Sinh Hoạt Khoa Học “Những Vấn đề Lý Luận Cơ Bản Về Xã Hội Học ...

 

CN. Võ Khánh Linh thuyết trình về đề tài nghiên cứu“Những vấn đề lý luận cơ bản về xã hội học hình phạt”                 

 

Qua chủ đề mà mình đưa ra, tác giả đã thiết kế những vấn đề lý luận cơ bản để triển khai một hướng nghiên cứu mới về hình phạt – xã hội học hình phạt. Xã hội học hình phạt là một khía cạnh nghiên cứu cụ thể của hình phạt, khía cạnh xã hội học. Xã hội học hình phạt nghiên cứu hình phạt không chỉ thuần túy là một chế định pháp lý của luật hình sự, mà còn là một hiện tượng pháp lý xã hội. Đến lượt mình, xã hội học hình phạt là một nội dung nghiên cứu của xã hội học luật hình sự.

Vấn đề mà tác giả đặt ra khi nghiên cứu xã hội hình phạt là cần phải luận giải một cách biện chứng mối quan hệ quan hệ xã hội – hình phạt - hiện thực xã hội. Trong đó, hiện thực xã hội là cơ thể xã hội, tổng hòa các mối quan hệ xã hội, nhóm xã hội, nhóm xã hội, con người xã hội; quan hệ xã hội là quan hệ được pháp luật hình sự bảo vệ và chịu sự tác động (trực tiếp và gián tiếp) của hình phạt; hình phạt với tư cách là một chế định pháp lý, vừa là một hiện tượng pháp lý – xã hội sinh động và luôn luôn vận động, thẩm thấu trong đời sống xã hội. Giả thiết mà tác giả đưa ra rằng mối quan hệ biện chứng giữa các hiện tượng này chính là phương pháp luận của xã hội học hình phạt.

Những vấn đề lý luận cơ bản của xã hội học hình phạt được tác giả phác thảo một cách khái quát qua vài nội dung: tính quyết định xã hội của hình phạt; bản chất xã hội của hình phạt, các chức năng xã hội của hình phạt.

Tính quyết định xã hội của hình phạt là một thuộc tính của hình phạt, mà ở đó, hình phạt bị ảnh hưởng, tác động, quyết định bởi xã hội (hiện thực xã hội, quan hệ xã hội, nhóm xã hội, con người xã hội…). Tính quyết định xã hội cho phép nhận diện hoạt động xã hội của hình phạt. Và thông qua hoạt động xã hội của mình, hình phạt (nội dung, hệ thống, áp dụng, tính ổn định, tính biến đổi) được đặt trong mối quan hệ tác động với các điều kiện xã hội, sự biến đổi ý thức xã hội, sự biến đổi các định hướng giá trị xã hội, tính ổn định xã hội… Cũng được đề cập trong nội dung trình bày của mình, tác giả cho rằng nghiên cứu tính quyết định xã hội của hình phạt cho phép lý giải vai trò xã hội của hình phạt trong đấu tranh phòng, chống tình hình tội phạm, từ đó có khả năng vận dụng, cụ thể thành các chính sách hình sự hiệu quả.

Trong bài thuyết trình của mình, tác giả cho rằng việc nghiên cứu bản chất của hình phạt, hay của luật hình sự nói chung hiện nay vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, bản chất xã hội của hình phạt mới chỉ được nêu tên, đặt vấn đề mà chưa được luận giải sâu sắc. Bản chất xã hội của hình phạt, theo quan điểm của tác giả, chính là một vấn đề lý luận cơ bản của xã hội học hình phạt, và chỉ với các công cụ phương pháp luận của xã hội học hình phạt mới có thể luận giải một cách sâu sắc bản chất xã hội của hình phạt. Tác giả đưa ra các giả thiết về bản chất xã hội của hình phạt như: hình phạt tồn tại độc lập tương đối trong xã hội, hình phạt có nguồn gốc và nguyên nhân trong xã hội, hình phạt có nội dung xã hội, hình phạt là một hiện tượng xã hội vận động trong cơ thể xã hội, hình phạt có số phận bị quyết định bởi xã hội.

Nội dung cuối cùng với tư cách là một vấn đề lý luận cơ bản của xã hội học hình phạt được đưa ra trong bài thuyết trình chính là chức năng xã hội của hình phạt. Theo hướng nghiên cứu luật học thực định, hình phạt tự mình đặt ra những mục đích của nó. Xét từ khía cạnh xã hội học hình phạt, mục đích của hình phạt chỉ có thể đạt được khi hình phạt thực sự có hoạt động xã hội, và thông qua sự hoạt động đó, hình phạt tự chứng minh những chức năng xã hội để đạt được những mục đích mong muốn đã đặt ra. Tác giả cho rằng, cần phải vận dụng lý thuyết “chức năng luận” để luận giải cụ thể hơn vấn đề này khi nghiên cứu cụ thể. Một số chức năng xã hội mà tác giả đưa ra như: chức năng phòng ngừa chung, chức năng phòng ngừa riêng, chức năng cải tạo, giáo dục, chức năng phục hồi công bằng xã hội… Các chức năng xã hội này của hình phạt tự bản thân nó cũng phản ánh rất rõ các chức năng chung của pháp luật như chức năng điều chỉnh, chức năng giáo dục, chức năng thông tin… Không chỉ dừng lại ở đó, tác giả cho rằng, xã hội học hình phạt đòi hỏi phải làm rõ cơ chế thực hiện các chức năng xã hội nói trên và mối tương quan giữa các cơ chế này với nhau.

PGS.TS. Hồ Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Học viện Khoa học xã hội phát biểu thảo luận

                                                                      

  Tin và ảnh: Bích Hạnh – Mai Hoa

 

Từ khóa » Tiến Sĩ Võ Khánh Linh