Truy Tìm Hệ Thống Nhà Chuẩn Xác Nhất - Saturn Cafe

Truy tìm hệ thống nhà chuẩn xác nhất

29/09/2017

In Search of the Best House System - Alova

Tóm lược: Bài viết đánh giá và so sánh việc áp dụng các hệ thống nhà trong chiêm tinh. Ở đây miêu tả một vài đặc tính kỹ thuật của chúng. Hệ thống nhà Topocentric được ưu tiên, chủ yếu vì nó hoạt động tốt trong thực tế và có thể được sử dụng ở những vĩ độ cực.

Hãy gặp Andrey, một nhân vật có thực – một cậu bé trai sống tại thiên niên kỉ mới. Cậu sinh vào ngày 1 tháng 1 năm 2000, lúc 0 giờ 0 phút 30 giây tại Murmansk, Nga, 68° 34′ B, 33° 8′ T.

Nếu bạn dùng hệ thống nhà Placidus, bạn không thể lập được bản đồ sao gốc cho Andrey. Bạn cũng sẽ không thể lập được bản đồ sao cho ngày cưới hoặc bất kì dịp trọng đại nào của Andrey tại Murmansk. Và bạn cũng không thể lập bản đồ sao cho bất kì ai trong số 320,000 người sống tại Murmansk – hoặc Nordvik, Cộng hòa Sakha (dân số khoảng 55,000 người), Holsteinsborg, Greenland (dân số khoảng 5,222 người), hay Point Hope, Alaska (dân số khoảng 760 người). Hệ thống nhà Placidus không thể xác định được cho những vĩ độ trên 66°33′, vòng Bắc Cực.

Vì sao thế? Hệ thống Placidus xác định Thiên Đỉnh và điểm mọc, hai điểm ảo được tính toán bằng kiến thức thiên văn, là nóc của nhà 10 và nhà 1,  một cách riêng rẽ. Cung tròn giữa hai điểm này tượng trưng cho một nửa thời gian ban ngày và được gọi là cung bán-nhật. Vậy thì thời gian của cung bán-nhật, từ lúc sinh cho đến khi số độ của điểm mọc lên đến cực điểm, hay đạt đến Thiên Đỉnh, đã được xác định. Lấy một phần ba của quãng thời gian này cộng vào giờ thiên văn của thời điểm sinh, ta sẽ có đỉnh nhà 12, lấy hai phần ba của quãng thời gian này ta sẽ có đỉnh nhà 11. Tương tự, thời gian của cung bán-dạ, một nửa thời gian ban đêm từ Thiên Đế đến điểm mọc, được chia làm ba và trừ đi từ thời điểm sinh sẽ cho ra đỉnh nhà 2 và đỉnh nhà 3.

Các cung bán-nhật và bán-dạ không giống nhau ở mọi nơi trên Trái đất, mà biến thiên theo vĩ độ. Sự phụ thuộc vào vĩ độ này cho phép hệ thống nhà Placidus phân biệt những người sinh ra cùng một thời điểm nhưng tại những vị trí khác nhau.

Tuy nhiên, ở vĩ độ cực, vài độ của vòng hoàng đạo không bao giờ chạm đến đường chân trời. Do đó, không có cung bán-nhật hoặc bán-dạ để chia làm ba, và không thể dựng được một bản đồ sao với hệ thống nhà Placidus. Lấy ví dụ, tại Murmansk vào ngày sinh nhật của Andrey, lúc 10 giờ 19 phút sáng, điểm mọc là 5°11′ Nhân Mã, và phút tiếp theo 10 giờ 20 phút sáng, điểm mọc là 5°11′ Song Tử. Vào 1 giờ 52 phút chiều, điểm mọc là 24°49′ Ma Kết, và vào 1 giờ 53 phút, điểm mọc là 24°49′ Cự Giải. Những độ từ 5°12′ Song Tử đến 24°48′ Cự Giải và từ 5°12′ Nhân Mã đến 24°48′ Ma Kết không bao giờ rơi vào điểm mọc trong ngày đó, bởi vì chúng không bao giờ chạm đến đường chân trời. Nếu giả định rằng khi tất cả 360 độ của vòng hoàng đạo chạm được đến đường chân trời trong ngày hôm đó, ta sẽ xác định được đỉnh các nhà ở giữa, thì hệ thống này thất bại khi hoạt động ở vùng vĩ độ cực, bởi giả định ấy không thể xảy ra. Thêm vào đó, có những khoảnh khắc mà điểm mọc truyền thống trong chiêm tinh không hề tồn tại, và ngay đến Thiên Đỉnh cũng có thể được xác định theo hai cách khác nhau. [Chú thích: Nghiên cứu cho bài viết này sử dụng phần mềm WinStar 2.05, cho thấy điểm mọc nhảy 180 độ từ Nhân Mã đến Song Tử, và từ Ma Kết đến Cự Giải. Kepler 7.0 và Sirius 1.0 cho thấy Thiên Đỉnh thay vào đó lại chồng lên điểm mọc, như bản đồ sao được hiển thị trong bài viết An Astrological Dilemma: Polar Latitudes. Các phần mềm cho thấy vấn đề xuất hiện theo những cách khác nhau vào những thời điểm chênh lệch nhau rất ít, nhưng cho dù một người có sử dụng phần mềm nào, thì đây vẫn chắc chắn là một vấn đề quan trọng.]

