SƠ CỨU ĐÚNG CÁCH KHI BỊ GÃY XƯƠNG

Gãy xương là tai nạn thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách có thể để lại di chứng tàn phế suốt đời, thậm chí đe dọa tính mạng của nạn nhân.Việc sơ cứu ban đầu kịp thời và đúng cách sẽ giảm được 70% biến chứng do gãy xương.

Gãy xương là tình trạng xương bị gãy do lực tác động bên ngoài từ tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông,…Gãy xương được chia thành gãy xương kín (phần da bên ngoài nơi gãy không bị tổn thương), gãy xương hở (phần da bên ngoài bị tổn thương do đầu xương gãy đâm ra) thường xảy ra ở tay, chân; gãy xương lún (hai xương va vào nhau làm xương gãy bị ép ngắn lại) thường xảy ra ở cột sống.

Dấu hiệu gãy xương là sưng, đau, bầm tím, biến dạng, mất chức năng vùng bị thương, xương nhô ra ngoài... Ngay khi phát hiện nạn nhân có dấu hiệu gãy xương, cần đưa ra khỏi vùng nguy hiểm và tiến hành sơ cứu người bị nạn.

Đối với trường hợp gãy xương tay:

Nếu gãy xương cánh tay, cần để cánh tay bị gãy sát thân mình nạn nhân, cẳng tay vuông góc với cánh tay. Tiếp theo đặt 2 nẹp, nẹp trong từ hố nách tới quá khuỷu tay, nẹp ngoài từ bả vai đến quá khớp khuỷu. Dùng 2 dây rộng bản buộc cố định nẹp ở trên và ở dưới ổ gãy. Dùng khăn tam giác đỡ cẳng tay treo trước ngực, cẳng tay vuông góc với cánh tay, bàn tay cao hơn khuỷu tay, bàn tay để ngửa. Dùng băng rộng bản băng ép cánh tay vào thân mình. Thắt nút phía trước nách bên lành.

Nếu gãy xương cẳng tay, cần để cẳng tay bị gãy sát thân mình, cẳng tay vuông góc cánh tay. Lòng bàn tay ngửa. Dùng hai nẹp, nẹp trong từ lòng bàn tay đến nếp khuỷu tay, nẹp ngoài từ đầu các ngón tay đến quá khuỷu. Dùng 3 dây rộng bản buộc cố định nẹp bàn tay, thân cẳng tay (trên, dưới ổ gãy).  Dùng khăn tam giác đỡ cẳng tay treo trước ngực.

178_so_cuu_xuong_tay.jpg

Hướng dẫn sơ cứu gãy xương tay

Nếu không thể gấp khuỷu tay được, không nên cố dùng sức để gấp khuỷu tay. Đặt nạn nhân nằm xuống và đặt tay bị thương dọc theo thân. Ðặt một miếng đệm dài vào giữa tay bị thương và thân. Buộc tay bị thương vào cơ thể bằng 3 dải băng rộng bản ở các vị trí quanh cổ tay và đùi, quanh cánh tay và ngực, quanh cẳng tay và bụng.

Đối với trường hợp gãy xương chân:

Nếu gãy xương cẳng chân, đặt nạn nhân nằm trên mặt phẳng, chân duỗi thẳng, bàn chân vuông góc với cẳng chân. Dùng hai nẹp đặt ở mặt trong và mặt ngoài chân gãy. Nẹp ngoài từ mào chậu(gờ trên cùng của xương chậu) đến quá gót chân, nẹp trong từ bẹn đến quá gót chân. Độn bông vào hai đầu nẹp và phía trong, ngoài của các đầu xương. Buộc cố định hai nẹp với nhau ở các vị trí trên và dưới vùng gãy, trên khớp gối khoảng 3 – 5cm vàbăng số 8 ở cổ chân để cố định bàn chân vuông góc với cẳng chân.Vị trí buộc cần chắc chắn nhưng không quá chặt để đảm bảo lưu thông máu.

xu-tri-gay-xuong-cang-chan.jpg

Cách sơ cứu gãy xương cẳng chân

Nếu gãy xương đùi, đặt nạn nhân nằm trên mặt phẳng, chân duỗi thẳng, bàn chân vuông góc với cẳng chân. Dùng hai nẹp đặt ở mặt trong và mặt ngoài chân gãy. Nẹp ngoài từ hố nách đến quá gót chân, nẹp trong từ bẹn đến quá gót chân. Độn bông vào hai đầu nẹp và mấu lồi của các đầu xương cả bên trong và bên ngoài. Buộc cố định hai nẹp với nhau lần lượt ở các vị trítrên và dưới ổ gãy, dưới khớp gối, ngang mào chậu,ngang ngực, băng số 8 để giữ bàn chân vuông góc với cẳng chân, 3 dây để cố định hai chân vào với nhau ở các vị trí: cổ chân, gối, sát bẹn.Lưu ý, vị trí buộc cần chắc chắn nhưng không quá chặt để đảm bảo lưu thông máu.

so_cuu_gay_chan.jpg

Cách sơ cứu gãy xương đùi

Đối với trường hợp gãy xương cột sống:

Nếu gãy xương cột sống vùng cổ, đặt nạn nhân nằm ngửa trên cáng cứng, cố định nạn nhân vào cáng tại các vị trí trán, qua hàm trên, qua ngực, qua hông, qua đùi, qua khớp gối, qua cẳng chân, hai bàn chân.Giữ thẳng đầu và dùng gối mềm chèn hai bên cổ nạn nhân.

Nếu gãy xương cột sống vùng lưng, đặt nạn nhân nằm ngửa trên cáng cứng, giữ đầu nạn nhân nằm thẳng, hai chân thẳng, bàn chân vuông góc với cẳng chân. Dùng dây cố định nạn nhân vào cáng và cố định hai chân của nạn nhân vào nhau ở các vị trí: hông, đùi, đầu gối, cẳng chân và bàn chân. Dùng gối mềm hoặc chăn chèn hai bên hông nạn nhân.

so-cuu-gay-xuong-3.jpg

Sơ cứu gãy xương cột sống

Tất cả các trường hợp gãy xương, sau khi sơ cứu cố định vùng xương bị gãy, cần nhẹ nhàng và nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Từ khóa » Sơ Cấp Cứu Gãy Xương Cẳng Tay