Sơ Chế Nông Sản Tại Nguồn Lợi Cả đôi đường | Thông Tin Thị Trường

Theo thống kê của cơ quan chức năng tại TP.HCM, ba chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn tiếp nhận khoảng 9.205 tấn hàng hóa nông sản và thải ra môi trường 240 tấn rác mỗi ngày đêm, trong đó ước tính lượng rác từ các hoạt động sơ chế nông sản tại chợ chiếm khoảng gần 90%. Trung bình mỗi ngày, 3 chợ trên tốn gần 67 triệu đồng (tương đương hơn 2 tỷ đồng/tháng) để xử lý hết lượng rác thải này.

Sơ chế nông sản tại nguồn - lợi cả đôi đường
Ảnh minh họa

Theo Sở Công thương TP.HCM, nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm của thành phố tăng đều hàng năm, thay vì bằng mọi cách mở rộng diện tích gieo trồng hoặc tận dụng hết năng suất của đất, việc đầu tư công nghệ sau thu hoạch và sơ chế nông sản tại nguồn sẽ giúp vừa giảm chi phí, giảm hao hụt (hiện tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch lên đến 30%), tăng thời gian bảo quản, vừa tối đa hóa lợi nhuận, lại vừa bảo vệ môi trường. Cùng với đó, thành phố cũng sẽ giải quyết được bài toán rác thải và cải thiện môi trường hoạt động ở các chợ đầu mối, từng bước tiến tới quản lý, truy xuất nguồn gốc rau củ quả.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, trong năm 2018, TP. HCM đã triển khai thực hiện chủ trương sơ chế rau củ quả đến thương nhân ở 3 chợ đầu mối của TP. HCM, đồng thời làm việc với 2 tỉnh có nguồn cung lớn cho TP.HCM là Lâm Đồng và Bến Tre. Nhờ thế, đến nay không còn thực hiện sơ chế trong nhà lồng chợ như trước đây, đồng thời lượng rác thải hữu cơ phát sinh từ hoạt động sơ chế mặt hàng rau củ quả đã giảm 10% - 60%. Dự kiến đến cuối quý 3/2019, TP.HCM sẽ không cho hàng nông sản chưa qua sơ chế nhập chợ.

Việc sơ chế tại nguồn ngoài mục đích nhằm giảm lượng rác thải đưa vào thành phố, còn có ý nghĩa bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm, làm cơ sở quan trọng để xây dựng 3 chợ đầu mối trở thành trung tâm bán buôn, xuất, nhập khẩu nông sản theo chủ trương của TP.HCM. Nông sản sau khi được nhập về 3 chợ đầu mối nói trên sẽ được phân phối trực tiếp vào các chợ bán lẻ, siêu thị, các cửa hàng, những nơi tiêu dùng khác trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành khác.

Khẳng định tính đúng đắn của cách làm này, nhiều chuyên gia về kinh tế cho rằng, việc sơ chế nông sản tại nguồn không chỉ tiết kiệm được chi phí xử lý rác, giảm thiểu tác động môi trường (do phải tiêu độc khử trùng mặt bằng chợ đầu mối thường xuyên), mà còn mang lại nhiều lợi ích do tận dụng lượng rác thải từ hoạt động sơ chế làm phân xanh cũng như tiết kiệm chi phí vận chuyển, giảm tỷ lệ hao hụt, cải thiện giá trị nông sản...

Từ khóa » Sơ Chế Nông Sản