Vậy thì, vì lý do nào mà hệ thống nhà Placidus lại trở nên phổ biến?

Trước hết, trong thời kì Phục hưng ở Châu Âu mà chiêm tinh trỗi dậy từ tro tàn, nhiều người không được đào tạo nghiêm ngặt về các thuật toán trong chiêm tinh. Hệ thống nhà Placidus có một đặc tính rất tiện lợi: vị trí của các đỉnh nhà vào các thời điểm và vĩ độ khác nhau có thể được liệt kê dễ dàng trong một bảng tra, và ta có thể tính toán những đỉnh nhà cần thiết bằng một phép suy đơn giản giữa những giá trị liền kề nhau trong bảng tra. Tính toán được thực hiện một cách nhanh gọn và dễ dàng, chỉ cần đến những phép tính đơn giản. Do đó nó dễ dàng cho những người có công cụ và kiến thức vừa phải để lập nên bản đồ sao.

Hệ thống nhà Placidus cũng trở nên phổ biến vì, trong việc thực hành chiêm tinh, nó thực sự hoạt động khá tốt. Diễn giải bản đồ sao đã chỉ ra điều đó.

Các hệ thống nhà Alcabitus, Campanus, Horizontal, Poli-Equatorial,Regiomontanus cũng không xác định được với những vĩ đạo trên vòng Bắc Cực. Không hệ thống nhà nào trong số trên có thể được sử dụng cho những sự kiện hoặc những người sinh ra ở vĩ độ cực. Hệ thống nhà Ánh Dương (Sunshine) tùy thuộc vào chạng vạng và hoàng hôn, vậy nên điểm mọc và điểm lặn thường không cách nhau 180°, và các nhà cũng không xác định được cho những vùng cực khi ngày ấy không có mặt trời mọc hay mặt trời lặn.

Bởi vì con người và sự kiện cũng được sinh ra ở những vùng cực giống như phần còn lại của Trái đất, không hợp lý sao nếu chúng ta mong khoa học và nghệ thuật của chiêm tinh cũng có khả năng được áp dụng toàn cầu? Và không hợp lý sao khi mong một môn khoa học có thể thâu nhận một hệ thống nhà cho tất cả các vĩ độ, thay vì phải thay đổi hệ thống đang dùng? Thực sự có một “gián đoạn” tự nhiên ở các cực. Vào những thời điểm nhất định, việc bản đồ sao có những bất đối xứng trong khu vực vĩ độ cực là chuyện bình thường, nó phản ánh sự bất đối xứng trong Tự nhiên ở những khu vực này. Nhưng ta nên có khả năng xây dựng được một bản đồ sao cho những vĩ độ cực này, những nơi có người sinh sống. Thực ra, có một lý do chính đáng để tin rằng khoa học Chiêm tinh đã được truyền lại đến Đông sang Tây từ vùng Bắc Cực, gần Cực Bắc, trước kì băng hà cuối cùng.¹

Vậy thì chúng ta có thể sử dụng hệ thống nhà nào? Hệ thống nhà đều nhau (Equal House), với mỗi nhà trải chính xác 30º, rất thông dụng, và được sử dụng rộng rãi trong chiêm tinh Ấn. Có rất nhiều biến thể của nó: một biến thể cho đỉnh nhà 1 là điểm mọc, biến thể khác cho điểm mọc rơi vào độ 0 đầu tiên của một chòm sao chính, một biến thể nữa cho đỉnh nhà 10 là Thiên Đỉnh. Hệ thống nhà đều nhau khá thân thiện và hợp lý. Tư duy con người thích những gì đối xứng. Chúng ta sử dụng phép đối xứng để đo đạc thời gian và không gian, xây dựng nhà ở, cầu đường và cả phi thuyền.

