Sinh Non: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Chăm Sóc Bé

Sinh non là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm. Điều này có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, sinh mạng của mẹ và bé. Vì vậy, mẹ bầu nên tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu sinh non để có cuộc vượt cạn an toàn.

Sinh non là gì?

Sinh non hay đẻ non là khi trẻ được sinh ra ở tuổi thai từ 22 tuần đến trước 37 tuần. Thông thường, một thai kỳ bình thường sẽ diễn ra trong 9 tháng 7 ngày (tương đương 40 tuần). Trong Sản khoa chia thành 3 giai đoạn: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối.

Sinh non

Theo số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới WHO, ước tính trên toàn cầu có khoảng 15 triệu trẻ sinh non ra đời, chiếm tỷ lệ 1/10 trẻ sơ sinh. Sinh non được xem là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, khoảng 1 triệu trẻ sinh non tử vong do các biến chứng. Nhiều trẻ sống sót nhưng phải đối mặt với tình trạng khuyết tật suốt đời, bao gồm khuyết tật thần kinh, tim mạch, thị giác và thính giác. (1)

Riêng tại Việt Nam theo các tài liệu báo cáo chung, tình trạng sanh non ngày càng tăng. Trung bình cả nước, tỷ lệ sinh non khoảng 7%, mỗi năm có khoảng 100.000-110.000 trẻ sinh non ra đời. PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng, Trưởng khoa sản, BVĐK Tâm Anh, Hà Nội cho biết BVĐK Tâm Anh, Hà Nội tiếp nhận 100 trẻ/tháng và khoảng 1.200 trẻ/năm, trong đó có đến 70% là trẻ sinh non tháng, trong đó khoảng 50% là trẻ sinh non dưới 30 tuần. Số trẻ sinh từ 25-26 tuần chiếm 10% trong tổng số 50% ca sinh non. (2)

Trường hợp nuôi sống bé sinh non với tuần thai 24 tuần, 6 ngày tại BVĐK Tâm Anh được xem là kỳ tích trong y khoa Việt Nam. Đây là ca sinh cực non, sau sinh sức khỏe bé vô cùng yếu: không thở, không khóc, không có phản xạ, trên da nhiều mảng bầm tím, nhịp tim chậm. Với sự phối hợp của khoa Sản và khoa Sơ sinh, các bác sĩ hồi sức tích cực sơ sinh đã túc trực trong phòng sinh và nhanh chóng chuyển bé về khoa Sơ sinh bằng thiết bị chuyên dụng, theo dõi sát sao bằng phác đồ chăm sóc đặc biệt, với những trang thiết bị hiện đại nhất. Tình trạng của trẻ dần chuyển biến tích cực, các y bác sĩ thở phào khi đã vượt qua thời khắc khó khăn nhất.

Bé gái là “con quý” của người mẹ bị viêm lộ tuyến, 6 năm chịu cảnh hiếm muộn, 2 lần IUI, 4 lần IVF bất thành ở 2 bệnh viện lớn ở Hà Nội. 2 lần có tin vui nhưng chưa một lần ôm con trong tay do sảy thai ở tuần 21 và thai ngoài tử cung. Suốt thai kỳ, mẹ và bé – hai chiến binh dũng mãnh đã kiên trì vượt qua rất nhiều chông gai thử thách để khỏe mạnh trở về bên gia đình.

Phân loại mức độ sinh non

Mức độ sinh non thường được mô tả theo tuổi thai, thông thường sẽ chia ra 4 mức độ:

  • Cực non: Là em bé sinh trước 28 tuần tuổi thai
  • Rất non:  Là em bé sinh ra từ 28 – 31 tuần 6 ngày  
  • Non trung bình: Là em bé sinh ra từ 32 – 33 tuần 6 ngày  
  • Non muộn: Là em bé sinh ra từ 34 – 36 tuần 6 ngày 

Hầu hết trẻ non tháng mức độ vừa và nhẹ (xấp xỉ 80%) tuổi thai từ trên 32 – 37 tuần, cân nặng > 1.500g – 2.500g. Những trẻ này vẫn có nguy cơ tử vong cao vì thiếu chăm sóc cơ bản như: giữ ấm, nuôi dưỡng sữa mẹ, vệ sinh phòng – chống nhiễm khuẩn. Ở những nước thu nhập thấp, khoảng 10 – 13% trẻ được sinh ra ở tuổi thai từ 28 – 32 tuần và hơn một nửa số trẻ này bị tử vong do không được chăm sóc tích cực.

