[Slide Tóm Tắt] Những Thành Tựu Văn Minh Ai Cập Cổ đại

Thành tựu văn minh Ai Cập cổ đại: Nền văn hoá vật chất và tinh thần của văn minh Ai Cập cổ đại được xây dựng từ khi có người đến sinh sống ven sông Nin. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế – xã hội, văn hoá Ai Cập cũng đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý. Có thể nói rằng văn hoá Ai Cập là một trong những nền văn hoá cổ nhất và phát triển rực rỡ nhất của thế giới cổ đại. Cho đến nay, những thành tựu văn hoá ấy vẫn làm cho chúng ta thán phục và ngạc nhiên trước sức sáng tạo kì diệu của nhân dân Ai Cập thời cổ đại.

>>> Xem thêm: Vai trò của sông Nile đối với sự hình thành và phát triển nền văn minh Ai Cập cổ đại

Mục lục: Toggle
  • Những thành tựu văn minh Ai Cập cổ đại
    • 1. Chữ viết Ai Cập cổ đại
    • 2. Văn học Ai Cập cổ đại
    • 3. Thiên văn học Ai Cập cổ đại
    • 4. Toán học Ai Cập cổ đại
    • 5. Y học Ai Cập cổ đại
    • 6. Nghệ thuật và kiến trúc Ai Cập cổ đại
      • Kim tự tháp
      • Tượng Nhân sư
    • 7. Tôn giáo Ai Cập cổ đại
  • Slide những thành tựu văn minh Ai Cập cổ đại
  • Cơ sở hình thành văn minh Ai Cập cổ đại?
  • Vì sao nền văn minh Ai Cập biến mất?

Những thành tựu văn minh Ai Cập cổ đại

Mời các bạn xem Slide tóm tắt những thành tựu văn minh Ai Cập cổ đại gần phía cuối bài viết!

1. Chữ viết Ai Cập cổ đại

Chữ viết Ai Cập ra đời khi xã hội hình thành giai cấp. Đó là chữ tượng hình. Đối với các khái niệm phức tạp và trừu tượng, người ta dùng phương pháp mượn ý. Tuy nhiên, hai phương pháp này chưa đủ để ghi mọi khái niệm của cuộc sống nên dần dần xuất hiện những hình vẽ biểu hiện âm tiết. Lâu dần, những chữ chỉ âm tiết trở thành chữ cái. Tổng số chữ tượng hình của Ai Cập cổ đại có khoảng 1000 chữ, trong đó có 24 chữ cái. Loại chữ này được dùng trong hơn 3000 năm.

Chữ viết cổ này thường được viết trên đá, gỗ, đồ gốm, vải gai, da… nhưng chất liệu phổ biến nhất là giấy papyrus. Bút được làm từ thân cây sậy. Mực được làm từ bồ hóng.

2. Văn học Ai Cập cổ đại

Ai Cập cổ đại có một kho tàng văn học khá phong phú và đa dạng, gồm có thơ ca trữ tình, tục ngữ, truyện thần thoại… Những tác phẩm tiêu biểu là : “Nói Thật và Nói Láo”, “Sống sót sau vụ đắm thuyền”, “Lời kể của Ipuxe”, “Nói chuyện với linh hồn của mình”… Các câu chuyện đều có ý nghĩa tích cực, mang tính chất răn đe, giáo huấn, dạy con người phải sống sao cho tốt đẹp, đúng đạo lý và khuyến khích tinh thần vươn lên của con người trong xã hội. Các tác phẩm còn phản ánh những biến động lớn trong xã hội thời đó.

3. Thiên văn học Ai Cập cổ đại

Người Ai Cập cổ đại đã biết đến 12 cung hoàng đạo, biết về các hành tinh như sao Thuỷ, sao Kim, sao Hoả, sao Mộc, sao Thổ. Để đo thời gian, họ đã phát minh ra cái nhật khuê. Đó là một thanh gỗ đầu cong. Muốn biết mấy giờ thì xem bóng mặt trời của mút cái đầu cong in lên vị trí nào trên thanh gỗ. Tuy nhiên, dụng cụ này chỉ xem được thời gian khi có ánh mặt trời. Về sau, người ta phát minh ra đồng hồ nước. Đó là một cái bình bằng đá hình chóp nhọn. Nhờ vào cái đồng hồ nước này, người ta có thể xem được giờ cả ngày lẫn đêm.

