Sơ Cứu Ngộ độc Thực Phẩm | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương

Triệu chứng

Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm thay đổi tùy vào nguồn ô nhiễm, và tùy theo bạn có mất nước hoặc có hạ huyết áp hay không.

Nhìn chung triệu chứng thường bao gồm:

  • Tiêu chảy.
  • Buồn nôn.
  • Đau bụng.
  • Nôn ói (đôi khi).
  • Mất nước (đôi khi).

Khi bị mất nước nặng, bạn có thể cảm thấy:

  • Chóng mặt hoặc muốn xỉu, đặc biệt khi đứng dậy.
  • Tim đập nhanh.

Khả năng ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, số lượng ăn vào, tuổi tác và sức khỏe của bạn.

Nhóm có nguy cơ cao bao gồm

  • Người lớn tuổi. Khi bạn già đi, hệ thống miễn dịch không còn đáp ứng với nhiễm trùng một cách nhanh chóng và hiệu quả như khi còn trẻ.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hệ thống miễn dịch của trẻ em chưa phát triển đầy đủ.
  • Người có bệnh mạn tính. Việc mắc bệnh mạn tính, như bệnh tiểu đường hoặc AIDS hoặc đang được hóa trị hay xạ trị ung thư sẽ làm giảm đáp ứng miễn dịch của bạn.

Việc cần làm khi bạn bị ngộ độc thực phẩm

  • Gây nôn (nếu người bệnh không có biểu hiện nôn): Để hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể, biện pháp sơ cứu đầu tiên nên làm là kích thích để người bị ngộ độc nôn những thức ăn trong dạ dày ra ngoài. Có thể dùng tay đã rửa sạch đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn.
  • Nghỉ ngơi và uống nhiều chất lỏng.
  • Không sử dụng thuốc chống tiêu chảy vì thuốc có thể làm chậm việc đào thải vi khuẩn khỏi cơ thể.

Ngộ độc thực phẩm thường tự cải thiện trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, bạn hãy gọi cho bác sĩ nếu bệnh kéo dài hơn 2 hoặc 3 ngày hoặc nếu bạn đi đại tiện có máu.

Có thể bổ sung điện giải, thường dùng và dễ kiếm là oresol, để dùng oresol an toàn, cần chú ý:

- Cần đọc kĩ hướng dẫn cách dùng, liều lượng... nếu hướng dẫn pha với 200 ml thì cần pha chính xác 200 ml vì như thế sẽ đạt nồng độ thẩm thấu phù hợp, pha quá ít hay nhiều nước hơn cũng sẽ nguy hiểm, thậm chí tử vong.

- Chỉ sử dụng dung dịch đã pha trong 24 giờ, bảo quản kĩ tránh nhiễm bẩn, bởi, dung dịch có thể bị nhiễm khuẩn nếu để quá lâu và gây nguy hiểm cho người bệnh.

- Không chia nhỏ gói oresol rồi pha vì rất có thể các thành phần không đồng nhất và dễ gây nhầm lẫn thể tích khi pha.

- Không đun sôi dung dịch đã pha vì khi đó sẽ làm mất tác dụng của thuốc, bay hơi làm tăng độ thẩm thấu.

- Không pha với nước khoáng vì nước này có sẵn thành phần khoáng sẽ làm sai lệch nồng độ, nên pha oresol với nước đun sôi để nguội.

- Khi nhiều người cùng bị ngộ độc, không cho các người bệnh uống chung nước, uống chung oresol vì có thể làm tăng tình trạng của những người bị nhẹ

Gọi 115 hoặc gọi trợ giúp y tế khẩn cấp nếu

  • Bạn có các triệu chứng nghiêm trọng, ví dụ như bệnh tiến triển từ đi tiêu phân nước sang đi tiêu đầy máu trong vòng 24 giờ.
  • Bạn thuộc nhóm nguy cơ cao.
  • Bạn nghi ngờ bị ngộ độc Botulin (botulism poisoning). Ngộ độc Botulin là một loại ngộ độc thực phẩm có khả năng gây tử vong. Độc tố Botulin thường được tìm thấy trong thực phẩm đóng hộp, đặc biệt là đậu xanh và cà chua. Triệu chứng của ngộ độc thường bắt đầu từ 12 đến 36 giờ sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm, có thể bao gồm đau đầu, hoa mắt, yếu cơ và cuối cùng là liệt. Một số người còn biểu hiện buồn nôn và nôn ói, táo bón, bí tiểu, khó thở, và khô miệng. Những triệu chứng này đòi hỏi chăm sóc y tế ngay lập tức.

Xem thêm: 10 mẹo sơ cứu có thể giúp bạn khi cần thiết

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Các Biện Pháp Sơ Cứu Ngộ độc Thực Phẩm