Sơ Lược Về Các Hệ Thống Nhà Trong Chiêm Tinh Học - Saturn Cafe
Có thể bạn quan tâm
30/09/2017
House Systems—Alternative Methods of Calculation – Gene Collins
Để tránh lẫn lộn khái niệm Midheaven với Thiên đỉnh, bài dịch này vẫn giữ nguyên cách gọi trong văn bản gốc với 4 góc của bản đồ sao – tức AC, MC, DC, IC.
Với hầu hết các chiêm tinh gia, 12 nhà dùng để xác định những khu vực cụ thể trong đời sống được kích hoạt bởi một điểm hay hành tinh. 12 nhà cũng góp phần đáng kể vào việc diễn giải và dự đoán các sự kiện. Do đó, đỉnh nhà là những biểu tượng quan trọng cho dù chúng ta đang diễn giải những khuynh hướng hay biến chuyển trong bản đồ sao gốc, quá cảnh, tiến trình hay tịnh tiến. Bài viết này đưa vào khoảng 15 phương pháp xác định đỉnh nhà khác nhau, tức xác định nơi một nhà kết thúc và nhà khác bắt đầu.
Các hệ thống nhà thường chia không gian quanh Trái đất ra làm mười hai phần. Sáu nhà nằm trên đường chân trời, và sáu nhà còn lại nằm ở dưới. Các nhà thường bắt đầu từ phía đông đường chân trời – điểm mọc [AC]. Nhà đầu tiên bắt đầu với AC và tiếp nối bằng phần không gian dưới đường chân trời. Sáu nhà đầu tiên không thể được quan sát từ nơi sinh và trải dài từ phía đông đường chân trời đến phía tây đường chân trời – điểm lặn [DC]. Sáu nhà tiếp theo có thể được quan sát từ nơi sinh và trải dài từ phía tây sang phía đông đường chân trời. Các nhà thường được đánh số ngược chiều kim đồng hồ.
Cũng như các chòm sao và cung hoàng đạo, nhà được đo đạc tốt nhất ở đường xích đạo. Khi di chuyển về cực bắc hoặc nam từ đường xích đạo, không gian xung quanh Trái đất bị thu hẹp. Ranh giới của các nhà do đó cũng bị thu hẹp, cho đến khi chúng đạt đến vĩ độ cực ở Cực Bắc và Cực Nam. Ở nơi ấy, ngày và đêm có thể kéo dài đến sáu tháng, các nhà cùng hội tụ về một phía và trở nên vô nghĩa.
Vì đa số mọi người đều được sinh ra giữa đường xích đạo và một trong hai cực, sự biến đổi về kích cỡ của mười hai nhà phải được tính toán ở tất cả các vĩ độ. Cũng giống như chòm sao (không phải cung hoàng đạo), có những bất đồng về việc xác định những ranh giới các nhà. Trong suốt thời kì trung cổ ở châu Âu, nhiệm vụ xác định đỉnh nhà thường là công việc của các tu sĩ Công giáo La Mã. Theo lệ, mỗi hệ thống nhà sẽ được đặt tên theo người phát minh ra nó, dù là tu sĩ, chiêm tinh gia, nhà thiên văn hay nhà toán học (Campanus, Koch, Placidus, Regiomontanus).
Hệ nhà đều nhau là một trong những hệ nhà đơn giản nhất cũng như dễ tính toán nhất. AC được xác định sau MC. Mỗi đỉnh nhà đều cách 30º với đỉnh nhà trước nó; đỉnh nhà 2 bắt đầu sau 30º tính từ đỉnh nhà 1 (AC), đỉnh nhà 3 bắt đầu sau 30º tính từ đỉnh nhà 2, và cứ thế đến hết. Mỗi nhà bao gồm một quãng 30º bằng nhau. Hệ nhà đều nhau được cho là một phát minh của chiêm tinh gia Petosiris vào thế kỉ đầu tiên trước Công Nguyên. Đỉnh nhà 10 hiếm khi trùng với MC. Thường thì MC không được sử dụng thường xuyên. Khi sử dụng MC trong hệ nhà đều nhau, nó có thể rơi vào một nhà khác không phải nhà 10 và một cung khác không phải là cung của đỉnh nhà 10. Vị trí của MC là một diễn giải sẽ được thêm vào khi phân tích bản đồ sao.