Tuy nhiên, Tự nhiên không phải lúc nào cũng đối xứng. Chu kỳ ánh sáng ban ngày từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn biến đổi từ 5½ tiếng đến gần 18½ tiếng ở Oslo, Norway, và từ 10½ tiếng đến 13½ tiếng ở Mazatlan, Mexico tại hạ chí tuyến. Trái đất chậm dần trong quỹ đạo của nó quanh Mặt trời. Một tinh thể riêng biệt có thể cộng hưởng với một tần số bất biến, nhưng một tinh thể khác với những thông số giống hệt lại có tần số cộng hưởng khác biệt chút ít (do đó, chúng ta có những đồng hồ đeo tay với độ chính xác khác nhau).

Nếu trục Trái đất không bị nghiêng, vòng hoàng đạo và đường xích đạo sẽ nằm trên cùng mặt phẳng, và chúng ta có thể dễ dàng chia hình cầu ra thành 12 phần, như một trái cam, để dựng nên 12 nhà trong chiêm tinh. Tuy nhiên, Tự nhiên đã xô lệch các cực của Trái đất tại 23.44° đến vòng hoàng đạo (vào năm 2000), và độ nghiêng có thể thay đổi chút ít. Sự xiên lệch này chính là thứ cho chúng ta các mùa, Cực quang, và nhiều hiện tượng vật lý thú vị khác.

Nó cũng đến sự mơ hồ trong chiêm tinh, bởi chúng ta có nhiều cách để chia hình cầu ra thành nhiều múi như một quả cam. Hầu hết những phương pháp này vẽ Vòng tròn Lớn trên Trái đất, chia một trong số chúng ra thành 12 phần bằng nhau, và sau đó chiếu 12 điểm ấy vào vòng hoàng đạo để định nên 12 đỉnh nhà. Tuy nhiên, luôn có những vấn đề gần vùng cực hoặc đỉnh của quả cam, hoặc đơn giản là chúng không hiệu quả trong việc thực hành chiêm tinh. Đồng thời có những vấn đề về việc làm thế nào để xác định sự trùng tụ. Vài hệ thống nhà chia đỉnh nhà bằng thời gian chứ không phải không gian. Nhiều đầu óc thông thái đã đề xuất những giải pháp đến câu đố này.

Sẽ dễ dàng nếu xem câu hỏi này là một câu hỏi chỉ về hình học. Nhưng chiêm tinh đòi hỏi cả kĩ năng chuẩn xác và trực cảm, “cái cảm giác”. Những gì chúng ta đang xây dựng mô hình không chỉ là hình học, mà còn là trải nghiệm – cảm quan, cảm tưởng và kinh nghiệm. Chúng ta cảm nhận được điều gì đó lạ kì khi mặt trời mọc. Chúng ta cảm nhận được điều gì đó khó tả khi một hành tinh ngang tầm mắt. Chúng ta biết – bằng cái biết trực cảm, không phải cái biết do giác quan – rằng những hành tinh, vào những nơi chốn đặc biệt, ở những thời điểm nhất định, biểu thị một điều quan trọng. Nghiên cứu nghiêm ngặt đã thực ra chỉ ra điều này.

Bài có thể cùng chủ đề: Sơ lược về các hệ thống nhà trong chiêm tinh học

Giải pháp tối ưu có thể sẽ khác hơn so với chúng ta mong đợi. Chúng ta không nên từ bỏ một đề xuất hoàn toàn bởi điều đó là phản-trực giác, cũng không nên chấp nhận một đề xuất chưa qua kiểm chứng. Điều quan trọng là chú ý đến các phép đo lường ẩn dưới môn nghệ thuật của chúng ta, đồng thời lưu ý đến cảm nhận của chúng ta. Một bản đồ sao tượng trưng cho bầu trời 3 chiều phóng chiếu vào một bản đồ 2 chiều. Có những hạn chế trong việc thu hẹp dữ liệu theo cách này, tuy nhiên, những chất liệu hữu ích đã được lượm lặt từ bản đồ sao trong hàng ngàn năm nay và một hệ thống nhà tốt nhất xứng đáng được truy tầm.

