Số Hóa Tư Liệu Hán Nôm ở Hà Tĩnh: Vấn đề Cấp Bách

Từ thành công ban đầu

Trong 2 năm 2013-2014, Bảo tàng Hà Tĩnh đã phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh tiến hành thống kê, sao chụp, đọc, lược dịch, số hóa các tài liệu ở một số huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn Hà Tĩnh.

Số hóa tư liệu Hán Nôm ở Hà Tĩnh: Vấn đề cấp bách - Ảnh 1.

Lễ hội truyền thống rước sắc phong của Vua Hàm Nghi.

Cụ thể: năm 2013, đơn vị thực hiện sưu tầm, số hóa tại 10 xã của 3 huyện Thạch Hà, Can Lộc, Lộc Hà với 64 họ, 14 di tích; tại Bảo tàng Hà Tĩnh, Thư viện tỉnh, thu được 530 đạo sắc, 49 cuốn gia phả, 825 tài liệu khác như sách thuốc, văn tế, văn cúng, địa bạ… với tổng số 11.350 trang, trong đó có 717 trang mộc bản của dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu. Năm 2014, đơn vị tiếp tục sưu tầm, số hóa tại 41 xã của 5 huyện, thành phố với 230 chi họ, 14 di tích; tại UBND xã Thạch Bình (TP Hà Tĩnh) thu được 743 đạo sắc, chế, chiếu chỉ, 268 cuốn gia phả, 149 bằng cấp, 147 tài liệu khác như sách thuốc, văn tế, văn cúng, hương ước, địa bạ, khế ước ruộng đất với tổng số 23.784 trang.

Cùng với việc số hóa, năm 2014, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh đã phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh dịch thuật một số tư liệu Hán Nôm tại Hà Tĩnh và tuyển chọn, phiên âm, dịch chú hơn 500 sắc phong. Bảo tàng cũng đã xuất bản 2 tập sách “Sắc phong Hà Tĩnh” nhằm giới thiệu với bạn đọc kho tư liệu phong phú này và thiết kế phần mềm quản lý thông tin, hiện vật, trong đó có sắc phong. Từ năm 2016, việc số hóa tư liệu Hán Nôm được giao cho Thư viện Hà Tĩnh.

Số hóa tư liệu Hán Nôm ở Hà Tĩnh: Vấn đề cấp bách - Ảnh 2.

Một trong những trang tư liệu Hán Nôm quý trong di sản Hoàng hoa sứ trình đồ của dòng họ Nguyễn Huy ở Can Lộc.

Ông Nguyễn Như Thuyết - Phó Giám đốc phụ trách Thư viện Hà Tĩnh cho biết: “Mặc dù nguồn kinh phí rất ít ỏi nhưng chúng tôi vẫn tiến hành số hóa các tư liệu Hán Nôm, trong đó, ưu tiên các trang tư liệu quý hiếm bằng giấy, khó bảo quản lâu dài như địa chí. Còn sắc phong mới số hóa được rất ít. 5 năm qua, chúng tôi đã số hóa trên 10.000 trang tài liệu. Trong tương lai, chúng tôi sẽ số hóa tất cả tư liệu của thư viện, chỉ giữ lại một số bản gốc, chuyển tài liệu số lên website nhằm giúp bạn đọc tra cứu thông tin dễ dàng”.

Những thành công ban đầu này đã mở ra hướng đi mới trong bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa vật thể của Hà Tĩnh.

Số hóa - đưa di sản Trường Lưu đến với công chúng

Năm 2015, Mộc bản Trường Lưu hay còn gọi là Mộc bản Trường học Phúc Giang đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Từ năm 2019 đến nay, các nhà khoa học tiếp tục việc số hóa, phiên âm, biên dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt, tiếng Anh và xuất bản sách để giới thiệu rộng rãi với công chúng trong, ngoài nước. Năm 2019, qua công tác thống kê, số hóa, nhóm các nhà nghiên cứu đã thống kê được số lượng mộc bản còn lưu giữ được là 377 tấm và 9 mảnh vỡ. Một số tấm mộc bản bị hư hỏng nặng.

Tại hội thảo “Nghiên cứu các giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của di sản văn hóa làng Trường Lưu”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng cho biết: “Quy trình số hóa được thực hiện qua 10 bước. Sau quá trình làm việc, chúng tôi đã hoàn thiện được 2 bộ ảnh Raw và Jpeg với mỗi bộ gồm 772 ảnh và bộ ảnh JPeg lật file ảnh, đã chia ảnh thành các bộ sách, đổi tên ảnh theo định dạng”.

Số hóa tư liệu Hán Nôm ở Hà Tĩnh: Vấn đề cấp bách - Ảnh 3.

Các nhà khoa học đang tiếp tục số hóa, phiên âm, biên dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt, tiếng Anh và xuất bản sách để giới thiệu Mộc bản Trường Lưu rộng rãi với công chúng trong, ngoài nước.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng cũng đề xuất hướng đi tiếp theo để số hóa di sản khác của Trường Lưu như: kiến trúc, nội thất nhà thờ dòng họ Nguyễn Huy và các dòng họ khác, bộ sưu tập tư liệu Hán Nôm ở nhà thờ các dòng họ và tư gia của làng Trường Lưu bao gồm sắc phong và văn bản hành chính, hoành phi, bảng gỗ, câu đối, trướng và bia đá.