Với hệ nhà Bạch Dương, một hệ nhà khác cũng rất đơn giản, xuất phát điểm của cung Bạch Dương chính là bắt đầu của nhà 1, và các nhà tiếp theo sẽ bắt đầu từ 0º của các cung tiếp theo.
Hệ nhà Mặt trời sử dụng vị trí của Mặt trời trong bản đồ sao là điểm mọc, và tương tự như hệ nhà đều nhau, mỗi đỉnh nhà sẽ cách nhau 30º; đỉnh nhà thứ hai cách 30º so với đỉnh nhà thứ nhất (tức vị trí của Mặt trời), đỉnh nhà thứ ba cách 30º so với đỉnh nhà thứ hai, và tương tự đến hết 12 nhà. Mỗi nhà bao gồm một quãng 30º bằng nhau. Bản đồ sao sử dụng hệ nhà Mặt trời được gọi là solar chart, thường được dùng khi giờ sinh không xác định.
Bài có thể cùng chủ đề: Truy tìm hệ thống nhà chuẩn xác nhấtBản đồ sao đúng ngọ (noon day chart) tương tự như bản đồ sao mặt trời (solar chart). Khi xác định được nơi sinh, nhưng không xác định được giờ sinh, bản đồ sao có thể được tính toán vào lúc 12 giờ trưa tại địa điểm đó. AC của bản đồ sao đúng ngọ có thể là AC hoặc vị trí của Mặt trời trong bản đồ sao. Trong mọi trường hợp, nếu như không xác định được giờ sinh, ta nên hết sức cẩn thận với vị trí nhà, hoặc bỏ nó sang một bên.
Trong hầu hết các dạng chiêm tinh Ấn, thứ chúng ta gọi là đỉnh nhà được tính toán rất cận trọng. Sau đó cung của đỉnh nhà sẽ được dùng như bản thân nhà đó. Những độ dư ra của cung hoàng đạo trước một đỉnh nhà sẽ được xem là một phần của nhà đó. Bất cứ hành tinh nào ngụ tại những độ dư trên đều được xem là thành phần thuộc nhà đó. Đa số chiêm tinh Ấn sử dụng vòng hoàng đạo nhiệt thiên văn thay vì vòng hoàng đạo nhiệt đới. Những hành tinh nằm trong một bản đồ sao Ấn, hay chakra, đều có vị trí thực tương đương trên bầu trời và có khoảng cách thực tế giống như khoảng cách giữa chúng trong bản đồ sao. Chiêm tinh Ấn thường không nhấn mạnh vào cảm xúc và tâm lý trong các diễn giải, thay vào đó, nó nhấn mạnh vào việc dự đoán các sự kiện, ngăn ngừa hoặc giải bỏ những sự kiện bất hảo bằng việc sử dụng thần chú, đá quý, tinh thể, và các phương pháp tâm linh tương tự.
Hệ nhà Porphyry được đặt tên theo triết gia Porphyry (234-305). Porphyry dùng những đường tròn lớn bao quanh các cực của vòng hoàng đạo để định ra những đỉnh nhà. AC chính là đỉnh nhà 1, và MC chính là đỉnh nhà 10. Đỉnh của các nhà còn lại được xác định bằng cách chia vòng cung giữa AC và MC cùng giữa AC và IC ra làm ba. Hệ nhà Porphyry được xem là một biến thể của hệ nhà đều nhau, và nó tương đối dễ tính.
Hệ nhà Campanus được phát triển bởi Johannes Campanus, sống ở thế kỉ 13. Trong hệ nhà này, các đỉnh nhà được xác định bởi phần giao nhau giữa vòng tròn lớn đi qua điểm chính bắc và chính nam của đường chân trời với tập hợp những điểm cách nhau 30º dọc theo đường prime vertical¹, bắt đầu từ thiên đỉnh (zenith) và tiến về phía đông thông qua điểm chính đông của đường chân trời.
