Tư Liệu Hán-nôm ở Quảng Nam, Nguồn Di Sản Văn Hóa Quý Và Những ...

Theo dòng lịch sử, các thư tịch, tư liệu viết bằng chữ Hán và chữ Nôm đã trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa quý giá của dân tộc Việt Nam và nhân loại. Đó chính là kho văn hóa thành văn to lớn và phong phú nhất của nước ta trước khi có các văn bản ghi bằng chữ La-tinh.Nhất là sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc đã được mở ra khi đất nước thoát khỏi ách đô hộ của giặc Tàu. Cũng từ thế kỷ này, chữ Hán và đặc biệt là chữ Nôm trở thành chữ viết của Việt Nam cho đến khi những ký tự La tinh xuất hiện và thay thế hoàn toàn chữ Nôm vào năm 1920. Những thông điệp qua hệ thống các di sản này vừa tạo nên sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, vừa lưu giữ và truyền tải cho muôn đời sau những giá trị văn hóa, lịch sử đậm đà bản sắc dân tộc.Tuy nhiên, nguồn tài liệu cổ xưa, hiếm quý này vốn đã bị hao hụt theo thời gian, lại chưa được chú trọng gìn giữ nên chưa thực sự phát huy giá trị trong đời sống…

Tư liệu chữ Hán cần kịp thời sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản. Ảnh: TV Tư liệu chữ Hán cần phải kịp thời sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản. Ảnh: TV

Hiện nay, di sản Hán-Nôm ở Quảng Nam còn lưu lại ở rất nhiều tài liệu và rất đa dạng về hình thức, kiểu loại như: sắc phong, chiếu chỉ, tờ lệnh các triều đại phong kiến Việt Nam phong tặng cho địa phương, gia phả các dòng họ và các danh nhân lịch sử văn hóa đã có công trong quá trình dựng nước và giữ nước. Nhiều văn bia, bài ký ghi lại dấu ấn lịch sử văn hóa của vùng miền, sự tích các nhân vật lịch sử hoặc những thông tin về các tiền nhân, các bậc tiền hiền có công khai khẩn mở đất… ngoài ra còn lưu lại rất nhiều các thể loại khác địa bạ, sách thuốc, văn cúng,…

Tại tộc Phạm ở Quế Sơn, Bảo tàng Quảng Nam đã ghi nhận và sao chụp các văn bia, các bản gia phả, đặc biệt là các sắc phong có dấu ấn lịch sử mang ý nghĩa quan trọng đối vùng đất xứ Quảng. Các tư liệu ghi nhận quá trình thành lập của dòng họ, công tích của tổ tiên. Trong số tài liệu đó, các tờ sắc lệnh quân đội đã nêu lên công trạng của người đời trước, cụ thể là ban cho ông Phạm Nhữ Tăng lãnh quân đi đánh giặc Chiêm Thành, bức Chiêm Thành lui tới đèo Cù Mông, mở ra thừa tuyên thứ 13-Thừa tuyên Quảng Nam. Tên Quảng Nam cũng có từ đây. Các vua đời sau cũng ban tặng sắc phong tri ân công đức ấy, thể hiện tinh thần cao đẹp bảo tồn cho đời sau.

Tại làng Gia Thọ, xã Tam An, huyện Phú Ninh đến nay vẫn còn lưu lại tấm bia ký, chất liệu gỗ, ghi lại lịch sử tên gọi vùng đất thông qua đó nói lên những nét đẹp văn hóa trong làng, đồng thời lưu lại các bài học về tình nghĩa cộng đồng. Bảo tàng Quảng Nam cũng đã sao chụp và phiên dịch thành tư liệu.

Cùng với đợt phát động sưu tầm các tư liệu Hán Nôm về biển đảo, Bảo tàng Quảng Nam cũng đã sưu tầm và sao chụp được một số tư liệu quý hiếm. Đó là các sắc phong của Trần Văn Thống, Lê Văn Ước, Võ Văn Tây, Trần Sài, Nguyễn Liệu,…. Những sắc phong đã thể hiện sự quan tâm của các đời vua đối với việc giữ chủ quyền biển đảo, nhắn gởi thế hệ sau lòng yêu nước, tự hào dân tộc…

Một số ít tác phẩm văn học Hán-Nôm tại Quảng Nam còn lưu lại, Bảo tàng Quảng Nam hiện lưu giữ được bản khắc in chữ Hán Chinh phụ ngâm khúc và một bản chữ Nôm Truyện Kiều. Với chất liệu giấy dó mỏng và đối mặt với thời gian, sai phương pháp gìn giữ, khi hiện vật đến tay Bảo tàng hai bản ghi chép này đang đứng trước nguy cơ hư hỏng và cần bảo quản kịp thời, đúng cách.