Thành tựu quan trọng nhất là việc đặt ra lịch, dựa trên kết quả quan sát tinh tú và quy luật dâng nước của sông Nin. Họ nhận thấy buổi sáng sớm khi sao Lang bắt đầu mọc cũng là lúc nước sông Nin bắt đầu dâng. Hơn nữa, khoảng cách giữa hai lần mọc của sao Lang là 365 ngày. Họ lấy khoảng thời gian ấy làm một năm. Một năm được chia làm 12 tháng, mỗi tháng có 30 ngày, 5 ngày còn thừa để cuối năm ăn tết. Năm mới của Ai Cập bắt đầu từ ngày nước sông Nin bắt đầu dâng. Một năm được chia làm 3 mùa, mỗi mùa có 4 tháng. Đó là mùa Nước dâng, mùa Ngũ cốc và mùa Thu hoạch.

4. Toán học Ai Cập cổ đại

Do yêu cầu của việc xây dựng, sản xuất, người dân ở đây đã có khá nhiều hiểu biết về toán học từ rất sớm. Người Ai Cập cổ ngay từ đầu đã biết dùng phép đếm lấy 10 làm cơ sở. Các chữ số cũng được dùng chữ tượng hình để biểu thị nhưng vì không có số 0 nên cách viết chữ số của họ tương đối phức tạp. Họ chỉ mới biết phép cộng và phép trừ, chưa biết đến phép nhân và chia. Đến thời Trung Vương quốc, mầm mống của đại số học đã bắt đầu xuất hiện. Về hình học, họ đã biết cách tính diện tích hình tam giác, diện tích hình cầu, biết được số phi (φ) là 3,16. Họ cũng biết tính thể tích hình tháp đáy vuông. Họ còn biết vận dụng mầm mống của lượng giác học.

5. Y học Ai Cập cổ đại

Người Ai Cập có những hiểu biết rất rõ về cấu tạo của cơ thể người do tục ướp xác xuất hiện từ rất sớm. Nhờ đó, y học có cơ hội phát triển mạnh. Họ đã đề cập đến nguyên nhân của bệnh tật, mối quan hệ giữa tim và mạch máu, các loại bệnh, khả năng chữa trị, phương pháp khám bệnh… Họ hiểu rằng nguyên nhân của bệnh tật không phải là do ma quỷ hoặc phù thuỷ gây nên mà là do sự không bình thường của mạch máu. Người dân ở đây còn biết được tầm quan trọng của óc và tim đối với sức khoẻ con người.

Việc chữa bệnh đã được chuyên môn hoá rất tỉ mỉ. Y học được chia thành nhiều chuyên môn. Mỗi thầy thuốc có một chuyên môn riêng, chữa một loại bệnh riêng.

6. Nghệ thuật và kiến trúc Ai Cập cổ đại

Kim tự tháp

Kim tự tháp là các ngôi mộ của các Pharaông, được xây dựng ở vùng sa mạc phía tây nam Cairô. Kim tự tháp bắt đầu được xây dựng từ thời vua đầu tiên của vương triều III. Đây là một ngôi tháp có bậc, đáy là một hình chữ nhật. Xung quanh tháp có đền thờ và mộ của các thành viên trong gia đình và những người thân cận. Vương triều IV là thời kỳ Kim tự tháp được xây dựng nhiều nhất và đồ sộ nhất, với các kim tự tháp nổi tiếng như : Kêôp, Kêphren, Mikêrin.

Tuy nhiên, việc xây dựng các Kim tư tháp đã đem lại không ít tai hoạ cho nhân dân. Bằng bàn tay và khối óc của mình, họ đã để lại cho văn minh nhân loại những công trình kiến trúc vô giá. Trải qua gần 5000 năm, các Kim tự tháp vẫn đứng sừng sững trên sa mạc bất chấp thời gian và mưa nắng.

Những thành tựu văn minh Ai Cập cổ đại
Những thành tựu văn minh Ai Cập cổ đại

Tượng Nhân sư

Tượng và phù điêu của Ai Cập cổ cũng là những thành tựu rất đáng chú ý. Các Pharaông thường sai các nghệ nhân tạc tượng của mình và những người trong vương thất. Tượng thường được tạc trên đá, gỗ hoặc được đúc bằng đồng. Bức tượng đẹp nhất là tượng nữ hoàng Nêfectiti. Còn độc đáo nhất là tượng Nhân sư, những bức tượng mình sư tử đầu người hoặc dê. Những tượng này thường được đặt trứơc cổng đền miếu.