Ông Nguyễn Đình Hưng cho biết: “Trong tương lai, công việc số hóa di sản tại ngôi làng này có thể tiến hành đồng bộ với nhiều loại hình tư liệu, hoặc với một loại tư liệu cụ thể. Công việc số hóa nên có sự hợp tác làm việc của nhiều bên để đảm bảo độ chính xác và an toàn. Cụ thể, chúng tôi đề xuất một ekip số hóa di sản cần có các thành phần: cán bộ địa phương, đại diện của làng Trường Lưu, người đang trực tiếp giữ gìn di sản, chuyên gia phụ trách kỹ thuật (chụp ảnh, scan 3D, viết phần mềm, quản lý Website…), chuyên gia Hán Nôm, thư ký hỗ trợ công việc nhập dữ liệu và các công việc phát sinh khác".

Theo đó, công việc cụ thể khi thực hiện có thể lựa chọn một hoặc một số đầu mục để tiến hành như: chụp ảnh 2D lại các công trình kiến trúc, hiện vật di sản; thu thập thông tin, dữ liệu về di sản; số hóa 3D. Việc làm này giúp con người có thể lưu giữ lại vĩnh viễn hình ảnh của di sản trong hoàn cảnh vật chất sẽ dần hư hỏng và biến mất. Tiếp theo là in 3D (dựa trên file số hóa 3D đã thực hiện, có thể tái tạo lại hình dạng của hiện vật ở dạng vật chất bằng các chất liệu nhựa, đồng, gỗ… nhờ vào công nghệ in 3D). Việc làm này giúp tạo ra những bản sao của hiện vật, phục vụ cho công tác trưng bày, quảng bá, nghiên cứu và cũng có thể lưu trữ song song với hiện vật thật.

Cuối cùng là phục hồi các hiện vật đã hư hỏng hoặc bị mất. Sau khi thu thập được hình ảnh 2D, 3D, video, thông tin dạng text về các di sản của làng Trường Lưu, có thể viết một phần mềm để quản lý toàn bộ dữ liệu kể trên để người quản lý cũng như người sử dụng phần mềm có thể tiện tra cứu, truy xuất thông tin khi cần thiết, phục vụ quảng bá di sản và phát triển du lịch văn hóa.

Số hóa tư liệu Hán Nôm - cần chiến lược dài hơi

Tư liệu Hán Nôm ở Hà Tĩnh là một kho tàng đồ sộ, quý giá, nằm ở các bảo tàng, thư viện, nhà thờ dòng họ, các di tích lịch sử văn hóa và trong Nhân dân. Những tư liệu này đang mai một dần cùng thời gian. Không chỉ Bảo tàng Hà Tĩnh, Thư viện Hà Tĩnh, Trung tâm Văn hóa Trường Lưu mà rất nhiều nơi ở Hà Tĩnh cũng đang cần được số hóa các tư liệu Hán Nôm phục vụ cho việc nghiên cứu, bảo tồn lâu dài các giá trị văn hóa.

Số hóa tư liệu Hán Nôm ở Hà Tĩnh: Vấn đề cấp bách - Ảnh 4.

Bảo tàng Hà Tĩnh vừa phát hiện Phát hiện sưu tập sắc phong, câu đối, bia đá có niên đại thời Lê đang lưu giữ tại tại nhà thờ họ Võ, thuộc thôn Đoài Thịnh, xã Thạch Trung (thành phố Hà Tĩnh). Ảnh: Bách Khoa

Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, ông Hồ Bách Khoa - Trưởng Ban quản lý Khu di tích Nguyễn Du cho biết: “Từ năm 2012, ban đã mày mò thực hiện việc số hóa và làm 3D với các tư liệu, hiện vật ở đây nhưng mới chỉ theo cách “nóng tay bắt lỗ tai” mà thôi. Chúng tôi mới chỉ dừng lại ở việc chụp ảnh, quét từng file tư liệu Hán Nôm liên quan đến Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Hành. Việc số hóa và làm 3D là cấp bách nhưng phải có thiết bị chuẩn, máy móc hiện đại, đội ngũ kỹ thuật giỏi và có phần mềm tích hợp một cách bài bản thì mới thành công được. Việc này là ngoài “tầm với” của chúng tôi. Vì vậy, rất mong ngành VH-TT&DL đầu tư kinh phí nhằm thực hiện số hóa, để vừa bảo tồn tốt tư liệu, vừa đưa di sản đến gần hơn với người dân”.

Đã đến lúc cần một chiến lược dài hơi và tổng thể số hóa toàn bộ các di sản phi vật thể nói chung, tư liệu Hán Nôm nói riêng nhằm phục vụ đông đảo Nhân dân và bảo tồn lâu dài vốn quý của văn hóa Hà Tĩnh.

Từ khóa » Bộ Liễu Trong Tiếng Hán