Dấu hiệu sinh non

Trong giai đoạn mang thai, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, bạn nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn và xử trí nhanh nhất:

  • Đau lưng âm ỉ;
  • Em bé có dấu hiệu đẩy về phía dưới;
  • Sưng ở tay, chân hoặc mặt;
  • Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy;
  • Mờ mắt hoặc các rối loạn mắt khác;
  • Đau quặn bụng giống như đau bụng kinh;
  • Em bé cử động ít hoặc ngừng cử động;
  • Âm đạo tiết dịch hoặc máu bất thường.

Nguyên nhân sinh non

Có khoảng 50% trường hợp đẻ non không xác định rõ lý do. Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ như:

Yếu tố xã hội

Thai phụ không được chăm sóc đầy đủ trước sinh, đời sống kinh tế thấp, kèm theo vấn đề về thể chất như suy dinh dưỡng, không tăng cân, thai phụ lao động nặng nhọc thời kỳ mang thai. Độ tuổi cũng tác động đến tỷ lệ sinh non, theo nghiên cứu mẹ dưới 20 tuổi hoặc trên 35 tuổi là yếu tố nguy cơ dẫn đến sinh non.

Yếu tố từ phía mẹ

Một số yếu tố từ mẹ có thể dẫn để nguy cơ sinh non ở trẻ như mắc các bệnh lý như nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai, gặp chấn thương vùng bụng, phẫu thuật vùng bụng khi mang thai, công việc mang tính chất lao động nặng, môi trường nhiều chất độc hại hoặc nhiều căng thẳng.

Bên cạnh đó ở một số thai phụ có tiền sử mắc bệnh tim, thận, gan, hay gặp tai biến sản khoa như sản giật, tiền sản giật cũng có nguy cơ sinh non cao. Khảo sát cho thấy có 5% trường hợp sinh non gặp ở các bà mẹ có tử cung dị dạng bẩm sinh, 100% trường hợp sản phụ bị hở eo cổ tử cung sẽ sinh non nếu không được can thiệp kịp thời. Sản phụ từng làm thủ thuật can thiệp ở cổ tử cung như khoét chóp cổ tử cung, bị viêm nhiễm âm đạo, viêm cổ tử cung, tiền sử đẻ non trước đó cũng làm tăng nguy cơ sinh non.

Do thai và phần phụ của thai

Thống kê cho thấy, có khoảng 10-20% trường hợp sinh non rơi vào trường hợp đa thai, 10% có rau tiền đạo, bên cạnh đó các nguy cơ như nhiễm trùng ối, vỡ ối sớm, đa ối hay rau bong non cũng gây sinh non.

Để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sinh non, bác sĩ cần xem xét toàn tiền sử bệnh lý sản phụ khoa, xem xét những nguy cơ đến từ phía sản phụ, hoặc đến từ phía thai, phần phụ của thai và những nguyên nhân phối hợp.

Sinh non có nguy hiểm không?

Bởi vì trẻ sinh non được sinh ra trước khi sẵn sàng về thể chất để rời khỏi bụng mẹ nên trẻ có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe. Một số vấn đề ngắn hạn và dài hạn ảnh hưởng đến sức khoẻ của em bé. Vì những lo lắng về sức khỏe này, trẻ sinh non được chăm sóc và hỗ trợ y tế thêm ngay sau khi sinh. Tùy thuộc vào thời điểm em bé ra đời, bác sĩ sơ sinh có thể xác định tình trạng của bé và đưa ra các phác đồ điều trị cần thiết. Một số vấn đề phổ biến đối với trẻ sinh non bao gồm:

  • Vấn đề về hô hấp
  • Rối loạn thân nhiệt
  • Vấn đề tim mạch bẩm sinh
  • Các vấn đề trong đường tiêu hóa 
  • Vàng da sơ sinh
  • Thiếu máu
  • Nhiễm trùng sơ sinh

Hầu hết trẻ sinh non sẽ phát triển bình thường, nhưng chúng có nguy cơ mắc các vấn đề về phát triển cao hơn vì vậy sẽ cần kiểm tra sức khỏe và sự phát triển thường xuyên tại bệnh viện hoặc với bác sĩ nhi khoa. Nếu bạn lo lắng về sự phát triển của con mình, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn.