7. Tôn giáo Ai Cập cổ đại

Giống như cư dân Việt cổ, người Ai Cập cũng thờ rất nhiều thứ: các thần tự nhiên, linh hồn người chết, động vật, thần cây, thần đá, thần lửa…

Các thần tự nhiên là Thiên thần, Địa thần và Thuỷ thần. Thiên thần là một nữ thần. Địa thần là một nam thần. Thuỷ thần là thần sông Nin. Thuỷ thần cũng chính là thần Âm phủ, Diêm vương. Cũng giống như loài người, các thần cũng thưòng kết hợp với nhau để tạo ra những vị thần mới.

Về sau, cùng với sự hình thành của nhà nứơc tập quyền trung ương, thần Mặt Trời trở thành vị thần quan trọng nhất. Nơi thờ thần Mặt Trời đầu tiên là thành Iunu. Đến thời Trung Vương quốc, Thebes trở thành kinh đô của cả nước nên thần Mặt Trời đã trở thành vị thần cao nhất của Ai Cập. Đến thời Ichnatôn, thời Tân Vương quốc, ông đã tiến hành một cuộc cải cách tôn giáo do thế lực của tầng lớp tăng lữ quá mạnh. Ông chủ trương thờ một vị thần Mặt Trời mới là Atôn. Thần Atôn đựơc coi là vị thần duy nhất nên việc thờ cúng các thần khác đều bị cấm. Bên cạnh đó, người Ai Cập còn thờ thần Mặt Trăng Tốt. Thần Tốt là thần văn tự, kế toán và trí tuệ. Thần Mặt Trăng được thể hiện với hình tượng một người có đầu chim hồng hạc hoặc đầu khỉ.

Mặt khác, người dân ở đây cũng rất coi trọng việc thờ người chết. Theo họ, mỗi con người đều có linh hồn như cái bóng ở trong gưong. Khi con người ra đời thì linh hồn chui vào trong thân thể. Khi con người chết thì linh hồn chui ra khỏi cơ thể. Sau đó, linh hồn độc lập khỏi cơ thể, con người không thể nhìn thấy được. Linh hồn chỉ mất đi khi thi thể người chết bị phân huỷ hoàn toàn. Do đó, nếu thi thể được bảo tồn thì linh hồn cũng sẽ không mất đi. Chính vì quan niệm đó, người Ai Cập mới có tục ướp xác.

Người Ai Cập còn thờ các loại động vật từ dã thú đến gia súc, chim muông đến côn trùng như chó sói, cá sấu, rắn, sơn dương, cừu, mèo, hồng hạc, bò mộng. Ngoài ra, họ còn thờ cả các con vật tưởng tượng như nhân sư, phượng hoàng.

Qua phần tìm hiểu sơ qua nói trên, tôi đã học hỏi được một số điều cơ bản về nền văn minh Ai Cập cổ đại. Tôi nhận thấy Ai Cập cổ đại nói riêng và Trung Cận Đông nói chung là khu vực rất đặc biệt với nền văn minh phát triển từ rất sớm và tồn tại trong thời gian khá lâu dài. Điều kiện tự nhiên của Ai Cập vừa thuận lợi vừa khắc nghiệt đã tạo nên nét đặc trưng trong tính cách con người Ai Cập và trong văn hoá Ai Cập nói chung cũng như các công trình kiến trúc nói riêng. Cư dân ở đây là những người dũng cảm, liều lĩnh, kiên nhẫn và chăm chỉ. Nhà nước Ai Cập ra đời từ rất sớm, mang tính chất chuyên chế. Đời sống nhân dân vô cùng cực khổ do bị áp bức bóc lột quá nặng nề. Chính vì vậy, tầng lớp áp bức đã không ít lần nổi dậy đấu tranh, lật đổ chế độ cai trị. Ai Cập cũng đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh xâm lược các vùng đất, các nước khác. Mặt khác, Ai Cập cũng là đối tượng xâm lược của các thế lực bên ngoài. Có thể nói, người dân Ai Cập sớm bước vào xã hội văn minh cùng những thành tựu vô cùng to lớn trên mọi lĩnh vực của đời sống, bao gồm : chữ viết, văn hoá, tôn giáo, khoa học tự nhiên, kiến trúc, điêu khắc… mà ngày nay nhân loại không thể phủ nhận được. Tất cả đều là do sức sáng tạo thần kỳ của con người thuở đó.