Thử nghiệm chính là bài kiểm tra trong khoa học. Khi ta có một giả thuyết, chúng ta đưa nó vào một thử nghiệm được thiết kế tương xứng. Trong chiêm tinh, điều này có nghĩa là dựng nên một bản đồ sao gốc với nhiều hệ thống nhà, áp dụng những nguyên tắc diễn giải cơ bản, đơn giản và được công nhận, và sau đó quyết định xem liệu kết quả thu được có chính xác và đáng tin cậy không, đối với một số lượng người lớn.

Chúng ta phải thử nghiệm một hệ thống nhà bằng cách sử dụng các nguyên tắc cho bản đồ sao gốc trước. Một hệ thống nhà có lợi ích gì khi nó có thể dùng để giải thích nhiều sự kiện trong cuộc sống của một người bằng cách áp dụng những phương pháp dự đoán cụ thể, nhưng lại không thể dựng nên một bản đồ sao gốc cho Andrey bé nhỏ? Hoặc cho hàng triệu người đã được sinh ra ở vòng Bắc Cực? Bản đồ sao gốc được thử thách bởi thời gian và có tính phổ quát, do đó nó là công cụ đo lường tốt nhất cho các hệ thống nhà. Không có nghĩa lý gì khi thử nghiệm những phương pháp dự đoán sử dụng đến hệ thống nhà khi chúng ta chưa có một hệ thống nhà mà chúng ta có thể tin tưởng. 

Không thể phủ nhận rằng điểm mọc có một ý nghĩa quan trọng trong chiêm tinh học. Điểm mọc là tính năng mạnh mẽ nhất của bầu trời vào bất cứ thời điểm nào, và vị trí cung hoàng đạo liên hệ đến dáng mạo và sự biểu hiện bề ngoài của nó trên thế giới. Một lượng phong phú các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những hành tinh gần điểm mọc có liên hệ đáng kể đến tính cách.² Việc Thiên Đỉnh rất quan trọng trong chiêm tinh, đặc biệt là đến tính cách và thành tựu xã hội của một người cũng đã được nghiên cứu và chấp nhận rộng rãi.

Không có cách nào để hệ thống nhà đều nhau đặt để cả điểm mọc và Thiên Đỉnh đồng nổi bật trong một bản đồ sao (trừ khi bản đồ sao được lập ngay đường xích đạo). Nếu như điểm mọc là đỉnh của nhà 1, thì Thiên Đỉnh không phải là đỉnh của nhà 10 và ngược lại.

Trong bất kì hệ thống nhà đều nhau nào, ít nhất có 11 trên 12 đỉnh nhà không phụ thuộc vào vĩ độ. Trong thế giới hiện nay với 130 triệu trẻ em được sinh ra mỗi năm trên bề mặt Trái đất (28% tổng diện tích bề mặt), sử dụng hệ thống nhà đều nhau đồng nghĩa với khoảng 60,000 người có cùng một bản đồ sao! Bởi vì điểm mọc cần khoảng 2 tiếng để đi qua một cung, nên trong hai tiếng ấy các đỉnh nhà sẽ nằm ở vị trí như nhau. Mỗi phần nhỏ trong một tiếng đồng hồ sẽ có một hoặc hai hành tinh thay đổi vị trí nhà, nhưng, hàng ngàn người vẫn sẽ có một bản đồ sao như nhau khi sử dụng hệ thống nhà trọn cung. Ta không cần là một chiêm tinh gia mà chỉ cần là một ông thầy bói để rút ra những diễn giải và dự báo mang ý nghĩa cá nhân khi sử dụng hệ thống nhà đều nhau. Thêm vào đó, ta phải quyết định xem liệu cực của các nhà nằm ở cực Bắc-Nam, cực của vòng hoàng đạo, hay một nơi nào khác.