Các vấn đề có thể xảy ra sau này ở trẻ sinh non bao gồm:

  • Chậm phát triển ngôn ngữ
  • Các vấn đề về tăng trưởng và vận động
  • Vấn đề về nha khoa
  • Vấn đề về thị lực hoặc thính giác
  • Khó khăn trong suy nghĩ và học tập
  • Vấn đề về tâm lý

Chẩn đoán sinh non

Trong hầu hết các trường hợp, chuyển dạ sinh non bắt đầu bất ngờ và không rõ nguyên nhân. Giống như chuyển dạ thường, các dấu hiệu chuyển dạ sớm bao gồm:

  • Các cơn gò tử cung: 4 cơn gò tử cung trong 20 phút hay 8 cơn gò tử cung trong 60 phút;
  • Cổ tử cung mở ≥ 2 hoặc xoá mỏng ≥ 80%;
  • Có sự tiến triển cổ tử cung được ghi nhận bởi một người khám qua nhiều lần;
  • Vỡ ối;
  • Thay đổi dịch tiết âm đạo (tăng đáng kể lượng dịch tiết ra hoặc chất lỏng bị rò rỉ hoặc chảy máu từ âm đạo);
  • Áp lực vùng chậu, cảm giác em bé đang dần tụt xuống;
  • Đau lưng nhẹ, âm ỉ;
  • Đau quặn bụng có hoặc không kèm theo tiêu chảy.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của chuyển dạ sinh non, hãy nhanh chóng liên hệ với bệnh viện có chuyên gia giỏi và đầy đủ trang thiết bị hồi sức trẻ sinh non để được cấp cứu đúng cách, phòng ngừa biến chứng cho trẻ.

Phương pháp điều trị

Nếu có dấu hiệu sinh non, mẹ nên chọn bệnh viện có chuyên khoa chăm sóc đặc biệt cho trẻ sinh non (NICU). Nếu bệnh viện nơi em bé được sinh ra không có NICU, sản phụ và em bé trong bụng nên được chuyển đến bệnh viện khác để được hỗ trợ tốt nhất.

Khi chuyển dạ, sản phụ có thể được dùng thuốc để ngừng các cơn co trong một thời gian. Điều này cho phép sản phụ được chuyển đến bệnh viện khác nếu cần thiết. Corticosteroid có thể được tiêm từ 12 đến 24 giờ trước khi sinh để giúp phổi của em bé hoạt động hiệu quả hơn. Trẻ sinh non có thể ra đời rất nhanh qua đường âm đạo. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể quyết định sinh mổ là an toàn nhất. Vì vậy trẻ sinh non nên sinh thường hay sinh mổ tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Đối với trẻ sơ sinh, 60 phút sau sinh và 28 ngày đầu tiên của cuộc đời rất quan trọng đối với sự sống còn của trẻ. Với hơn 30 năm kinh nghiệm hồi sức và nuôi sống trẻ sinh non, Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Hữu Thiều Chương cho biết, ngay khi rời khỏi bụng mẹ, trẻ sinh non cần được ủ ấm với khăn bọc, đội nón, túi nhựa giữ nhiệt và chuyển ngay sang giường sưởi ấm đặt sát giường sinh.

Tùy từng trường hợp, cần gắn ống thở CPAP không xâm lấn, giúp phổi bé không bị xẹp, hạn chế nhiễm trùng, không bị suy hô hấp. Các bác sĩ cũng làm một số xét nghiệm sàng lọc, đặc biệt là sàng lọc dị tật bẩm sinh, sàng lọc bệnh lý để loại trừ suy giáp bẩm sinh, tăng sản bẩm sinh, G6PD thấp, sàng lọc thính lực…

Sàng lọc tim bẩm sinh bằng những phương pháp đơn giản như đo oxy qua da hoặc các biện pháp chuyên sâu nếu có bất thường hoặc nghi ngờ bất thường. Những trường hợp bị tim bẩm sinh mức độ nặng có thể can thiệp từ rất sớm, giảm tối đa nguy cơ tử vong, tăng cơ hội sống khỏe mạnh.

lồng ấp trẻ sơ sinh

Chăm sóc sau sinh non

Thai phụ

Với những thai phụ có con sinh non có thể sẽ gặp nhiều trở ngại trong tâm lý, người mẹ có thể hoảng hốt và lo lắng về tình trạng của em bé. Tùy theo tình trạng của bé, bác sĩ sẽ có phác đồ chăm sóc, vì vậy sản phụ nên nghỉ ngơi và làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý, theo dõi sức khỏe hàng ngày, loại trừ các vấn đề bất thường như sốt, đau bụng hay sản dịch, ngực đau không, tiết sữa như thế nào… cũng cần được lưu ý.