Tóm lại, Ai Cập cổ đại là một đất nước rất vĩ đại, rất đáng tự hào, có vai trò quan trọng trong việc mở đường cho nền văn minh nhân loại. Do đó, nghiên cứu về văn minh Ai Cập cũng là một công việc cần thiết mà các học giả cần phải quan tâm.

Slide những thành tựu văn minh Ai Cập cổ đại

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. LÊ SĨ GIÁO (chủ biên) và các tác giả, Dân tộc học đại cương, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000.

2. NGUYỄN QUỐC HÙNG (chủ biên) và các tác giả, Những nền văn minh rực rỡ cổ xưa, Tập I : Văn minh Ai Cập, Tây Á, Ấn Độ, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993.

3. TRỊNH NHU, Đại cương lịch sử thế giới cổ đại, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1990.

4. LƯƠNG NINH (chủ biên) và các tác giả, Lịch sử thế giới cổ đại, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1997.

5. VŨ DƯƠNG NINH (chủ biên) và các tác giả, Lịch sử văn minh thế giới, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998.

6. MAI LÝ QUẢNG (chủ biên) và các tác giả, 198 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, NXB Thế giới, Hà Nội, 2002.

7. NGUYỄN QUANG QUYỀN, Các chủng tộc loài người, NXB Khoa học và kĩ thuật, Hà Nội, 1978.

8. PHẠM HỒNG VIỆT, Một số vấn đề văn hoá thế giới cổ đại, NXB Thuận Hoá, 1993.

9. Almanach những nền văn minh thế giới, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1995.

10. Những vấn đề lịch sử xã hội nguyên thuỷ, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1963.

11. PH.ANGGHEN, Nguồn gốc của gia đình của chế độ tư hữu và của nhà nước, NXB Sự thật, Hà Nội, 1972.

12. PAUL KENNEDY, Hưng thịnh và suy vong của các cường quốc, NXB Thông tin Lí luận, Hà Nội, 1992.

13. G.N.MACHUSIN, Nguồn gốc loài người, NXB Khoa học và kĩ thuật, Hà Nội, 1986.

14. L.I.MEDVEDKO, Về phía Đông và phía Tây kênh Suez (tiếng Nga), NXB Khoa học, Matxcơva, 1966.

Cơ sở hình thành văn minh Ai Cập cổ đại?

Cơ sở hình thành văn minh Ai Cập cổ đại:

– Địa hình Ai Cập được chia làm hai khu vực rõ rệt là thượng và hạ Ai Cập. Thượng Ai Cập là dãy thung lũng dài và hẹp, có nhiều núi đá; hạ Ai Cập là vùng châu thổ đồng bằng sông Nile. Lãnh thổ Ai Cập hầu như bị đóng kín, phía Tây giáp sa mạc Libi, phía Đông là Hồng Hải, phía Bắc là Địa Trung Hải, phía Nam giáp sa mạc Nubi và Êtiôpia.

– Cách đây khoảng 12.000 năm, trên lưu vực châu thổ sông Nile, đã có những nhóm người sinh sống. Cư dân Ai Cập cổ bao gồm các bộ lạc từ Đông Bắc châu Phi và Tây Á đến. Họ quần tụ lại cùng tồn tại và trở thành chủ nhân của nền văn minh rực rỡ ở phương Đông – văn minh Ai Cập.

– Sông Nile là một trong những con sông lớn nhất thế giới (6.700km), phần chảy qua Ai Cập là 700km. Sông Nile có nguồn nước giàu phù sa, bồi đắp nên những vùng đất màu mỡ… Lưu vực sông còn có một quần thể thực vật phong phú, đặc biệt là cây Papyrut. Sông Nile còn cung cấp một lượng thủy sản phong phú và là huyết mạch giao thông quan trọng. Vì vậy có thể coi Ai Cập chính là “tặng vật của sông Nile”…

Các thời kì lịch sử chính của Ai Cập cổ đại: Lịch sử Ai Cập cổ đại có thể chia ra làm 5 thời kì chính sau:

– Thời kì Tảo Vương quốc (khoảng 3200 – 3000 năm TCN);– Thời kì Cổ Vương quốc (khoảng 3000 – 2200 năm TCN);– Thời kì Trung Vương quốc (khoảng 2200 – 1570 năm TCN);– Thời kì Tân Vương quốc (khoảng 1570 – 1100 năm TCN);– Thời kì Hậu Vương quốc (khoảng 1100 – 31 năm TCN).