Khoảng 100 năm sau, Johannes Muller, tức Regiomontanus, phát triển nên hệ nhà Regiomontanus. Ông dùng đường tròn đi qua điểm chính nam và chính bắc của đường chân trời. Trong hệ nhà này đỉnh nhà 1 và nhà 10 chính là AC và MC. Cung dọc theo đường xích đạo giữa AC và MC được chia làm ba. Vòng tròn 12 nhà sau đó được vẽ vuông góc với prime vertical thông qua những điểm phần ba đó. Những điểm mà vòng tròn 12 nhà cắt với đường hoàng đạo chính là đỉnh của các nhà ở giữa.
Hệ nhà Regiomontanus chính là phiên bản tính toán đơn giản hơn của hệ nhà Placidus. (Hệ nhà Placidus là hệ nhà phổ biến nhất cho đến nay.) Regiomontanus không dùng những tỉ lệ đường cung khác nhau trong việc xác định đỉnh nhà, và nó cho ra những kết quả đôi chút khác biệt so với Placidus khi dùng ở có vĩ độ cực.
Hệ nhà Morinus được đặt tên theo Jean-Baptiste Morin (1583-1656). Hệ nhà này sử dụng đường tròn lớn đi qua các cực của vòng hoàng đạo và những điểm cách nhau 30º dọc theo đường xích đạo trời, bắt đầu với điểm giao nhau của đường xích đạo trời với điểm Đông (the East Point). Các đỉnh nhà được xác định bằng điểm giao nhau giữa đường tròn lớn với vòng hoàng đạo. Thay vì AC, điểm Đông trở thành đỉnh nhà 1, và đỉnh nhà 10 không giống với MC. Các nhà cũng không có kích cỡ đều nhau. Cần phải biết giờ sinh để sử dụng hệ nhà này, và hệ nhà này không thể hoạt động ở vĩ độ cực.
Placidus de Tito (1603-1668) là người đã phát triển hệ thống nhà Placidus hay Placidian. Hệ nhà này dựa trên sự phân chia cung tròn của một điểm di động trên vòng hoàng đạo. Do đó, hệ nhà Placidus là hệ chia theo thời gian (ngược lại với hệ nhà chia theo không gian như Campanus.) AC chính là đỉnh nhà 1, và MC chính là đỉnh nhà 10. Đỉnh các nhà ở giữa được tính toán bằng cách lấy cung (arc – ví dụ như cung từ AC đến MC hay từ AC đến IC) của chúng để chia ra. Hệ nhà này rất phức tạp, và cũng không hoạt động ở vĩ độ cực.
Bài có thể cùng chủ đề: Hành tinh lấp lửngDavid Cope, một chiêm tinh gia người Úc, hay có tên khác là Zariel, đã phát triển hệ nhà Meridian vào đầu thế kỉ 20. Hệ nhà Meridian dùng cực trời Bắc và Nam để vẽ nên vòng tròn lớn. Vòng tròn này được chia thành mười hai phần đều nhau dọc theo đường xích đạo, bắt đầu từ đường kinh tuyến. Những điểm chia mười hai phần này sau đó được phóng chiếu lên vòng hoàng đạo. Thay vì AC, điểm Đông sẽ là đỉnh của nhà 1, nhưng MC vẫn là đỉnh của nhà 10. Hệ nhà này không cần đến địa điểm sinh, và nó là một trong những hệ nhà dùng được ở vĩ độ cực. Hệ Meridian cũng thường được gọi là hệ nhà xoay quanh trục (Axial Rotation), nhưng không có sự xoay vòng nào ở đây cả. Nhiều chiêm tinh gia Mỹ đã bắt đầu sử dụng hệ nhà Meridian vào cuối những năm 50, và nó đã trở thành hệ nhà phổ biến nhất cùng với trường phái chiêm tinh Uranian.
Trong những năm 1900, chiêm tinh gia người Đức Walter Koch đã phát triển nên hệ nhà Koch. Bảng tra của hệ nhà này được chuyển ngữ sang tiếng Anh vào năm 1971. Với những đỉnh nhà trên đường chân trời, cung bán-nhật [vòng cung từ AC đến MC] được chia làm ba; sau đó, những vòng độ cao (altitude circles – những vòng tròn nhỏ song song với đường chân trời) được lập nên thông qua những điểm phân chia; cuối cùng, các đỉnh nhà được xác định bởi chỗ giao nhau giữa những vòng độ cao đó với vòng hoàng đạo. Với những đỉnh dưới đường chân trời, ta sử dụng cung bán-dạ theo cách tương tự. AC là đỉnh nhà 1, MC là đỉnh nhà 10. Hệ nhà Koch không dùng được ở vĩ độ cực. Một tên gọi khác của hệ nhà này là Birthplace House.