Sau sinh, sản phụ được hướng dẫn vệ sinh cơ thể hàng ngày để tránh viêm nhiễm. Sau sinh từ 2 – 3 ngày, mẹ có thể tắm nhanh bằng nước ấm, nếu bị tắc tia sữa thì cần xử lý để tránh tình trạng viêm vú, áp xe vú. Đối với thai phụ sinh mổ, cần lưu ý rửa sạch âm hộ sau khi tiểu và đại tiện để tránh nhiễm trùng tầng sinh môn.

Sau sinh mẹ nên được chăm sóc và bổ sung dinh dưỡng hợp lý, nhiều người có tâm lý kiêng khem quá mức dẫn đến việc không đủ dinh dưỡng trong sữa, mất sữa. Vận động sớm sau sinh được khuyến khích cho cả mẹ sinh thườngsinh mổ, nếu có vấn đề tâm lý thì cần chia sẻ với mọi người để có thể giải tỏa, trong tuần đầu sau sinh mẹ nên khám lại để đảm bảo sức khỏe an toàn.

Trẻ sinh non

Trẻ sinh non có thể sẽ cần được chăm sóc đặc biệt trong 2 năm đầu. Điều này đặc biệt đúng nếu trẻ có cân nặng dưới 1kg lúc sinh. Nhưng bạn có thể giúp con bạn khỏe mạnh, lớn lên và phát triển khi bạn đưa trẻ từ bệnh viện về nhà. Đây là một số lời khuyên: (3)

  • Thăm khám định kỳ với bác sĩ: Mẹ cần đưa trẻ tái khám theo lịch hẹn để kiểm tra và xác nhận rằng bé đang tăng cân và trao đổi thêm các phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh tại nhà.
  • Dinh dưỡng cho trẻ: Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ nhỏ. Nhưng nếu em bé của bạn gặp khó khăn khi bú, bác sĩ có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này. Bé có thể bú trực tiếp hoặc bú sữa mẹ qua bình bú, tùy theo lựa chọn của em bé. Em bé cũng có thể cần bổ sung thêm chất sắt vì trẻ sinh non không có nhiều chất sắt trong cơ thể như trẻ sinh đủ tháng. 
  • Theo dõi sự phát triển của bé: Trẻ sinh non có thể không phát triển với tốc độ như trẻ sinh đủ tháng trong 2 năm đầu. Để theo dõi về sự phát triển của trẻ, bác sĩ có thể sử dụng các biểu đồ tăng trưởng, ghi lại các mốc quan trọng của bé như mức độ hoạt động, ngồi dậy và bò.
  • Chế độ ăn dặm: Hầu hết các bác sĩ khuyên nên cho trẻ sinh non ăn thức ăn đặc vào thời điểm từ 4 – 6 tháng sau ngày dự sinh ban đầu của trẻ (không phải ngày sinh). Trẻ sinh non không phát triển như trẻ sinh đủ tháng. Bé có thể mất nhiều thời gian hơn để phát triển khả năng nuốt.
  • Thời gian ngủ của trẻ sinh :Mặc dù trẻ sinh non ngủ nhiều giờ hơn mỗi ngày so với trẻ sinh đủ tháng, nhưng bé lại ngủ trong thời gian ngắn hơn. Tất cả trẻ sơ sinh bao gồm cả sinh non nên được đặt trên giường nằm ngửa, không nằm sấp. Nằm sấp và ngủ trên nệm mềm có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). 
  • Kiểm tra thị giác và thính lực của trẻ: Trẻ sinh non thường gặp tình trạng mắt lé hơn trẻ sinh đủ tháng, tình trạng này thường tự biến mất khi bé lớn lên. Một số trẻ sinh non mắc một bệnh về mắt được gọi là bệnh võng mạc ở trẻ sanh non (ROP). Nếu có khả năng con bạn bị ROP, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ nhãn khoa để kiểm tra sức khỏe thường xuyên. ROP có thể được điều trị để giúp ngăn ngừa  mất thị lực. Trẻ cũng có khả năng gặp các vấn đề về thính giác hơn trẻ sinh đủ tháng. Bạn có thể kiểm tra thính giác của em bé bằng cách tạo ra tiếng động ở phía sau hoặc bên cạnh em bé. Nếu em bé của bạn không quay đầu hoặc phản ứng với một tiếng động lớn, hãy liên hệ với bác sĩ.
  • Tiêm chủng cho trẻ: Việc tiêm chủng đầy đủ bảo vệ em bé khỏi các tác nhân gây bệnh xâm nhập. Trẻ sinh non có thể bị bệnh cúm nhiều hơn trẻ sinh đủ tháng. Một kế hoạch tiêm phòng cúm cho cả gia đình bạn có thể giúp bảo vệ em bé của bạn khỏi bị lây bệnh cúm từ một người nào đó trong gia đình.