Vì sao nền văn minh Ai Cập biến mất?

Tuy không có bất kỳ một học thuyết đơn lẻ nào được chấp nhận về việc vì sao nền văn minh Ai Cập lại biến mất. Tuy nhiên, các sử gia, các nhà nhân chủng học và những người khác đã đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau, trong đó có:

THAY ĐỔI KHÍ HẬU: Khi tình trạng khí hậu không còn ổn định mà bị thay đổi thì nó sẽ gây ra những kết quả vô cùng tai hại, như mùa màng thất bát, nạn đói và sa mạc hoá. Sự sụp đổ của Anasazi, nền văn minh Tiwanaku, đế quốc Akkad, người Maya, Đế chế La Mã, và nhiều nền văn minh khác, đều xảy ra cùng lúc với sự thay đổi khí hậu đột ngột, mà thường là nạn hạn hán.

MÔI TRƯỜNG SUY THOÁI: Sự sụp đổ có thể xuất hiện khi nhu cầu của xã hội vượt quá khả năng chịu đựng của môi trường tương ứng. Thuyết sụp đổ về sinh thái này, vốn là chủ đề trong các quyển sách ăn khách, chỉ ra rằng tình trạng khai thác rừng quá mức, ô nhiễm nước, đất bạc màu và việc mất đi sự đa dạng sinh học là các nguyên nhân chủ chốt.

BẤT BÌNH ĐẲNG VÀ CHẾ ĐỘ QUYỀN LỰC TẬP TRUNG: Sự bất bình đẳng về tài sản và chính trị là những động lực trung tâm gây ra tình trạng xã hội tan rã, cũng như việc trung ương hoá, tập trung quyền lực vào tay một số nhà lãnh đạo. Việc này không chỉ gây ra những căng thẳng trong xã hội, mà còn trói buộc, cản trở năng lực của xã hội trong việc ứng phó với các vấn đề sinh thái, xã hội và kinh tế.Lĩnh vực lịch sử – động lực (cliedymamics) phác ra việc các yếu tố, chẳng hạn như sự liên quan giữa sự bình đẳng và vị trí địa lý với tình trạng bạo lực chính trị.Việc phân tích số liệu thống kê về các xã hội trước đây cho thấy điều này xuất hiện theo chu kỳ.Khi dân số tăng lên, nguồn lao động cũng tăng lên, dẫn tới cung vượt cầu. Khi đó, nhân công trở nên rẻ hơn và xã hội trở nên quá nặng nề ở phần thượng tầng. Sự bất bình đẳng này làm xói mòn tâm lý đoàn kết chung, từ đó dẫn tới tình trạng bất ổn chính trị.

SỰ PHỨC TẠP: Chuyên gia nghiên cứu về sự sụp đổ của các nền văn minh, sử gia Joseph Tainter đưa ra ý kiến rằng các xã hội rốt cuộc sụp đổ bởi chính sức nặng của mình, được tích tụ lại thành sự phức tạp và tình trạng quan liêu.Để giải quyết được các vấn đề mới, các xã hội đã phải phát triển lên mức độ phức tạp, tinh tế. Thế nhưng mức độ phức tạp đến một lúc nào đó sẽ đạt mức cực thịnh rồi dần đi xuống. Từ đó trở đi sẽ tới lúc sụp đổ.Có một biện pháp khác giúp tăng mức độ phức tạp, được gọi là Lợi tức Năng lượng Đầu tư (Energy Return on Investment – EROI). Thuật ngữ này được dùng để chỉ tỷ lệ giữa tổng năng lượng có được từ một nguồn tài nguyên nào đó và số năng lượng cần thiết phải sử dụng để thu được tổng năng lượng đó.Cũng giống như sự phức tạp, EROI có vẻ như cũng có điểm cực thịnh rồi đi đến thoái trào.Trong cuốn The Upside of Down của mình, khoa học gia Thomas Homer-Dixon quan sát thấy sự xuống cấp của môi trường trong suốt thời kỳ tồn tại của Đế chế La Mã đã dẫn tới sự đi xuống nhanh chóng của EROI trong nguồn cung ứng lương thực thực phẩm: các vụ mùa lúa mạch và cỏ linh lăng (alfalfa – chuyên để nuôi gia súc). Đế chế La Mã đi xuống cùng với EROI của nó.Tainter cũng cho rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ, trong đó gồm cả sự sụp đổ của nền văn minh Maya.

