tĩnh mạch tinh sờ thấy nhưng không nhìn thấy khi đứng thẳng mà không cần làm nghiệm pháp Valsava.

Độ 3: Giãn tĩnh mạch tinh nhìn thấy hiện rõ ở da bìu khi đứng thẳng.

Những trường hợp giãn tĩnh mạch độ 2 và 3 có nhiều nguy cơ gây vô sinh nam giới hơn.

Điều trị

Điều trị nội khoa hầu như không có kết quả với giãn tĩnh mạch tinh. Hiện nay, điều trị giãn tĩnh mạch tinh chủ yếu là điều trị can thiệp ngoại khoa, kết quả làm tăng số lượng và chất lượng tinh trùng, tăng tỷ lệ có thai cho vợ chồng người bệnh.

Về chỉ định can thiệp ngoại khoa như sau:

Giãn tĩnh mạch tinh gây triệu chứng đau tức vùng bẹn bìu kéo dài ảnh hưởng tới sinh hoạt và khả năng lao động.

Giãn tĩnh mạch tinh kết hợp với teo tinh hoàn.

Giãn tĩnh mạch tinh phát hiện trên một cặp vợ chồng vô sinh.

Giãn tĩnh mạch tinh kèm theo bất thường về tinh dịch đồ

BS. Vũ Quang Tiệp

Khoa Chẩn đoán Chức năng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Từ khóa » Tĩnh Mạch Sinh Dục Trái đổ Về