Đặc biệt, trẻ sinh non cần được kiểm tra sàng lọc sơ sinh bằng các xét nghiệm thăm dò chuyên sâu để tầm soát những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe không biểu hiện rõ rệt qua lâm sàng. Bố mẹ có thể xem thêm các gói sàng lọc sơ sinh giúp phát hiện sớm 73 bệnh lý rối loạn nội tiết, chuyển hóa, di truyền thường gặp ở trẻ sơ sinh tại đây.

Phòng tránh sinh non

Ngăn ngừa sinh non vẫn là một thách thức vì có nhiều nguyên nhân gây ra sinh non, và vì các nguyên nhân có thể phức tạp và không phải lúc nào cũng được hiểu rõ. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai có thể thực hiện các bước quan trọng để giúp giảm nguy cơ sinh non và cải thiện sức khỏe nói chung như:

Trước khi có thai

Điều cần thiết để chuẩn bị làm mẹ chính là chuẩn bị một hành trang đầy đủ về những kiến thức sinh sản, tránh phải can thiệp nhiều vào tử cung. Tránh có thai nhiều lần, chú ý nghề nghiệp phải di chuyển nhiều khi có thai sẽ không tốt. Bên cạnh đó, chế độ hỗ trợ dinh dưỡng tốt là rất quan trọng.

phòng tránh sinh non

Khi có thai

Không hút thuốc lá, cung cấp dinh dưỡng và bổ sung vitamin, tránh stress, khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Đối với sản phụ bị dọa sinh non trước 34 tuần nên sử dụng Corticoid trước sinh. Steroid sẽ qua hàng rào rau thai sang trẻ kích thích phổi sản xuất surfactant. Trong phổi có chất Surfactant, đây là chất có khả năng làm giảm sức căng bề mặt và giữ tính ổn định của phế nang, ngăn ngừa xẹp phế nang.

Tuy nhiên, Surfactant phải đến tuần thai thứ 26 mới được sản xuất, đó là lý do những em bé sinh ở tuần 24, 25 chức năng phổi chưa hoạt động ổn định. Khi vỡ ối sử dụng kháng sinh dự phòng cho bà mẹ và chuyển lên tuyến trên có đơn vị hồi sức sơ sinh tốt để sinh.

Tại Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh, hàng trăm các ca sinh non đã và đang được nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy trình đặc biệt, giúp hạn chế tối đa các rủi ro, những vấn đề về sức khỏe mà trẻ sinh non có thể gặp phải và trở về vòng tay bố mẹ với sức khỏe tốt nhất.

Để kịp thời hỗ trợ các bé sinh non, bác sĩ sơ sinh luôn túc trực trong các cuộc sinh thường, sinh mổ và theo dõi, chăm sóc liên tục tại phòng chăm sóc đặc biệt trong vòng 12h đầu, kịp thời phát hiện dấu hiệu suy hô hấp nhất thời hay các bệnh lý khác, nhằm có biện pháp can thiệp sớm.

Chăm sóc, điều trị các bé sinh non là một cuộc chiến thầm lặng đòi hỏi sự cố gắng, kiên nhẫn, bền bỉ của cả cha mẹ và cả đội ngũ bác sĩ, y tá. Với trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ tối đa sự sống non nớt của trẻ, cùng với sự chăm sóc 24/7 của các chuyên gia đầu ngành, Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh đã xử lý nhiều ca sinh non phức tạp, để những “bệnh nhi tí hon” được xuất viện khỏe mạnh, trả lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho biết bao gia đình.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được trang bị hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế từ Hội đồng KSNK đến khoa KSNK và mạng lưới KSNK. Hệ thống này hoạt động theo 83 tiêu chí chất lượng của Bộ Y tế và các hướng dẫn Kiểm soát nhiễm khuẩn của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và các tổ chức Kiểm soát nhiễm khuẩn quốc tế giúp phòng ngừa lây nhiễm chéo, từ đó hạn chế tối đa nhiễm khuẩn, bảo vệ tốt sức khỏe của trẻc sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non.

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • TP.HCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
    • Hotline: 0287 102 6789 – 093 180 6858
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Từ khóa » Sinh Con Lúc 34 Tuần