NHỮNG CÚ SỐC TỪ BÊN NGOÀI: Nói cách khác, đó là “tứ kỵ mã”, gồm chiến tranh, thiên tai, nạn đói và bệnh dịch.Ví dụ như Đế chế Aztec bị xoá sổ do những kẻ xâm lược Tây Ban Nha. Hầu hết các nhà nước nông nghiệp tàn lụi là do những trận dịch bệnh chết người.Việc con người và gia súc sống quần tụ trong những khu định cư có tường rào vây quanh với điều kiện vệ sinh tồi tệ khiến các trận bùng phát dịch bệnh là điều không thể tránh khỏi.Có đôi khi các thảm hoạ khác nhau xảy ra cùng lúc, như trong trường hợp người Tây Ban Nha mang bệnh đường ruột tới châu Mỹ.

NHỮNG YẾU TỐ TÌNH CỜ/XUI XẺO: Phân tích số liệu thống kê về các đế chế cho thấy sự sụp đổ xảy ra ngẫu nhiên và không liên quan gì tới thời gian đã tồn tại của đế chế.Nhà sinh học chuyên về tiến hoá và khoa học gia chuyên về phân tích dữ liệu Indre Zliobaite cùng các đồng nghiệp của bà đã quan sát thấy có mô hình tương tự trong hồ sơ tiến hoá của các loài.Có một sự giải thích chung cho sự ngẫu nhiên này, đó là “Hiệu ứng Nữ hoàng Đỏ”: nếu các loài liên tục đấu tranh sinh tồn trong một môi trường thay đổi với các đối thủ cạnh tranh, thì sự tuyệt chủng sẽ rồi sẽ đến với một số loài.

=> Tuy đã có khá nhiều các cuốn sách, các bài báo viết về chủ đề này, nhưng chúng ta vẫn không có một lời giải thích rõ ràng về lý do khiến các nền văn minh sụp đổ.

Các tìm kiếm liên quan đến thành tựu văn minh ai cập cổ đại: ảnh hưởng của tôn giáo đến văn minh ai cập, chữ viết ai cập cổ đại, tôn giáo ai cập cổ đại, nghệ thuật ai cập cổ đại, tài liệu ai cập cổ đại, văn minh lưỡng hà, nền văn minh sông nin, lựu ai cập

5/5 - (20371 bình chọn)
  • Ai Cập cổ đại
  • Tôn giáo
  • Văn minh Ai Cập

Bài viết liên quan

  • Ảnh hưởng của tôn giáo đến văn minh Ai Cập cổ đạiẢnh hưởng của tôn giáo đến văn minh Ai Cập cổ đại
  • Lập bảng thể hiện các thành tựu văn minh tiêu biểu của Ai Cập cổ đạiLập bảng thể hiện các thành tựu văn minh tiêu biểu của Ai Cập cổ đại
  • Những thành tựu về kiến trúc và điêu khắc của Ai Cập cổ đạiNhững thành tựu về kiến trúc và điêu khắc của Ai Cập cổ đại
  • Giá trị của chữ tượng hình Ai Cập cổ đạiGiá trị của chữ tượng hình Ai Cập cổ đại
  • Nguồn gốc và ý nghĩa của chữ viết Ai Cập cổ đạiNguồn gốc và ý nghĩa của chữ viết Ai Cập cổ đại
  • Quá trình lập quốc của người Ai Cập gồm mấy giai đoạn?Quá trình lập quốc của người Ai Cập gồm mấy giai đoạn?
  • Chứng minh Ai Cập là tặng phẩm của sông NinChứng minh Ai Cập là tặng phẩm của sông Nin
  • Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại đã để lại những thành tựu văn hóa tiêu biểu nào?Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại đã để lại những thành tựu văn hóa tiêu biểu nào?

Từ khóa » Tóm Tắt Nền Văn Minh Ai Cập Cổ đại