Có một điều hợp lẽ chính là bản đồ sao nên dựa vào vĩ độ. Điểm mọc, một điểm nổi bật nhất trong bản đồ sao, phụ thuộc rất nhiều vào vĩ độ. Ngày và đêm có thời lượng rất khác nhau, và một lần nữa, phụ thuộc vào vĩ độ. Các nhà của bản đồ sao gần như tuân theo quy trình của một ngày: nhà 12 từ bình minh đến khoảng 8 giờ sáng, khi chúng ta thức dậy và bắt đầu một ngày mới, nhà 11 từ 8 giờ sáng đến 10 giờ sáng, khi chúng ta cùng với những người khác bắt tay vào công việc trong hy vọng đạt được mục tiêu của chúng ta, nhà 10 từ 10 giờ sáng đến giữa trưa, khi diện mạo xã hội của chúng ta (và Mặt trời) trở nên nổi bật, và tương tự với những nhà sau. Nơi vĩ độ cao với ngày rất dài hoặc rất ngắn, không phải là không hợp lý khi các đỉnh nhà bị lệch, với những nhà rất lớn và những nhà rất bé.

Tuy nhiên, dù cho có những phản đối này, tôi vẫn đã thử hệ thống nhà đều nhau với điểm mọc là đỉnh nhà 1. Tôi không mất nhiều thời gian để nhận ra nhà 10 trong trường hợp này không phải là một chỉ thị tốt về chuyên môn và tác động xã hội của một người, những vấn đề luôn liên quan đến nhà 10 trong bản đồ sao. Thiên Đỉnh thường rơi vào nhà 8, 9 hoặc 11 với hệ thống này.

Vài chiêm tinh gia tránh rắc rối của những hệ thống nhà bằng cách sử dụng hệ thống nhật tâm, trong đó Mặt trời là trung tâm của bản đồ sao thay vì Trái đất. Bản đồ sao hệ nhật tâm không những giống nhau với những người sinh cách nhau vài giờ, mà còn với những người sinh cách nhau vài ngày! Nó có thể hữu dụng trong việc xem xét những câu hỏi tầm vóc, chung chung, nhưng hệ thống nhật tâm không thể liên hệ được đến những vấn đề thế tục – thứ quan trọng nhất trong việc sử dụng chiêm tinh.

Để chiêm tinh có thể phân biệt những sự kiện khác nhau và đưa ra dự đoán, nó phải: 1) phân biệt được các đỉnh nhà dựa trên cả kinh độ và vĩ độ; và 2) phân biệt được những cung rất nhỏ. (Vấn đề này sẽ được bàn thêm vào bài viết sau)

Những hệ nhà hợp lý được đề xuất tiếp theo là Porphyry, Sripati, và hệ nhà tăng dần đều (Natural Gradation). Trong hệ nhà Porphyry, đỉnh nhà 1 là điểm mọc, và đỉnh nhà 10 là Thiên Đỉnh.  Hai trong số bốn phần tư (quadrant) sẽ lớn hơn 90º, và hai phần tư còn lại sẽ nhỏ hơn 90º. Mỗi phần tư sau đó được chia làm ba phần đều nhau để tạo thành 12 nhà, trong đó có 6 nhà lớn và 6 nhà nhỏ. Ta vẫn phải quyết định cực của các đỉnh nhà nằm ở đâu, nhưng hệ thống này khá là logic vậy nên tôi đã thử sử dụng nó trong nhiều tháng ròng. Và kết quả khá là thất vọng, nó không mang lại những diễn giải có độ chính xác cao.

Hệ thống nhà Sripati, được sử dụng bởi nhà toán học cổ đại người Ấn Sripati, giống với hệ thống nhà Porphyry ngoại trừ việc nó đặt điểm mọc ở chính giữa của nhà 1 và Thiên Đỉnh ở chính giữa của nhà 10. Ngay cả trong hệ thống nhà cổ xưa của Ấn, hệ thống nhà đều nhau, nơi bắt đầu của một nhà vẫn là đỉnh của nhà đó chứ không phải vị trí chính giữa nhà. Vậy nên hệ thống Sripati ít có tính thực tiễn hơn Porphyry.

