'Siêu Thị Chẳng Còn Gì để Mua' - VnExpress

"Tôi sống ở phường Tân Thuận Đông, quận 7. Chỗ tôi có ba cửa hàng tiện lợi thì một đóng cửa; một siêu thị khi tôi vào mua thì chẳng còn gì, kể cả mỳ tôm và đồ hộp, rau cũng chỉ còn một ít mà giá rất đắt (10 nghìn một trái cà chua,15 nghìn một búp xà lách); cửa hàng còn lại thì mọi người xếp hàng quá dài nên tôi không cạnh tranh nổi. Hôm qua đi siêu thị, tôi đành ra về tay không".

Đó là chia sẻ của độc giả Nguyễn thị thanh thảo về những khó khăn trong việc mua lương thực, thực phẩm trong những ngày TP HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Lãnh đạo các siêu thị khẳng định nguồn hàng dồi dào, nhưng nhiều nơi có hiện tượng bị thiếu hàng cục bộ do lượng khách đến siêu thị quá đông, nhiều người lo sợ phong tỏa nên tiếp tục gom hàng số lượng lớn.

Cùng chung cảnh không mua được thực phẩm, bạn đọc Chung Khanh Duy cho biết: "Nhà tôi ở gần hai bách hóa, một siêu thị. Nghe trên các phương tiện truyền thông thì nói rằng "hàng hóa thiết yếu sẽ không thiếu, người dân không cần tích trữ, khuyến khích đặt hàng online'". Thế nhưng khi nhà gần hết thực phẩm, muốn mua thêm một kg thịt và 20 quả trứng gà, tôi đi ra hỏi thì đều không còn hàng. Tình trạng đó kéo dài trong hai ngày liên tục, mặc dù tôi đi khá sớm.

Về đặt hàng siêu thị online thì họ báo bốn ngày mới giao tới, cũng không thấy ai xác nhận chắc chắn. Vậy thì hỏi sao người dân không lo lắng tích trữ? Hiện tại, kênh phấn phối hàng hóa thiết yếu của thành phố không có giải pháp rõ ràng đối với các tình huống thiên tai, dịch bệnh. Đề nghị các cơ quan chức năng cần có giải pháp phù hợp hơn để tâm lý người dân bớt lo lắng".

Đó cũng là nỗi lo của độc giả Huỳnh Như Ý: "TP HCM không thiếu thực phẩm, nhưng làm sao để người dân có thể tiếp tận tới nguồn thực phẩm đó một cách thuận tiện mới là vấn đề. Tình hình hiện nay:

- Mua hàng theo kiểu truyền thống thì ngại dịch, mà có gắng đi mua thì tới nơi, những gian hàng thịt, cá, rau củ cũng không còn gì để mua.

- Mua online thì ứng dụng nào cũng báo "tạm dừng, tạm hoãn", không thì cũng "tạm hết hàng".

- Dù có đặt được online thì cũng xử lý rất chậm. Tôi đặt một đơn hàng từ 1/7 những đến giờ 7/7 rồi vẫn chưa chuyển sang trang thái 'xử lý đơn hàng' nữa.

Thế này thì người dân biết phải làm sao?".

>> Nỗi lo 'chạy dịch'

Lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM khẳng định, thành phố không thiếu hàng, thực phẩm dự trữ lên tới 120.000 tấn, tăng gấp ba thông thường. Nhưng thực tế, các kệ hàng trong siêu thị đã trống trơn từ sáng sớm. Lý do lớn nhất khiến nguồn hàng dù nhiều mà không tới được các điểm bán, là việc lưu thông từ các kho hàng nằm ngoài TP HCM vào thành phố đang gặp khó khăn.

Để giải quyết bài toán cung ứng thực phẩm cho người dân TP HCM, độc giả NP cho rằng: "Nhà tôi lúc nào cũng đủ đồ ăn cho ba người trong 3-4 ngày tới, khi nào vơi bớt mới lại mua tiếp từng đấy. Tới giờ, tôi vẫn chưa phải ra siêu thị mua thêm. Thành phố giãn cách cả tháng nay rồi, tôi không hiểu sao nhiều người vẫn chưa tập được cách thích nghi để phải chen chúc nhau mua tích trữ vì sợ hết thực phẩm. Tích trữ cho lắm rồi để hư thì vứt bỏ, trong khi người khác lúc cần lại không có mà mua. Ai cũng bình tĩnh thì không có chuyện gì đáng ngại cả. Hàng hóa sẽ tự tìm được chỗ để về tay người tiêu dùng, chứ không lẽ chợ truyền thống không mở thì vứt hết hàng? Sắp tới các siêu thị, cửa hàng cũng cần điều phối tốt hơn, nhưng quan trọng là mọi người cũng phải bình tĩnh".

"Cốt lõi của vấn đề là những người đi gom mua hàng đều là những người hiểu không đúng về giãn cách theo Chỉ thị 16. Tôi đi chợ, thấy ai cũng truyền tai nhau rằng 'phải mua hàng tích đi, nếu không giãn cách rồi không ai được ra đường mà mua đâu', hay 'mua đi chứ giãn cách rồi không có ai bán để mà mua đâu'... và rất nhiều những điều tương tự. Nhiều người cho rằng việc giãn cách theo Chỉ thị 16 là thứ gì đó ghê gớm lắm, như sắp bị bắt phải ở trong nhà 24/24 vậy. Đã vậy, người dân còn có thói quen truyền tai, rồi tam sao thất bản, hiểu không đúng hoặc chưa hiểu hết các quy định đã phán như ầm ĩ rồi. Vậy nên mới có tình trạng hết hàng này", bạn đọc F. Totti nói thêm.

Chỉ ra những điểm cần điều chỉnh để giảm bớt nỗi lo thiếu thực phẩm của người dân, độc giả Namhoailee80 nhấn mạnh: "Điểm yếu của các hệ thống siêu thị hiện nay là: không điều phối nhân viên bổ sung hàng liên tục khi thấy kệ vơi được một nửa, mà chỉ bổ sung hàng theo khung giờ nhất định hàng ngày. Nên việc khách nhìn thấy kệ hàng hóa trống trơn sẽ càng thêm hoang mang, tạo nên tâm lý đám đông, đua nhau kéo đến siêu thị gom hàng tích trữ. Thứ hai, hạ tầng công nghệ, giao hàng từ xa của các siêu thị còn yếu nên mảng khiến nhiều người khó tiếp cận với kênh mua sắm online. Theo tôi, các siêu thị nên kéo dài thời gian phục vụ, bán song song cho cả khách vào mua trực tiếp, lẫn khách mua từ xa (đặt hàng qua danh sách rồi ship về nhà sau). Đồng thời, cần giới hạn, giãn cách số lượng khách vào mỗi đợt để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Những việc này, tôi cho rằng siêu thị nào có mặt bằng rộng chút đều có thể làm được".

Lê Phạmtổng hợp

>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

  • Ở nhà ăn mỳ gói giúp TP HCM dập dịch
  • Những công nhân 21 ngày không về nhà
  • Vật tư y tế, thực phẩm phải xếp hàng vì 'giấy thông hành'
  • Năm thay đổi chiến thuật để dập dịch tại TP HCM
  • TP HCM phải quyết liệt 5K
  • Tình người nơi những tòa chung cư bị phong tỏa

Từ khóa » Siêu Thị Vnexpress