Như đã nói từ trước rằng bài viết này sẽ đề cập đến khoảng 15 hệ thống nhà. Những hệ nhà được đề cập ở trên là những hệ nhà phổ biến nhất. Có những trường phái chiêm tinh châu Á sử dụng hệ nhà riêng của họ, và những kỹ thuật ít người biết khác, như Lunar Mansions², để phục vụ cho hệ nhà đó.
Cũng có những thứ được gọi là hệ nhà ảo. Chẳng hạn như, một bản đồ sao có thể được lập nên với một hệ nhà chính. Sau đó vị trí của Mặt trăng sẽ được dùng làm AC. Bản đồ sao như thế này được diễn giải trên mối quan hệ của nó với Mặt trăng.
1. Prime vertical là đường tròn đi qua điểm chính đông, chính tây và thiên đỉnh của một địa điểm cụ thể; đồng thời cắt mặt phẳng đường chân trời tại điểm chính đông và chính tây của nó. Nói cách khác, nếu bạn đứng thẳng, đầu ngước nhìn lên trời, hai tay dang ngang vuông góc với thân thì prime vertical chính là đường tròn trên mặt phẳng tạo bởi trục ngang tạo từ hai tay bạn và trục đứng tạo từ cơ thể bạn. 2. Lunar Masions, chỗ trú của Mặt trăng, là phương pháp rút trích ý nghĩa của Mặt trăng dựa vào vị trí của nó, một cách phổ biến là chia vòng hoàng đạo 360º ra thành 28 vị trí. Phương pháp này thường được dùng trong chiêm tinh Ấn hoặc tử vi phương Đông.
__
Tiến sĩ Gene Collins là một chiêm tinh gia và nhà trị liệu tâm lý đã qua đào tạo chuyên môn. Ông đã gắn bó và thực hành chiêm tinh trong hơn 45 năm. Luận án và nhiều tiểu luận khác của ông đã góp mặt trong nhiều tạp chí chuyên môn tâm lý học. Bên cạnh đó, ông còn là tác giả của những tựa sách chiêm tinh khác: Cosmopsychology – The Psychology of Humans as Spiritual Beings (2009), Cosmopsychology – A Holistic Approach to Natal Astrology (2011), v.v..
__
Bài dịch được trích từ tài liệu “The Astrological Houses: A Time for Every Matter Under Heaven” do tác giả đăng tải, sau này được biên tập lại và xuất hiện trong quyển Cosmopsychology: The Psychology of Humans as Spiritual Beings.
Ảnh: Ellsworth Kelly, White and Black, 1951.
Từ khóa » Hệ Thống Placidus
-
Truy Tìm Hệ Thống Nhà Chuẩn Xác Nhất - Saturn Cafe
-
[HỎI ĐÁP] PLACIDUS VS WHOLE SIGNS HOUSE HỎI - Facebook
-
Cách Nhận Diện Tiếp Điểm, Cung Nhà Và Chủ Tinh
-
Đọc Biểu đồ Ngày Sinh [Natal Chart] – ZO[diac]+[ho]ROSCOPES
-
Nhà (chiêm Tinh Học) - Wiko
-
So Sánh Hệ Thống Chọn Cung Trong Bản đồ Sao Giữa Whole Sign Và ...
-
[PDF] Sự Khác Biệt Giữa Các Trường Phái Chiêm Tinh Học
-
Vẽ Lá Số Chiêm Tinh (lập Bản đồ Sao)
-
Chiêm Tinh Học Nội Môn -25 – Ôn Lại Các Nhà
-
Thước AC Whole Signs - Ngày Trên Sa Mạc
-
Chiêm Tinh Cơ Bản - Phần 1 - SlideShare
-
Placidus Utilities Download For Windows - OnWorks
-
Cấu Tạo, Cấu Trúc Bản đồ Sao Cá Nhân - Natal Chart - Birthday Chart