Tiếp đó tôi đã thử hệ thống nhà tăng dần đều (Natural Gradation), một hệ thống logic hơn cả Porphyry. Một lần nữa đỉnh nhà 1 chính là điểm mọc và đỉnh nhà 10 chính là Thiên Đỉnh. Cung ở giữa được chia làm đôi, trung điểm đó chính là điểm chính giữa của nhà 11, hay còn gọi là “trục nhà 11”. Tương tự, cung giữa Thiên Đế và điểm mọc được chia đôi, và trung điểm này là điểm chính giữa của nhà 2. Hai trục này luôn vuông góc với nhau. Sau đó từ trục nhà 11, ta trừ đi một cung nhất định, tùy vào cung tổng của toàn bộ phần tư cuối cùng đó, sẽ có được đỉnh nhà 11. Lấy cung nhất định này cộng vào trục nhà 11, sẽ có được đỉnh nhà 12. Đỉnh nhà 2 và 3 cũng được xác định theo cách tương tự, chỉ có cung nhất định đó là khác nhau bởi cung tổng của toàn bộ phần tư là khác nhau.

Hệ thống này khá là trọn vẹn bởi vì kích cỡ của các nhà, mặc dù không đều nhau, đi đều từ nhỏ đến lớn, thay vì nhảy từ 3 nhà có kích cỡ này đến 3 nhà có kích cỡ khác. Hệ thống nhà tăng dần đều này phản ánh sự thay đổi tuần tự và tính bất đối xứng của Tự nhiên. Mặc dù hài lòng với diện mạo của bản đồ sao với hệ thống nhà tăng dần đều, tôi cũng lại thất vọng một lần nữa: nó không thu được những diễn giải có tính chính xác cao.

Bài có thể cùng chủ đề: Sơ lược về các hệ thống nhà trong chiêm tinh học

Bảng dưới đây tóm tắt 24 hệ thống nhà khác nhau. Lý do chính để loại bỏ một hệ thống được in hoa, màu đỏ đậm.

Hệ Nhà

Căn cứ phân chia

Nhà đều nhau

Đỉnh nhà phụ thuộc vĩ độ

Áp dụng được cho vĩ độ cực

AC=1

MC=10

Tính thực tiễn

1. Placidus 2. Alcabitus 3. Sunshine 4. Campanus 5. Regiomotanus 6. Horizontal 7. Poli-Equatorial 8. Zenith Equal 1=AC 9. Whole Sign 10. Equal Center 1=AC 11. Lavagini 12. Equal MC 10=MC 13. 1=0º 14. Solar 1=Sun 15. Solar 10=Sun 16. Moon 10=Moon 17. Morinus 18. Meridian 19. Meridian 10=MC 20. Sripati tt 10=MC 21. Porphyry 22. Natural Gradation 23. Koch 24. Topocentric

Thời gian Thời gian Thời gian Không gian Không gian Không gian Không gian Không gian Không gian Không gian Không gian Không gian Không gian Không gian Không gian Không gian Không gian Không gian Không gian Không gian Không gian Thời gian Cả hai Cả hai

x x x x x x x ~ ✓ ✓ ✓ ✓ ✓ ✓ ✓ ✓ ~ ~ ~ x x x x x

✓ ✓ ✓ ✓ ✓ ✓ ✓ x x x x x x x x x x x x ✓ ✓ ✓ ✓ ✓

X X X X X X X x/✓ x/✓ x/✓ x/✓ ✓ ✓ ✓ ✓ ✓ ✓ ✓ ✓ x/✓ x/✓ x/✓ X

✓ x ✓ ✓ ✓ x x ✓ X X X X X X X X X X X X ✓ ✓ ✓ ✓

✓ x ✓ ✓ ✓ x x X x x x ✓ x x x x ~ x x x ✓ ✓ ✓ ✓

x _ x x x x x x x x x x x x x x x x x X X x

Hoặc ảnh gốc chi tiết và dễ nhìn hơn:

Chỉ còn hai hệ thống nhà còn lại là hệ nhà Koch, được phát triển bởi một chiêm tinh gia người Đức, Tiến sĩ Walter Koch, sau khi ông bị vỡ mộng với hệ thống nhà Regiomontanus; và hệ thống nhà Topocentric, phát triển bởi Wendel Polich và Nelson Page ở Argentina vào năm 1961. Hai hệ thống này đều phụ thuộc vào cả thời gian và không gian để phân định các đỉnh nhà ở giữa (tức không phải đỉnh nhà 1, 4, 7, 10).