Những tư liệu được nhắc đến bên trên chỉ là một phần nhỏ nhoi trong kho tàng tư liệu Hán Nôm còn tiềm tàng tại địa phương. Ngoài một bộ phận rất ít mang tính văn chương, hầu hết mang tính ghi chép thực dụng, nhưng nhìn chung có thể giúp ích cho việc tìm hiểu về phương diện lịch sử văn hoá của con người và vùng đất xứ Quảng.Một lượng lớn di sản mang tính lịch sử văn hóa trọng đại, truyền tải nhiều nội dung ý nghĩa khác nhau như vậy nhưng lại đứng trước nguy cơ mai một, có khả năng mất hẳn.Có những di tích cổ có tư liệu Hán-Nôm nhưng không được giữ gìn kỹ lưỡng để mối mọt xâm hại, có khi sơn phết phục chế không đúng quy cách làm ảnh hưởng và hư hỏng.Một phần về mặt kiến thức Hán-Nôm cũng như văn tịch cổ đang ngày càng bị thiếu hụt.Hiện nay, rất ít người còn đọc được văn bản chữ Nôm nguyên tác, riêng phần chữ Hán, tuy có nhiều người biết đọc và dịch hơn nhưng cũng không phổ biến trong đời sống. Cán bộ chuyên trách về Hán-Nôm lại thiếu và yếu… Mặt khác, trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu, cũng phát hiện nhiều tài liệu Hán-Nôm bị mục nát hoặc có nguy cơ hư hại rất cao. Ngoài ra, một số dòng họ đã mang số di sản đó đi lưu giữ ở xa quê nên quá trình thu thập vẫn đã rất khó khăn. Điều đó khiến một phần quan trọng của lịch sử và văn học Việt Nam không được người dân biết đến.

Rất nhiều đình, chùa, miếu, đền và nhà thờ họ có sử dụng chữ Hán và lưu giữ nhiều đạo sắc, các loại tư liệu Hán-Nôm khác nhưng người đọc được hầu như rất ít. Phổ biến là tình trạng người người đến đền, chùa mà không hiểu ý nghĩa lịch sử cũng như nghĩa những câu chữ được khắc bằng chữ Hán. Con cháu các dòng họ có nhiều sắc phong, câu đối,… của cha ông để lại nhưng không hiểu các văn bản đó chứa đựng giá trị gì.

Nhìn chung, di sản Hán-Nôm ở Quảng Nam có thể xem là khá nhiều, đang trong tình trạng cần được khai thác và bảo tồn khẩn cấp. Từ thực tế cho thấy, cần phải đẩy nhanh công tác sưu tầm và lưu trữ tư liệu Hán Nôm, góp phần bổ sung vào kho tư liệu chung của toàn dân tộc, đồng thời có kế hoạch tiến hành khai thác, nghiên cứu và công bố tư liệu.Trước mắt, đối với Bảo tàng Quảng Nam mà nói, việc sưu tầm đã khó, việc gìn giữ và phát huy cho đúng với giá trị của tư liệu cũng là một thách thức không nhỏ. Cùng với việc phát triển của công nghệ thông tin, việc số hóa các tư liệu sẽ mang tính lâu dài và lưu giữ đầy đủ nội dung tư liệu sẽ chính là bước đi đúng đắn trong công tác gìn giữ. Ngoài ra, việc sưu tầm và bảo vệ tư liệu tại chỗ các tài liệu gốc vẫn là hết sức quan trọng. Trong quá trình sưu tầm, đa số tư liệu không thể đem về được hiện vật gốc, Bảo tàng cũng chỉ có thể đưa ra các phương pháp hướng dẫn người dân bảo quản tại chỗ. Tuy vậy, nhiều nơi vẫn không đủ điều kiện để thực hiện tốt công tác này… Để nguồn tư liệu quý này phát huy tác dụng trong đời sống, cần sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành liên quan cũng như các chương trình, dự án cụ thể nhằm bảo quản, phục hồi những tài liệu Hán-Nôm đang bị hư hỏng, mục nát, nhanh chóng số hóa các tư liệu để gìn giữ cho mai sau.

Từ khóa » Bộ Liễu Trong Tiếng Hán