Trong hệ nhà Koch, ta phải tìm thời gian thiên văn khi độ của Thiên Đỉnh nằm ở điểm mọc, chia khoảng thởi gian ấy làm ba, và sau đó cộng thêm 1, 2, 4, và 5 lần khoảng thời gian này vào giờ sinh thiên văn để có được các đỉnh nhà ở giữa. Vậy nên thi thoảng nó không dùng được cho những nơi có vĩ độ cực. Tôi đã sử dụng hệ nhà Koch trong nhiều năm, và đã loại bỏ nó chỉ đơn giản vì nó không mang lại diễn giải chính xác như hệ Placidus. Việc nghiên cứu đã khiến tôi thử qua nhiều hệ nhà khác nhau. ³

Cuối cùng, tôi phát hiện ra một miêu tả thực sự về hệ nhà Topocentric, hoàn toàn tình cờ và ở một nơi tôi không hề nghĩ đến.⁴ Ở hầu hết mọi vĩ độ, Topocentric cho ra đỉnh nhà gần giống như Placidus. Việc tính toán bằng tay tốn rất nhiều thời gian bởi mỗi đỉnh nhà phải được xác định riêng lẻ ở mỗi “cực”, hoặc vĩ độ khác nhau.

Thay vì nhìn Trái đất từ bên ngoài không gian, vẽ Vòng tròn Lớn lên nó và chia nó ra theo nhiều cách như những hệ thống nhà khác, hệ nhà Topocentric nhìn lên bầu trời từ góc nhìn của một người đứng ngay tại vị trí riêng của họ. Với một địa điểm cố định trong khung tham chiếu của chúng ta, cứ 24 giờ một lần, Trái đất lại quay quanh một trục song song với cực Bắc-Nam. Khoảng thời gian này được chia thành 12 phần đều nhau, và đỉnh nhà chính là số độ trên vòng hoàng đạo đang mọc lên từ đường chân trời mỗi hai tiếng – tại những cực hoặc vĩ độ khác nhau. Cũng có một cực khác cho điểm mọc tại những địa điểm có vĩ độ cực. Đặc tính này là điều then chốt trong hệ nhà Topocentric.

Một điều quan trọng hơn nữa chính là những vị chiêm tinh gia đã khám phá ra hệ nhà này không làm điều đó bằng cách trù định về bầu trời và ngẫm nghĩ xem làm thế nào để phân chia nó. Họ phát hiện ra nó bởi thử nghiệm! Chẳng hạn như, ngài Polich đã ghi lại chính xác thời điểm – đến từng giây – của mỗi sự kiện nhỏ lẻ xảy ra mỗi ngày trong ba tuần: khi ông ta thức dậy, khi thư đến, khi có khách viếng thăm. Không một ngoại lệ nào, mỗi ca của hơn 1000 trường hợp đều xảy ra với sai số một phút tính từ thời điểm quá cảnh của điểm mọc trong bản đồ sao sự kiện. Nhiều bài kiểm tra tương tự cũng đã được tiến hành.

Trên thực tế, hệ nhà Topocentric mang đến những kết quả chuẩn xác hơn cả hệ Placidus, theo kinh nghiệm thực hành của tôi. Bản đồ sao gốc, dự đoán bằng quá cảnh, và ngay cả bản đồ sao vấn thời cũng nhún nhường trước sự đúng đắn của nó. Khi kết hợp với những cung (arc) nhỏ của vòng hoàng đạo, hệ nhà Topocentric cho ra những diễn giải đáng ngạc nhiên. Những chiêm tinh gia phát triển hệ nhà này cũng đã kiểm tra nó bằng thử nghiệm, và sự thành công trong những trải nghiệm đó chính là nhận định chủ chốt cho việc thâu nhận nó. Nó hiệu quả.

Không gì chứng minh tốt bằng thực tế. Hãy thử dùng hệ nhà Topocentric, sử dụng những quy tắc phân tích bản đồ sao gốc nền tảng, đơn giản, đã được chứng thực theo thời gian. Tránh những lý thuyết không trường tồn theo thời gian, và tránh những phương pháp dự đoán không hoạt động hiệu quả cao với bất kì hệ nhà nào khác. Kiểm tra tất cả những bản đồ sao của bạn, không chỉ một hay hai cái. Bạn sẽ đích thân thấy nó hoạt động hiệu quả như thế nào.

Một Lưu ý về Lý thuyết

Để lập nên một hệ nhà sử dụng cho tất cả vĩ độ, sử dụng điểm mọc và Thiên Đỉnh truyền thống – hai điểm được trải nghiệm thực sự là quan trọng, cần phải tách biệt những hệ nhà được phóng chiếu hoàn toàn theo không gian. Những hệ nhà chia theo thời gian, như Placidus, Koch, Alcabitus, Sunshine, và Topocentric, thường có lý thuyết phức tạp hơn, nhưng vài trong số chúng hoạt động tốt hơn nhiều so với những hệ đơn thuần là phóng chiếu.

Nếu như chúng ta giả định, rằng có một phương pháp tịnh tiến [như primary direction hay secondary direction] cho ra kết quả tốt hơn, thì chúng ta phải sử dụng một hệ nhà hợp lý với phương pháp tịnh tiến đó.⁵ Cho đến nay, vẫn chưa tìm thấy sự kết hợp nào có thể hoạt động cho tất cả các vĩ độ, và những hệ thống dự báo thực tế thường đầy hoài nghi ngay cả khi chúng được dựng lên cho những nơi có vĩ độ thấp. Hệ nhà Topocentric mang tính thực nghiệm, lý thuyết hình học của nó có phần hơi bất thường, và được dựng lên như là một kết quả của việc áp dụng một phương pháp dự đoán đầy tranh cãi, nhưng điều này không phải một lập luận để loại bỏ nó. Nhiều sự thật khoa học quan trọng đã được khám phá một cách tình cờ, khi họ đang tìm kiếm một điều gì đó khác. Trọng lực đã có mặt hàng thế kỉ trước khi có người tìm ra công thức của nó. Chúng ta dùng công thức trọng lực ngay cả khi chúng ta chưa khám phá ra cơ chế của nó. Không ai cho rằng trọng lực (có tỉ lệ 1/r2) có tỉ lệ 1/r bởi vì họ nghĩ rằng đó là cách vận hành vốn có của nó. Lý thuyết đúng là quan trọng, nhưng thực nghiệm là thứ đưa ra phán quyết cuối cùng. Những chiêm tinh gia số học của Ấn hiện giờ sử dụng hệ nhà Placidus – bởi vì nó hiệu quả [Placidus vốn không phải hệ nhà được sử dụng nhiều ở chiêm tinh Ấn]. Đây là một lập luận chặt chẽ để xem xét nghiêm túc hệ nhà Topocentric, hệ nhà có đỉnh nhà gần như giống với Placidus, và thêm vào đó, có thể sử dụng được ở những nơi có vĩ độ cực.

Danh mục tham khảo

1. Tilak, Bal Gangadhar, Orion: A Search into the Ancientness of Aryan-Vedic Culture and Arctic Home in the Vedas (cả hai đều xuất bản năm 2005 ở Delhi bởi Vijay Goel, S-16 Navin Shahdara, Delhi 110032, Ph. 91-11-2232-4833). Đây là những nghiên cứu kĩ lưỡng và trình bày tốt. Người đọc nên biết qua những chòm sao Nakshatra.

2. Gauquelin, Michel, Birth-Times: A Scientific Investigation of the Secrets of Astrology, dịch Sarah Matthews (1983, New York: Hill and Wang, ISBN 0-8090-3083-1); và nhiều tài liệu cũng như tựa sách khác của các tác giả khác nhau.

3. Holden, Ralph William: The Elements of House Division (1977, Essex, U.K.: L.N. Fowler). Đây là tài liệu đầu tiên của tôi về chủ đề này, nhưng tôi không đồng ý với sự lựa chọn của tác giả về hệ nhà đều nhau.

4. Balasundaram, B. và A.R. Raichur: Universal Table of Houses, tái bản lần 2. (1997, Chennai: Krishnamurti Publications, F21A First Floor, Spencer Plaza, 769 Anna Salai, Madras 600 002). Tài liệu này là một bài đánh giá bao quát về nhiều hệ nhà, bao gồm nhiều bình luận và hướng dẫn chi tiết trong việc tính toán mỗi hệ.

5. Makransky, Bob: Primary Directions: A Primer of Calculation (đã tuyệt bản, có thể tải từ www.dearbrutus.com/books/).

__

Lược dịch từ “In Search of the Best House System,” đăng tải lần đầu tiên tại ISAR International Astrologer, Leo 2007, với sự đồng ý của tác giả Alova.

Ảnh đại diện: Ellsworth Kelly, White, 1951.

Từ khóa » Hệ Thống Placidus